Bảo tàng Quốc gia Qatar – KTS.Jean Nouvel
Bảo tàng Quốc gia Qatar – KTS.Jean NouvelAug 24, 2020 09:28 AM253 lượt xem

Bảo tàng Quốc gia Qatar được xây dựng thay thế Bảo tàng Quốc gia Qatar hiện tại. Công trình được thiết kế bởi KTS.Jean Nouvel (người Pháp -12/8/1945, nổi tiếng với các công trình bảo tàng và trung tâm kiến trúc, được nhận giải thưởng Pritzker năm 2008; Năm 2017 ông đã hoàn thành một bảo tàng lớn khác ở Trung Đông, Bảo tàng Louvre Abu Dhabi tại Abu Dhabi, United Arab Emirates).

Thông tin chung:

  • Dự án: Bảo tàng Quốc gia Qatar (National Museum of Qatar)
  • Địa điểm: Doha, Qatar
  • Tư vấn thiết kế kiến trúc: KTS. Jean Nouvel và cộng sự
  • Quy mô:  Diện tích sàn 40.000m2
  • Năm hoàn thành: 2019

Qatar là một quốc gia nằm trên một bán đảo nhỏ tại Tây Á, dân số là 2,6 triệu người (năm 2017), trong đó công dân Qatar chỉ có 0,31 triệu, còn lại là người nước ngoài. Qatar là một quốc gia trẻ, mới tuyên bố độc lập ngày 1/9/1971.

Từ một cộng đồng dân cư du mục nhỏ bé, ngày nay Qatar có thu nhập bình quân đầu người cao hàng đầu thế giới, trở thành một quốc gia trung lưu với những đô thị và công trình kiến trúc hiện đại, trong đó tiêu biểu là Bảo tàng Quốc gia Qatar.

Bảo tàng Quốc gia Qatar nằm tại phía Nam của Doha Corniche, là đường dạo ven bờ vịnh Doha, kéo dài 7km tại thủ đô Doha. Đây là không gian cho tổ chức lễ kỷ niệm hàng năm các ngày lễ quốc gia và là điểm du lịch giải trí nổi tiếng ở Qatar.

KTS. Jean Nouvel, Chủ nhân Giải thưởng Pritzker 2008 và người thiết kế công trình này.

Công trình được thiết kế phù hợp với bảo tàng của thế kỷ 21, cho phép người xem trải nghiệm các hiện vật trưng bày theo ba chiều; đáp ứng mong muốn phản ánh tinh thần đương đại của quốc gia Qatar và trở thành điểm đến cho mọi người từ khắp nơi trên thế giới.

Công trình được xây dựng gắn với việc bảo tồn Cung điện của Sheikh Abdullah bin Jassim Al-Thani (nhà lãnh đạo của Tiều vương quốc, năm 1880- 25/4/1957, trị vì giai đoạn năm 1913 – 1949). Cung điện (Old Palace of Sheikh Abdullah Bin Jassim) là đài tưởng niệm quan trọng về quá khứ của Qatar và là trung tâm của bản sắc dân tộc Qatari.

Mối quan hệ giữa tòa nhà cũ và mới đã góp phần tạo ra cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, là một trong những cách để Qatar xác lập vị thế của quốc gia thay vì chỉ được nhìn nhận từ quan điểm của quốc gia khác.

Vị trí xây dựng Bảo tàng Quốc gia Qatar.

Cung điện của Sheikh Abdullah bin Jassim Al-Thani được bảo tồn cùng với việc xây dựng Bảo tàng.

Bảo tàng nằm trong một công viên cảnh quan rộng khoảng 11,2 ha với vườn cây bản địa, hồ nhân tạo, chỗ đỗ cho 400 xe.

Bảo tàng có diện tích 40.000m2, tạo thành một quần thể công trình, có bố cục tự do chạy dọc theo hồ nhân tạo và tuyến đường ven biển, ôm lấy Cung điện của Sheikh Abdullah bin Jassim Al-Thani và quảng trường trung tâm.

Công trình cao 2- 6 tầng, có hình dáng lấy cảm hứng từ hoa hồng sa mạc (được hình thành từ sự kết tinh các tinh thể muối, tìm thấy ở vùng đất mặn của sa mạc). Hình khối của công trình như được hợp thành từ muôn vàn cánh hoa hồng, được tạo bởi các tấm dạng đĩa lồng vào nhau.

Công trình như mọc lên từ biển và kết nối với xung quanh bằng hai tuyến đường dành cho người đi bộ và phương tiện cơ giới. 

Phối cảnh tổng thể Bảo tàng Quốc gia Qatar. 

Mặt bằng tầng 1, Bảo tàng Quốc gia Qatar. 

Mặt bằng mái, Bảo tàng Quốc gia Qatar. 

