Tổng quan về cầu dây văng
Tổng quan về cầu dây văngAug 24, 2020 09:39 AM10.952 lượt xem

Bài viết này giới thiệu lịch sử phát triển, một số khái niệm cơ bản và một số bộ phận chính của cầu dây văng cũng như phương pháp xây dựng cầu. Bên cạnh đó, tác giả cũng tổng hợp một số yếu tố mà các nhà thiết kế thường lưu tâm khi thiết kế cầu dây văng. Qua đó, bạn đọc có thể hình dung rõ hơn về loại cầu này cũng như lý do cầu dây văng hiện đang được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới.

1. Lịch sử phát triển của Cầu Dây Văng

Cầu dây văng là loại cầu sử dụng các dây cáp được liên kết từ một hay nhiều cột tháp để treo hệ mặt cầu. Một cầu dây văng điển hình có một hệ dầm liên tục với một hay nhiều cột tháp được đặt trên trụ cầu ở trong khoảng giữa nhịp. Từ các cột tháp này, các dây văng được tỏa xuống và đỡ hệ dầm chủ (Hình 1 và 2).

dayvang_h1.gif

Hình 1. Cầu dây văng 3 nhịp

dayvang_h2.gif

Hình 2. Cầu dây văng 2 nhịp

Ý tưởng đỡ một dầm bằng một hệ dây xiên tỏa xuống từ một cột buồm hay một tháp đã xuất hiện từ thời cổ xưa khi người Ai Cập áp dụng ý tưởng này cho các thuyền buồm của họ.

Việc sử dụng cáp treo trong xây dựng cầu đã trở lại vào thế kỷ 17. Vào đầu năm 1617, Faus-tus Verantius, một kỹ sư ở Venice (Ý), đã phác họa một cây cầu với nhiều dây xiên (Hình 3). Năm 1784, một thợ mộc Đức, Löscher, đã thiết kế một cây cầu gỗ có nhịp 32m bao gồm các thanh treo bằng gỗ gắn vào một cột tháp gỗ. Năm 1817, chiếc cầu dây văng bằng sắt đầu với một nhịp khoảng 33.6 m, sử dụng các dây cáp xiên neo vào một tháp cầu bằng sắt đúc sẵn.

dayvang_h3.gif

Hình 3. Phác họa của Verantius

Vào khoảng năm 1821, Poyet, một kiến trúc sư Pháp, đề nghị neo kết cấu cầu bằng cách sử dụng dây văng bố trí theo hình rẽ quạt, tất cả các dây văng đều được neo tại đỉnh tháp cầu (Hình 4). Ông là một trong những người đầu tiên đề nghị sử dụng dây văng bố trí theo sơ đồ đồng quy. Năm 1840, Harley, một người Anh, đề nghị một dạng khác cho bố trí dây văng với các dây song song, gọi là sơ đồ dây song song.

dayvang_h4.gif

Hình 4. Đề xuất của Poyet

Năm 1883, Roebling hoàn thành cây cầu nổi tiếng Brooklyn tại New York (Mỹ), với một sơ đồ bố trí dây treo pha trộn giữa cầu dây văng và cầu dây võng.

Tuy nhiên, phải chờ đến thế kỷ 20 thì loại kết cấu này mới được phát triển vì những kiến thức tính toán và vật liệu trước đó chưa phù hợp với loại cầu này. Vào năm 1926, một kỹ sư người Tây Ban Nha là Torroja đã xây dựng một cầu máng dẫn nước bằng bê tông cốt thép, các dây văng được bọc trong bê tông để chống ăn mòn (Hình 5). Sau năm 1945, cầu dây văng đã có được sự hồi sinh tại Đức, nơi phải xây dựng lại vô số cây cầu bị phá hủy bởi chiến tranh thế giới thứ 2 với việc sử dụng hiệu quả vật liệu. Một điều kiện tiên quyết cho bước cải thiện này là sự phát triển của thép cường độ cao dùng cho dây văng.

dayvang_h5.gif

Hình 5. Cầu dẫn nước do Torroja thiết kế

Trong những năm 1950, việc phát triển vật liệu cáp cường độ cao cộng với những lợi ích về giá cả đã làm hồi phục sự quan tâm đối với cầu dây văng. Các dây văng mới, được làm từ những tao thép cường độ cao, thép thanh hay sợi thép cường độ cao, có khả năng chịu tải lớn và dễ dàng lắp đặt. Cầu dây văng hiện đại trở lên kinh tế hơn cho các cầu có khẩu độ nhịp nằm trong khoảng 180 đến 610m.

