Báo cáo đề dẫn Hội thảo khoa học về nhà ở xã hội 2018:
“Nơi ở công nhân khu công nghiệp: Nhà ở, Sinh kế và Cộng đồng
———————————————-
1. GIỚI THIỆU TÓM TẮT HỘI THẢO NHÀ Ở XÃ HỘI 2016
Cách đây hai năm, năm 2016, Bộ môn Kiến trúc Công nghệ, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng kết hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước liên quan tiến hành Hội thảo khoa học về nhà ở xã hội (NOXH): “Bức tranh toàn cảnh về NOXH – Thách thức và Cơ hội”.
Hội thảo khoa học về NOXH 2016 đã cho thấy bức tranh toàn cảnh về phát triển và quản lý NOXH tại Việt Nam là rộng lớn, song mờ nhạt và còn nhỏ bé về giá trị. Trong bức tranh toàn cảnh đó, có một số vấn đề nổi bật:
1) Bối cảnh khởi đầu phát triển nhà ở xã hội
a) Dân số Việt Nam hiện vào khoảng 90,5 triệu người (năm 2018 là 96,8 triệu); Với tốc độ gia tăng dân số 1,03%, mỗi năm tăng thêm khoảng 1 triệu người. Hàng năm không chỉ phải tạo thêm khoảng 1 triệu việc làm mà còn phải đầu tư xây dựng mới khoảng 25 triệu m2 nhà ở. Với khả năng chi trả nhà ở theo mức thu nhập hàng tháng còn rất thấp, khoảng 5 triệu đồng/tháng, nhu cầu về NOXH rất lớn. Chỉ riêng khu vực đô thị (với mức độ tăng trưởng dân số khoảng 3,3%), dự kiến hàng năm phải xây dựng khoảng 10 triệu m2 NOXH;
b) NOXH là nhà ở được Nhà nước ưu tiên đáp ứng cho 10 nhóm đối tượng. Trong đó, nhóm đối tượng: Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn; Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài KCN; Cán bộ, công chức, viên chức; Học sinh, sinh viên là có số lượng lớn nhất. Nếu giải quyết được nhà ở cho nhóm đối tượng này, về cơ bản sẽ giải quyết được vấn đề NOXH cũng như chiến lược phát triển nhà ở quốc gia.
2) Về nhận thức chung
a) Phát triển NOXH trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa mang tính phổ quát, đặc biệt tại nhóm quốc gia đang phát triển. Mỗi một quốc gia có quan điểm và phương thức phát triển NOXH riêng phụ thuộc vào điều kiện thể chế, kinh tế, xã hội và văn hóa của mỗi nước gắn với việc ứng dụng mô hình phát triển và quản lý NOXH (ví dụ như mô hình về: Cấu trúc căn hộ, nhà theo quy mô tối thiểu của không gian phòng và số người sống trong đó; Cung cấp tài chính hỗ trợ người thuê, mua nhà; Ứng dụng công nghiệp hóa xây dựng linh hoạt; Xây dựng nhà ở phi tập trung; Sử dụng mạng xã hội trong việc hỗ trợ tự xây dựng nhà…).
b) Tại các nước đang phát triển như Việt Nam,ngay trong phạm vi quốc gia lại phân ra thành nhiều khu vực với mức độ đô thị hóa và mức thu nhập của người lao động khác nhau. Mỗi khu vực đòi hỏi cách giải quyết với các mô hình phát triển và quản lý NOXH khác nhau.
c) Chủ trương, chính sách và chương trình phát triển NOXH tại Việt Nam là nhất quán và rõ ràng, được thể hiện trong Hiến pháp 2013;Luật Nhà ởnăm 2014, Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý NOXH.
d) Theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, trong giai đoạn 2011-2020 phải xây dựng khoảng 22,5 triệu m2 NOXH, tương đương với việc phải xây dựng khoảng 2,25 triệu m2 NOXH hàng năm. Kết quả đạt được trong giai đoạn 2011- 2015 vào khoảng 2,8 triệu m2, tương đương với khoảng 0,6 triệu m2 NOXH/năm. Điều đó có nghĩa là trong những những năm tới 2016-2020, mỗi năm phải xây dựng khoảng 4 triệu m2 sàn NOXH, gấp khoảng hơn 4 lần so với năng lực hiện có. Kỳ tích này không thể thực hiện được với số lượng các doanh nghiệp xây dựng NOXH và mô hình phát triển NOXH hiện tại.
e) Muốn phát triển NOXH phải có nhận thức và triết lý rõ ràng:
– Phát triển NOXH tại Việt Nam được coi là một trong những chương trình phát triển kinh tế – xã hội quan trọng của quốc gia. Nhà nước không thu tiền sử dụng đất để giảm giá nhà, hỗ trợ vốn vay lãi suất thấp…đó cũng chính là đầu tư cho tăng trưởng;
– Nhu cầu về NOXH ngày càng lớn do tăng dân số, quá trình đô thị hóa và khả năng chi trả cho nhà ở hạn chế. Nếu không giải quyết tốt nhu cầu này, tại các khu đô thị rồi sẽ xuất hiện các khu nhà ở tạm bợ, nảy sinh nhiều vấn đề về an sinh xã hội và môi trường;
– Để phát triển và quản lý NOXH phải quan tâm đồng thời cả 3 loại công nghệ: i) Công nghệ chiến lược, liên quan đến quan điểm, hành lang pháp lý quốc gia và địa phương cho phát triển NOXH; ii) Công nghệ quản lý, liên quan đến việc huy động các nguồn lực, điều hành và giám sát phát triển NOXH, hệ thống kết cấu hạ tầng có liên quan; iii) Công nghệ kỹ thuật hay công nghệ trình diễn, liên quan đến doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân tạo lập và tiêu dùng sản phẩm NOXH;
– Triết lý quan trọng cốt lõi của việc phát triển NOXH là “Hướng về người dân” chứ không phải là “Hướng về nhà ở”; hay nói cách khác là khởi nguồn từ “Mong muốn của người dân về nhà ở” để phát triền nhà ở.
