[CCU]: Sông Tô Lịch từng là một nhánh nhỏ của sông Hồng, thông thủy với Hồ Tây, thơ mộng, xinh đẹp và hữu ích. Qua thời gian, Tô Lịch không còn vẻ đẹp đẽ ấy nữa mà trở thành nỗi ám ảnh của người dân Hà Nội. Câu chuyện làm sạch sông Tô Lịch của các chuyên gia Nhật Bản đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, nhằm khôi phục lại con sông là biểu tượng một thời của thủ đô Hà Nội. Chúng tôi xin đăng lại bài viết “Các dòng sông nổi tiếng từng được ‘hồi sinh’ kỳ diệu ra sao?” để Quý vị có thêm thông tin tham khảo, cách tiếp cận về vấn đề này.
Bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, hóa chất, sông Thames (Anh), sông Hán (Hàn Quốc) tưởng chừng không còn hy vọng được cứu nay trở thành điểm du lịch, niềm tự hào của thành phố.
Các nhà khoa học trong và ngoài nước vẫn đang đau đầu với “ma trận” công nghệ, giải pháp để xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch ở Hà Nội. Các biện pháp được đề xuất còn chưa thể hiện rõ hiệu quả, có biện pháp quá tốn kém để triển khai, dẫn đến việc con sông giữa lòng thủ đô bị bức tử hàng chục năm trời.
Trong khi đó, những con sông dài gấp hàng chục lần sông Tô Lịch hiện tại đã được hồi sinh một cách kỳ diệu từ những nỗ lực chung của người dân, chính quyền.
Sông Thames, Anh
Năm 1957, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Anh tuyên bố sông Thames đã chết về mặt sinh học. Môi trường nước của sông bị ô nhiễm nặng bởi chiến tranh, các công trình xử lý nước thải bị phá hủy, nước thải sinh hoạt và công nghiệp chảy trực tiếp xuống sông. Các thành viên của chính phủ lúc đó còn cho rằng việc làm sạch con sông này là không thể và không cần thiết.
Cùng với Tháp đồng hồ Big Ben, sông Thames là niềm tự hào của thủ đô London, Anh. Ảnh: Pixabay.
Khi đó tờ Guardian còn ví von nếu người nào bị rơi xuống sông thì chưa chắc đã nhập viện bởi đuối nước nhưng chắc chắn sẽ nhập viện vì tiếp xúc với nước sông ô nhiễm, độc hại. Các báo cáo quan trắc ở thời điểm đó cũng cho thấy nồng độ oxy trong nước bằng 0, không sinh vật nào có thể sống được.
Chỉ đến năm 1960, các hệ thống xử lý nước thải mới được cải tạo. Nhiều nhà máy xử lý nước thải bị bom đạn tàn phá được xây dựng lại. Dần dần nước thải từ các cống được tách ra khỏi sông. Bên cạnh đó, ý thức người dân được nâng cao, họ tự giác dọn dẹp các chất thải rắn ra khỏi lòng sông, khơi thông dòng chảy.
Theo BBC, nước Anh cũng thắt chặt quy định liên quan đến môi trường bao gồm các chế tài xử phạt người vi phạm trong khu vực đô thị, di dời nhà máy, ngành công nghiệp độc hại ra khỏi thành phố, hạn chế ngành rửa phim ảnh truyền thống – tác nhân gây ô nhiễm kim loại nặng ra các con sông.
Sông Thames có chiều dài khoảng 346 km, đoạn chảy qua thủ đô London có độ dài là 56 km. Ảnh: Pixabay.
Thành quả, các chỉ số đo đạc về mức độ ô nhiễm đã giảm xuống mức an toàn, con sông quay trở lại thành môi trường sông của nhiều loài động vật. Hiệp hội Động vật học London cho biết đã nhận được ghi chép về 2.732 loài động vật trên sông Thames trong 10 năm gần đây. Dòng sông cũng được cho là có khoảng gần 2.000 cá thể hải cẩu, cá heo, cá voi nhỏ được phát hiện.
Sông Thames tiếp tục trở thành một địa danh nổi tiếng của thủ đô London cũng như Anh quốc. Theo Báo cáo Du lịch của thành phố này, mỗi năm chỉ riêng London đã thu hút 31,1 triệu lượt khách du lịch quốc tế, thu về khoảng 15 tỷ bảng Anh (khoảng 450.000 tỷ đồng).
Sông Hoàng Phố, Trung Quốc
Sông Hoàng Phố dài 113 km, chảy qua thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. Con sông vừa có giá trị cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, vừa đóng góp quan trọng cho ngành du lịch, thông thương hàng hóa, đánh bắt cá, đồng thời tiếp nhận nước thải của thành phố.
Theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường một số nước châu Á năm 1997 của Liên Hợp Quốc, con sông này là nơi tiếp nhận khoảng 5,5 triệu m3 nước thải công nghiệp và sinh hoạt, hầu hết chưa qua xử lý (chiếm khoảng 71% lượng nước thải sinh hoạt của cả thành phố Thượng Hải).
