Câu chuyện BIM ở Việt Nam
Câu chuyện BIM ở Việt NamAug 24, 2020 09:38 AM676 lượt xem

BIM – Revit là một cặp “bài trùng” được biết đến bởi không chỉ những người đang hoạt động trong ngành xây dựng mà còn ngay cả khách hàng của họ. Đôi lúc lại nghe BIM – ArchiCAD, BIM -Tekla, BIM -Civil 3D và thi thoảng lại còn SketchUp – BIM. Nếu cắc cớ hỏi rằng “BIM là gì?” thì được nghe trả lời “BIM là một công nghệ”. Đã hết đâu! BIM lại xuất hiện trong Quyết Định số 2500/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 Phê duyệt Đề án “Áp dụng Hệ thống thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình.”

Với câu hỏi “BIM là gì?” chúng ta sẽ nghe những câu trả lời như sau:

• Từ các đơn vị chuyên về thiết kế: “Chúng tôi đang sử dụng Revit trong thiết kế thì là BIM chứ còn gì nữa!”;
• Từ các đơn vị thi công: “Chúng tôi chuyển bản vẽ từ 2D của Autocad sang 3D trong Revit và sử dụng nó để tạo lập Shop Drawing trước khi thi công: Vậy là chúng tôi đang làm BIM rồi”.

Trước khi nhận xét hai câu trả lời trên, hãy theo dõi tiếp nội dung sau: Việt Nam tiếp nhận cụm mẫu tự viết tắt BIM cùng với phần mềm có tên là Revit do hảng phần mềm Autodesk vào khoảng năm 2007. Dưới sự quảng bá nặng tính thương mại của Autodesk, người Việt Nam đã ngộ nhận ba điều hết sức tai hại:
• Revit chính là BIM và BIM chính là Revit;
• BIM là Building Information Modeling (Mô hình hóa thông tin công trình);
• Với Revit, năng suất và chất lượng của giai đoạn thiết kế xây dựng sẽ tăng vọt lên một các tự nhiên.

Trên thực tế, Revit và BIM đều được biết đến từ khoảng đầu thập niên 2000 và giữa chúng không có mối liên hệ gì. Lúc đầu, Revit là một phần mềm chỉ nhằm mục đích cho việc thiết kế kiến trúc. BIM là một khuynh hướng sản xuất cho ngành công nghiệp xây dựng để có nhiều lợi ích hơn. Sau môt thời gian phát triển người ta mới nhận thấy rằng: Nếu sử dụng Revit như là một công cụ để đạt được những mục đích của BIM thì cần có một quy trình làm việc mới trong ngành công nghiệp xây dựng gọi là Integrated Project Delivery (IPD): A Guilde (1). Thuật ngữ IPD được xuất hiện chính thức trong một tài liệu của Hiệp Hội Kiến Trúc Sư Hoa Kỳ (AIA). Ở trang 40 của tài liệu này đã cảnh báo:

Toàn bộ lợi ích tiềm năng của BIM và IPD chỉ có được khi chúng được sử dụng với nhau. Như vậy khi mô tả cụm từ IPD thì nó đã bao gồm những mục tiêu của BIM”.

Vì vậy, BIM and Integrated Design (2) đã nhắc nhở hai điều quan trọng:

• Sử dụng Revit, hay phần mềm trên nền tảng BIM, mà chỉ đơn giản là làm ra các mô hình 3D nhằm mục đích diễn họa hoặc lập hồ sơ – Thì không khác gì việc sử dụng chức năng của LAPTOP như chức năng của CÁI BÚA;
• BIM bao gồm cả một công cụ và một quy trình (hiểu được điều này các cá nhân và tổ chức mới mới có thể lựa chọn các công cụ BIM và đưa ra quy trình phù hợp với đặc thù công việc của mình).

Vậy thì dù ý nghĩa đen của BIM là “Building Information Modeling – Mô hình hóa thông tin công trình” hay “Building Information Model – Mô hình thông tin công trình” hay “Building Information Management – Quản lý thông tin công trình” thì bản chất của BIM là cách làm việc – Điều quan trọng không phải là chúng ta chuyển đổi phần mềm từ AutoCAD sang Revit mà chuyển đổi từ xu hướng CAD sang BIM – chuyển đổi cách làm việc.

Tại sao phải thay đổi cách làm việc? Chúng ta đều biết rằng để có một tòa nhà phục vụ một mục đích nào đó của con người thì ngành công nghiệp xây dựng phải tạo ra sản phẩm và đảm bảo chất lượng cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, cho đến năm 2010, theo thống kê đã khẳng định rằng: Nếu chi phí xây dựng một công trình là 1 thì chi phí bảo trì phải là 5 và chi phí vận hành phải từ 50 – 200 (3). Do thời gian sử dụng của một tòa nhà dài hơn rất nhiều lần so với thời gian tạo lập ra tòa nhà đó.

Vì vậy, nếu ngành xây dựng thay đổi cách làm việc sao cho sản phẩm không chỉ đảm bảo chất lượng mà còn giảm giá thành, từ đó tiết giảm chi phí bảo trì lẫn chi phí vận hành – Đây là lợi ích mà BIM nhắm đến. Để đạt được những ích lợi đó, BIM được áp dụng không chỉ trong vòng đời dự án (Kế hoạch – Thiết kế – Thi công) mà cả trong vòng đời sản phẩm (Kế hoạch – Thiết kế – Thi công – Vận hành). Nếu chỉ áp dụng không đầy đủ và liên tục cho cả 4 giai đoạn thì không thể gọi là BIM.