– Chính sách phát triển NOXH phải lan truyền rộng khắp trong cả nước, gồm 2 ưu tiên chính: i) Khuyến khích dự án (tập trung và phi tập trung) NOXH và ii) Hỗ trợ tài chính cho hộ gia đình thu nhập thấp có cơ hội thuê mua, mua nhà và tự tổ chức xây dựng mới, cải tạo nâng cấp nhà;
– NOXH không chỉ là sản phẩm bất động sản của doanh nghiệp mà là sản phẩm của toàn xã hội và phải được đa dạng hóa phù hợp với thị trường rộng khắp trong cả nước;
– Phát triển NOXH phải đi song song với phát triển nhà ở thương mại, là yếu tố tạo lập các khu nhà ở, khu đô thị mới.
3) Phương hướng phát triển – Cơ hội và thách thức
Phát triển và quản lý NOXH phải thực hiện một cách tổng thể, liên ngành và liên tục, bao gồm đồng bộ các phương hướng phát triển với các nội dung sau:
a) Ứng dụng cách làm mới với 4 mô hình phát triển mới:
Đây là các mô hình: i) Phù hợp với điều kiện đặc thù về kinh tế xã hội của mỗi địa phương và theo từng loại đối tượng được ưu đãi về NOXH, để vừa đảm bảo được sự quản lý có hiệu quả của Nhà nước vừa có thể huy động rộng rãi các nguồn lực xã hội phát triển NOXH; ii) Tiêu biểu cho các giải pháp công nghệ trong phát triển và quản lý NOXH, nhằm giảm giá thành NOXH song vẫn đảm bảo chất lượng; iii) Khâu kết nối giữa vai trò, trách nhiệm của Nhà nước với vai trò của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư; iv) Công cụ quan trọng cho việc xã hội hoá phát triển NOXH.
Có 4 Mô hình phát triển NOXH chính, tạo thành hệ thống Mô hình phát triển NOXH. Mỗi Mô hình đều có vai trò trong hệ thống, có thể hoạt động độc lập hoặc hỗ trợ, tương tác với nhau trong một dự án hoặc trong nhóm nhà ở, khu đô thị:
– Mô hình phát triển NOXH dạng đầu tư xây dựng tập trung – Mô hình A, thuộc hình thức phát triển NOXH theo dự án, do doanh nghiệp đầu tư xây dựng cho tới sản phẩm hoàn chỉnh cuối cùng là nhà ở dạng căn hộ chung cư hay nhà liên kế; Mô hình có hai dạng: A1 – Dạng đầu tư xây dựng bằng một phần hoặc toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước; A2 – Dạng đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách để cho thuê, thuê mua và bán;
– Mô hình phát triển NOXH dạng dân doanh – Mô hình B, thuộc hình thức phát triển nhà ở của hộ gia đình, cá nhân để cho thuê, bán. Dạng phổ biến nhất là xây dựng để cho thuê, vì vậy còn được gọi là Mô hình nhà trọ với sản phẩm là căn hộ cho thuê (chung cư mini – phòng trọ theo chiều cao) và phòng trọ cho thuê (dãy trọ).
– Mô hình phát triển NOXH dạng phi tập trung – Mô hình C, thuộc hình thức phát triển NOXH theo dự án, do doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và cả người dân tham gia đầu tư xây dựng. Trong mô hình này, doanh nghiệp tạo lập dự án, đầu tư xây dựng hệ thống HTKT chung và hạ tầng xã hội, tham gia đầu tư xây dựng công trình hoặc bán các lô đất có HTKT cho đối tượng được hỗ trợ NOXH mua và tự tổ chức xây dựng nhà ở của mình theo quy hoạch và mẫu thiết kế đã được phê duyệt. Mô hình có hai dạng: C1 – Tại các lô đất ở có HTKT, doanh nghiệp tạo sản phẩm là công trình nhà liên kế dạng thô, hoặc hoàn thiện một phần. Người dân sau khi mua sẽ tiếp tục hoàn thiện toàn bộ sản phẩm; C2 – Chủ đầu tư bán sản phẩm là lô đất ở có HTKT, người dân sau khi mua sẽ tự tổ chức xây dựng công trình.
– Mô hình NOXH tự xây đơn lẻ – Mô hình D, thuộc hình thức phát triển nhà ở của hộ gia đình, cá nhân. Người dân thuộc đối tượng được hỗ trợ NOXH, có quỹ đất hoặc có nhà song thuộc loại bán kiên cố, nhà tạm, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước về nguồn vốn, của xã hội về tư vấn xây dựng…để có thể tự tổ chức xây dựng, cải tạo nâng cấp ngôi nhà của chính họ.
b) Ứng dụng các giải pháp quy hoạch, xây dựng và guản lý thích ứng và hiệu quả
Đây phải là các giải pháp đảm bảo được các quy định tương tự như giải pháp xây dựng nhà ở thương mại thông thường, song có chú ý đến các yếu tố đặc thù của NOXH:
– Quy hoạch dự án NOXH không chỉ đáp ứng các yêu cầu là không gian cho hoạt động cư trú mà còn phải đáp ứng cho hoạt động kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân;
– Không thể giảm giá thành nhà bằng cách giảm quy mô của căn hộ, nhà xuống quá ngưỡng để không còn gọi đó là nhà ở. Việc phát triển NOXH chỉ bền vững khi gắn với việc tăng thu nhập hay khả năng chi trả của người dân.