Sự trở lại của cầu dây văng bắt đầu với F. Ông khám phá ra ảnh hưởng của dây cáp lên độ võng của cầu trong khi thiết kế một cầu treo cho đường sắt có nhịp 753m qua sông Elbe, gần Hamburg, Đức. Ông sử dụng dây cáp cường độ cao, chấp nhận ứng suất lớn để hạn chế độ võng của dây cáp (có thể xuất hiện do chùng cáp). Từ công trình nghiên cứu này và từ việc xây dựng lại các cầu bị phá hủy trong chiến tranh thế giới thứ hai, đã minh chứng rằng cầu dây văng đã trở thành một loại cầu có khẩu độ nhịp nằm giữa cầu dầm cứng và cầu treo. Năm 1955, cầu Strömsund (Thụy Điển) do ông thiết kế trở thành cây cầu dây văng hiện đại đầu tiên trên thế giới (Hình 6).

dayvang_h6.jpg

Hình 6. Cầu Strömsund, Thụy Điển, xây dựng năm 1955, do Dischinger thiết kế

Vào năm 1962, Morandi xây dựng một cây cầu bê tông dự ứng lực bắc qua hồ Maracaibo ở Venezuela. Nhiều cây cầu khác với nhiều cách phân bố dây văng cũng được xây dựng sau đó. Việc sử dụng cầu dây văng nhiều dây cũng là một sự tiến bộ quan trọng vì điều này làm việc xây dựng hệ mặt cầu theo phương pháp hẫng trở thành khả thi.

Sau khi chiếc cầu dây văng hiện đại đầu tiên thể hiện độ cứng rất lớn dưới tác dụng của tải trọng xe cộ, tính thẩm mỹ cao, tính kinh tế và đơn giản trong thi công, cầu dây văng hiện đại đã mở ra nhiều hướng nghiên cứu và nhiều thành công mới. Và cầu dây văng đã nhanh chóng trở nên phổ biến trong giới kỹ sư Đức và nhiều nước khác trong khoảng mười năm sau đó. Ngày nay, cầu dây văng hiện đại đã được các nhà thiết kế áp dụng trên phạm vi toàn thế giới.

Tuy nhiên, cũng không dễ nói rằng khẩu độ cầu dây văng bao nhiêu là kinh tế do nó phụ thuộc vào các điều kiện biên. Trong vài trường hợp cụ thể, giải pháp cầu dây văng cũng được áp dụng với các cầu nhịp nhỏ và vừa, đặc biệt là đối với cầu bộ hành. Cầu dây văng phục vụ cho đường bộ và đường sắt có thể chứng tỏ tính kinh tế cho nhịp trên 100m, nhưng thông thường đối với cầu với khẩu độ nhịp trên 200m.

2. Bố trí Dây Văng

Một dây

Hai dây

Ba dây

Nhiều dây

Kết hợp

dayvang_h7.jpg

Đồng quy

Song song

Rẻ quạt

Hình sao

Hình 7. Các sơ đồ bố trí dây văng

Theo cách phân bố dây văng, sơ đồ bố trí dây văng thể chia ra thành 4 loại cơ bản: đồng quy, song song, rẽ quạt và hình sao (Hình 7). Sơ đồ dây đồng quy và sơ đồ dây rẽ quạt có hiệu quả nhất cho hệ kết cấu vì nó hoàn toàn được sắp xếp giống các tam giác. Ngược lại, sơ đồ dây song song chủ yếu chứa các hình tứ giác, do đó phải tăng độ cứng của dầm chủ hay cột tháp để chịu được lực không đều.

Trong sơ đồ dây đồng quy, các sợi cáp được liên kết từ hệ mặt cầu đến cùng một điểm trên đỉnh cột tháp. Kết quả là lực uốn trong tháp sẽ nhỏ, nhưng lại phải chịu đựng được lực chống gập. Điều này dẫn đến việc cột tháp sẽ phải có độ cứng lớn. Tuy nhiên, trong những cầu lớn với nhiều dây văng, việc bố trí tất cả các neo tại đỉnh tháp sẽ gặp nhiều khó khăn.

Trong sơ đồ song song, các dây văng được lắp song song với nhau làm cho cầu có tính thẩm mỹ hơn. Mặt khác, lực căng cáp sẽ được phân bố theo chiều cao cột tháp làm giảm mô men uốn trong cột tháp. Sơ đồ bố trí dây văng này có thể là giải pháp có lợi nhất cho các cầu có nhịp chính đến gần 200m, đặc biệt ở những nơi tính thẩm mỹ đóng vai trò quan trọng. Hiệu quả của sơ đồ song song còn có thể được tăng lên bằng cách thêm các trụ trung gian ở các nhịp biên.

