Cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội: 20 năm mới chỉ được 1%
Cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội: 20 năm mới chỉ được 1%Aug 24, 2020 09:34 AM245 lượt xem

Mặc dù luôn được xác định là vấn đề nóng, nhưng sự chậm trễ trong khâu kiểm duyệt và thực thi cộng thêm vòng luẩn quẩn về lợi ích của doanh nghiệp với người dân khiến TP. Hà Nội mới chỉ cải tạo được 1% số chung cư cũ trong suốt 20 năm qua. Đây là ý kiến của các nhà chuyên môn và quản lý tại chương trình Café Doanh nhân với chủ đề: “Giải pháp thúc đẩy tiến độ cải tạo chung cư cũ” do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Mạng kết nối Doanh nhân Việt (VINET) tổ chức ngày 15/12/2018.

Nhiều năm bàn thảo, nhiều giải pháp đã được đưa ra, một số mô hình đã được thí điểm nhưng thực tế việc triển khai các dự án cải tạo chung cư cũ của TP Hà Nội vẫn “dậm chân tại chỗ”. Trong khi đó, không ít người dân vẫn phải nơm nớp lo sợ khi ở trong những khu nhà đã xuống cấp có thể sập bất cứ lúc nào. Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam Luật sư Trần Hữu Huỳnh cho rằng, những chung cư cũ đã và đang hư hỏng, xuống cấp là những “quả bom nổ chậm”. Hiện nay, cả nước đang có gần 600 “quả bom nổ chậm” như vậy.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Đào Ngọc Nghiêm – người đã có nhiều năm gắn bó với chuyện cải tạo và xây mới các chung cư cũ tại Hà Nội nhận định: Vài chục năm qua, có nhiều sáng kiến, đề án được thí điểm, nhưng chưa có mô hình nào có thể nhân rộng và áp dụng cho quy hoạch chung. Việc cải tạo chung cư cũ mới chỉ mang ý kiến chủ quan của nhà quản lý, chưa tạo được sự bình đẳng cho cư dân, chưa bảo đảm lợi ích cho 3 bên. Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Trên thực tế đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ được ban hành nhưng vẫn chưa khuyến khích được các doanh nghiệp tham gia đầu tư vì lợi ích của doanh nghiệp chưa được thỏa mãn. Chủ tịch HĐQT Công ty CP Reenco Sông Hồng Nguyễn Thế Điệp cho rằng: Để thúc đẩy tiến độ cải tạo chung cư cũ, trước tiên phải bảo đảm cho doanh nghiệp có lãi và người dân phải có lợi. Đây là một “chân lý” cần được đi đến cùng.

Phó Trưởng phòng Phát triển đô thị Sở Xây dựng Hà Nội Bùi Tiến Thành cho rằng, thời gian qua lãnh đạo và các sở, ngành đã có những động thái nhằm đẩy nhanh quá trình cải tạo các khu chung cư cũ một cách đồng bộ, hiệu quả. Tuy nhiên, do cơ chế chính sách bồi thường chưa thống nhất cùng với sự thiếu đồng thuận của người dân nên việc tiến hành các dự án cải tạo, sửa chữa các chung cư cũ vẫn gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, ngân sách nhà nước dành cho việc bồi thường, tái định cư… có hạn, trong khi chưa thể huy động nguồn vốn xã hội hóa từ doanh nghiệp nên việc thực thi dự án càng khó thực hiện.

TP Hà Nội mất 20 năm để thực hiện được 1% số chung cư cần được cải tạo, sửa chữa đủ thấy việc thực thi các dự án này không hề dễ dàng. Dù vậy, nhiều người nghi ngờ liệu rằng việc thực hiện các dự án sửa chữa, cải tạo chung cư cũ có thực sự khó như các nhà quản lý đã nói. Hay tại một nguyên nhân khiến sự chậm chễ trong thực thi các dự án này vẫn tiếp diễn.

GS.TS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, hiện nay việc xem xét vấn đề cải tạo, sửa chữa chung cư cũ mới làm theo kiểu “trong phòng lạnh”.

Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Đỗ Viết Chiến chỉ ra mấu chốt của việc cải tạo chung cư tại Hà Nội không giống những nơi khác: Nhà nước, chủ đầu tư và cư dân vẫn loay hoay trong câu chuyện quyền lợi. Với tình trạng hiện nay, cần định giá thị trường trên cơ sở đánh giá phân loại các khu chung cư. Cần có cơ chế rõ ràng để kêu gọi doanh nghiệp tham gia của nhà đầu tư. Đặc biệt với khu chung cư ở mức báo động D, Nhà nước phải có trách nhiệm bảo vệ tính mạng cho người dân và không cần sự đồng thuận của họ.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng Nguyễn Mạnh Khởi cho biết, có thể thấy vấn đề cải tạo chung cư vẫn được xác định là lớn (phạm vi toàn xã hội), khó (liên quan đến việc đan xen lợi ích), phức tạp (vì đụng chạm nhiều ngành, nhiều đối tượng). Tuy nhiên, Sở Xây dựng Hà Nội vẫn chưa làm tốt việc quy hoạch dù đã được phân cấp quản lý. Nhất là trong việc bảo đảm lợi ích cho người dân… Hơn nữa, quá trình thực hiện dự án quá lâu cũng khiến người dân thiếu tin tưởng.

 

Nguồn Báo điện tử Đại biểu Nhân dân