Chung sống với những không gian “dị biệt”
Chúng ta xây dựng đô thị với tốc độ nhanh nhưng một ngày giật mình nhìn lại, ta đang sống cùng với rất nhiều không gian dị biệt.
Không gian “dị biệt” là những không gian tồn tại trong đô thị nhưng khác biệt với các không gian đô thị thông thường khác về cơ cấu tổ chức không gian, hình thái, quản lý và các khía cạnh xã hội trong đó. Khái niệm không gian dị biệt (heterotopias) được nêu nên trong tác phẩm “Of Other Spaces:Utopias and Heterotopias”,1964 của Michel Foucault trong đó tác giả nhận thấy trong không gian đô thị luôn tồn tại những không gian khác biệt, từ dạng những không gian ảo (utopias) con ngươì sống với những nhân vật trong nhà hát hay tới những sự khác biệt tồn tại thực sự, được trân trọng như khu phố cổ hay muốn chối bỏ như những khu ổ chuột.
- Tính dị biệt biểu hiện trên các khía cạnh:
– Sự tồn tại của một không gian cũ trong một chức năng mới thay thế. (ví dụ như khu phố cổ được tiếp tục sử dụng để ở hoặc khai thác du lịch).
– Sự tồn tại của một hình thức kiến trúc, quy hoạch không gian, hạ tầng đô thị khác biệt với bên ngoài. (kiển trúc ổ chuột, tự xây, ngõ hẻm…khác biệt với kiến trúc các khu vực đô thị hiện đại)
– Sự tồn tại của một khu vực có hình thức tổ chức, hoặc quản lý xã hội khác với khu vực thông thường hoặc có phương thức phát triển riêng biệt mà các quy định hoặc các phương thức phát triển phổ biến của đô thị không thể áp dụng (tự quản lý, tự chia nhỏ đất, tự xây dựng).
Các không gian đô thị có thể là phổ biến, là tiên tiến trong giai đoạn này nhưng đến những giai đoạn sau lại trở thành những không gian dị bịêt do sự lạc hậu của chúng, ví dụ như những khu nhà tập thể cũ trong khu Văn Chương (Hà Nội) hiện nay.
Khái niệm về không gian “dị biệt” là khá rộng. Những giai đoạn sau các nhà lý luận như Charles Jencks (Heteropolis-1993) D.G.Shane (Recombinant Urbanism-2005)(1) đã tiếp tục nghiên cứu về các không gian này, chú trọng tới những không gian đô thị khác biệt không chỉ như những không gian ảo mà là những không gian có những cộng đồng xã hội tồn tại như một phần của các không gian dị biệt.
Bài báo này chỉ nói đến một hiện tượng, một không gian dị biệt nổi bật đang có mặt ở Hà Nội hiện nay, đó là các làng xã đô thị hóa.
Hà Nội và những khu vực dị biệt không mong muốn
Trong khi xu hướng phát triển đô thị trên thế giới đang hướng tới tính bền vững thì sự phát triển của Hà Nội lại đang ở giai đoạn tạo lập nên các không gian “dị biệt” với một quy mô khá lớn và tốc độ nhanh chưa từng thấy và chứa đầy những mầu thuẫn.
Sự phát triển của hàng chục, hàng trăm các làng xã đô thị hoá trong quá trình biến đổi khi lọt vào đô thị từ năm 1986 đến nay đã không hình thành được các khu dân cư đô thị tốt mà trở thành những khu dân cư đô thị dị dạng về cấu trúc và hình thái.
– Dị dạng về cấu trúc: Cấu trúc giao thông và hạ tầng dựa trên cấu trúc phân nhánh, phục vụ giao thông đi bộ của làng xã cũ, không phù hợp với sự họat động của đời sống đô thị hiện đại phải có sự tham gia của giao thông cơ giới dẫn đến hạ tầng xuống cấp, tắc ngẽn giao thông.
– Sự tự phát trong quá trình cơ cấu lại đất ở tạo nên sự dị dạng về không gian: Đó là sự phát triển đô thị hoàn toàn dựa trên quyền sở hữu cá thể đất ở theo cấu trúc làng nông nghiệp trước đây, các quỹ đất ở từ 30 m2 tới vài trăm m2 đều có quyền xây dựng, không được tái cơ cấu lại như những khu vực đô thị phát triển khác. Sự phân chia lại cấu trúc đất ở là tự phát, không có quy chế nào kiểm soát được phương thức, cách thức chia nhỏ đất ở. Việc chia nhỏ đất ở theo nhu cầu của cá thể là gốc tạo nên hình thái không gian phát triển hỗn độn và manh mún.
