Thiết kế đô thị – đang cần những bước đi đột phá

Thiết kế đô thị được hình thành tất yếu từ nhu cầu của cuộc sống bởi sự phát triển của đô thị luôn đi kèm với mong muốn thiết lập được các không gian đô thị hữu ích và có chất lượng cho con người. Không phải nghi ngờ sự cần thiết của nó vì mục tiêu của Thiết kế đô thị là nhằm nâng cao chất lượng không gian sống, điều đó nằm trong chính mục đích của tất cả những người làm công tác xây dựng đô thị trong mọi thời đại, kể cả khi lý luận Thiết kế đô thị chưa ra đời. Cũng như việc tạo lập môi trường sống hòa hợp với thiên nhiên là nhu cầu của con người, ông cha ta đã hiểu và thực hiện từ ngàn năm trước chứ không phải chỉ làm khi có những luận thuyết về “phát triển bền vững” hay “đô thị sinh thái”.

Xét về truyền thống, chúng ta đã có những thành quả khá rực rỡ trong việc tạo lập các không gian sống có chất lượng. Từ không gian đô thị như kinh thành Thăng Long, kinh thành Huế đến các khu vực dân cư như các làng xã truyền thống vùng Bắc Bộ với sự tổ chức chặt chẽ hòan thiện cả về cấu trúc, không gian, cảnh quan đáng để cho chúng ta học tập.

Phải thừa nhận trong giai đọan phát triển đô thị hiện đại, chất lượng không gian mà chúng ta đang xây dựng ở mức độ chưa cao, chính vì vậy mới có những câu hỏi: Thiết kế đô thị Việt Nam có hay chưa? Khi gặp khó khăn để thực hịên tốt hơn thì nghi ngờ: Thiết kế đô thị có cần hay không? Một câu hỏi mang tinh thần tự kỷ AQ rõ rệt.

Thiết kế đô thị trong quan hệ với Quy họạch không gian là quan hệ lồng ghép, không phải lúc nào cũng rạch ròi, cũng giống như quan hệ giữa Thiết kế công trình với Thiết kế nội thất. Một công trình đơn giản thì việc thiết kế kiến trúc đã bao hàm việc bố trí nội thất, nhưng với những công trình cần có chất lượng như khách sạn, nhà hàng sang trọng bắt buộc phải có Thiết kế nội thất như một phần việc riêng biệt. Một ngôi nhà bạn vẫn có thể hài lòng với sự bố trí đồ đạc hợp lý mặc dù sử dụng đồ đạc cũ, đa dạng. Với người khác lại không chỉ đòi hỏi sự hợp lý về bố trí mà còn đòi hỏi cả sự hài hòa, chất lượng thẩm mỹ cao về chất liệu, phong cách, màu sắc của đồ đạc, tiện nghi và các vật dụng khác. Điều này phản ánh về khả năng kinh tế và cả nhu cầu thưởng thức không gian sống có chất lượng của từng người.

Trong đồ án quy hoạch, phần tổ chức không gian cũng đã bao hàm công việc Thiết kế đô thị ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên để có không gian đô thị có chất lượng, Thiết kế đô thị phải được thể hiện hòan chỉnh với tất cả khía cạnh của nó. Không chỉ ở khía cạnh tổ chức không gian có thẩm mỹ mà còn cả ở các khía cạnh xã hội, khía cạnh thời gian, khía cạnh tiện nghi ở các không gian nhỏ. Như vậy có thể hiểu sự phát triển của Thiết kế đô thị đi liền với sự phát triển về văn hoá tổ chức môi trường sống của cộng đồng. Sự phát triển ồ ạt của đô thị thời gian qua với những yếu kém trong công tác quy hoạch cũng chứng tỏ chúng ta chưa có sự quan tâm nhiều đến chất lượng không gian đô thị, chưa đạt tới trình độ văn hoá cao về tổ chức môi trường sống của cộng đồng đô thị.

Thiết kế đô thị có 3 dạng sản phẩm: Các bản vẽ thiết kế – Các quy định, hướng dẫn – Các thể chế thực hiện. Các sản phẩm này không thể tách rời trong quá trình thực hiện.

Sản phẩm về thiết kế đa dạng theo tính chất của các khu vực chức năng trong đô thị, trong các cấp độ từ tổng thể đến chi tiết. Từ các đề xuất về cảnh quan tổng thể, phân vùng cảnh quan và không gian lớn đến các giải pháp về tuyến, trục cảnh quan, tổ hợp các không gian nhỏ hơn và các đề xuất liên quan đến các công trình kiến trúc như màu sắc, vật liệu, tầng cao…

Hàm lượng về nội dung Thiết kế đô thị trong mỗi một loại hình đồ án là không giống nhau. Một khu nhà ở chia lô, mức độ nghiên cứu và nội dung đề xuất Thiết kế đô thị không thể giống như nghiên cứu đề xuất Thiết kế đô thị cho một quảng trường hoặc tuyến đi bộ… Việc quan tâm đến các khía cạnh xã hội, tiện nghi trong không gian cũng khác biệt trong từng loại hình.

Các quy định, hướng dẫn trong Thiết kế đô thị khác nhau về mức độ chặt chẽ, thể chế hoá theo tính chất của từng khu vực, từng đối tượng quản lý. Với khu vực không gian mở cây xanh, công viên các quy định, hướng dẫn khác với trong trung tâm hay quảng trường, tuyến đi bộ. Sự nghiêm ngặt, chi tiết ở khu vực bảo tồn, khu du lịch sẽ phải chặt chẽ hơn nhiều so với các quy định của khu vực đô thị mới đang phát triển.

Về thể chế, Thiết kế đô thị đưa ra quy định có những điều khoản bắt buộc và những điều khoản khuyến khích thực hiện. Các thể chế đi kèm là những biện pháp cụ thể để đảm bảo cho những điều khoản bắt buộc hoặc khuyến khích đó được thực hịên. Các thể chế nghiêm khắc như phá dỡ công trình nếu vi phạm giấy phép xây dựng là điều khoản bắt buộc phải tuân theo. Các chính sách về thuế, về lệ phí xây dựng …áp dụng cho các điều khoản khuyến khích. Ví dụ như việc xây dựng nhà cao tầng ở các khu vực không khuyến khích sẽ phải chịu chi phí thuế xây dựng lớn hơn ở các khu vực khuyến khích. Người xây nhà sử dụng màu đậm có thể bị đánh thuế cao hơn so với người sử dụng màu nhạt, sáng là mầu khuyến khích sử dụng. Phong cách kiến trúc cũng có thể áp dụng tương tự.

Như vậy có thể thấy 3 sản phẩm: Thiết kế- Quy định- Thể chế thực hịên phải ra đời đồng bộ thì Thiết kế đô thị mới có ý nghĩa.

Trong giai đọan xây dựng đô thị hiện đại từ 1954 đến nay, không thể nói chúng ta không có Thiết kế đô thị nhưng những sản phẩm của Thiết kế đô thị mới chỉ được thực hiện ở một số khía cạnh tổ chức không gian trong bối cảnh lo đủ ăn đủ mặc hơn là lo đến chất lượng của không gian. Về mặt lý luận chưa nhận thức phát triển thành một chuyên ngành riêng biệt.

Nghị định 08 năm 2005 về quy hoạch của Chính phủ đã đưa phần Thiết kế đô thị vào nội dung của Quy hoạch đô thị. Thực tế cho thấy những nội dung Thiết kế đô thị trong Nghị định chưa hòan chỉnh, cả 3 nội dung của của Thiết kế đô thị là sản phẩm Thiết kế- Quy định – Thể chế đều chưa được làm rõ. Chính vì vậy dù nó đã ra đời vài năm nhưng Thiết kế đô thị vẫn chưa đi được vào cuộc sống.

Về Thiết kế, Nghị định mới chỉ đưa ra nội dung theo 2 cấp độ : Quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết, thiếu hẳn sự phân biệt theo tính chất các khu vực quy hoạch. Nếu đem các nội dung này áp dụng thiết kế đô thị cho khu công nghiệp thì quá thừa, với các khu đô thị lịch sử, tuyến phố đi bộ hay quảng trường thì còn thiếu. Các khía cạnh về tiện nghi đô thị, các hoạt động xã hội cũng không được đưa vào trong nội dung của các quy định.

Sự đánh đồng về khối lượng thực hiện giữa các loại hình còn thể hiện trong đơn giá Quy hoạch. Theo đơn giá thiết kế quy hoạch, Thiết kế đô thị chiếm 28% với mọi loại hình quy hoạch là điều rất phi lý.

Các điều khỏan hướng dẫn việc lập các điều lệ quản lý, hướng dẫn đô thị chưa đầy đủ. Đặc biệt là các thể chế bắt buộc hay khuyến khích chưa được làm rõ. Người quy hoạch dù có muốn đưa ra các quy định chặt chẽ cũng biết khó có thể được thực hiện.

Tình hình kiến trúc đô thị Việt Nam đang rất báo động, diện mạo đô thị manh mún, lộn xộn. Sự phát triển chậm chạm của công tác Thiết kế đô thị chính là một trong những nguyên nhân cơ bản. Vì vậy rất cần có những quyết tâm để tạo nên sự đột phá trong công tác phát triển Thiết kế đô thị và đưa nó vào cuộc sống.

Trong bối cảnh hiện nay, thể chế là bước đột phá quan trọng nhất để có thể đưa Thiết kế đô thị vào trong thực tế.

Vướng mắc nhất sẽ là khâu thể chế bởi những điều khoản ràng buộc việc thực thi Thiết kế đô thị sẽ được đề xuất và thực thi dưới tác động của đội ngũ quản lý và lãnh đạo các địa phương. Đó là những người thiếu chuyên môn về Thiết kế đô thị và thường không ý thức đầy đủ về yêu cầu chất lượng không gian đô thị. Các đồ án quy hoạch hiện nay đang được người ra quyết định quan tâm nhiều về mặt giao thông, sử dụng đất, lợi ích của giá trị đất hơn là các vấn đề về cảnh quan, không gian, các điểm nhìn đẹp …Trường hợp phổ biến thường gặp là trong khi các nhà thiết kế muốn dành vị trí đẹp nhất cho các không gian công cộng, quảng trường thì các nhà quản lý thường muốn dành đất đó cho các công trình thương mại và hình thức sử dụng đất chia lô nhỏ sao cho thu được tiền ngay lập tức mà ít chú ý đến những giá trị tinh thần chung của đô thị.

Ngay cả khi một phương án Thiết kế đô thị được coi là tốt nhưng không có thể chế để đảm bảo tính nghiêm ngặt khi thực thi nó thì cũng chỉ là các bức tranh đẹp mà thôi.

Để khẳng định tầm quan trọng của Thiết kế đô thị trong quá trình quy hoạch, xây dựng đô thị nên tách nội dung Thiết kế đô thị ra khỏi nội dung quy hoạch trong những trường hợp cần thiết, có kinh phí riêng. Đó là các trường hợp Thiết kế các quảng trường, tuyến đi bộ, các không gian mở, các trục đường chính của thành phố, các không gian quan trọng, điểm nhấn đô thị. Việc này có ý nghĩa đảm bảo chất lượng của các đồ án, không bị làm sơ sài khi gắn với quy hoạch như hiện nay. Đồng thời cũng làm thay đổi nhận thức của các nhà quản lý, chính quyền đô thị về một nội dung mới, rất quan trọng trong công tác xây dựng đô thị.

Các thể chế bắt buộc và thể chế khuyến khích trong Thiết kế đô thị cần được bổ sung vào các quy định quản lý xây dựng. Coi trọng các thể chế khuyến khích bởi trong quá trình quá độ thay đổi nhận thức những thể chế khuyến khích có hiệu quả hơn là các thể chế bắt buộc cứng nhắc dễ dẫn đến tiều cực và không khả thi.

Các chính sách về thể chế trong đô thị ở nước ta rất yếu kém đối với các nguồn lực cá nhân và phương thức tự xây. Đã đến lúc cần hạn chế phương thức này trong phát triển đô thị trên toàn quốc để các thể chế trong Thiết kế đô thị mới có khả năng hiện thực.

Cần hoàn chỉnh nội dung Thiết kế đô thị và các quy định, hướng dẫn.