– Việc ứng dụng công nghiệp hóa xây dựng với các loại công nghệ tiên tiến để sản xuất hàng loạt có thể giảm giá thành NOXH từ 5 -15%. Có 6 loại công nghệ xây dựng tiên tiến đang ứng dụng đại trà trong xây dựng NOXH: Bê tông dự ứng lực; Bê tông tường chịu lực có sử dụng phụ gia; Sàn rỗng C- Deck; Bê tông nhẹ; Sử dụng tấm 3D-panel; Gia cố nền đất dưới móng – Top-base.
– Cần thiết phải xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá tổng hợp giải pháp xây dựng NOXH, nhằm lượng hóa các vấn đề liên quan đến giá thành, chất lượng NOXH, qua đó giúp Nhà nước, xã hội có thể đánh giá việc sử dụng nguồn lực có hiệu quả nhất trong việc tạo ra sản phẩm NOXH (hiện đã xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá tổng hợp giải pháp xây dựng với 67 tiêu chí đánh giá, phân theo các nhóm; Sử dụng các phần mềm chuyên dụng để thực hiện đánh giá và so sánh với các công trình tương tự khác).
c) Chú trọng đồng thời các hoạt động cư trú, sinh kế và hòa nhập cộng đồng
NOXH không chỉ là ngôi nhà mà còn là nơi ở, gắn với: i) Đặc điểm cư trú của cư dân có tính ổn định lâu dài hay có tính tạm thời phù hợp với từng loại hình NOXH; ii) Nhu cầu và cơ hội về hoạt động sinh kế trong dự án NOXH; iii) Các mức độ hòa nhập cộng đồng phù hợp với loại cư trú.
d) Ngoài hệ thống HTKT, hạ tầng xã hội cần đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng cho phát triển và quản lý NOXH
Hệ thống hạ tầng NOXH gồm 3 hệ thống: Hạ tầng kỹ thuật; Hạ tầng xã hội; Hạ tầng phát triển và quản lý NOXH. Trong đó có điểm cần chú ý là:
– Hệ thống hạ tầng xã hội với công trình dịch vụ đô thị mở rộng, là cơ sở cho tổ chức không gian các hoạt động kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập và là yếu tố tạo thị tại dự án NOXH;
– Dự án NOXH không chỉ cần hệ thống HTKT, hạ tầng xã hội mà còn cần hệ thống hạ tầng phát triển và quản lý NOXH, gồm: i) Hạ tầng tài chính, là Quỹ tín dụng phát triển NOXH với hai hoạt động chính: Hoạt động tín dụng ngân hàng và Hoạt động phục vụ cho mục tiêu phát triển NOXH, trong đó có giải pháp tạo nguồn cho Quỹ tín dụng từ quỹ đất 20% NOXH; ii) Hạ tầng công nghệ thông tin, là Hệ thống cơ sở dữ liệu phát triển và quản lý NOXH; iii) Hạ tầng khoa học công nghệ; Hệ sinh thái khởi nghiệp doanh nghiệp, doanh nghiệp xã hội và tổ chức cộng đồng (bao gồm cả mạng xã hội).
e) Đảm bảo mối tương tác với thị trường bất động sản
Một dự án NOXH sau 5 năm đã có thể trở thành dự án nhà ở thương mại. Vì vậy phải quan tâm đến mối tương tác 2 chiều giữa thị trường bất động sản và phát triển NOXH.
f) Chú trọng mối tương quan giữa khả năng chi trả cho nhà ở và giá nhà
Mối tương quan này được xác định qua Chỉ số đánh giá khả năng hiện thực của sản phẩm (còn được gọi là chỉ số đánh giá về sự hợp lý của giá bất động sản – giá nhà so với thu nhập); được tính bằng giá của một căn hộ, căn nhà chia cho khả năng chi trả của người dân (bằng 30% thu nhập trung bình của người lao động theo năm). Từ đó tính ra số năm trả hết tiền mua nhà. Nhờ Chỉ số này có thể thống nhất và đơn giản hóa cách xác định mức độ hợp lý của sản phẩm NOXH…
4) Chương trình, đề tài đã thực hiện giữa hai kỳ Hội thảo
Từ kết quả Hội thảo 2016, Bộ môn Kiến trúc Công nghệ đã đề xuất và kiến nghị một số chương trình phát triển và quản lý NOXH. Các đề xuất và kiến nghị này đã gửi đến các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan.
Trong giai đoạn giữa hai kỳ Hội thảo, riêng Bộ môn Kiến trúc Công nghệ đã phối hợp với các tổ chức đơn vị có liên quan tiến hành một số chương trình cụ thể:
a) Tham gia thực thực hiện các đề tài nghiên cứu gắn với NOXH, ví dụ như: Đề tài Bộ Xây dựng: Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để phát triển và quản lý NOXH (2 năm, đang thực hiện; 2019 nghiệm thu); Đề tài cấp trường: Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về nhà ở công nhân các KCN Hà Nội;
b) Kết hợp với Công ty CP Đầu tư và Phát triển Công nghệ ĐHXD NUCETECH nghiên cứu, triển khai thực nghiệm: Mô hình nhà ở sử dụng tấm tường 3D (chủ yếu cho người thu nhập thấp); Mô hình gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) cho dự án NOXH (ví dụ tại KCN Đồng Văn, tỉnh Hà Nam);
c) Đào tạo sau đại học gắn với đề tài NOXH: Đề tài của NCS Lê Lan Hương: Quy hoạch khu nhà ở công nhân các KCN vùng Đồng bằng sông Hồng gắn với tạo lập sinh kế và phát triển cộng đồng.
d) Phối hợp với tổ chức nước ngoài hỗ trợ trong việc nghiên cứu NOXH;
e) Triển khai 2 trang WEB phục vụ cho chương trình: Tuvanxaydungonline.vn và Nhaoxahoivietnam.vn; trong đó đặc biệt là trang WEB Tuvanxaydungonline.vn phục vụ trực tiếp và miễn phí cho người dân tổ chức xây dựng nhà ở của mình.
2. GIỚI THIỆU VỀ HỘI THẢO NHÀ Ở XÃ HỘI 2018
1) Bối cảnh Hội thảo NOXH 2018
a) Dự báo về sự bùng nổ phát triển NOXH giai đoạn 2018 – 2020 đã không xảy ra
Đã không có sự bùng nổ phát triển NOXH cùng với: Sự gia tăng số lượng các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng NOXH; Sự tham gia tích cực xây dựng nhà ở cho công nhân của các doanh nghiệp sử dụng lao động trong và ngoài KCN; Sự chủ động xây dựng, nâng cấp nhà ở của chính cộng đồng xã hội; Sự phát triển tương xứng của hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là Hệ thống cơ sở dữ liệu về phát triển và quản lý NOXH….
Những vấn đề hạn chế trong việc thực hiện Chương trình phát triển và quản lý NOXH, mà đã được chỉ ra trong Hội thảo NOXH 2016, vẫn chậm được giải quyết: i) Chưa xây dựng được Chương trình phát triển NOXH tại các địa phương; ii) Chưa thu hút và thúc đẩy hiệu quả việc xã hội hóa phát triển NOXH; iii) Chưa ứng dụng linh hoạt mô hình phát triển NOXH gắn với cơ cấu sản phẩm và iv) Chưa quan tâm đúng mức hoạt động sinh kế và cộng đồng của người dân…
b) Nhu cầu NOXH vẫn là rất lớn và đang chờ để giải quyết
Nhu cầu NOXH hiện nay ngày càng lớn, đặc biệt là NOXH cho công nhân KCN. Nhu cầu diện tích NOXH của những năm trước chưa thực hiện hết, lại gánh thêm nhu cầu mới tăng dần theo từng năm.
Theo thống kê của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện cả nước có 2,8 triệu công nhân tại các KCN, khu chế xuất, trong đó có 1,7 triệu người có nhu cầu về nhà ở. Trong khi đó, theo số liệu từ Bộ Xây dựng, trên phạm vi cả nước, mới hoàn thành đầu tư xây dựng 87 dự án NOXH cho công nhân KCN, quy mô xây dựng khoảng 28.800 căn hộ, đáp ứng được gần 28% nhu cầu về nhà ở cho công nhân; 72% nhu cầu còn lại sẽ tiếp tục hy vọng chờ giải quyết và tự giải quyết bằng mô hình thuê trọ.
Ngay cả trong các trung tâm đầy tiềm năng như thành phố Thành phố Hà Nội cũng chỉ mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu chỗ ở cho công nhân, còn thành phố HCM mới giải quyết được khoảng 15% nhu cầu.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết tháng 12/2017, cả nước có 360 KCN, thu hút hàng triệu lao động, tạo ra làn sóng dịch cư lớn từ nông thôn ra đô thị. Đã theo một xu hướng, thanh niên rời nông thôn ra đô thị làm công nhân, dù gặp khó khăn cũng hiếm khi quay trở về nơi cũ. Có ý kiến nhận xét rằng, phổ biến công nhân KCN đang trong tình trạng “5 không”: Không nhà cửa, không gia đình, không tình yêu, không vui chơi giải trí, không thể dục thể thao. Phát triển NOXH giờ đây không chỉ đơn thuần là đáp ứng nhu cầu nơi ở mà còn cả nhu cầu xã hội rộng lớn hơn đi kèm.
c) Phát triển NOXH hiện chưa được quan tâm đúng mức
Về phương diện quản lý Nhà nước, vấn đề NOXH đã nhường cho các chương trình mới: Khởi nghiệp, CMCN 4.0, Đô thị thông minh, Nông nghiệp công nghệ cao…:
– Trong Chỉ tiêu phấn đấu và thực hiện năm 2018, 2019 với 12 chỉ tiêu: 1) Tổng sản phẩm trong nước; 2) Tổng kim ngạch xuất khẩu; 3) Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu; 4) Tốc độ tăng giá tiêu dùng; 5) Tổng vốn đầu tư phát triển xã hội; 6) Tỷ lệ hộ nghèo; 7) Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị; 8) Tỷ lệ lao động qua đào tạo; 9) Số giường bệnh trên 10.000 dân; 10) Tỷ lệ dân số tham gia BHYT; 11) Tỷ lệ KCN, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; 12) Tỷ lệ che phủ rừng. Không có chỉ tiêu nào về phát triển NOXH;
– Trong Mục tiêu tổng quát năm 2019 cũng như 8 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện trong năm 2019, vấn đề NOXH rất mờ nhạt, có lẽ được lồng ghép vào mục tiêu: Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Về phương diện xã hội, vấn đề NOXH đã không còn được quan tâm nhiều như những năm trước. Tại phụ lục có bảng đánh giá mức quan tâm của xã hội về NOXH, nhà ở công nhân tại Việt Nam dựa trên thống kê theo thang điểm của Google Trends. Thang điểm cho thấy:
– Quan tâm của xã hội về từ khóa NOXH đã giảm: Năm 2018 (57 điểm) là năm có điểm quan tâm ít nhất về NOXH, giảm 9 điểm so với 2017 (66 điểm) và 2 điểm so với 2016 (59 điểm);
– Quan tâm của xã hội về từ khóa nhà ở công nhân cũng giảm: Như vậy, năm 2018 (49 điểm) là năm có điểm quan tâm ít nhất về nhà ở công nhân,giảm 2 điểm so với 2017 (51 điểm) và giảm 10 điểm so với 2016 (59 điểm).