Đến đây, chúng ta trở lại với hai câu trả lời ở đầu bài. Việt Nam chỉ biết Revit và BIM chưa quá 10 năm, so với thời gian vận hành của một công trình ít nhất cũng là 30 năm. Chúng ta cũng thiếu một hệ thống hạ tầng cơ sở dữ liệu, được tổ chức chặt chẽ, và ghi chép đầy đủ, tổng kết qua nhiều dự án trong ngành xây dựng. Vậy thì áp dụng BIM mà chưa tính đến giai đoạn vận hành thì làm sao có thể gọi là BIM được (!).

Dựa vào BIM, chính phủ của Anh (UK) đã quyết định: Vào năm 2025, ngành công nghiệp xây dựng sẽ đạt được các chỉ tiêu: Chi phí tạo lập công trình giảm 33%, thời gian bàn giao công trình giảm 50%, khí thải giảm 50% và xuất khẩu tăng 50%. Với hơn 7 năm, trên một cơ sở pháp lý liên quan khá tốt, họ đã tạo lập một hệ thống pháp lý cho BIM để tháng 4/2016 bắt buộc áp dụng. Cho đến nay, Anh là quốc gia áp dụng BIM một cách hệ thống và hiệu quả nhất, được khuyến cáo là một mô hình mẫu để các nước khác muốn áp dụng BIM tham khảo và học tập.
Bài học đầu tiên cho Việt Nam là: Lợi ích tốt nhất của BIM chỉ có được khi các hệ thống quản lý được tổ chức chặt chẽ, thông tin được chuyển giao thông suốt qua nhiều bộ phận khác nhau, nhiều tổ chức khác nhau. Con người, các quy trình và công nghệ là yếu tố then chốt, và các kỹ năng phần mềm chỉ mang yếu tố thúc đẩy, phương tiện để đạt được BIM. Ngoài ra, áp dụng BIM cần đến các hệ thống phần mềm, (hệ thống công cụ). Việt Nam cũng cần hiểu rõ vấn đề này. Việc thiếu các chiến lược phần mềm do không hiểu rõ mục đích của BIM và vai trò của các tổ chức khi tham gia vào chu trình BIM sẽ dẫn đến các lựa chọn thiếu khôn ngoan lãng phí nguồn lực của các tổ chức, lệ thuộc và chịu sự dẫn dắt của các hãng phần mềm lớn.

Áp dụng BIM cho các tòa nhà và hệ thống hạ tầng kỹ chỉ là kế hoạch ngắn hạn (thường được gọi là Level 2) của Anh. Mục tiêu mà kế hoạch kế tiếp (Level 3) này nhắm đến là: với những thông tin (Information) được tạo lập trong quá trình áp dụng BIM, chúng sẽ trở thành dữ liệu (Data) của công trình và hạ tầng đô thị. Kết hợp với các Data chuyên ngành khác đang phục vụ xã hội để trở thành Big Data. Từ Big Data này kết hợp nhiều yếu tố kỹ thuật khác như Cloud, Artificial intelligence (AI) – Trí thông minh nhân tạo, … để tổ chức và vận hành một đô thị thông minh.

Như vậy, bất kỳ một đất nước nào nếu muốn phát triển cũng cần phải áp dụng BIM. Việt Nam cũng vậy – Luật Xây Dựng 2014 của Việt Nam cũng đã đề cập vấn đề BIM. Và cho đến nay cũng đã có đề ra lộ trình áp dụng BIM. Để áp dụng BIM cho Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, việc đầu tiên cần phải làm, làm càng nhanh càng tốt là xem lại thuật ngữ HỆ THỐNG THÔNG TIN CÔNG TRÌNH vì danh có chính thì ngôn mới thuận.
Qua phần trình bày phía trên, thông tin của công trình là mục tiêu của ngành công nghiệp xây dựng chỉ phục vụ cho lợi ích của họ. Chính phủ chỉ xem thông tin là phương tiện để đạt được mục đích của mình là dữ liệu công trình; một thành tố không thể thiếu để phục vụ những nhu cầu ngắn hạn (quản lý đô thị) cũng như nhu cầu dài hạn (Đô thị thông minh)… Có như vậy thì chính phủ mới có điều kiện phục vụ lợi ích của quốc gia, lợi ích của toàn dân. Vì vậy, thuật ngữ BIM nên được điều chỉnh thành: HỆ THỐNG DỮ LIỆU CÔNG TRÌNH, từ đây quá trình luật hóa mới có thể xác định sản phẩm của BIM ở mỗi giai đoạn khác nhau là những dữ liệu nào, yêu cầu đạt chuẩn tối thiểu ra sao… Từ đó, xã hội mới có được hành lang pháp lý để phát triển BIM.

Toàn bộ phần trình bày trên chỉ là phần cốt lõi. Mục đích chỉ để người đọc có một cái nhìn đơn giản nhưng chính xác về BIM. Mong rằng sẽ nghe nhiều ý kiến và đề nghị của người đọc, nhằm hướng đến việc tìm hiểu thông tin về BIM và cả những vấn đề liên quan.

 

CCU