8 công trình của Frank Lloyd Wright được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới
8 công trình của Frank Lloyd Wright được UNESCO công nhận là Di sản Thế giớiAug 24, 2020 09:25 AM347 lượt xem

8 công trình của kiến trúc sư nổi tiếng người Mỹ, Frank Lloyd Wright đã được UNESCO vinh danh là Di sản Thế giới. Đơn đệ trình do Cơ quan Bảo tồn Công trình Frank Lloyd Wright gửi hồi tháng 2/2015 với danh sách các công trình nổi bật xuyên suốt 70 năm sự nghiệp của Wright như Đền Unity, Taliesin West, Fallingwater và Bảo tàng Solomon R. Guggenheim.

8 công trình này đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và tiến bộ của kiến trúc hiện đại nửa đầu thế kỷ 20 và tiếp tục cho đến hiện tại. Trong suốt 50 năm sự nghiệp của ông, các công trình đều cùng mang ba thuộc tính: tận dụng và trừu tượng không gian, các nguyên tắc và hình thức tự nhiên, và thích ứng với quá trình phát triển của nước Mỹ.

Từ danh sách trong đơn, Hội đồng Di tích và Di chỉ Quốc tế, cơ quan cố vấn chính thức của Ủy ban Di sản Thế giới, đã đánh giá và lựa chọn. Dựa theo khuyến nghị của Hội đồng, 8 công trình chính thức được đưa vào danh sách Di sản Thế giới tại Hội nghị Di sản Thế giới 2019 diễn ra tại Baku, Azerbaijan.

Sự công nhận này của UNESCO rất có ý nghĩa trong việc tái khẳng định tầm ảnh hưởng của Frank Lloyd Wright đối với sự phát triển của kiến trúc hiện đại trên khắp thế giới. Toàn bộ số lượng công trình của Wright vào khoảng 400. 8 tác phẩm được vinh danh nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo tồn tất cả các công trình của ông như một phần không thể thiếu trong di sản nghệ thuật, văn hóa và kiến trúc nước Mỹ. Tất cả các cộng đồng có công trình của Wright nên trân trọng những gì họ có, chia sẻ trách nhiệm bảo vệ di sản địa phương và thế giới.

8 công trình này cùng với 1000 công trình khác nằm trong Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO, trong đó có một số công trình nổi tiếng như Taj Mahal, Nhà hát Opera Sydney. Những công trình này đều được công nhận có ý nghĩa văn hóa đặc biệt và “giá trị phổ quát nổi bật”.

Các công trình của Wright đóng góp vào danh sách 24 Di chỉ Di sản Thế giới của Hoa Kỳ và là danh sách duy nhất của kiến trúc hiện đại. Mặc dù danh sách này không áp đặt các quy định và hạn chế đối với khu vực di sản, nhưng cũng xác định khu vực cần được bảo vệ xung quanh di sản.

Frank Lloyd Wright sinh ngày 8 tháng 6 năm 1867, mất ngày 9 tháng 4 năm 1959, là kiến trúc sư tài ba người Mỹ, nhà thiết kế nội thất, nhà văn và nhà giáo dục học, người đã thiết kế hơn 1000 cấu trúc và 532 công trình kiến trúc. Wright cho rằng việc thiết kế các cấu trúc phải dựa trên sự hài hòa giữa con người và môi trường xung quanh, một triết lý mà ông gọi là ” kiến trúc hữu cơ”. Triết lý này được minh họa bởi thiết kế Thác nước (Waterfalling, 1935), được coi là “công trình vĩ đại nhất mọi thời đại của kiến trúc Mỹ”. Wright là người dẫn đầu trào lưu kiến trúc Prairie và phát triển khái niệm nhà Usonian, tầm nhìn độc nhất vô nhị của ông về quy hoạch đô thị ở Mỹ.