– Sự phát triển khó kiểm sóat theo phương thức tự xây tạo nên kiến trúc đô thị hỗn lọan: Các công trình kiến trúc xây dựng mới đều không dựa trên một nguyên tắc chung nào về không gian hay hình thái, mọi người đều có quyền xây dựng 100% diện tích đất, mật độ xây dựng tuỳ ý, tầng cao tuỳ ý và kiểu cách cũng tuỳ ý.
Thêm vào đó các quy định về quản lý đô thị khá mở với khu vực này, dưới 200 m2 sàn và 3 tầng là mọi người có thể tự thiết kế và chịu trách nhiệm, kể cả với quy mô lớn hơn thì cũng có rất ít những ràng buộc về quản lý đô thị được thực hiện có hiệu lực. Sự vi phạm, lấn chiếm không gian chung khi tính tự quản kém xảy ra là phổ biến.
Ta thử so sánh các làng xã đô thị hóa của Hà Nội với sự phát triển của khu vực Walled City of Kowloon của Hồng Kông được mệnh danh là “Thành phố bóng tối” (City of darknees). Khu vực này vốn là trại lính của Trung Quốc, khi chính quyền Trung quốc trao Hồng Kông cho chính quyền Anh thì khu vực này được đặt riêng ra ngoài sự phát triển chung. Từ 1947, năm những người lính đã định cư ở đây, đất được chia nhỏ cho các gia đình và sự phát triên nhà ở theo chiều cao với chiều ngang hẹp cũng mang tính rất phổ biến ở Hồng Kông bởi giá cả đất đắt đỏ. Người dân trong đây tự thu xếp việc hình thành các công trình công cộng, khu sân chơi trẻ em được đặt trên nóc nhà, các đường nối chằng chịt ở giữa các tầng. Đây nổi tiếng là nơi cư trú của những người di cư bất hợp pháp và những đối tượng tội phạm. Nó như một khu vực tự trị nhỏ mà chính quyền không can thiệp được.
Thành phố bóng tối đã tồn tại được 50 năm, cho đến khi chính quyền phá dỡ toàn bộ để thay thế bằng một công viên.
Xét về bản chất của sự phát triển thì làng xã đô thị hoá của Việt Nam hiện nay với “thành phố bóng tối” của Hồng Kông cũng không có gì khác biệt về phương thức phát triển, đều là dựa trên nèn tảng của cấu trúc không gian, hạ tầng riêng, kiểu sở hữu đất riêng, phương thức xây dựng riêng nằm ra ngòai sự kiểm soát chung của đô thị.
Không gian dị biệt ở Hà Nội chiếm tỷ lệ quá lớn
Hầu hết các đô thị đều có những không gian dị biệt nhưng ở mỗi một thành phố những hệ quả mà chúng đem lại khác nhau. Với Hà Nội hệ quả của các khu làng xã đô thị hóa phát triển thành khu đô thị “dị biệt” mang tính tiêu cực quá nặng nề.
Các khu vực làng xã đô thị hóa được lấp đầy, được hòa trộn với các dự án chia lô nhỏ trước đây thành những khu vực tự xây có mặt ở khắp mọi nơi trong nội, ngoại thành Hà Nội. Một thực tế mà chúng ta không thấy truớc là sự phân bố các làng xã hiện có là khá dày, dàn đều khắp đô thị kiểu xôi đỗ. Chính vì thế mà việc lan tỏa của chúng càng mạnh và lấn át các hình ảnh khác, bao bọc cả các khu đô thị mới như Định Công hay Đại Kim.
Nếu đem so sánh tỷ trọng của sự phát triển tự xây với các loại hình phát triển chính quy cho thấy tỷ trọng các khu vực tự xây trong nội thành Hà Nội chiếm khoảng 40-60% trong tòan bộ khu vực xây dựng. Chiếm khoảng 70% trong kiến trúc các tuyến đường phố chính.
Theo khái niệm về hình ảnh đô thị (the image of the city) của Kevinlynch thì từ khu vực, tới tuyến, nút, cạnh biên, điểm nhấn trong không gian đô thị Hà Nội đều thấy bóng dáng hình ảnh của kiến trúc tự xây. Hình ảnh kiến trúc tự xây manh mún chiếm tới khoảng 60% hình ảnh về đô thị Hà Nội. Rất nhiều người nước ngoài có chuyên môn khi đến Hà Nội đã ngỡ ngàng trước hình ảnh này và lầm tưởng Hà Nội là thành phố không có quy hoạch. Một sự lầm tưởng làm buồn lòng các kiến trúc sư có tâm huyết với Hà Nội.