Sơ đồ mặt cắt ngang, Bảo tàng Quốc gia Qatar.

Một góc công trình Bảo tàng Quốc gia Qatar. 

Công trình Bảo tàng Quốc gia Qatar và Cung điện của Sheikh Abdullah bin Jassim Al-Thani. 

Bảo tàng Quốc gia Qatar nhìn từ một góc phố xung quanh.

Bảo tàng được thiết kế theo truyền thống văn hóa Bedouin (cư dân sa mạc gắn với các bộ tộc, chia sẻ một văn hóa chung về chăn nuôi gia súc, truyền thống du mục, âm nhạc, thơ ca, múa và trang phục…; đại đa số là người Hồi giáo).

Bảo tàng đề cập đến ba chủ đề chính liên quan đến nhau:

i) Lịch sử tự nhiên của sa mạc và vùng vịnh Ba Tư; đồ tạo tác từ nền văn hóa Bedouin;

ii) Triển lãm lịch sử về những cuộc chiến tranh giữa các bộ tộc và thành lập Nhà nước Qatar;

iii) Phát hiện ra dầu lửa và sự thay đổi hiện tại.

Tại đây trưng bày bộ sưu tập khoảng 8000 hiện vật, bao gồm các đồ tạo tác khảo cổ, kiến ​​trúc, đồ dệt và trang phục, đồ trang sức, nghệ thuật trang trí, sách và tài liệu lịch sử phân theo 3 chủ đề chính trên. 

Nội thất công trình được trang bị màn hình và thiết bị máy tính hiện đại, cho phép tăng khả năng nghe, nhìn các hiện vật lịch sử được lựa chọn từ bộ sưu tập của Bảo tàng.

Ngoài không gian trưng bày, công trình còn có phòng khán giả 220 chỗ, trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm, diễn đàn thực phẩm chuyên dụng, hai nhà hàng, quán cà phê và cửa hàng. 

Nội thất Khu vực triển lãm về lịch sử tự nhiên của sa mạc và vùng vịnh Ba Tư; đồ tạo tác từ nền văn hóa Bedouin.

Nội thất Khu vực triển lãm về những cuộc chiến tranh giữa các bộ tộc và thành lập Nhà nước Qatar.

Nội thất Khu vực triển lãm về phát hiện ra dầu lửa và sự thay đổi hiện tại.

Hình dạng của công trình là kết quả tương tác hình học phức tạp của các tấm hình đĩa (hình tượng cánh hoa).

Các tấm đĩa – cánh hoa hồng nhô ra ngoài tạo thành các mảng bóng râm cho tòa nhà, bảo vệ nội thất khỏi ánh sáng mặt trời trực tiếp. Khoảng cách giữa các tấm đĩa là các lỗ cửa kính không có khung cửa, tạo tầm nhìn từ bên trong sân trong, khu vườn của Bảo tàng và vịnh Doha gần đó.

Về kết cấu, xây dựng, công trình không có hai đĩa giống nhau, không có hai đĩa giao nhau theo cùng một kiểu. Vì vậy Bảo tàng còn được đánh giá là một trong những tòa nhà phức tạp nhất thế giới.

Cấu kiện tấm đĩa được tạo bởi một hệ khung thép, bọc trong lớp bê tông cốt sợi thủy tinh màu cát sa mạc.

Thiết kế công trình và chế tạo cấu kiện nhờ phần mềm Tekla Structures (Tekla BIMsight, là một họ sản phẩm phần mềm mô hình hóa thông tin xây dựng 3D BIM, được sử dụng trong ngành xây dựng và chế tạo cấu kiện thép và bê tông; cho phép người dùng tạo và quản lý mô hình kết cấu 3D bằng bê tông hoặc thép và hướng dẫn họ quy trình từ ý tưởng đến chế tạo. Phần mềm Tekla được sản xuất bởi Trimble, Công ty công nghệ có trụ sở tại Hoa Kỳ).

Bảo tàng Quốc gia Qatar trong giai đoạn xây dựng với các khung tấm đĩa mái lồng vào nhau.

Giao thức phần mềm Tekla Structures sử dụng cho thiết kế công trình. 

Bảo tàng Quốc gia Qatar không chỉ là công trình kiến trúc hiện đại đầy sáng tạo gắn với tiến bộ công nghệ xây dựng, mà còn thể hiện khát vọng tôn vinh văn hóa, di sản và tương lai của quốc gia Qatar, đồng thời cũng là niềm tự hào của người dân Qatar khi giới thiệu với du khách quốc tế về việc đổi mới và hiện đại hóa nhanh chóng quốc gia, trước hết trong lĩnh vực văn hóa.

 

Theo Bộ môn Kiến trúc Công nghệ

Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng