Làng đô thị tại Việt Nam

Tại Việt Nam, trong quá trình đô thị hóa có một hiện tượng, hiện chưa nhận thức rõ, đó là “Làng trong đô thị” hay “Làng đô thị”. Khi phát triển, mở rộng đô thị, một số điểm dân cư nông thôn xưa, nay nằm trong phạm vi đô thị. Trong các đồ án quy hoạch, những khu dân cư này không di dời và thường kèm theo quyết định “Giữ lại cải tạo chỉnh trang theo quy hoạch”, song không rõ, cải tạo chỉnh trang như thế nào. Các nhà đầu tư chỉ tập trung xây dựng tại các khu đất trống và các làng đô thị này dần bị bỏ lại phía sau trong quá trình đô thị hóa, trở thành nơi tích tụ nhiều vấn đề về xã hội.

Hiện tượng “Làng trong đô thị” hay “Làng đô thị” phổ biến trong cả nước.

Làng đô thị tại Việt Nam khác với Làng đô thị tại các quốc gia phát triển. Trong các quốc gia này, Làng đô thị được coi là một mô hình có quan điểm, lý luận để hiểu và thực hiện. Tại Việt Nam, đó lại là một khoảng trống không nhỏ về cả khái niệm và lý luận.

Bài viết dưới đây chia sẻ một số nhận thức về vấn đề này.

Làng đô thị tại các quốc gia phát triển

Thuật ngữ Làng đô thị có ở khắp nơi. Song do quá trình đô thị hóa diễn ra không đồng đều giữa các quốc gia, vì  vậy khái niệm về Làng đô thị cũng khác nhau.

Tại các quốc gia thuộc nhóm nước phát triển với quá trình công nghiệp hòa, đô thị hóa đã diễn ra hàng trăm năm, Làng đô thị (urban village) là một khu vực phát triển đô thị được đặc trưng bởi: Nhà ở có mật độ xây dựng trung bình, phân vùng sử dụng hỗn hợp, giao thông cộng cộng tốt, chú trọng vào việc đi bộ và không gian công cộng.

Khái niệm Làng đô thị chính thức ra đời ở Anh vào cuối những năm 1980, sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia và được cả cơ quan chính quyền cũng như các nhà đầu tư sử dụng như một định hướng cho nhiều dự án. Đây là mô hình bổ sung cho những quan niệm thống trị quy hoạch và kiến trúc đô thị những năm 1950 – 1960, gắn với việc quá coi trọng các khu phố truyền thống và vai trò của nội thành. Đây cũng là mô hình được cho là có khả năng giải quyết được căn bệnh xã hội đặc trưng cho chủ nghĩa đô thị hiện đại, như đường cao tốc, đường sắt trên cao, các khu nhà cao tầng và việc mở rộng đô thị một cách tràn lan (Urban sprawl).

Mô hình Làng đô thị diễn ra thuận lợi tại quốc gia phát triển, bởi họ dần giảm các ngành công nghiệp độc hại (do chuyển đến các quốc gia thuộc nhóm nước đang phát triển) và sự xuất hiện nền kinh tế dịch vụ (Service economy). Điều này cho phép trong mô hình Làng đô thị hình thành các khu chức năng sử dụng hỗn hợp giữa ở và làm việc mà không gây bất lợi cho cư dân.

Mô hình Làng đô thị được xem là một giải pháp bổ sung cho các mô hình phát triển đô thị tại nhiều thành phố, đặc biệt là nâng cấp và mở rộng đô thị. Các làng đô thị này được xây dựng với mục đích:

– Giảm sự phụ thuộc vào xe hơi và thúc đẩy sử dụng xe đạp, đi bộ với quy mô phù hợp bán kính có thể đi bộ được;

– Mức độ tự chủ cao, tích hợp được các chức năng ở, làm việc và tái tạo trong cùng một khu vực;

– Tạo điều kiện cho các tổ chức cộng đồng phát triển mạnh mẽ và tương tác với nhau.

Trào lưu phát triển Làng đô thị được cho là ảnh hưởng bởi trào lưu Thành phố vườn (Garden city movement) của Ebenezer Howard (người Anh, 29/1/1850- 1/5/1928), là cộng đồng dân cư khép kín, gồm các khu nhà ở, công nghiệp và nông nghiệp, được bao quanh bởi vành đai xanh.

Song nhiều chuyên gia đô thị lại cho rằng, đây không phải khái niệm mới, mà đơn giản chỉ là sự phục hồi lại các ý tưởng đã phổ biến trong quy hoạch đô thị từ trước và phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội gắn với sự xuất hiện của nền kinh tế dịch vụ và gia tăng tầng lớp trung lưu.

Mô hình làng đô thị tại Anh có nhiều điểm tương đồng với trào lưu của Chủ nghĩa đô thị mới (New Urbanism) tại Mỹ, là một trào lưu thiết kế đô thị nhằm thúc đẩy thói quen thân thiện với môi trường bằng cách tạo ra các khu phố có thể đi bộ, chứa nhiều loại công việc và nhà ở. Trào lưu này phát sinh cũng vào đầu những năm 1980 như mô hình Làng đô thị và có ảnh hưởng đến phát triển bất động sản, quy hoạch đô thị và chiến lược sử dụng đất của các thành phố.

Một khu dân cư theo trào lưu Chủ nghĩa Đô thị mới – Phố chợ tại Celebration, Florida, Mỹ.

Các vấn đề của Làng đô thị tại Việt Nam

Tại Việt Nam, làng xã là một đơn vị dân cư cơ sở của xã hội, nơi lưu giữ truyền thống tự do sáng tạo và đức tin mạnh mẽ của người Việt, là cội nguồn của sức mạnh nội sinh để dân tộc Việt có thể tiếp thu hoặc phản kháng các yếu tố ngoại nhập. Đây là nơi sản sinh ra vô vàn triết lý, như “Trống làng nào làng ấy đánh, Thánh (thành hoàng) làng nào làng ấy thờ”; “Phép vua thua lệ làng”…và tập hợp thành hệ tư tưởng làng xã, tồn tại và chi phối đời sống nông thôn Việt Nam cả ngàn năm nay. Người dân trong làng làm nghề nông nghiệp và thủ công. Quy mô dân số khoảng vài ngàn (2000 – 8000 người).

Làng đô thị tại Việt Nam là ngôi làng nông thôn tồn tại bên trong phạm vi thành phố trong quá trình đô thị hóa. Số lượng Làng đô thị Việt Nam không hề nhỏ, đặc biệt là tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Trong đô thị, mối quan hệ giữa Khu đô thị mới và Làng đô thị là mối quan hệ cộng sinh.

Đánh giá vấn đề Làng đô thị không hề dễ dàng. Trước hết cần hiểu rõ đô thị được quy hoạch và quản lý theo nguyên tắc nào. Từ đó mới rõ sự tồn tại của Làng đô thị có xung đột với nguyên tắc đó hay không và xã hội mới có thể rút ra được bài học và giải pháp: Phá bỏ hay tái sinh Làng đô thị?

Phần viết dưới đây trình bày đô thị và Làng đô thị dựa theo Nguyên tắc của Chủ nghĩa đô thị thông minh (Principles of intelligent urbanism – PIU ), là một lý thuyết về quy hoạch đô thị đang được chú ý hiện nay, bao gồm một bộ 10 nguyên tắc, nhằm hướng dẫn quy hoạch và thiết kế đô thị trên cơ sở tích hợp nội dung quản lý và quy hoạch đô thị. Nguyên tắc này được đề xuất bởi Christopher Charles Benninger (giáo sư, kiến ​​trúc sư và nhà quy hoạch người Mỹ gốc Ấn Độ, 23/11/1942). Chủ nghĩa đô thị thông minh coi quy hoạch đô thị, không chỉ là một quy hoạch mang tính vật lý, mà còn là một quy hoạch kinh tế và quy hoạch xã hội.

1) Cân bằng với tự nhiên

Trong quá trình đô thị hóa, cân bằng với tự nhiên nhấn mạnh cân bằng sinh thái đô thị, gắn với việc sử dụng và khai thác tài nguyên. Cân bằng này tập trung vào các ngưỡng bị vượt qua bởi nạn phá rừng, xói mòn đất, cạn kiệt tầng nước ngầm, phù sa và lũ lụt. Trong đô thị, việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên thường vượt xa khả năng tự phục hồi của hệ sinh thái tự nhiên. Vì vậy, việc đánh giá môi trường để xác định khu vực có hệ sinh thái bị phá vỡ, khu vực có môi trường sống bị đe dọa luôn được đặt lên hàng đầu. Từ đây hình thành các giải pháp về bảo tồn tự nhiên, kiểm soát mật độ xây dựng, chức năng sử dụng đất, hình thành các không gian mở (cây xanh, mặt nước) và thúc đẩy các giải pháp tái tạo tài nguyên (năng lượng tái tạo, tái sử dụng nước, chất thải…).

Làng xưa kia là một khu dân cư nông nghiệp, xung quanh là vườn, ruộng, mặt nước ao, sông. Trong làng, diện tích không gian mở chiếm tỷ lệ lớn. Môi trường sống của con người cân bằng với tự nhiên và hòa làm một với tự nhiên.

Làng đô thị nay không còn hệ sinh thái thực vật, động vật và môi trường tự nhiên xung quanh, do dành đất cho mục đích xây dựng. Lẽ ra, Làng đô thị phải là một dạng không gian mở cho đô thị, song tại đây do không được kiểm soát, không gian mở bị luôn thu hẹp lại, tiềm ẩn ô nhiễm đe dọa môi trường sống. Nguồn ô nhiễm này lan truyền ra các Khu đô thị mới xung quanh. Đây có thể coi là điểm yếu nhất của mô hình Làng đô thị Việt Nam.

Làng Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội; Mảnh vườn trồng hoa còn sót lại.

2) Cân bằng với truyền thống

Trong quá trình đô thị hóa, cân bằng với truyền thống có thể coi là sự cân bằng giữa sự tiếp nhận theo chiều rộng của văn hóa mới (văn hóa công nghiệp, dịch vụ, liên kết) và sự kết tinh theo chiều sâu của văn hóa truyền thống (văn hóa nông nghiệp). Cân bằng với truyền thống nhấn mạnh việc tích hợp giải pháp quy hoạch với tài sản văn hóa hiện có, tôn trọng di tích lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán và phong cách kiến trúc địa phương. Các yếu tố mới về không gian đô thị và kiến trúc được thực hiện gắn với việc khai thác tối đa các kiến thức bản địa; biểu tượng văn hóa và xã hội; cách thức thich nghi với điều kiện khí hậu, hoàn cảnh xã hội, vật liệu và công nghệ truyền thống; cách thức tiếp thu các phong cách kiến trúc, trang trí và họa tiết truyền đạt các giá trị văn hóa truyền thống. Tại đây, các di tích lịch sử, di sản trở thành các điểm nhấn thị giác.

Làng xưa là nơi tôn trọng, tích tụ truyền thống văn hóa và lưu truyền từ đời này sang đời khác. Các dấu hiệu và biểu tượng của truyền thống văn hóa gắn với đức tin, điều kiện tự nhiên, hoàn cảnh xã hội, vật liệu và công nghệ sẵn có, được thể hiện qua yếu tố nghệ thuật vật thể như cổng làng, giếng làng, đình, đền, chùa, chợ, nhà ở, họa tiết trang trí; và yếu tố nghệ thuật phi vật thể như lệ làng, hương ước, tín ngưỡng, lễ hội, hát, trò chơi….

Làng đô thị nay, dù nằm trong ranh giới đô thị, song vẫn mang đậm truyền thống nông thôn. Các hộ dân trong làng vẫn còn lưu giữ được các bản sắc văn hóa nhất định của hộ gia đình nông nghiệp. Nếu gìn giữ được văn hóa truyền thống, Làng đô thị sẽ trở thành một điểm tựa, kết nối với văn hóa hiện đại  được hình thành trong các Khu đô thị mới xung quanh và tạo nên sự cân bằng với truyền thống trong toàn đô thị. Làng đô thị là nơi có một số đông cư dân từ nơi khác đến, dễ dẫn đến các yếu tố văn hóa truyền thống của làng xưa bị lãng quên và dần lụi tàn. Nếu không lưu giữ được yếu tố văn hóa truyền thống, Làng đô thị chỉ còn là một khu vực phát triển chất lượng thấp trong đô thị.  