Các đô thị cần lập Thiết kế đô thị tổng thể bổ sung cho các nội dung quy hoạch trước đây chưa đầy đủ. Việc phân vùng cảnh quan, không gian theo khu vực, các trục cảnh quan, các điểm nhấn quan trọng , các không gian công cộng quan trọng cần được xác định trong Thiết kế đô thị tổng thể. Việc mô tả về hình thái không gian, các định nghĩa về sự thống nhất, phạm vi và nội dung bảo vệ tính thống nhất của hình thái không gian tổng thể phải được làm rõ. Các khu vực quan trọng là các khu vực trung tâm, tuyến phố chính. Các khu vực cần có đánh giá kỹ lưỡng là các khu vực có các chức năng hỗn hợp đan xen và những khu vực nguồn lực cá nhân là chủ yếu như các làng xã đô thị hoá. Cần làm rõ những điều khoản bắt buộc và những điều khoản khuyến khích, các điều khỏan không quá chặt chẽ khó khả thi hoặc quá lỏng dẫn đến không có tác dụng kiểm soát.

Đây là khâu rất quan trọng để có thể khống chế được các quyết định mang tính chủ quan của các nhà lãnh đạo khi phê duyệt các dự án chi tiết.

Các quy định về Thiết kế đô thị trong các dự án chi tiết cần được phân biệt theo loại hình (khu dân cư, khu trung tâm, không gian mở, công viên, tuyến phố…) với các yêu cầu khác nhau. Không thể có một nội dung Thiết kế đô thị chuẩn cho mọi loại hình chức năng.

Vẫn còn có những băn khoăn về tính trạng yếu kém của đội ngũ tư vấn thiết kế quy hoạch, kiến trúc tham gia Thiết kế đô thị. Nhưng đây là khâu có thể khắc phục nhanh chóng qua công tác thi tuyển phương án và đào tạo. Sự cọ sát trên thực tế và nguyên tắc “có cầu sẽ có cung” tất yếu sẽ đẩy nhanh chất lượng của các đồ án Thiết kế đô thị và trình độ của đội ngũ tư vấn.

Sự phát triển lộn xộn của đô thị Việt Nam, sự ýếu kém trong kiến trúc đô thị giai đọan vừa qua không phải chỉ do nguyên nhân của sự phát triển chưa đầy đủ của công tác Thiết kế đô thị, còn có nhiều khía cạnh khác nữa tác động đến diện mạo của đô thị mà cần phải giảm thiểu tác động tiêu cực của nó.

Tác động xấu trực tiếp nhất là phương thức tự xây, xây dựng nhà ở đơn lẻ vẫn còn tồn tại khá phổ biến là nguồn gốc trực tiếp tác động đến không gian và kiến trúc đô thị. Các làng xã đô thị hóa phát triển tự phát, các đường phố có nhà ở xây dựng riêng lẻ 2 bên đường theo phương thức “tự xây” không phải là môi trường tốt để có thể triển khai Thiết kế đô thị.

Tác động xấu nữa đó là hệ quả phát triển của đô thị giai đoạn trước và hiện nay đang để lại cho diện mạo yếu kém của kiến trúc đô thị, kế tiếp là các đồ án đã phê duyệt với chất lượng thấp. Nhiều thị trấn, thị xã đã phủ kín quy hoạch ở những khu vực mở rộng nhưng chất lượng không gian thấp đáng báo động với kiểu quy hoạch chia lô tràn lan.
Nếu tiếp tục xây dựng theo những quy hoạch này thì chúng ta sẽ phải trả giá khá đắt cho một giai đoạn phát triển nóng.

Như vậy có thể nói, rất cần có một Nghị định riêng về Thiết kế đô thị, trong giai đoạn này càng có ý nghĩa lớn. Điều này cũng thể hiện rõ sức mạnh của chế độ chính trị trong chính sách phát triển đô thị có kiểm soát. Đã đến lúc coi trọng chất lượng của việc phát triển, không chạy theo khối lượng. Thiết kế đô thị được phát huy đầy đủ sẽ là công cụ rất hữu hiệu để không gian các đô thị Việt Nam đẹp hơn, môi trường sống tốt hơn trong những giai đoạn tới.

TS. Phạm Hùng Cường

Đại học Xây dựng