Nhìn nhận như một vấn đề mang tính quy luật
Không gian dị biệt tồn tại như một quy luật của lịch sử phát triển đô thị, khi mà những cấu trúc cũ hình thành trong một bối cảnh kinh tế xã hội nhất định lại được tồn tại kéo dài trong khi bối cảnh phát triển kinh tế xã hội đã thay đổi. Không thể nhanh chóng xóa bỏ những không gian dị biệt bởi tính quá độ của chúng. Trong xu thế để trở thành “ dị biệt” chúng vẫn luôn có những vai trò nhất định đối với đời sống đô thị, chúng mang dấu ấn quy luật của mỗi thời kỳ lịch sử phát triển.
Đối với khu vực làng xã đô thị hóa ở Hà Nội, sự hình thành mang tính dị biệt cũng mang tính quy luật tất yếu:
– Làng xã đô thị hóa tồn tại trên cơ sở của làng xã truyền thống, có cấu trúc đã ổn định, có mật độ dân cư khá đông (120-150 người /ha). Điều này dẫn đến việc khó có thể xóa bỏ hòan tòan cấu trúc cũ để xây dựng lại mà chỉ có thể điều chỉnh, cải tạo, nhất là trong điều kiện kinh tế đất nước ta còn nghèo.
– Làng xã đô thị hóa có đất ở thuộc quyền sử dụng (thực chất là sở hữu) cá thể, do mật độ dân cư đông, đất ở manh mún, việc thu gom tái cơ cấu đất ở chưa có cơ chế thực hiện mà chỉ có thể tiếp tục phương thức phát triển chia nhỏ đất theo hình thái hiện có.
– Do đã lọt vào đô thị nên việc xây dựng lại nhà ở theo kiểu mới là tất yếu. và mâu thuẫn nảy sinh từ việc xây dựng nhà ở đô thị, mật độ xây dựng cao trên một cấu trúc quy hoạch và hạ tầng làng xã nông nghiệp cũ.
– Chính sách của nhà nước cho phép người dân tự xây dựng nhà ở (sau năm 1986) cũng đồng thuận với truyền thống trước đây của người dân làng xã là tự xây nhà ở của mình. Chủ nhà tự thiết kế hoặc thuê thiết kế, thuê thợ, tìm hiểu các quy định và cách lách luật, tìm hiểu cách quản lý xây dựng… Sự thành công và thất bại của công trình tùy thuộc vào từng cá nhân.
– Một hệ thống hạ tầng dù đã có sự can thiệp nhưng không làm thay đổi bản chất của hệ thống hạ tầng kiểu phân nhánh, phục vụ giao thông đi bộ trước đây. Sự biến dạng méo mó của chúng do những nhu cầu mới là điều khó tránh khỏi.
Các hệ quả khác như sự kiến trúc phát triển lộn xộn, không kiểm sóat, hình thái manh mún… tạo nên sự dị dạng của không gian, những hình thái đô thị trước 1986 chúng ta chưa hề thấy cũng đều xuất phát từ các vấn đề mang tính tất yếu trên, là hệ quả của lịch sử và các chính sách kinh tế xã hội.
Tuy nhiên điều đáng nói là chúng ta đã không nhìn nhận được tính quy luật của sự phát triển các làng xã tất yếu theo tính “ dị biệt”. Trong những giai đoạn trước 1990, nhiều nhà khoa học còn hy vọng có thể giữ lại được những làng như Nghi Tàm, Quảng Bá, Ngọc Hà như là những làng hoa trong lòng Hà Nội. Thực tế diễn ra ở một thái cực khác là chúng ta đã để mặc nó phát triển theo quy luật của quá trình đô thị hóa. Những làng hoa này đã biến mất. Rất ít sự can thiệp để lái nó sang một hướng có cấu trúc thích nghi, hòa nhập với không gian đô thị tốt hơn.