3) Công nghệ phù hợp

Trong quá trình đô thị hóa, công nghệ phù hợp nhấn mạnh việc sử dụng vật liệu xây dựng, kỹ thuật xây dựng, hệ thống cơ sở hạ tầng và quản lý dự án phù hợp với bối cảnh địa phương. Năng lực của người dân, điều kiện khí hậu, nguồn lực sẵn có và nguồn vốn đầu tư là tiền đề để lựa chọn một công nghệ phù hợp cho việc thực hiện quy hoạch. Nơi nào có nhiều thợ thủ công, phương pháp sử dụng nhiều lao động là thích hợp. Trong thời đại hội nhập, nhiều công nghệ, vật liệu với tiềm năng tạo giá trị gia tăng cao xuất hiện. Để đạt hiệu quả, các công nghệ mới, vật liệu mới cũng phải được tiếp nhận.

Làng xưa được hình thành gắn với công nghệ xây dựng phù hợp và thống nhất trong toàn làng, theo thời gian hình thành nên các yếu tố mang tính bản địa của kiến trúc mỗi làng.

Làng đô thị nay tiếp thu mọi loại công nghệ theo nhu cầu của mọi loại chủ sở hữu. Công nghệ nào cũng được, miễn xây dựng nhanh chóng, lấp đầy các khoảng trống để tận dụng các cơ hội cho nhu cầu sinh tồn với chi phí thấp nhất và nhanh nhất. Từ đây tạo ra một khu vực trăm hoa đua nở hay hỗn độn về kiểu cách xây dựng.

4) Tương tác xã hội

Trong quá trình đô thị hóa, tương tác xã hội nhấn mạnh việc hình thành các khu vực công cộng với nhiều cấp khác nhau phù hợp với mức tương tác cá nhân, bạn bè, hộ gia đình, cộng đồng và xã hội. Tại đây có nhiều loại không gian công cộng như quảng trường, sân thể thao, địa điểm trình diễn, đường dạo…, là nơi ai cũng có thể tiếp cận tự do bởi không có rào cản về vật thể hay kinh tế và xã hội. Các không gian công cộng này thúc đẩy hoạt động tương tác, gắn kết xã hội và cung cấp cho cư dân đô thị nhiều cơ hội (ngoài mạng xã hội) để họ gặp gỡ, giao tiếp với nhau, hình thành nên những cộng đồng với những nhóm người cùng sở thích, chia sẻ các công việc xã hội và hành vi văn hóa. Rộng hơn, tương tác xã hội là cơ hội cho công dân trong đô thị hiểu xã hội và tham gia các quyền lực xã hội, khởi nguồn cho việc hình thành các tầng lớp tinh hoa mới trong xã hội.

Làng xưa là nơi rất coi trọng tương tác xã hội. Tất cả các thành viên trong làng được kết nối với nhau trong một cộng đồng gia tộc, dòng họ, nghề nghiệp, tín ngưỡng, làng xóm, thông qua các địa điểm như đình, chùa làng, lễ hội… Các không gian cộng đồng trong làng được quản lý bởi cộng đồng, nơi mà người dân nhận diện ra nhau, chia sẻ các tài nguyên văn hóa chung, thể hiện niềm tin vào cái chung, sự tự do và sáng tạo của mỗi cá nhân trong cộng đồng.

Làng đô thị nay giảm sút yếu tố tương tác xã hội. Trong làng không ai biết ai. Mọi quan hệ xã hội được giải quyết theo cái lý, thiếu sự trân trọng, đoàn kết và tình thương yêu như văn hóa xưa. Mặc dù nằm trong đô thị, song trong Làng đô thị thiếu hẳn các không gian công cộng như trong các Khu đô thị mới.

