Bảo vệ nguồn nước thích ứng với biến đổi khí hậu
Bảo vệ nguồn nước thích ứng với biến đổi khí hậuAug 24, 2020 09:35 AM259 lượt xem

Năm 2017, Việt Nam được biết đến với những “kỷ lục” về thiên tai với 16 cơn bão, 4 áp thấp nhiệt đới, nhiều đợt mưa lớn gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất ở nhiều nơi, triều cường và xâm nhập mặn ngày càng gia tăng. Những diễn biến bất thường của thời tiết, khí hậu cùng những thách thức về tài nguyên nước cho thấy nguy cơ hiện hữu nếu không có ngay những biện pháp quản lý, thích ứng phù hợp.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: enternews.vn

Nước không vô tận!

Theo nghiên cứu của Viện Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, sự biến đổi của khí hậu toàn cầu đã, đang và sẽ tác động mạnh mẽ đến tài nguyên nước. Theo đánh giá bước đầu, vào năm 2070 với kịch bản nhiệt độ không khí tăng thêm 2,5 – 4,5 độ C, lượng dòng chảy sông ngòi cũng sẽ biến đổi tùy theo mức độ biến đổi của lượng mưa, nếu lượng mưa giảm 10% thì dòng chảy năm có thể giảm 17 – 53% đối với kịch bản nhiệt độ không khí tăng 2,5 độ C và giảm 26 – 90% với kịch bản nhiệt độ không khí tăng 4,5 độ C. Mức độ biến đổi mạnh nhất xảy ra ở Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ.

Các nghiên cứu của Viện này cũng cho thấy tác động của biến đổi khí hậu rất đa dạng, phức tạp. Trong đó, nước chịu tác động sớm nhất của biến đổi khí hậu, tình trạng suy kiệt nguồn nước trong hệ thống sông, hạ lưu các hồ chứa trên cả nước ở nhiều vùng đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Hiện tượng suy thoái đất diễn ra nhanh dưới tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, trong đó tình trạng sa mạc hóa ở các tỉnh Nam Trung Bộ và sụt lún làm ngập lụt vùng đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế – xã hội. Dự báo, đồng bằng sông Cửu Long sẽ có 828.000ha đất bị nhiễm mặn; vùng trung du và miền núi Bắc Bộ có gần 2,3 triệu ha bị suy thoái, có nguy cơ sạt lở; vùng duyên hải Nam Trung Bộ có gần 56.000ha đất bị nhiễm mặn, 759.000ha bị hoang hóa, sa mạc hóa trong những thập kỷ tới.

Ngoài nguyên nhân khách quan do diễn biến theo quy luật tự nhiên của tài nguyên nước, do điều kiện khí hậu, thủy văn, do tác động của biến đổi khí hậu, còn do tác động của con người, như khai thác quá mức, sử dụng lãng phí, gây ô nhiễm… khiến nước sạch đang ngày một khan hiếm. Phần lớn người dân Việt Nam vẫn suy nghĩ nguồn nước là vô tận, chưa hiểu đúng về vai trò của nước và mối nguy hại khi thiếu nước. Ngay như đồng bằng sông Cửu Long, cơ cấu sử dụng nước cho nông nghiệp chiếm khoảng 75%, nếu ý thức về sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước không được đầy đủ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an ninh nguồn nước. Vì vậy, nguy cơ thiếu nước đối với Việt Nam không chỉ còn là dự báo, mà đã hiện hữu ở rất nhiều vùng, miền khắp cả nước…

Đối diện thế nào?

Đứng trước thách thức lớn về bảo đảm an ninh nguồn nước cho phát triển và nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội bền vững, sẽ khó khăn hơn nếu chúng ta không có những cơ chế, chính sách để chia sẻ nguồn nước một cách hợp lý và thay đổi cơ bản trong việc quản lý, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước. Thực tế, nhiều chuyên gia cho rằng, khủng hoảng nước hiện nay không chỉ do nước quá ít không đủ để thỏa mãn nhu cầu của con người, mà còn do ý thức bảo vệ nguồn nước kém. Bởi vậy, cần có các giải pháp quản lý, khai thác và bảo vệ tốt tài nguyên nước.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên – môi trường, việc cần triển khai ngay chính là lập quy hoạch phát triển bền vững tài nguyên nước các lưu vực sông, các vùng trên cơ sở gắn kết với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của cả nước. Trước tiên rà soát, xây dựng các hồ thủy lợi, thủy điện; hệ thống đê điều… có tính đến biến đổi khí hậu. Đồng thời củng cố, nâng cấp, hoàn thiện và xây dựng bổ sung các hệ thống công trình khai thác, sử dụng các nguồn nước như: Đập dâng, hồ chứa thủy lợi và thủy điện, hệ thống kênh mương tưới tiêu, giếng lấy nước ngầm, bể chứa… nhằm nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên nước của các công trình và bảo đảm vận hành an toàn.

Bên cạnh đó, hoàn chỉnh, nâng cấp và hiện đại hóa hệ thống quan trắc, dự báo dài hạn tài nguyên nước, dự báo mùa, năm về tài nguyên nước, về thiên tai, lũ, lụt, xâm nhập mặn… Xây dựng hệ thống cảnh báo lũ quét, lũ bùn đá, trước hết đối với các vùng miền núi Bắc Bộ, Trung Bộ. Tập trung nguồn lực tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về tác động của biến đổi khí hậu với tài nguyên nước, nâng cao ý thức sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tại Lễ kỷ niệm Ngày Nước thế giới và Ngày Khí tượng thế giới tháng 3.2018, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đã khẳng định, hành động dù là nhỏ bé của mỗi người chúng ta nếu gộp lại của toàn cộng đồng, của toàn xã hội sẽ tạo nên những hiệu quả to lớn, qua đó góp phần bảo đảm phát triển bền vững của đất nước, trên cơ sở giữ gìn môi trường sống, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và trên hết là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

 

Theo Báo điện tử Đại biểu Nhân dân