Trong sơ đồ rẽ quạt, khoảng cách giữa các điểm neo cáp ở phần trên của cột tháp được phân bố đồng đều. Điều này làm cho việc lắp đặt các neo trở nên dễ dàng hơn so với sơ đồ đồng quy. So với sơ đồ song song, tiết diện ngang cần thiết của cột tháp sẽ nhỏ hơn.

Trong các cầu dây văng hiện đại, hệ thống dây văng có thể bao gồm nhiều loại dây văng khác nhau, mỗi dây văng bao gồm một loại cáp được chế tạo cho đủ chiều dài và tiết diện dây văng. Để đạt được sự bố trí dây văng này, điều cần thiết phải bố trí các dây văng gần nhau. Do đó, khoảng cách giữa các điểm neo dây văng trên dầm chủ thường nằm trong khoảng từ 8 đến 15m.

3. Số mặt phẳng dây và hệ dầm chủ

Trong mặt cắt ngang, hệ thống dây văng thường được bố trí trong một mặt phẳng thẳng đứng tại đường tim cầu, hai mặt phẳng thẳng đứng hoặc hai mặt nghiêng (Hình 8).

dayvang_h8.jpg

Hình 8. Mặt phẳng cáp

a) Một mặt phẳng

b) Hai mặt phẳng đứng

c) Hai mặt phẳng nghiêng

Trong cầu một mặt phẳng dây, các dây văng thường được neo tại đường tim của hệ mặt cầu. Cầu chủ yếu chịu tải trọng theo phương đứng còn khả năng chịu xoắn rất kém. Do đó, hệ dầm phải chịu xoắn tốt để có thể chịu lực lệch tâm, chẳng hạn như xe chạy trên một bên cầu. Để đạt được yêu cầu độ cứng chống xoắn cao, dầm sẽ phải chế tạo theo dạng hình hộp (Hình 8a).

Trong cầu hai mặt phẳng dây (đứng hoặc xiên), các dây văng được neo dọc theo hai bên của hệ mặt cầu. Trong trường hợp này, hệ dây văng sẽ chịu cả tải trọng đứng và xoắn. Do đó, người thiết kế không cần thiết phải bố trí hệ dầm có độ cứng chống xoắn tốt. Vì thế, hệ dầm có thể là dầm I đơn, I kép liên kết trực tiếp với hệ dây văng (Hình 8b).

Trong các cầu dây văng nhịp rất lớn, nơi dễ bị ảnh hưởng bởi ổn định khí động học, một dầm hộp với hai mặt phẳng dây sẽ đem lại nhiều ưu điểm hơn và cũng làm cho hình dạng dầm có tính khí động học tốt hơn (Hình 8c). Tuy nhiên, cũng nên nhấn mạnh rằng, hình dạng như hình 8c chỉ dùng cho các cầu có nhịp rất lớn (trên 500m) hoặc cho các cầu có tỷ lệ chiều cao trên chiều dài nhịp nhỏ (dưới 1/25).

4. Tháp Cầu

Hình dáng tháp cầu thể hiện một thanh cơ bản về khái niệm tổng thể của kết cấu. Hình dáng của tháp cầu ảnh hưởng đến cả tính thẩm mỹ và tính kinh tế của dự án cũng như các đặc trưng ứng xử tĩnh và động của nó.

Ba dạng cơ bản của cột tháp là: dạng chữ A, chữ H và chữ Y ngược (Hình 9). Có nhiều cải tiến từ 3 dạng này, mỗi dạng có những ưu nhược điểm và tính mỹ thuật riêng. Hình dạng của cột tháp có liên quan mật thiết đến cách bố trí dây văng vì chức năng chính của cột tháp là để đỡ hệ dây văng.

dayvang_h9.jpg

Hình 9. Ba dạng cơ bản của tháp cầu

Trong cầu một mặt phẳng dây, tháp cầu có thể được thiết kế như là một thanh thẳng đứng hoặc dạng chữ Y ngược. Tháp thanh thẳng đứng tại giữa hệ mặt cầu có thể dùng cho cả sơ đồ dây song song và sơ đồ dây rẽ quạt, trong khi tháp chữ Y ngược lại đòi hỏi một sơ đồ rẽ quạt cải tiến. Tháp thanh thẳng đứng phải có một điểm neo cứng với cả hệ dầm chủ lẫn trụ cầu để đạt được sự ổn định với tải trọng lệch tâm.

Trong cầu hai mặt phẳng dây theo phương thẳng đứng, tháp cầu có thể bao gồm hai cột thẳng đứng hoặc có dạng cột tháp chữ H. Theo điều kiện gối đỡ ở đầu dầm và dạng bố trí dây văng, cột tháp dạng chữ H cũng gần phù hợp với cột tháp chủ Y ngược. Với cầu có hai mặt phẳng dây xiên, đa số các người thiết kế sẽ chọn tháp chữ A kết hợp với sơ đồ bố trí dây rẽ quạt. Ngoài ra, nhiều tổ hợp khác về mặt lý thuyết cũng có thể được áp dụng cho cầu dây văng.

Do cột tháp chịu tác động của lực căng của dây văng và các thành phần lực nén và uốn khác, tháp cầu nên được chế tạo từ bê tông, thép hoặc tổ hợp giữa bê tông và thép. Trong kết cấu tổ hợp, kết cấu bên trong bằng thép sẽ được bao phủ bởi lớp bên ngoài bằng bê tông với mục đích thẩm mỹ hay để mục đích cho các neo dây văng liên kết với vỏ bọc bê tông. Hầu hết các tháp cầu đều rỗng để bố trí thang lên xuống, cần trục và hệ thống cung cấp điện cần thiết cho việc duy tu bảo dưỡng. Mặt cắt ngang của cột tháp thường có dạng một hộp đơn. Do chủ yếu là chịu lực nén, độ cứng của cột tháp cần thiết phải được gia cường bằng các thanh gia cường, phương dọc cầu thường phải lớn hơn phương ngang cầu (Hình 10).

dayvang_h10.jpg

Hình 10. Mặt cắt ngang điển hình của tháp cầu

Tại các vùng neo dây văng, việc gia cường thêm các vách ngăn cứng theo phương dọc và ngang là điều cần thiết để giảm ứng suất cục bộ theo các phương khác nhau.

5. Kết cấu nhịp

Cầu dây văng làm việc tốt với một phạm vi vật liệu kết cấu. Mặt cầu có nhiệm vụ chịu tải trọng do xe cộ và người qua lại. Kết cấu nhịp có thể bằng thép, bê tông hoặc bê tông-thép liên hợp, chẳng hạn như một khung dầm bằng thép bản mặt cầu bằng bê tông, hoặc hai dầm biên bằng bê tông với bản mặt cầu bằng thép. Dầm biên có thể xiên hay thẳng đứng, tùy thuộc vào hình dạng của tháp cầu, số mặt phẳng dây và phương pháp thi công (đổ tại chỗ hay sử dụng cấu kiện đúc sẵn).

Khẩu độ nhịp lớn nhất có tính kinh tế có thể đạt được phụ thuộc vào các vật liệu được sử dụng. Hệ mặt cầu cũng ảnh hưởng đến tính kinh tế của công trình cầu. Với các cầu có nhịp khoảng 450m, mặt cầu bằng bê tông cốt thép sẽ là giải pháp kinh tế nhất. Nó truyền lực nén tốt hơn mặt cầu bằng thép. Hơn nữa, chi phí bảo dưỡng cầu bê tông sẽ nhỏ hơn so với cầu thép.

Với những nhịp lớn hơn, hệ mặt cầu bằng thép sẽ đem lại nhiều ưu điểm hơn vì lúc này yếu tố hạn chế tĩnh tải của kết cấu nhịp được đặt lên hàng đầu so với các yếu tố khác. Trong một phạm vi chuyển tiếp, hệ mặt cầu thép-bê tông liên hợp cũng có thể mang lại kinh tế, với ưu điểm là nhẹ hơn so với cầu bê tông, đơn giản trong chế tạo các cấu kiện bằng thép và bản mặt cầu bê tông, có khả năng chịu được lực ngang và thi công rất đơn giản.

Cầu dây văng hiện đại đầu tiên có ít dâyvăng với khoảng cách các điểm neo dây tương đối lớn, do vậy hệ mặt cầu có độ cứng tương đối lớn. Ngược lại, trong những cầu dây văng ngày nay với nhiều dây văng, độ cứng của hệ mặt cầu lại có thể được giảm xuống thấp nhất có thể, nhưng vẫn bảo đảm độ ổn định của công trình.

Đối với một dầm có tiết diện hở và bản mặt cầu bằng bê tông, một hệ thống kết cấu hiệu quả có thể đạt được bằng cách sử dụng các dầm bản, đặt trực tiếp tại vị trí liên kết dây văng, và liên kết các dầm bản này bằng các dầm ngang, cách nhau 3 – 5m (Hình 11). Với hệ thống này, các dầm ngang phải chịu một mô men dương suốt chiều dài dầm, do đó các dầm ngang này hoàn toàn có lợi từ việc tác dụng liên hợp với bản mặt cầu bê tông. Tương tự, tác dụng liên hợp cũng rất có lợi cho các dầm dọc, chịu tác dụng của lực nén từ thành phần nằm ngang trong lực căng của dây văng. Do do, cả hai dầm dọc và dầm ngang đều được bố trí các vấu chịu cắt ở trên bản cánh của chúng.

dayvang_h11.jpg

Hình 11. Dầm bản điển hình

6. Dây Văng

Trong cầu dây văng, dây văng đóng một vai trò hết sức quan trọng, cả về mặt kỹ thuật lẫn mặt kinh tế. Dây văng có thể chiếm tới 30% giá thành cầu.

Ưu điểm chính của việc sử dụng cáp cường độ cao trong cầu dây văng chính là nhờ khả năng chịu lực của cáp cường độ cao tốt hơn nhiều so với thép sử dụng trong kết cấu thép thông thường. Cường độ tới hạn của các sợi cáp kéo nguội đường kính 5-7mm có thể dễ dàng đạt được tới 1600 MPa, trong khi thép thông thường chỉ đạt được cường độ tới hạn

khoảng 350-500 MPa. Nói một cách khác, cáp cường độ cao có cường độ lớn hơn thép thường từ 3 đến 4 lần. Sự khác nhau này đưa đến kết quả là tiết diện (và trọng lượng) cáp cường độ cao cần thiết có thể chỉ bằng 25-33% so với thép thường khi phải chịu cùng một lực kéo thuần túy.

Các loại cáp có thể dùng cho dây văng là: thanh thép song song, sợi song song, tao song song, tao xoắn và lõi cáp. (Hình 12).

dayvang_h12.gif

Thanh song song – Sợi song song – Tao song song —–Tao xoắn ——— Dây cáp

Hình 12. Các loại cáp

Trong các loại trên, mô đun đàn hồi giảm từ khoảng 200,000 MPa đối với 3 loại đầu xuống 150,000 MPa đối với dây cáp. Các tao cáp thường được lựa chọn hơn các dây cáp vì các lý do sau:

  • Cùng kích thước, tao cáp có cường độ kéo đứt lớn hơn dây cáp.
  • Mô đun đàn hồi của tao cáp cao hơn dây cáp.
  • Tao cáp có ít khả năng uốn cong hơn dây cáp.

Cáp bằng thép cường độ cao có cường độ rất lớn, nhưng lại rất mềm dẻo. Cáp sẽ đem lại tính kinh tế cho công trình vì cho phép kết cấu thanh mảnh và nhẹ hơn, điều rất cần cho các cầu nhịp lớn. Mặc dù chỉ cần một số lượng ít dây văng là đủ để chịu toàn bộ các lực của cầu, tính mềm dẻo của dây văng lại làm cho chúng rất yếu dưới tác dụng của tải trọng gió.

Mặc dù sẽ gặp bất lợi khi gió lớn, một cầu với khối lượng nhẹ là một ưu điểm khi xảy ra động đất. Tuy nhiên, có thể xảy ra lún móng không đều trong quá trình động đất hoặc sau một thời gian sử dụng, cầu dây văng có thể bị phá hủy, do vậy phải cận thận chú ý đến vấn đề này khi thiết kế móng.

Đặc tính độc đáo của dây văng và của cả kết cấu tổng thể làm cho việc thiết kế cầu dây văng trở thành một nhiệm vụ phức tạp. Đối với những nhịp lớn, nơi mà gió và nhiệt độ phải được quan tâm, việc tính toán trở nên cực kỳ phức tạp và sẽ trở thành nhiệm vụ bất khả thi nếu không có sự giúp đỡ của máy vi tính. Việc chế tạo dây văng cũng tương đối khó khăn. Việc lắp đặt dây văng và liên kết với dầm chủ và cột tháp khá phức tạp và đòi hỏi chế tạo chính xác cao.