Có thể thấy, tại thời điểm Hội thảo NOXH 2018 (12/2018), tình trạng quan tâm chung của toàn xã hội đến vấn đề NOXH: “Trên đã giảm nóng, Giữa vẫn lạnh và Dưới dần nguội lạnh”.
2) Mục tiêu của Hội thảo NOXH 2018
Mục tiêu chính: Tiếp tục góp phần thực hiện chủ trương, chính sách, chương trình phát triển NOXH của Nhà nước đã ban hành; Thúc đẩy xã hội quan tâm trở lại vấn đề NOXH.
Mục tiêu cụ thể : Định hình Chương trình hội thảo về NOXH (2 năm /lần) theo hướng quốc gia và quốc tế, ngày càng rộng và sâu hơn; Hình thành được các hướng nghiên cứu mới về phát triển NOXH; Thúc đẩy quá trình liên kết, hợp tác với các tổ chức, đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan; Góp phần đào luyện cán bộ và nâng tầm vị thế chuyên môn.
3) Nội dung của Hội thảo NOXH 2018
a) Tập trung bàn luận về NOXH cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong KCN
– Hội thảo NOXH 2016 với tiêu đề: “Bức tranh toàn cảnh về NOXH – Thách thức và Cơ hội” cho thấy mức độ quan tâm theo chiều rộng của Hội thảo, gắn với việc xác định và làm rõ vấn đề có liên quan đến phát triển và quản lý NOXH. Các vấn đề được đề cập đến trong Hội thảo NOXH 2016 tiếp tục được kế thừa trong Hội thảo NOXH 2018.
– Hội thảo NOXH 2018 với tiêu đề: “Nơi ở công nhân KCN: Nhà ở, Sinh kế và Cộng đồng” cho thấy mức độ quan tâm theo chiều sâu của Hội thảo, gắn với việc xác định và làm rõ các vấn đề có liên quan đến phát triển và quản lý nơi ở cho công nhân KCN. Nhà ở, Sinh kế và Cộng đồng tạo thành 3 trụ cột đảm bảo tính đồng bộ và bền vững của Chương trình phát triển và quản lý NOXH.
Để có thể tổng hợp thành các chương trình, đề tài nghiên cứu về NOXH giai đoạn 2019-2020 và tiếp sau, Hội thảo NOXH 2018 chia thành các chuyên đề để trình bày và thảo luận:
b) Vấn đề về phát triển và quản lý nhà ở cho công nhân KCN
Hội thảo cần từng bước làm rõ các vấn đề NOXH mà xã hội quan tâm trong thời gian gần đây:
– Tại sao đã có nhiều chính sách ưu đãi về vốn, đất đai…để thu hút đầu tư, song thực tế phát triển nhà ở cho công nhân KCN tại các địa phương vẫn không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, thậm chí còn được cho là” Như muối bỏ bể” ? Có phải bắt nguồn từ nguyên nhân: (i) Vai trò trách nhiệm chưa rõ của chính quyền địa phương trong việc tạo quỹ đất sạch và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối; Thủ tục hành chính còn kéo dài, phức tạp…ii) Mức độ lợi nhuận thấp (10%) khó thu hút của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, gắn liền với hạn chế trong việc huy động, hỗ trợ tài chính và áp dụng tiến bộ công nghệ giảm giá thành sản phẩm; iii) Môi trường xã hội không tạo điều kiện và khuyến khích người lao động nỗ lực làm việc để tăng thu nhập.
– Với mức thu nhập bình quân của công nhân là 3- 5 triệu đồng/tháng, khả năng tích lũy để chi trả cho nhà ở (thuê và thuê mua) là không thể; Đã có dự án NOXH xây dựng xong không có người thuê. Người lao động chỉ có thể thuê trọ với diện tích chật chật chội (nhiều người ở để giảm chi phí thuê phòng). Từ đây phát sinh nhiều vấn đề xã hội cho thế hệ trẻ. Ngoài biện pháp như một số doanh nghiệp đang làm là hỗ trợ tiền thuê nhà, còn cách nào để giải quyết hiệu quả hơn mối quan hệ giữa mức thu nhập và chất lượng ở ?
– Đã có nhiều ý kiến về xã hội hóa phát triển loại hình nhà ở cho công nhân, thay vì chỉ trông chờ vào Nhà nước. Song thực hiện theo mô hình nào để khuyến khích toàn xã hội cùng nghĩ, cùng làm ? Cần thiết phải có tổng kết đánh giá các mô hình hiện đang thực hiện trong phạm vi toàn quốc để hoàn thiện mô hình cũ và bổ sung mô hình mới.