5) Hiệu quả

Trong quá trình đô thị hóa, hiệu quả nhấn mạnh đến việc thúc đẩy sự cân bằng giữa tiêu thụ tài nguyên, sử dụng nhân lực, thời gian, tài chính với các thành tựu đáp ứng nhu cầu cơ bản và nhu cầu cấp cao của con người. Theo thuyết nhu cầu Maslow (Maslow’s hierarchy of needs), đó là 5 bậc nhu cầu về: Sinh tồn; An toàn; Cộng đồng; Vị thế và Cống hiến. Hiệu quả thể hiện cụ thể qua việc: Sử dụng tối ưu đất công cộng, dịch vụ, sản xuất và mạng lưới cơ sở hạ tầng; Giảm chi phí cho mỗi hộ gia đình, đồng thời tăng thu nhập, năng suất lao động, học vấn và năng lực công dân; Tổ chức giao thông vận tải gắn với việc thúc đẩy giao thông công cộng; Hình thành các khu định cư hỗn hợp giữa ở và làm việc, có quy mô phù hợp với đi bộ bên cạnh các khu vực đô thị tập trung quy mô lớn với mật độ dân cư cao…

Làng xưa được hình thành và tồn tại nhờ tạo ra hiệu quả xã hội cho từng cư dân của làng. Hương ước của làng luôn khuyến khích chia sẻ nhân lực, tài nguyên, cơ sở vật chất và tài chính và điều hòa các mối quan hệ xã hội, nhằm không có ai bị bỏ lại phía sau và thúc đẩy vị thế của từng hộ dân trong làng, vị thế của làng trước thiên hạ.

Làng đô thị nay được hình thành nhằm đáp ứng hiệu quả trước hết trong lĩnh vực bất động sản. Các hộ gia đình cũ trong làng, nhờ giá trị đất tăng, chia nhỏ lô đất ở để bán và thu được kinh phí cho việc cải tạo nâng cấp nhà cũ và củng cố nghề nghiệp. Những người nơi khác đến đây cũng nhận thấy Làng đô thị là một địa điểm có thể mua được đất rẻ để xây dựng nhà hơn hẳn việc mua các chung cư hiện đại trong các Khu đô thị mới với giá thành qúa cao so với khả năng chi trả. Vì vậy, hầu hết làng đô thị có dân cư đông đúc. Mật độ xây dựng của một số làng có thể đến hơn 70%. Làng như một mê cung với các dãy nhà liên kế, san sát nhau, cao 2- 5 tầng bám theo các ngõ hẹp 2- 3m, hầu như chỉ cho xe máy, xe đạp đi lại, phía trên là.những mớ dây điện, thông tin liên lạc vắt ngang. Trong nhiều trường hợp, ngõ làng chật hẹp tối và ẩm quanh năm, phải dùng đèn chiếu sáng cả vào ban ngày, ngăn cản cứu trợ trong trường hợp khẩn cấp. Khe hở giữa các tòa nhà chưa đầy rác thải, nơi sinh sản của chuột.

6) Quy mô của con người

Trong quá trình đô thị hóa, quy mô của con người nhấn mạnh đến việc phát triển đô thị trên mặt đất, có thể đị bộ được và các giải pháp định hướng không gian dựa trên các biện pháp nhân trắc học, gắn với việc tìm hiểu những quy luật phát triển hình thái và thể lực con người. Trong đô thị khuyến khích loại bỏ hàng rào nhân tạo và thúc đẩy tiếp xúc trực tiếp; cung cấp các nơi thân thiện, lối đi dành cho người đi bộ và các khu vực công cộng, nơi mà mọi người có thể gặp gỡ tự do. Các không gian này có thể là công viên, vườn hoa, khu trưng bày, sân trong, quán cà phê, lối đi dạo.

Làng xưa luôn gắn với con người, từ cả ngôi nhà đến từng chi tiết kiến trúc, từ công trình nhà ở đến cổng làng, ngôi đình, chùa. Trong làng không có hàng rào nhân tạo nào ngăn cản con người giao tiếp với nhau. Không gian của làng trải rộng trên mặt đất gắn với tầm nhìn rộng mở của con người. Tất cả đều được xây dựng phù hợp với kích thước của con người.

