Để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân sống tại những chung cư xuống cấp, nguy hiểm cấp độ D, có nguy cơ sập đổ, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành các quyết định tổ chức di dời khẩn cấp. Thế nhưng, đến nay công tác di dời người dân ra khỏi các chung cư nguy hiểm vẫn gặp không ít khó khăn…
Hà Nội đã có nhiều giải pháp trong việc cải tạo, xây dựng chung cư xuống cấp, nguy hiểm. Trong ảnh: Chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng, phường Láng Hạ (quận Đống Đa) nằm trong danh sách nguy hiểm cấp độ D. Ảnh: Thái Hiền
Ì ạch di dời
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 1.579 chung cư cũ, được xây dựng chủ yếu từ năm 1960 đến năm 1992. Trong quá trình sử dụng, do không được bảo trì thường xuyên, cộng với việc các hộ dân đã tự cơi nới, sửa chữa nên nhiều chung cư xuống cấp nghiêm trọng.
Qua các đợt kiểm tra, đánh giá an toàn chịu lực, Sở Xây dựng đã phân loại các chung cư cũ theo 4 cấp độ nguy hiểm. Trong đó, có 6 công trình thuộc cấp độ D (công trình hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ, phải sửa chữa lớn, ưu tiên làm ngay). Trong danh sách này có 1 công trình nằm trên địa bàn quận Đống Đa là đơn nguyên 1 chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng (phường Láng Hạ) và 5 công trình tại quận Ba Đình: Nhà tập thể C1 – Thành Công; đơn nguyên 1, 2 G6A – Thành Công (phường Thành Công); đơn nguyên 3 C8 – Giảng Võ (phường Giảng Võ); đơn nguyên 1 nhà A – Ngọc Khánh (phường Ngọc Khánh); đơn nguyên 1, 3 tập thể Bộ Tư pháp (phường Cống Vị).
Nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, UBND thành phố đã ra các Quyết định số: 5374/QĐ-UBND (ngày 4-9-2013), 2000/UBND-XDGT (ngày 25-4-2016), tổ chức di dời khẩn cấp các chủ sở hữu, chủ sử dụng tại các chung cư nguy hiểm này. Tuy nhiên đến nay, theo ông Bùi Tiến Thành, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội), mới có nhà tập thể C1 – Thành Công hoàn tất di dời toàn bộ 110 hộ dân. Từ năm 2017, việc xây dựng lại cũng được Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1-CTCP triển khai. Dự kiến, cuối năm 2019 hoàn thành dự án, đưa các hộ dân quay về định cư. Các chung cư còn lại vẫn chưa hoàn tất việc di dời các hộ dân.
Tại quận Ba Đình, ông Lê Trí Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận cho biết, trong số các công trình nguy hiểm có 155 trường hợp (154 hộ dân và 1 cơ quan) cần tổ chức di dời khẩn cấp, nhưng đến nay quận mới di dời được 1 cơ quan, 93 hộ dân; còn 61 trường hợp không đồng thuận. Cụ thể, đơn nguyên 3 C8 – (phường Giảng Võ) còn 18 trường hợp; đơn nguyên 1, 3 tập thể Bộ Tư pháp (phường Cống Vị) còn 2 trường hợp; đơn nguyên 1, 2 G6A Thành Công (phường Thành Công) còn 28 trường hợp; đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh (phường Ngọc Khánh) còn 13 trường hợp.
Vì sao chủ trương di dời người dân để cải tạo các chung cư bị xuống cấp chưa được nhiều người dân đồng thuận? Theo ông Lê Văn Thu (P318) nhà C8 Giảng Võ: “Người dân cần các thông tin rõ ràng như tạm cư bao lâu thì chung cư được xây dựng lại? Chính sách tạm cư hiện mới hỗ trợ trong 3 năm, sau đó chung cư vẫn chưa xây dựng lại thì người dân có được hỗ trợ tiếp không? Cấp nào chi trả?…”.