Một sơ đồ bố trí với nhiều dây văng, hiện đang được dùng phổ biến ngày nay, có những ưu điểm sau:

  • Hệ mặt cầu có thể thanh mảnh hơn.
  • Việc thi công kết cấu nhịp cầu trở nên đơn giản từ khi áp dụng phương pháp thi công hẫng mà không cần dây treo tạm thời.
  • Sự truyền lực đơn giản hơn.
  • Thay thế dây văng dễ dàng hơn
  • Ổ định khí động học, đặc biệt với hệ mặt cầu bê tông cốt thép, nơi tĩnh tải có hiệu quả giảm chấn.
  • Mô men uốn do tĩnh tải nhỏ.
  • Độ võng do hoạt tải nhỏ, do đó cầu dây văng cũng phù hợp cho cầu đường sắt.

7. Đặc điểm xây dựng

dayvang_h13.jpg

Hình 13. Phương pháp xây dựng

Thành công của cầu dây văng liên quan rất lớn đến quá trình thi công hiệu quả, mà là đặc trưng của loại cầu này. Do vậy, một cầu dây văng có thể được thi công bằng phương pháp hẫng từ tháp cầu, đối xứng qua tháp cầu (Hình 13a) hoặc chỉ thi công hẫng nhịp chính (Hình 13b). Trong trường hợp sau, nhịp biên được thi công trước giống như một cầu dầm thông thường.

Trong phương pháp thi công hẫng cân bằng (đúc hẫng hoặc lắp hẫng, Hình 13a), cần lưu ý rằng ổn định tổng thể ở trạng thái tạm thời phụ thuộc vào độ cứng chống uốn và sự cố định của cột tháp. Trong nhiều trường hợp, độ cứng này sẽ chi phối quá trình thiết kế tháp cầu. Trong phương pháp chỉ thi công hẫng nhịp chính (Hình 13b), dây văng thường được lắp đặt thành từng cặp sao cho các dây văng của nhịp biên được thi công cùng lúc với các dây văng ở nhịp chính.

Trình tự thi công điển hình của một cầu dây văng bao gồm các bước sau:

1. Thi công hẫng một đoạn dầm từ một điểm neo đã có đến điểm tiếp theo. Trong hầu hết các trường hợp, đoạn dầm được nâng lên bởi một hệ cần trục đặt trên hệ mặt cầu.

2. Lắp đặt dây văng, thường thực hiện bằng cách tháo các cuộn dây cáp đặt trên hệ mặt cầu.

3. Điều chỉnh lực căng trong dây văng bằng cách kích tại các neo chủ động.

4. Chuyển hệ cần trục đến đầu dầm để thi công đoạn tiếp theo

Trong nhiều trường hợp, dây văng phải chịu lực căng lớn nhất sau khi đoạn dầm hẫng tiếp theo được thi công. Sau đó, lực căng sẽ giảm bớt khi dây văng tiếp theo được căng kéo. Một điều vô cùng quan trọng cần hiểu rõ là sự phân bố mô men do tĩnh tải tĩnh trong dầm hoàn toàn bị chi phối bởi lực căng trong dây văng trong suốt quá trình thi công. Do đó, một sự phân bố mô men do tĩnh tải tối ưu có thể đạt được bằng cách chọn lực căng trong dây văng ban đầu sao cho phù hợp. Sự phân tích cần thiết của các giai đoạn thi công có thể được thực hiện ngược lại một cách thuận lợi, bằng cách chọn trước một phân bố mô men do tĩnh tải theo mong muốn, sau đó tiến hành kiểm tra lại khả năng chịu lực của kết cấu theo trình tự thi công.

8. Kết luận

Trong những năm gần đây, cầu dây văng đã được sử dụng phổ biến nhờ vào những ưu điểm sau:

  • Sử dụng vật liệu hiệu quả.
  • Kết cấu không phức tạp, dễ chế tạo và thi công.
  • Thi công nhanh.
  • Tính mỹ thuật cao.
  • Vượt được nhịp lớn.
  • Độ võng nhỏ hơn cầu dây võng.
  • Có tính kinh tế cao đối với các cầu nhịp lớn.

Cầu dây văng đã giúp các người thiết kế có nhiều phương án lựa chọn hơn để đạt đến một dự án cạnh tranh và ưu việt hơn cho các cầu nhịp lớn.

Nguyễn Danh Thắng 

Khoa Xây dựng – Trường Đại Học Quốc Gia Yokohama

Tập san chuyên ngành số 12/1006 – CLB Giao lưu Kỹ thuật Nhật Việt – jveef.nhatviet.net)