Quan điểm chung sống
Thái độ của các đô thị trên thế giới có 2 xu hướng, một là phá bỏ hòan toàn các không gian dị biệt, hai là tái hoà nhập các không gian dị biệt vào đô thị với sự đồng lòng tích cực của cộng đồng địa phương. Nếu như trường hợp “Thành phố bóng tối” của Hồng Kông được dỡ bỏ theo xu hướng thứ nhất thì trường hợp khu dân cư Christiania- Copenhagen, Đan Mạch là một ví dụ của cách thứ 2. Đây là một khu vực định cư bất hợp pháp từ trại lính cũ từ năm 1971, chính quyền thành phố dự kiến phá bỏ hoàn toàn nhưng người dân đã đấu tranh đề nghị được giữ lại. Cộng đồng dân cư đã nỗ lực tự cải thiện môi trường sống, lành mạnh hoá các vấn đề xã hội, đảm bảo các yêu cầu chung của môi trường sống đô thị.
Các làng xã đô thị hóa và dòng kiến trúc tự xây tại Hà Nội trong giai đoạn này tất yếu phải được chấp nhận như một dạng chấp nhận “chung sống với lũ”. Tuy nhiên vấn đề là không để dòng lũ nó lan tràn khắp mọi nơi mà phải khoanh vùng để dành lại những “ thị phần” hình ảnh đô thị lành mạnh. Tiến tới có thể khống chế kiểm sóat hòan tòan nó trong tương lai.
Khoanh vùng làng xã đô thị hóa và sự phát triển dị biệt
Như trên đã phân tích sự phát triển dị biệt của làng xã đô thị hóa lọt trong nội đô hiện nay nằm ở 3 vấn đề cốt lõi là: Cấu trúc không gian cũ- Sự chia nhỏ đất ở cá thể – Sự phát triển kiểu tự xây. Trong 3 nguyên nhân này có tới 2 nguyên nhân thuộc về các cơ chế xã hội, vì vậy có thể hiểu không thể hạn chế sự lan tỏa của các khu vực này nếu đơn thuần chỉ thực hiện cải tạo về mặt quy hoạch không gian.
Sự khoanh vùng các không gian phát triển dị biệt nằm ở khía cạnh khống chế được việc chia nhỏ đất ở cá thể và phát triển tự xây. Trong những khu vực trục đường mới, khu vực có cấu trúc dân cư cũ mật độ thưa cần cương quyết thực hiện theo hướng này. Việc nghiên cứu 2 hướng giải pháp tương ứng đã được thực hiện ở một số nước là việc thu gom đất ở tái cơ cấu phân lô và việc hình thành nguồn lực mới, phương thức xây dựng nhóm thay thế nguồn lực nhỏ lẻ tự xây để áp dụng trong giai đoạn tới là rất cần thiết.
Có thể sử dụng không gian xanh như một ýếu tố “khu biệt hóa” các làng xã đô thị hóa. Trong phần đề xuất của một nghiên cứu về chuyển đổi cấu trúc làng xã đô thị hóa năm 2001[2] tôi đã đề xuất mô hình “đơn vị ở có miền ranh giới là không gian mở “ áp dụng cho các làng xã đô thị hóa là mang một phần ý nghĩa của việc khu biệt hóa các khu vực phát triển dị biệt. Không gian xanh vừa tách biệt, gọn lại những hình ảnh kiến trúc tự xây tràn lan lại vừa là không gian đệm để hòan thiện cấu trúc hạ tầng cũ, cân bằng lại mật độ xây dựng…
Có thể hình dung hịên nay các khu vực tự xây đang bao bọc các khu vực có quy hoạch kiểm sóat thì ngược lại trong giai đoạn tới chúng phải là thứ yếu, nằm trong những không gian nhất định. Sự chiếm lĩnh không gian đô thị phổ biến phải là các khu vực được quy hoạch và xây dựng đồng bộ.
Không biêt đến lúc nào Hà Nội có thể phá bỏ hết các không gian “dị biệt” này, chắc chắn điều đó còn xa. Nhưng cũng không thể để Hà Nội trở thành một “làng đô thị hóa” lớn, một đô thị đầy ắp các không gian dị dạng. Ngay từ thời điểm này, vì một Hà Nội phát triển lành mạnh hơn chúng ta cần quan tâm đến các làng xã đô thị hóa hơn nữa để các không gian dị biệt cho dù tồn tại trong sự quá độ của các nhân tố xã hội, lịch sử vẫn mang lại lợi ích cho đô thị hơn là những điều bất lợi khác.
TS. Phạm Hùng Cường
Đại học Xây dựng
—
Tài liệu tham khảo:
1.David Grahame. Shane Recombinant Urbanism. Wiley- Academy, England 2005.
2. TS. Phạm Hùng Cường. Đơn vị cộng đồng và việc áp dụng mô hình cấu trúc: Đơn vị ở có ranh giới là không gian mở. Tạp chí Kiến trúc . Số 2 năm 2000.