Làng đô thị nay nổi bật bởi các ngôi nhà ống bám sát đường, kín cổng, cao tường và đua tranh vươn lên theo chiều cao. Trong các ngõ hẹp không còn tầm nhìn rộng mở cho con người, như đẩy con người vào tình trạng biệt lập so với xung quanh. Mọi người chỉ còn hướng vào ngôi nhà riêng của họ. Các ngôi đình, đền xưa nằm chen sát cạnh các lô nhà và không còn một khoảng trống. Con người trong các ngõ hẹp không còn cảm nhận sự thường trực của màu xanh cây cối, màu xanh của bầu trời. Tất cả chỉ còn lại là màu của vật liệu xây dựng trên bề mặt của mỗi ngôi nhà. Trong một môi trường chật hẹp và tù túng như vậy, khó có thể hình thành và nuôi dưỡng được các hành vi tốt đẹp của con người để hướng tới sự khoan dung, yêu thương và hòa bình.

7) Ma trận cơ hội

Thành phố là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế. Đây là nơi kết tụ và thu hút con người đến để tăng cường kiến thức, kỹ năng và mức tự chủ của họ một cách hiệu quả. Thành phố là phương tiện cho cá nhân, xã hội phát triển, thông qua việc tiếp cận các tổ chức, dịch vụ, cơ sở hạ tầng và cung cấp nhiều cơ hội lập nghiệp, giáo dục và giải trí. Ma trận cơ hội nhấn mạnh đền việc thúc đẩy khả năng tiếp cận nơi ở, chăm sóc sức khỏe, tăng điều kiện an toàn và vệ sinh và phát triển nguồn nhân lực. Ma trận cơ hội cũng khác biệt với nhiều tầng lớp người: Người lao động giản đơn, người lao động có tay nghề cao, các chuyên gia, tầng lớp trung lưu và doanh nhân giàu có. Gắn với đó là nhu cầu về mức thu nhập, nhà ở, cống hiến…

Làng xưa là không gian với những cơ hội mà ai cũng có thể hình dung và ai cũng có thể tham gia.

Làng đô thị không thể bằng Khu đô thị mới về một số cơ hội, song tại đây có thể tìm thấy từ cơ hội thuê nhà, mua nhà giá rẻ đến việc khởi sự kinh doanh các việc nhỏ gắn với các tuyến ngõ dịch vụ, phù hợp cho những cư dân mới đến thành phố sinh sống. Đây là điểm mạnh của mô hình Làng đô thị. Song đây cũng là ma trận của rủi ro với các vấn đề không thể kiểm soát như tình trạng ô nhiễm, quá tải về dân cư, tệ nạn xã hội, đói nghèo, sức khỏe kém, suy dinh dưỡng, thiếu hiểu biết, kỹ năng thấp, mất an toàn và thiếu công bằng. Trong Làng đô thị có cả các yếu tố ma trận cơ hội và ma trận rủi ro.

8) Hội nhập khu vực

Đô thị luôn là một phần hữu cơ của một hệ thống địa lý, kinh tế xã hội và văn hóa địa lý lớn hơn, cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của nó. Trong quá trình đô thị hóa, hội nhập nhấn mạnh đến sự liên kết bên trong đô thị và với bên ngoài đô thị. Hội nhập các khu chứ năng bên trong đô thị để tạo thành một thực thể thống nhất, thông qua kết nối về các điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội và điều kiện vật lý hay môi trường sinh thái, tự nhiên, như hành lang xanh, lưu vực tiêu nước, cao độ địa hình, tuyến phòng thủ an ninh, khoảng cách cách ly với cơ sở gây ô nhiễm như sản xuất công nghiệp, logistics, xử lý chất thải…Hội nhập đô thị với bên ngoài để tạo thành một mạng lưới đô thị, trong đó mỗi đô thị đều là một điểm nút của các dòng chảy kinh tế (Hàng hóa và nhân lực; Công nghệ và tài chính; Văn hóa và tri thức), thông qua các kết nối của các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ.

Làng xưa luôn là một phần hữu cơ của một hệ thống địa lý, kinh tế xã hội và văn hóa địa lý lớn hơn, cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của nó. Làng xã luôn gắn bó hay hội nhập với các làng xã khác trong một huyện, một tỉnh và quốc gia.