– Việc thực hiện Chương trình phát triển NOXH nói chung và nhà ở công nhân KCN nói riêng phải dựa trên Công nghệ chiến lược mang tính tổng thể. Đây không chỉ gồm công nghệ tạo lập và cung cấp một số lượng lớn căn hộ, nhà ở để thay thế nơi ở trong các khu trọ tạm bợ, mà còn phải gồm công nghệ tạo lập và quản lý: i) Không gian cho hoạt động sinh kế, nơi mà người lao động và gia đình của họ có thể lao động kiếm thêm thu nhập, hình thành những con người đa năng, tự tin ngay cả khi thất nghiệp do bị công nghệ mới, người máy thời CMCN 4.0 thay thế; ii) Không gian cho hoạt động cộng đồng, nơi mà những người lao động và gia đình của họ có thể gặp gỡ và nương tựa nhau, hình thành một nơi chốn tích tụ về sức mạnh văn hóa và tinh thần. Vậy, Công nghệ chiến lược này có nội dung như thế nào?
– Các vấn đề quan tâm khác: i) Cho phép thành lập Quỹ nhà ở cho công nhân KCN nhằm hỗ trợ tiền thuê, mua nhà, được hình thành trên cơ sở đóng góp từ doanh nghiệp và ngân sách địa phương; ii) Hoàn thiện chính sách đối với người nhập cư, để thuận lợi cho đăng ký hộ khẩu thường trú, được hưởng quyền cơ bản như: quyền tự do đi lại; quyền được chăm sóc y tế và bảo vệ sức khoẻ…ngoài quyền về nơi ở hợp pháp.
c) Vấn đề về Nhà ở cho công nhân KCN
– Hiện tại Mô hình phát triển NOXH dạng dân doanh – Mô hình B, thuộc hình thức phát triển nhà ở của hộ gia đình, cá nhân cho thuê, bán vẫn là nguồn cung chủ yếu về nhà ở cho người lao động (chiếm 72%) và còn có vai trò tích cực trong những năm tới đây. Ngoài các hỗ trợ về vốn, quỹ đất, cần thiết phải sớm ban hành hệ thống tiêu chuẩn nhà ở tối thiểu của Mô hình này, các thiết kế nhà trọ mẫu, để các hộ gia đình, cá nhân cung ứng nhiều hơn nữa sản phẩm nhà ở, nhà trọ giá rẻ với chất lượng chấp nhận được cho thị trường.
– Nhu cầu về NOXH nói chung hay nhà ở công nhân nói riêng là rất lớn, không thể chỉ trông chờ vào một số ít doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, cho dù họ có tính chuyên nghiệp. Cần thiết phải thực hiện cả Mô hình phát triển NOXH dạng phi tập trung – Mô hình C, thuộc hình thức phát triển NOXH theo dự án do doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế (doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp sử dụng lao động) và cả người dân tham gia thực hiện. Đây là mô hình cho phép huy động mạnh mẽ hơn nguồn vốn xã hội vào đầu tư xây dựng NOXH. Gần đây, trên thế giới xuất hiện một khái niệm “Gọi vốn cộng đồng” (Crowdfunding), là hình thức gây quỹ, theo đó tổ chức, cá nhân đóng góp tiền, thông qua internet, để hỗ trợ các dự án do các tổ chức khác khởi xướng. (Trong năm 2015, trên toàn thế giới, một khoản tiền với tổng trị giá hơn 34 tỷ USD đã được huy động bằng cách gây quỹ cộng đồng). Giải pháp công nghệ Crowdfunding cho dự án nhà ở công nhân KCN được thực hiện dựa vào 3 điều kiện: Đã có dự án được phê duyệt; Đã huy động được cá nhân, tổ chức góp vốn thực hiện dự án; Đã có tổ chức và công cụ mang tính pháp lý kiểm soát việc thực hiện dự án. Việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ Crowdfunding thực hiện dự án nhà ở công nhân KCN sẽ tạo ra một hướng đi mới trong quá trình xã hội hóa thực hiện Chương trình phát triển và quản lý NOXH.
– Ngoài 6 loại công nghệ xây dựng tiên tiến đang ứng dụng đại trà trong xây dựng NOXH nêu tại phần trên, cần nghiên cứu các công nghệ mang tính tích hợp sản xuất ra các bộ phận của ngôi nhà, kèm theo tài liệu, công cụ hướng dẫn để người dân tự tổ chức xây dựng ngôi nhà của mình (theo Mô hình NOXH tự xây đơn lẻ – Mô hình D).
d) Vấn đề về Sinh kế
Nhìn chung, thu nhập của công nhân tại các KCN còn thấp. Dù mức lương đã liên tục tăng trong những năm gần đây, song về cơ bản chỉ đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu và rất khó khăn trong việc thuê mua căn hộ, nhà trong các dự án NOXH, hay tự xây dựng ngôi nhà của mình.
Người lao động ai cũng muốn nâng cao mức thu nhập và biết rõ mức thu nhập này chưa thể đến từ lương mà chỉ có thể đến từ các hoạt động sinh kế khác.
Sinh kế trong khu nhà ở cho công nhân KCN là hoạt động kiếm sống của con người thông qua việc sử dụng các nguồn lực (con người, tự nhiên, vật chất, tài chính, xã hội…) trong một môi trường NOXH, có sự quản lý của các tổ chức, định chế, chính sách liên quan. Hoạt động sinh kế này phải thích ứng với đặc điểm, tính chất của khu NOXH, tránh được các tác động tiêu cực, đồng thời vẫn duy trì và phát triển được các nguồn lực hiện tại và lâu dài theo hướng sinh kế bền vững.
