Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Một góc Thành phố Tuy Hòa, Phú Yên. Ảnh: Internet.
Theo đó, giai đoạn 2016 – 2020, phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân giai đoạn 2016 – 2020 đạt 9,5%/năm; trong đó: giá trị gia tăng ngành nông – lâm – thủy sản bình quân 3,3%/năm; ngành công nghiệp – xây dựng bình quân 12%/năm; ngành dịch vụ bình quân 10%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt khoảng 3.700 USD; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2 – 2,5%/năm, riêng các huyện nghèo giảm bình quân 3 – 4%/năm.
Giai đoạn 2021 – 2030, tốc độ tăng GRDP bình quân giai đoạn 2021 – 2030 từ 8,0%/năm; trong đó: giá trị gia tăng ngành công nghiệp – xây dựng tăng bình quân 7,5 %/năm, dịch vụ tăng bình quân 10,1%/năm; nông – lâm – thủy sản tăng bình quân 2,6%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 12.500 USD.
Các khâu đột phá phát triển
Để đột phát phát triển, tỉnh cần huy động các nguồn lực để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng. Phối hợp và tạo điều kiện để các nhà đầu tư triển khai thực hiện, sớm đi vào hoạt động các dự án du lịch lớn như: Dự án Khu du lịch sinh thái biển đảo cao cấp Sun Rise Phú Yên, dự án Khu du lịch liên hợp cao cấp Newcity Việt Nam, dự án trường đua ngựa Phú Yên có hoạt động kinh doanh cá cược…
Bên cạnh đó, thu hút mạnh mẽ nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đầu tư và phát huy hiệu quả Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên.
Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, chú trọng phân luồng học sinh sau trung học cơ sở; tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo. Tăng cường ứng dụng và chuyển giao công nghệ vào hoạt động sản xuất, quản lý; khuyến khích áp dụng công nghệ cao trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và quản lý hành chính. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang công nghiệp – xây dựng và dịch vụ.
Thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); Chỉ số cải cách hành chính (PI).
Đầu tư phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn của Tỉnh
Về công nghiệp – xây dựng, tập trung đầu tư phát triển một số ngành công nghiệp được xem là mũi nhọn của Tỉnh như công nghiệp hóa dược; phân bón, phân hữu cơ vi sinh; công nghiệp phụ trợ, công nghiệp năng lượng, năng lượng sạch, cơ khí chế tạo; thiết bị điện tử, thiết bị viễn thông và công nghệ thông tin, công nghiệp chế biến nông – lâm – thủy sản. Khuyến khích phát triển công nghiệp theo các hình thức nhóm, chuỗi sản phẩm, từng bước hình thành một số tổ hợp công nghiệp quy mô vừa và lớn. Tăng cường thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhà ở và thị trường bất động sản; các dự án nhà ở xã hội.
Tiếp tục thu hút đầu tư để triển khai Khu công nghiệp Hòa Tâm. Khuyến khích các nhà máy sản xuất dược phẩm, phân bón hiện có tiếp tục đầu tư chiều sâu, đa dạng hóa các sản phẩm đạt các tiêu chuẩn quốc tế; đầu tư mới các nhà máy sản xuất phân vi sinh và các chế phẩm sinh học.
Tiếp tục xây dựng, hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp đã được quy hoạch trong Khu kinh tế Nam Phú Yên, Khu công nghiệp An Phú, Đông Bắc sông Cầu và các khu dân cư phục vụ khu công nghiệp.
Đầu tư, xây dựng nhà máy điện mặt trời Hoà Hội tại huyện Phú Hoà với công suất 214,16 MW, dự kiến đưa vào vận hành vào năm 2019, trong đó giai đoạn 1 có quy mô công suất 80,31 MW, vận hành vào quý 1 năm 2019, giai đoạn 2 có quy mô công suất 133,85 MW, vận hành vào quý 2 năm 2019.
Tăng tỷ trọng chăn nuôi, cây trồng có giá trị kinh tế cao
Về nông, lâm, thủy sản và nông thôn, điều chỉnh cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, cây trồng có giá trị kinh tế cao, dịch vụ nông nghiệp, nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp với du lịch sinh thái và phát triển làng nghề truyền thống phục vụ du lịch thân thiện với môi trường. Các lĩnh vực trọng điểm trong nông nghiệp là mía, cao su, bò vàng, cá ngừ đại dương, tôm hùm, một số sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Đối với cây lúa phải đảm bảo tiêu dùng trên địa bàn tỉnh và an ninh lương thực. Triển khai dự án nông nghiệp công nghệ cao Phú Yên, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, là cú huých để tỉnh tác động đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành nông nghiệp.
Xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn theo hình thức trang trại, gia trại, khu nông nghiệp, khu thủy sản ứng dụng công nghệ cao, kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, gắn với chuỗi giá trị sản xuất đối với các sản phẩm có lợi thế như mía đường, cao su, hồ tiêu, bò vàng, tôm sú, tôm hùm, cá ngừ đại dương, gỗ rừng trồng… Đồng thời duy trì quy mô và phương thức sản xuất đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tế đối với các sản phẩm có nhu cầu tiêu dùng như: lúa gạo, mì, thịt heo, thịt – trứng gia cầm, rau – hoa cây cảnh, thủy sản các loại…
Chuyển dịch cơ cấu trồng trọt theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn. Duy trì và sử dụng linh hoạt 24.000 ha diện tích đất chuyên trồng lúa nước (2 vụ chính). Ổn định diện tích trồng mía khoảng 23.000 – 25.000 ha, diện tích sắn khoảng 11.000 ha. Phát triển diện tích trồng cây cao su lên 7.000 ha, tập trung ở các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân gắn với khai thác chế biến mủ cao su. Từng bước chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung trang trại, gia trại, chuyển dần chăn nuôi từ vùng đồng bằng sang các vùng bán sơn địa, vùng miền núi.
Phát triển các lĩnh vực kinh tế thuỷ sản có trọng tâm, hợp lý, bền vững, hiệu quả với cơ cấu sản phẩm đa dạng, ưu tiên các lĩnh vực nhiều lợi thế để thực sự trở thành trung tâm sản xuất giống, thức ăn, khoa học công nghệ, chế biến, xuất khẩu thuỷ sản và dịch vụ hậu cần nghề cá của vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Các lĩnh vực trọng điểm trong thủy sản là cá ngừ đại dương, tôm hùm; tập trung sản xuất thâm canh các đối tượng nuôi chủ lực (tôm thẻ chân trắng, tôm sú, tôm hùm, cá biển). Ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng vùng nuôi thâm canh ở khu vực ven biển huyện Đông Hòa, thị xã Sông Cầu và huyện Tuy An. Tập trung khai thác thủy sản xa bờ theo hướng khai thác các đối tượng có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt như cá ngừ đại dương, cá ngừ vằn, cá thu…