Độ ô nhiễm bị đẩy lên mức báo động, con sông bị “đầu độc” bởi kim loại nặng, chất thải sinh hoạt, màu nước sông biến thành đen sẫm cho đến giữa những năm 90 của thế kỷ trước.
Sông Hoàng Phố (Huangpu) là nguồn cấp nước chủ yếu của thành phố Thượng Hải. Ảnh: Pixabay.
Chính quyền thành phố Thượng Hải đã phải ban hành các tiêu chuẩn, quy định để kiểm soát và đẩy lùi ô nhiễm trên con sông này đoạn chảy qua thành phố. Thượng Hải quyết tâm xây dựng hệ thống xử lý nước thải riêng biệt, tách được nguồn nước thải sinh hoạt chảy vào sông và quan trọng nhất là ngăn nước thải công nghiệp.
Nhờ đó, đến cuối năm 2010, tỷ lệ nước thải được xử lý trước khi đổ vào sông đã lên 30% (trước đó chỉ có 10%). Tuy nhiên, vẫn còn đến 70% lượng nước thải chưa qua xử lý chảy xuống con sông.
Sự yếu kém này một phần được cho là dân số của thành phố tăng nhanh (xấp xỉ 27 triệu dân tính đến trước năm 2019), lượng nước thải cũng tăng từ 5,5 triệu m3 (năm 1990) lên gần 10 triệu m3 khiến cho hệ thống xử lý nước thải bị quá tải.
Mặc dù đưa ra nhiều giải pháp, quy định, nhưng một lượng lớn nước thải chưa qua xử lý vẫn được đổ xuống sông Hoàng Phố. Ảnh: Pixabay.
Tuy nhiên, dòng sông này vẫn là một điểm nhấn quan trọng của Thượng Hải. Theo báo cáo du lịch của thành phố, mỗi năm Thượng Hải đón khoảng 8,7 triệu lượt khách du lịch quốc tế, thu về khoảng 55 tỷ USD/năm, xấp xỉ 14% GDP của cả thành phố. Bến Thượng Hải cũng là nơi tập trung nhiều trung tâm thương mại, hành chính, tập đoàn lớn của Trung Quốc.
Sông Hán, Hàn Quốc
Sông Hán (Hangang) là một trong 4 con sông dài nhất bán đảo Triều Tiên, chảy qua thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Con sông này từng bị tàn phá nặng nề bởi bom đạn chiến tranh trong cuộc chiến 2 miền Triều Tiên (1950-1953) và nước thải từ các nhà máy công nghiệp nặng như luyện thép, dệt may…
Sông Hán chảy qua thành phố Seoul, Hàn Quốc là một trong 4 con sông dài nhất bán đảo Triều Tiên. Ảnh: Pixabay.
Chính phủ Hàn Quốc đã không khoanh tay đứng nhìn “niềm tự hào của người Seoul” bị hủy hoại. Năm 1982, một chiến dịch làm sạch, cải tạo sông Hán trị giá 470 triệu USD được phát động để chuẩn bị cho sự kiện Olympic Mùa đông 1988 tổ chức ở Seoul.
Dự án cải tạo này chỉ bao gồm khoảng 37 km sông chạy qua thành phố Seoul. Dự án được triển khai đã giúp thành phố Seoul có thêm 4 nhà máy xử lý nước thải.
Hiện nay, với 6 nhà máy có tổng công suất 5,8 triệu m3/ngày, tỷ lệ nước thải được xử lý của Seoul lên đến 100%. Qua đó, thành phố ngắt được hoàn toàn lượng nước thải chưa qua xử lý chảy xuống sông Hán.
Sông Hán nổi tiếng với nhiều du khách nước ngoài khi chạy dọc con đường từ sân bay Incheon tới trung tâm thủ đô Seoul. Ảnh: Pixabay.
Theo Seoul Solutions Agency, Seoul hiện trong nhóm dẫn đầu các đô thị trên thế giới về chất lượng nước sạch với 163/164 tiêu chí được kiểm định theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) (trung bình ở Mỹ được 102, Nhật Bản 121, Australia 199).
Theo LA Times, thành công này của thủ đô xứ sở kim chi nhờ có chính sách làm sạch môi trường mạnh tay của chính quyền thành phố, bên cạnh đó là việc chấp hành các quy định của người dân.
Năm 2016, thủ đô Seoul của Hàn Quốc xác lập kỷ lục về lượng khách quốc tế đến thăm với khoảng 13,7 triệu lượt, thu về cho thành phố này khoảng 3 tỷ USD/năm. Trong năm 2019, thủ đô Hàn Quốc dự định sẽ thu hút khoảng 15 triệu lượt khách quốc tế và tạo ra khoảng 700.000 việc làm mới cho người dân nước này.
Theo Zing.vn