Ngày 06/07/2018, tại Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam; được chia thành 5 cấp với 734 ngành kinh tế. Ngày 01/11/2018 tại Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam; được chia thành 7 cấp với 3574 ngành sản phẩm.
Theo đó, có rất nhiều ngành nghề, ngành sản phẩm có thể tạo lập được hoạt động sinh kế theo hướng bền vững trong khu nhà ở công nhân KCN. Cần nghiên cứu, chọn lựa các ngành nghề, ngành sản phẩm phù họp để hướng dẫn cho người lao động và gia đình họ lựa chọn sinh kế. Đó là các ngành nghề, ngành sản phẩm: i) Phù hợp về quy mô, tính chất, môi trường…trong khu nhà ở cho công nhân KCN; ii) Phù hợp về nhu cầu không gian, nguồn vốn, công nghệ và trinh độ của người lao động và gia đình họ; iii) Phù hợp với thị trường tạo lập và tiêu dùng sản phẩm…
Cần thiết có chương trình hướng dẫn, tập huấn “Khởi nghiệp sinh kế” cho công nhân các KCN, tạo cho họ và gia đình họ nhiều cơ hội lập nghiệp và nâng cao chất lượng sống hơn, đặc biệt trong thời kỳ CMCN 4.0.
Cần nghiên cứu để bổ sung thêm các không gian và hoạt động sinh kế trong quá trình đầu tư xây dựng dự án nhà ở công nhân KCN. Qua đó tạo hình ảnh sống động trong khu nhà ở cho công nhân, tương tự như các khu nhà ở thương mại khác (thay thế hình ảnh tương tự như “trại lính” trong các khu nhà tập thể), tạo thành trung tâm dịch vụ hỗ trợ cho cả các khu dân cư (nông thôn) kề liền.
e) Vấn đề về Cộng đồng
Một cộng đồng người là một nhóm xã hội sống chung trong cùng một môi trường và cùng mối quan tâm chung về niềm tin, nhu cầu, hành động và nhận diện các nguy cơ….Cộng đồng được hình thành bởi 4 yếu tố: i) Có quan hệ cá nhân trực tiếp mật thiết với nhau, tạo thành các nhóm nhỏ; các nhóm lại có quan hệ mật thiết với nhau tạo thành nhóm lớn; ii) Có liên hệ chặt chẽ với nhau về tình cảm, cảm xúc khi cá nhân, nhóm thực hiện nhiệm vụ cụ thể nào đó; iii) Có sự đóng góp về mặt tinh thần hoặc dấn thân thực hiện các giá trị xã hội được cả xã hội ngưỡng mộ; iv) Có ý thức đoàn kết tập thể. Cộng đồng được hình thành trên cơ sở các mối liên kết giữa cá nhân và tập thể, dựa trên cơ sở tình cảm, niềm tin, triết lý sống là chủ yếu; không phải do các quy tắc rõ ràng mà do các quan hệ văn hóa.
Những người dân trong các khu nhà ở cho công nhân KCN, trước kia từng được sống trong cộng đồng làng xóm, chắc chắn cũng mong muốn, đây không phải là nơi tập trung sinh sống của những con người, gia đình đơn lẻ, mà phải là một cộng đồng xã hội, nơi kết nối mọi người, mọi thế hệ với nhau trong hiện tại và cả ngày mai.
Cộng đồng trong khu nhà ở công nhân KCN có thể chia thành: Nhóm cộng đồng dân cư gắn với doanh nghiệp mà họ đang làm việc; Nhóm cộng đồng dân cư gắn với hoạt động kinh doanh mà họ tham gia trong khu nhà ở công nhân; Nhóm cộng đồng gắn với sở thích theo nhóm người: thể thao, làm vườn…Nhóm cộng đồng gắn với lứa tuổi, giới tính: người già, thanh niên, trẻ em…
Việc tạo lập cộng đồng ngoài các yếu tố thiết chế văn hóa còn phải có các yếu tố mang tính không gian hay là môi trường cho việc hình thành các nhân tố văn hóa. Vậy đó là các không gian nào?
Các nhóm cộng đồng trên không chỉ tương tác trên không gian thật mà còn trên mạng xã hội và mở rộng ra với các cộng đồng bên ngoài khu nhà ở.
f) Về vấn đề Chuyển đổi số các chương trình, dự án nhà ở cho người lao động KCN
Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về NOXH là tập hợp thông tin thể hiện nội dung cơ bản về quy hoạch, dự án NOXH; được xây dựng, cập nhật, duy trì để quản lý, khai thác và sử dụng thông qua các phương tiện điện tử.
Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về NOXH là cơ sở cho việc chuyển đổi số tất cả các dự án đầu tư xây dựng NOXH.
Việc hình thành Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về NOXH sẽ góp phần: Thực hiện chính phủ điện tử, tạo điều kiện rút ngắn thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án phát triển NOXH; Công khai hóa vị trí, quy mô quỹ đất dành cho phát triển NOXH để thu hút đầu tư; Công khai danh sách người lao động được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về nhà ở; Điều chỉnh chính sách phát triển bất động sản của nhiều địa phương, hiện chỉ tập trung thực hiện các dự án phát triển nhà ở thương mại, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp.