Làng đô thị hội nhập với các khu vực khác của đô thị thông qua việc kết nối dòng người di chuyển giữa nơi làm việc, mua sắm, chăm sóc sức khỏe, giải trí…Việc hội nhập hay kết nối này có nhiều mức độ rất khác nhau, từ gắn bó hoàn toàn với Khu đô thị mới đến trở thành một khu vực bị bỏ lại phía sau trong đô thị, chờ đến thời điểm thuận lợi để phá bỏ.

9) Cân bằng giao thông

Trong quá trình đô thị hóa, cân bằng giao thông nhấn mạnh đến việc hình thành hệ thống giao thông tích hợp và cân bằng giữa phương thức đi bộ, xe đạp, xe máy, ô tô, xe bus, tàu điện; cân bằng thông qua việc phân chia các tuyến hàng lang vận chuyển hàng hóa và các tuyến không có xe cơ giới tiếp cận các cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội đô thị.

Làng xưa có hệ thống giao thông chủ yếu là đi bộ và xe thô sơ với các tuyến đường có mặt cắt hẹp.

Làng đô thị là nơi tự phát cải tạo hệ thống giao thông xưa cho phù hợp với nhu cầu hiện đại. Tại đây không có khái niệm về các tuyến hành lang cho vận chuyển hàng hóa hay cho người đi bộ.

10) Chính thể

Trong quá trình đô thị hóa, vấn đề chính thể nhấn mạnh đến việc quy hoạch và quản trị đô thị gắn với trách nhiệm, minh bạch, khả năng giải trình và có sự tham gia của xã hội. Quy hoạch và quản trị đô thị được hình thành trên hệ thống cơ sở dữ liệu, quyền lợi chính đáng, trách nhiệm và nghĩa vụ công dân. Quản trị đô thị hoạt động hiệu quả khi có một khung thể chế (Institutional Framework), được vận hành dựa trên bản quy chế hay quy định kiểm soát phát triển (Development Control Regulations). Bản quy chế này như một công cụ pháp lý để hướng dẫn sự tăng trưởng, phát triển và nâng cao vị thế đô thị, ví dụ như hướng dẫn làm thể nào để đất đai được khai thác và tiếp cận; cung cấp cho chủ sở hữu, nhà đầu tư thông tin để họ hình thành các kịch bản trong tương lai. Nhà đầu tư và các bên liên quan phải được tuyên truyền để thực sự hiểu bản quy chế và cùng tham gia thực hiện. Quy chế phát triển đô thị cũng giúp cho cơ quan quản lý địa phương chuyên nghiệp hơn trong việc quản lý, phục vụ và tạo điều kiện cho phát triển đô thị. Ngoài ra, trong quá trình đô thị hóa, phải hình thành được hệ thống tham gia của các bên liên quan, thông qua các cuộc họp công khai, các phiên điều trần và các quy trình minh bạch để giải quyết các bất đồng. Trong thời hiện đại, quy hoạch và quản trị đô thị là một trong những biểu hiện nổi bật nhất của văn minh.

Làng xưa có tổ chức làng, thường bao gồm: Hội đồng ra quyết định (hội đồng hương chính); Người chủ tọa (xã trưởng); Người chấp hành (lý trưởng) và Người phụ trách trị an (tuần đinh). Tổ chức làng điều hành hoạt động của làng theo phép vua và lệ làng. Lệ làng là một hệ thống quản trị địa phương trong tất cả các lĩnh vực và quản trị thiên về hướng mở để ai cũng hiểu, có trách nhiệm và quyền lợi thực hiện. Đây cũng là một trong cội nguồn sức mạnh đoàn kết của người Việt.

Làng đô thị nay trong nhiều trường hợp rơi vào cảnh: Lệ làng thì không còn, song quy chế quản lý đô thị lại chưa tới. Việc quản trị đô thị không chuyên nghiệp. Các nhà kinh doanh bất động sản lớn, nhỏ đến đây cùng mô hình “chia lô, bán nền” với mối quan tâm duy nhất là: tìm kiếm đất, xây dựng, bán nhà, kiếm lợi nhuận và tiếp tục. Tại đây thiếu những chế tài yêu cầu các sản phẩm hình thành trong quá trình đầu tư là an toàn, hợp vệ sinh, trật tự và mang lại cả hiệu quả cho xã hội.