Các công trình của ông bao gồm các ví dụ nguyên bản và các ví dụ cách tân về các loại hình nhà cao tầng gồm: công sở, trường học, nhà thờ, các tòa nhà cao chọc trời, khách sạn và viện bảo tàng. Wright cũng thiết kế rất nhiều nội thất cho các tòa nhà của ông, ví dụ như đồ gia dụng và kính màu. Wright không chỉ là tác giả của 20 quyền sách và rất nhiều bài báo mà còn là giảng viên đại học nổi tiếng ở Mỹ và châu Âu thời đó. Đời tư đầy thăng trầm của ông đã từng là giật tít lớn trên các bài báo và đáng chú ý nhất là trận hỏa hoạn năm 1914 và vụ ám sát tại xưởng vẽ Talies. Năm 1991, Wright được Viện Kiến trúc sư Mỹ công nhận là kiến trúc sư vĩ đãi nhất mọi thời đại của nước Mỹ.

Dưới đây là danh sách 8 công trình được vinh danh:

1. Đền Unity, Oak Park, Illinois

Được xây dựng từ năm 1906 – 1909, gần đây, công trình cũng được đầu tư 25 triệu USD để tôn tạo. Nằm trong Oak Park, Illinois, đây là một trong những tòa nhà công cộng sớm nhất ở Hoa Kỳ có bê tông ở mặt tiền. Wright coi Đền Unity là một trong những thành tựu lớn nhất của đời mình, được coi như đóng góp của Wright cho kiến trúc hiện đại.

2. Taliesin, Spring Green, Wisconsin

Đây là khu bất động sản của Wright tại quê nhà Wisconsin. Nó là phòng thí nghiệm của ông, dù được xây dựng từ năm 1911 nhưng một phần bị hư hại do hỏa hoạn. Công trình chứa đựng các thiết kế gần như trong mọi thời kỳ sự nghiệp của ông.

3. Fallingwater, Mill Run, Pennsylvania

Được xây dựng từ năm 1935 – 1939, công trình là một trong những viên đá quý kiến trúc hàng đầu của thế kỷ 20. Nó hòa quyện với cảnh quan tự nhiên của Pennsylvania, đúc hẫng trên một thác nước và cũng chính là tên của nó.

4. Taliesin West, Scottsdale, Arizona

Được thiết kế vào năm 1937, là ngôi nhà phía Tây của Wright, vùng ngoại ô Scottsdale, chân đồi McDowell Mountains. Các tòa nhà tôn vinh khái niệm kiến trúc hữu cơ của Wright, từng là nơi nghỉ dưỡng mùa đông để ông thử nghiệm những đổi mới thiết kế trong khu vực sa mạc.

5. Bảo tàng Solomon R. Guggenheim, New York

Được xây dựng từ năm 1943 và hoàn thành vào năm 1959, sáu tháng sau khi Wright qua đời, bảo tàng ngay lập tức trở thành một phần không thể thiếu trong bối cảnh kiến trúc và nghệ thuật của thành phố New York. Thiết kế xoắn ốc của công trình phá vỡ các quy ước, tạo ra các không gian trưng bày tự do bên trong và ngoại thất nổi bật tại Đại lộ số 5, Đường 88. Tòa nhà sẽ kỷ niệm 60 năm xây dựng vào tháng 10 năm nay.

6. Hollyhock House, Los Angeles

Được xây dựng từ năm 1919 đến 1921 cho Aline Barnsdall, người thừa kế dầu mỏ giàu có. Đây là công trình đầu tiên của Wright ở Los Angeles và hiện là trung tâm của Công viên Nghệ thuật Barnsdall.

7. Frederick C. Robie House, Chicago

Được xây dựng năm 1910 tại Chicago, tái mở cửa cho công chúng tham quan vào đầu năm nay sau khi tiến hành quá trình tôn tạo với chi phí lên tới 11 triệu USD. Công trình tôn vinh những cấu trúc ngang, màu đặc trưng của mùa thu và các dải kính nghệ thuật nổi bật.

8. Herbert & Katherine Jacobs House, Wisconsin

Hoàn thành năm 1937 tại Madison, Wisconsin, công trình có mặt bằng hình chữ L với diện tích 1.550 feet vuông, đại diện cho khái niệm kiến trúc hữu cơ của Wright.

 

Nguyễn Minh Hiếu tổng hợp và dịch

Theo archdaily, interiordesign, wikipedia