Tại chung cư G6A Thành Công, ông Nguyễn Văn Chi (P407) cũng như nhiều bà con chia sẻ, tình trạng lún nghiêng tồn tại ngay từ khi công trình được đưa vào sử dụng (năm 1990), độ nghiêng không suy chuyển từ đó đến nay. Chính việc dừng lún và “nghiêng ổn định” gần 30 năm nay, sàn nhà, tường gạch đều không có hiện tượng nứt vỡ…, nên bà con cho rằng việc đánh giá xếp loại chung cư thuộc cấp độ D là không chính xác…
Các cột sắt được gia cố cầu thang chung cư cũ xuống cấp, nguy hiểm tại C8 Giảng Võ. Ảnh: Yên Khánh
Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Theo ông Lê Trí Dũng, có nhiều vướng mắc ảnh hưởng tới công tác di dời các hộ khỏi chung cư cũ xuống cấp nguy hiểm. Điển hình như các quỹ nhà tạm cư: Lô E – Yên Hòa (quận Cầu Giấy); A1, A2 và X2 – Phú Thượng (quận Tây Hồ), CT1 – thành phố Giao lưu (quận Bắc Từ Liêm) quận tiếp nhận, chỉ có quỹ nhà tại lô E – Yên Hòa được người dân chấp nhận; các quỹ nhà còn lại vừa quá xa, chất lượng lại xuống cấp, không bảo đảm để các hộ dân ổn định đời sống. Ngoài ra, việc tổ chức phá dỡ chưa thể thực hiện do liên quan đến các đơn nguyên liền kề.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn đơn vị làm chủ đầu tư thực hiện cải tạo lại chung cư cũ nguy hiểm cũng đang gặp vướng mắc. Theo Nghị định 101/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; phải có quy hoạch được phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền mới tổ chức được hội nghị nhà chung cư và lựa chọn nhà đầu tư.
Tuy nhiên, ông Đỗ Viết Bình, Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho hay, các chung cư thuộc nhóm D hiện chưa có quy hoạch dẫn đến công tác tổ chức di dời đối với các hộ còn gặp khó khăn, chưa được sự đồng thuận nhiều. Người dân có nhiều kiến nghị, thắc mắc như đơn vị nào sẽ là chủ đầu tư xây lại công trình; hệ số đền bù, diện tích và giá mua khi quay về chung cư mới; bao giờ được quay về…
Nhằm đẩy nhanh tiến độ di dời, bảo đảm an toàn đối với các hộ dân, UBND quận Ba Đình đã kiến nghị UBND thành phố xem xét tính đặc thù của việc di dời chung cư cũ nguy hiểm và điều chỉnh quỹ nhà tạm cư phù hợp; chỉ đạo đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện công tác lập quy hoạch tổng thể để làm cơ sở UBND quận tổ chức hội nghị nhà chung cư, lựa chọn đơn vị làm chủ đầu tư cũng như phương án tái định cư…
Ngoài ra, vướng mắc liên quan đến quy định pháp luật cũng là lý do ảnh hưởng lớn đến công tác cải tạo, tái thiết chung cư cũ trên địa bàn thành phố. Ông Bùi Tiến Thành cho biết, Khoản 1, 2, Điều 4, Nghị định 101/2015/NĐ-CP nêu rõ, việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư nguy hiểm cấp D phải được thực hiện theo dự án xây dựng toàn khu, không thực hiện xây mới từng nhà. Do vậy việc cải tạo, xây dựng lại toàn khu sẽ gặp rất nhiều khó khăn…
Trước các bất cập trên, để tháo gỡ “nút thắt” trong công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ nói chung, chung cư xuống cấp nguy hiểm nói riêng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng cho biết, Sở Xây dựng đã báo cáo UBND thành phố kiến nghị cấp có thẩm quyền các nội dung vượt thẩm quyền: Nghiên cứu, dự thảo sửa đổi quy định tỷ lệ phần trăm chủ sở hữu thống nhất (70% thay vì 100% chủ sở hữu thống nhất phá dỡ để xây dựng nhà chung cư mới thông qua hội nghị nhà chung cư); bổ sung chế tài được cưỡng chế phá dỡ đối với các chủ sở hữu còn lại không đồng ý phá dỡ…
Thành phố cũng đề xuất một số cơ chế chính sách đặc thù: Kiến nghị Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép thực hiện thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết của dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trước khi thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư dự án và chấp thuận phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư làm cơ sở để thực hiện. Đồng thời, cho phép UBND thành phố được chỉ định nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện dự án cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ theo hình thức xã hội hóa khi các chủ sở hữu không lựa chọn được chủ đầu tư theo quy định…
Theo Hà Nội Mới