Phá bỏ hoặc tái sinh Làng đô thị

Làng đô thị, một mặt cung cấp cơ hội sinh tồn cho những cư dân nghèo đến từ các vùng nông thôn. Mặt khác, đây cũng là nơi sản sinh các vấn đề xã hội như ô nhiễm môi trường và tội phạm. Các ngôi làng đô thị dần trở thành một khu vực khác biệt với khu vực đô thị mới xung quanh, từ kết cấu hạ tầng đến không gian kiến trúc.

Từ đây có thể phân thành hai loại: Làng đô thị hy vọng (hoàn toàn có thể tái phát triển) và Làng đô thị tuyệt vọng (cần phá hủy).

Nhằm tối đa hóa giá trị đất đai và cải thiện hình ảnh hiện đại của thành phố, việc phá bỏ di dời Làng đô thị dần trở thành mối quan tâm của chính quyền và các nhà đầu tư có tiềm năng. Song điều này sẽ không đơn giản bởi nhiều hộ dân không muốn di dời mảnh đất mà tổ tiên của họ để lại.

Bức ảnh về một làng đô thị tại thành phố Quảng Đông Trung Quốc, gắn với tiêu đề: Sự sụp đổ và nơi ẩn náu cuối cùng của người di cư.

Có thể hình thành một cách tiếp cận khác là tái phát triển, bảo tồn một tỷ lệ nhất định các làng đô thị, nhằm phát triển bất động sản cung cấp nhà ở giá rẻ trong thành phố và là một nơi lan truyền các yếu tố văn hóa truyền thống.
Làng đô thị gắn với sự tự so sáng tạo và thần đạo mạnh mẽ của người Việt có thể trở thành địa điểm tạo lập tinh thần nơi chốn (Sense of place) của đô thị và có thể phát triển theo hướng mô hình Làng đô thị tại các quốc gia phát triển. Trong trường hợp này thành phố và các làng đô thị là một hiện tượng cộng sinh với ý nghĩa tích cực.

Người ta hay nói tới khái niệm “thời điểm giải quyết”, giải quyết sớm thì không có nguồn lực, giải quyết muộn thị không kịp. Có thể tại các thành phố khác, vấn đề Làng đô thị chưa cần phải quan tâm so với vô vàn các việc cấp thiết khác, song tại Hà Nội phải sớm đặt ra, trước khi mô hình Làng đô thị sụp đổ. Cuối tháng 9/2019, các báo đưa tin về trung tâm Hà Nội ở trong tình trạng ô nhiễm không khí rất nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân là do tại đây diện tích cây xanh chiếm tỷ lệ rất thấp, đặt biệt là tại các khu vực Làng đô thị.

Hiện tại, quan tâm của chính quyền và giới chuyên môn xây dựng tập trung chủ yếu cho các Khu đô thị mới, mà chưa chú ý đến Làng đô thị, tương tự như vấn đề cải tạo chung cư cũ. Phá bỏ hoặc tái sinh Làng đô thị, vấn đề này phải sớm được dự báo, nghiên cứu và đưa ra các giải pháp để xã hội cùng thực hiện.

TS. Phạm Đình Tuyển, Bộ môn Kiến trúc Công nghệ, Trường Đại học Xây dựng

Nguồn:
https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%A0ng_(Vi%E1%BB%87t_Nam)
https://en.wikipedia.org/wiki/Urban_village
https://en.wikipedia.org/wiki/Service_economy
https://en.wikipedia.org/wiki/Garden_city_movement
https://en.wikipedia.org/wiki/New_Urbanism
https://en.wikipedia.org/wiki/Principles_of_intelligent_urbanism
https://en.wikipedia.org/wiki/Maslow%27s_hierarchy_of_needs
https://en.wikipedia.org/wiki/Urban_village_(China)
http://www.thatsmags.com/shenzhen/post/19140/the-fall-of-urban-villages-migrants-last-refuge
https://u.osu.edu/mclc/2017/05/30/the-fall-of-guangdongs-urban-villages/
https://en.wikipedia.org/wiki/Sense_of_place