Trong Hôi thảo 2018, cần thống nhất được: i) Yêu cầu đối với Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về NOXH; ii) Cách thức xây dựng; iii) Cách thức cập nhật và vận hành; iv) Trách nhiệm xây dựng. Đây là cơ sở cho việc hình thành Chương trình xây dựng Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về NOXH trình Bộ Xây dựng chấp thuận.
g) Về dự kiến Chương trình NOXH sau Hội thảo NOXH 2018
Dự kiến 9 Chương trình NOXH:
– CT1: Chương trình hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phát triển và quản lý NOXH nói chung và NOXH cho người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài KCN, ví dụ như về đất đai, nguồn vốn…
– CT2: Chương trình lập hợp phần NOXH tích hợp vào quy hoạch đô thị và nông thôn theo Luật Quy hoạch – Luật số 21/2017/QH14; đảm bảo có đủ quỹ đất xây dựng nhà ở cho công nhân cũng như các công trình phục vụ cho nhu cầu thiết yếu, sinh kế và cộng đồng của người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài KCN.
– CT3: Chương trình nghiên cứu mối quan hệ giữa thu nhập của người lao động và quy mô, chất lượng nhà ở; là cơ sở cho việc thực hiện cải cách chế độ tiền lương của người lao động.
– CT4: Chương trình xây dựng Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về NOXH, phục vụ cho việc chuyển đổi số các chương trình, dự án đầu tư xây dựng NOXH; Chương trình tuyên truyền, quảng bá phát triển NOXH.
– CT5:Chương trình thử nghiệm đầu tư xây dựng NOXH theo mô hình Gọi vốn cộng đồng (Crowdfunding), thúc đẩy quá trình xã hội hóa việc xây dựng NOXH…
– CT6: Chương trình hướng dẫn, tập huấn huấn “Khởi nghiệp sinh kế” cho công nhân các KCN.
– CT7: Chương trình công nghệ xây dựng mang tính tích hợp phục vụ cho người dân tự tổ chức xây dựng nhà.
– CT8: Chương trình tập huấn và tự đào tạo cho hộ, gia đình, cá nhân tự tổ chức xây dựng nhà cho công nhân thuê theo mô hình mới.
– CT9: Chương trình xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá tổng hợp giải pháp xây dựng nhà ở công nhân KCN, là cơ sở cho việc hình thành Bộ tiêu chí quốc gia đánh giá tổng hợp giải pháp xây dựng NOXH.
Các chương trình nghiên cứu trên (tiếp tục được bổ sung) là cơ sở cho việc tạo lập các hướng đào tạo, nghiên cứu khoa học và triển khai trong thực tiễn; liên kết các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan góp phần thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
4) Kết luận
a) Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nếu định hướng xã hội chủ nghĩa là hướng tới những điều tốt đẹp, thì có lẽ thể hiện rõ nhất qua việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển và quản lý NOXH. Đây còn là một trong những thước đo trình độ quản trị quốc gia và khả năng kiến tạo của Nhà nước; là cơ hội và thị trường rộng lớn cho doanh nghiệp xây dựng, cộng đồng khoa học công nghệ và xã hội khởi nghiệp.
b) Dự báo đến năm 2020:
– Ngoài 12 chỉ tiêu phấn đấu và thực hiện trong năm của Chính phủ, sẽ xuất hiện thêm Chỉ tiêu số 13: Tỷ lệ người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài KCN có nhà ở.
– Quy hoạch phát triển các khu NOXH sẽ trở thành một hợp phần trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và nông thôn theo Luật Quy hoạch và được tích hợp vào Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, để toàn xã hội được biết và thực hiện.
c) Để Chương trình phát triển và quản lý NOXH nói chung và nhà ở cho công nhân KCN nói riêng có hiệu quả, phải cần cách làm mới, mô hình mới, gắn với tính năng động, sáng tạo của lãnh đạo từng địa phương, doanh nghiệp sử dụng lao động, các nhà khoa học của nhiều ngành khác nhau, cộng đồng xã hội và từ chính người lao động.
d) Là đơn vị có nhiều năm nghiên cứu trong lĩnh vực phát triển và quản lý NOXH nói chung và nhà ở công nhân nói riêng, Bộ môn KTCN cùng với các tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước liên quan, thông qua Hội thảo năm 2018, góp thêm một tiếng nói, một quyết tâm của giới khoa học, doanh nghiệp gửi đến cộng đồng xã hội mong muốn “Cùng nghĩ – Cùng làm” thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển và quản lý NOXH.
e) Chương trình phát triển và quản lý NOXH đã có khởi đầu, song sẽ không kết thúc, thể hiện triết lý cốt lõi của một quốc gia, dù còn thuộc nhóm nước đang phát triển: “Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp” và dần hướng tới: Mọi gia đình Việt Nam ai cũng có nhà ở – Một căn nhà khang trang với môi trường sống (sinh kế và cộng đồng) tốt đẹp để “An cư – lạc nghiệp”, “Dân giàu – Nước mạnh”.
Ban tổ chức Hội thảo rất mong các quý vị đại biểu trao đổi, đóng góp ý kiến, xây dựng chương trình, phù hợp với mục tiêu của Hội thảo NOXH 2018: “Nơi ở công nhân KCN: Nhà ở, Sinh kế và Cộng đồng”.
Chúc Hội thảo NOXH 2018 thành công!
Trân trọng cám ơn quý vị!
TS. Phạm Đình Tuyển
Bộ môn Kiến trúc Công nghệ, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng
Bài đã được đăng trên web bmktcn.com