Giải quyết tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện: VLXD hay chất thải?

Một trong những giải pháp để giải quyết lượng phát thải tro, xỉ, thạch cao từ các nhà máy nhiệt điện than đó là Quyết định 452/QĐ-TTg ngày 12.4.2017của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất và trong các công trình xây dựng. Tuy vậy, do chưa có bộ quy chuẩn chung nên đến nay vẫn gặp nhiều khó khăn.

Vật liệu xây dựng làm từ tro, xỉ

Tồn đọng nhiều triệu tấn

Hiện cả nước có 26 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành với tổng công suất khoảng 13.810MW, tiêu thụ khoảng 47,8 triệu tấn than/năm. Lượng tro xỉ, thạch cao thải ra hàng năm hơn 16,4 triệu tấn, trong đó chủ yếu tập trung tại khu vực miền Bắc (chiếm 60%), miền Trung (chiếm 21%) và miền Nam (chiếm 19%). Dự kiến, năm 2020 sẽ có thêm 15 dự án nhiệt điện than đưa vào hoạt động; nâng tổng số nhà máy điện than hoạt động năm 2020 là 31 nhà máy, năm 2025 là 47 nhà máy và năm 2030 là 64 nhà máy, theo đó lượng tro, xỉ sẽ rất lớn…

Vụ trưởng Vụ Khoa học – Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng Vũ Ngọc Anh cho biết: Mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành đã có chủ trương sử dụng tro xỉ để sản xuất xi măng, vật liệu không nung và phối liệu với các nguyên liệu khác sử dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng, song do nhiều vướng mắc nên hầu hết lượng tro xỉ không được sử dụng cho mục đích này. Vì vậy, lượng tồn đọng tro, xỉ, thạch cao tại các bãi của cả nước hiện rất lớn. Tính đến cuối năm 2017 lượng tro xỉ, thạch cao khử lưu huỳnh (FGD)  tồn chứa trên cả nước khoảng 40 triệu tấn. Dự  kiến, nếu các nhà máy nhiệt điện được đầu tư theo quy hoạch và lượng tro, xỉ thải không được xử lý thì đến năm đến năm 2020 là 109 triệu tấn, đến năm 2030 là 422 triệu tấn. Đây sẽ là những thách thức lớn cho đất nước vì phải sử dụng diện tích đất khổng lồ để làm bãi chứa và nhiều áp lực môi trường khác, và nguy cơ các nhà máy phải dừng sản xuất do không đủ bãi chứa là một thực tế.

Quy chuẩn phải bảo đảm môi trường

Để tăng cường sử dụng tro xỉ làm vật liệu xây dựng thì việc sử dụng tro, xỉ làm vật liệu san lấp và làm đường là hướng giải quyết trọng tâm trong giai đoạn hiện nay.
Tại buổi làm việc giữa lãnh đạo các Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, những năm gần đây, việc sử dụng tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện than trong sản xuất vật liệu xây dựng, phụ gia phối trộn đã được chú trọng. Đặc biệt, từ khi Quyết định 452/QĐ-TTg ngày 12.4.2017 phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất trong các công

trình xây dựng, được xem là hướng mở vừa giải quyết bài toán tồn đọng lượng tro, xỉ phát thải từ các nhà máy nhiệt điện than, giảm tác động ô nhiễm ra môi trường, vừa đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng, đất san nền đang khan hiếm hiện nay… Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện còn nhiều vướng mắc, gây khó khăn cho các nhà máy nhiệt điện than, các doanh nghiệp (DN) sản xuất vật liệu xây dựng từ tro xỉ và ảnh hưởng xấu tới môi trường…

Theo Phó vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng Nguyễn Quang Hiệp, nếu xử lý tốt tro, xỉ, hàng năm có thể tiết kiệm hàng chục triệu tấn khoáng sản, hàng trăm hecta diện tích làm bãi chứa, quan trọng hơn là xử lý cơ bản ô nhiễm môi trường chất thải rắn từ nhà máy nhiện điện than, bảo đảm phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất dẫn đến tình trạng lượng tro xỉ vẫn “ đắp chiếu” chưa thể xử lý, chưa thể tiến hành san lấp nền là do vẫn bị coi là “chất thải”. Cụ thể, quy định tại Thông tư số 36/2015/TT- BTNMT ngày 30.6.2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại và được quản lý theo các quy định tại Nghị định số 38/2015/ NĐ-CP ngày 24.4.2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu: QCVN 07: 2009/BTNMT về ngưỡng chất thải nguy hại… Chính những quy định này đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong vấn đề tiêu thụ, đây cũng là điều gây nhiều nghi ngại và khó khăn trong việc vận chuyển, tiêu thụ tro xỉ vốn lâu nay được coi là nguyên liệu đầu vào của ngành vật liệu xây dựng.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho rằng, với tình trạng khan hiếm cát xây dựng và san lấp, việc sử dụng một loại vật liệu thay thế đang là vấn đề cấp bách hiện nay. Việc sử dụng tro, xỉ để thay thế cát trong san lấp giải quyết được cả hai vấn đề: Về vật liệu thay thế và vấn đề về môi trường. Mặt khác trên thế giới, tro, xỉ được coi là vật liệu xây dựng, là một loại tài nguyên và được sử dụng rộng rãi làm vật liệu xây dựng. Do đó, để giải bài toán này, cần giải quyết triệt để, nhất là về chính sách pháp luật để có thể sử dụng tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện như một loại vật liệu xây dựng thông thường. Cần xác định rõ, lượng tro xỉ khi ra khỏi nhà máy phải bảo đảm yếu tố về môi trường, nhưng sau khi ra khỏi nhà máy thì có cần tiến hành quan trắc không hay chỉ cần theo quy chuẩn của Bộ Xây dựng? Khi lưu thông trên đường thì được coi là chất thải bình thường hay vật liệu xây dựng? Nếu coi là chất thải bình thường thì rất khó để giải bài toán này.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng, Bộ Xây dựng cần sớm ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn hợp quy về sử dụng tro, xỉ, thạch cao thu hồi từ các nhà máy nhiệt điện… làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng. Bộ quy chuẩn này không chỉ tính đến yếu tố kỹ thuật, bảo đảm về công nghệ hiện đại, mà còn phải tính đến yếu tố về môi trường. Vì sản phẩm tro, xỉ khi đã rời nhà máy, đã được “xóa sao”, trở thành vật liệu xây dựng thông thường thì có nghĩa phải bảo đảm các tiêu chí về môi trường.

Theo daibieunhandan.vn