Theo ông Trần Ngọc Hoàng Thảo – Quản lý vận hành Cty T&T Design (Nhật Bản), chưa có sự thúc đẩy nào cho việc áp dụng BIM trong phân tích, thiết kế và quản lý công trình xanh tại Việt Nam.
Ông Trần Ngọc Hoàng Thảo.
Theo ông, nguyên nhân do đâu dẫn đến việc chưa áp dụng BIM trong công trình xanh?
– Theo như tôi được biết, rất ít chủ đầu tư áp dụng BIM trong phân tích, thiết kế và quản lý công trình xanh. Chúng ta chỉ đang trong giai đoạn có áp dụng BIM hay chưa? Bởi vì BIM là một giải pháp, quy trình giúp các bên liên quan dự án phối hợp với nhau tốt hơn, bao gồm tư vấn thiết kế, đơn vị thi công, quản lý dự án, trong đó đơn vị tư vấn công trình xanh chỉ là một trong số các bên liên quan. Các công việc phân tích, thiết kế, lập bản vẽ, dự toán, quản lý tiến độ,… đa số dựa trên mô hình 3D. Vậy nếu có một mô hình 3D đủ tốt, có đủ thông tin các bên liên quan cần, giúp mỗi bên khai thác chuyên môn, từ đó việc phối hợp mượt mà hơn thì đó là “áp dụng tốt”. Như vậy, nếu bên tư vấn công trình xanh đứng ngoài sự phối hợp này, chẳng hạn không sử dụng chung dữ liệu mô hình 3D đó, thì rất khó để có thể phối hợp tốt được.
Hiện tại, ngay cả đối với việc áp dụng BIM thì chúng ta cũng chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu, Nhà nước đang hỗ trợ các dự án thí điểm áp dụng BIM, trong khi đó các dự án này cũng đang tập trung ứng dụng về dựng mô hình, quản lý tiến độ xây dựng, quản lý vận hành… Cho nên, việc chưa có sự thúc đẩy nào cho việc áp dụng BIM cho việc phân tích, thiết kế và quản lý công trình xanh cũng là điều dễ hiểu. Một trong những nguyên nhân đó là việc áp dụng BIM cho công trình xanh ở nước ta cũng đang trong giai đoạn phát triển và chưa thực sự phổ biến trên thị trường xây dựng hiện nay. Nhiều chủ đầu tư muốn áp dụng BIM trong dự án nhưng không có nhu cầu làm công trình xanh và nhiều dự án muốn được thiết kế đáp ứng tiêu chí của công trình xanh nhưng lại không có nhu cầu áp dụng BIM.
Chủ đầu tư cũng như đơn vị tư vấn công trình xanh chưa thấy được giá trị hoặc dự án cụ thể thành công trong việc áp dụng BIM cho phân tích, thiết kế và quản lý công trình xanh. Hoặc thấy được giá trị rồi nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Trong đó, tất nhiên, quyết định “có áp dụng hay không” của chủ đầu tư là quan trọng nhất; Các đơn vị tư vấn chưa hiểu quy trình làm việc của nhau nên chưa tìm ra phương pháp để phối hợp hiệu quả. Như T&T Design hiện nay là đơn vị tư vấn BIM cũng đang cử chuyên gia đi tham dự các khoá học về LEED hay LOTUS tại Việt Nam, nhằm phục vụ công tác R&D, từ đó giúp hoàn thiện cho công việc tư vấn BIM, mà cụ thể là BIM trong phân tích, thiết kế và quản lý công trình xanh, với mong muốn phần nào thúc đẩy góp vào tiếng nói chung.
Ông có thể cho biết những ví dụ cụ thể cho thấy hiệu quả áp dụng BIM trong đầu tư xây dựng công trình xanh?
– Tôi xin lấy ví dụ về công trình Coca-Cola Place (The Ark) ở Sydney, Úc. Công trình sử dụng giải pháp GRAPHISOFT ArchiCAD để tạo lập mô hình 3D và đồng thời đạt chứng chỉ Green Star (6 sao), một hệ thống điểm đánh giá công trình xanh của Úc. Việc tạo lập mô hình 3D giúp cho việc quản lý và bảo trì tài sản. Tất cả tài sản của công trình được tạo lập trong BIM được sử dụng như là một nguồn dữ liệu trung tâm để quản lý và tối ưu hóa hiệu suất công trình bây giờ và trong tương lai.
Những ứng dụng BIM trong việc phân tích, thiết kế và quản lý công trình xanh, có mô hình 3D chính xác thông tin giúp việc phân tích hiệu suất thiết kế dễ dàng hơn. Việc phối hợp trên cùng một mô hình giúp đơn vị tư vấn công trình xanh cũng như thiết kế cập nhật thông tin nhanh chóng và chính xác hơn, từ đó giúp đưa ra những quyết định nhanh chóng và đúng đắn hơn.
Trong quá trình phân tích, sự chỉnh sửa thiết kế liên tục là điều không tránh khỏi và áp dụng BIM sẽ giúp quá trình chỉnh sửa này được dễ dàng. Làm công trình xanh là không dừng lại ở giai đoạn thiết kế, mà quan trọng hơn và lâu dài hơn là ở giai đoạn vận hành tòa nhà. Nghĩa là khi đưa vào sử dụng, liệu tòa nhà có còn “xanh” như thiết kế ban đầu hay không. Điều này đòi hỏi công trình phải được quản lý vận hành sát sao. Và BIM với nhiều giải pháp hỗ trợ cho công tác quản lý vận hành sẽ giúp cho quá trình này. Cụ thể như giải pháp EcoDomus, một trong những giải pháp mà T&T Design đang là nhà phân phối được uỷ quyền tại thị trường Việt Nam, mà người ta vẫn thường gọi là giải pháp 6D BIM.
Theo ông, Chính phủ Việt Nam cần những giải pháp nào để khuyến khích áp dụng BIM cho công trình xanh ở Việt Nam khi mà thực tế ngay cả công trình xây dựng thông thường tại Việt Nam việc áp dụng BIM cũng còn hạn chế?
– Theo tôi, nhân tố quan trọng nhất có thể thúc đẩy việc áp dụng BIM vào phân tích, thiết kế và quản lý công trình xanh phải là Nhà nước, như tổ chức các buổi đào tạo, hướng dẫn cho các đối tượng cùng tham gia, đặc biệt là cho chủ đầu tư; Ban hành hướng dẫn cụ thể cho các bên bao gồm chủ đầu tư và đơn vị tư vấn; Hỗ trợ dự án thí điểm; Hỗ trợ các đơn vị tư vấn về BIM cũng như là tư vấn công trình xanh; Lắng nghe các ý kiến đóng góp từ các chuyên gia trong nước và quốc tế; Bổ sung các điều luật cần thiết nếu phù hợp; Tìm kiếm và kết nối đến các quốc gia đã thành công để học hỏi.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo baoxaydung.com.vn