Bảo tàng Khoa học Robot tại Seoul, Hàn Quốc sẽ được xây dựng bởi robot
Bảo tàng Khoa học Robot tại Seoul, Hàn Quốc sẽ được xây dựng bởi robotAug 24, 2020 09:30 AM1.290 lượt xem

Robot và máy bay không người lái sẽ tham gia vào tất cả các khía cạnh của dự án Bảo tàng Khoa học Robot  tại Seoul, Hàn Quốc, bao gồm thiết kế, sản xuất và lắp ráp. Việc xây dựng Bảo tàng dự kiến ​​sẽ bắt đầu vào năm 2020, chính thức mở cửa vào cuối năm 2022 và được vận hành như một chi nhánh của Bảo tàng Thủ đô Seoul. 

Hình vẽ phối cảnh Bảo tàng trong quá trình xây dựng bằng robot.

Bảo tàng Khoa học Robot (Robot Science Museum) do KTS. Melike Altınışık, thuộc công ty Thổ Nhĩ Kỳ Melike Altınışık Architects (MAA) thiết kế, sau khi giành chiến thắng trong cuộc thi do Chính quyền thành phố Seoul tổ chức.

Bảo tàng là nơi hỗ trợ giáo dục cộng đồng về vai trò của robot và nâng cao nhận thức thúc đẩy các sáng kiến trong việc hình thành Trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence – AI), Thực tại ảo (Virtual reality – VR), Thực tại ảo tăng cường (Augmented reality – AR) và Công nghệ hologram (Hologram Technology).

Đề xuất của công ty MAA nhấn mạnh đến việc tạo ra một không gian về robot cho người hâm mộ và thu hút mọi người đến tìm hiểu.

Bảo tàng có diện tích xây dựng 2500m2, diện tích sàn khoảng 6500m2, hình dáng hữu cơ, thuôn dài, không định hướng theo một trục nào, khác hẳn với các công trình bảo tàng thông thường với các trục tổ hợp và không gian hình hộp cứng nhắc. Qua đó, công trình tham gia tích cực vào các không gian công cộng xung quanh, gắn với Bảo tàng Nghệ thuật Nhiếp ảnh, các trung tâm kinh vế và văn hóa mới của khu vực.

Sơ đồ mặt đứng và mặt cắt Bảo tàng Khoa học Robot.

Robot và máy bay không người lái ​​sẽ đóng một vai trò nổi bật trong tất cả các giai đoạn lắp ráp của tòa nhà.

Theo dự kiến, một nhóm robot sẽ chịu trách nhiệm đúc, hàn, lắp ráp và đánh bóng mặt tiền kim loại của công trình; Một nhóm robot khác được giao nhiệm vụ in 3D các cấu kiện bê tông.

Việc sử dụng robot từ khâu thiết kế, sản xuất, đến xây dựng và dịch vụ của Bảo tàng không chỉ mang ý nghĩa quảng bá hình ảnh cho Bảo tàng Khoa học Robot, mà còn góp phần giảm số công nhân, thời gian và chi phí xây dựng. Đây cũng là việc khẳng định xu thế ứng dụng robot trong thiết kế, xây dựng và vận hành công trình kiến trúc.

Phối cảnh nội thất Bảo tàng Khoa học Robot.

Chính quyền thành phố Seoul hy vọng khi Bảo tàng Khoa học Robot hoàn thành sẽ đóng vai trò xúc tác quan trọng trong việc thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới trong toàn xã hội, đáp ứng tên gọi:  Seoul – thành phố của tương lai.

 

Theo Bộ môn Kiến trúc Công nghệ

Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng