Trong những bức ảnh được công bố gần đây, một công trình đa dụng mới của sân bay Changi, Singaprore hiện đang được gấp rút hoàn thiện trước khi chính thức mở cửa vào ngày 17/4/2019.
Công trình do Safdie Architects thiết kế, là sự kết hợp giữa trung tâm mua sắm và vườn cảnh quan. Trung tâm của công trình này là một thác nước trong nhà cao nhất thế giới, bên cạnh đó còn có các hạng mục khác như khu rừng trong nhà, đường đi bộ trên cây, nhà hàng, khu bán lẻ và một loạt các địa điểm tập trung khác, mở cửa cho cả khách du lịch và người dân địa phương.
Được đặt tên là “Rain Vortex”, nó là thác nước trong nhà cao nhất thế giới. Ảnh: Peter Walker Partner Landscape Architecture
Ý tưởng thiết kế của công trình này kết hợp giữa trải nghiệm thiên nhiên và các hoạt động của con người, khẳng định mạnh mẽ quan điểm: Sân bay là một trung tâm đô thị sôi động và hấp dẫn, thu hút khách du lịch và người dân bản địa, cho thấy Singapore đúng như danh tiếng của mình, thực sự là “thành phố trong vườn. Việc mở rộng sân bay Changi với chức năng chính là trung tâm trung chuyển tạo ra một tổ hợp thương mại dân dụng mang tính tương tác, kết hợp các hoạt động của sân bay với các khu vườn và thác nước trong nhà, các cơ sở giải trí, bán lẻ, nhà hàng, khách sạn cũng như các không gian khác cho hoạt động cộng đồng.
Khu vực chỗ ngồi yên tĩnh được đặt giữa vườn cây với hơn 200 loài thực vật. Ảnh: Charu Kokate
Được liên kết với mạng lưới giao thông công cộng nội đô và kết nối với Nhà ga 1, 2, 3 thông qua cầu dành cho người đi bộ, tòa nhà hình xuyến phủ kính rộng khoảng 134,000m2 mở cửa cho tất cả mọi người. Nó tựa như một viên ngọc – một hình thức xây dựng mới kết nối giữa thành phố và sân bay. Nó cũng giống như quảng trường Hy Lạp cổ đại – nơi kết nối và tạo ra các giá trị xã hội và thương mại, tạo thành một điểm đến công cộng sôi động.
BuroHappold là đơn vị chịu trách nhiệm thiết kế kết cấu thép và hệ thống mặt tiền phức tạp của công trình. Ảnh: Charu Kokate
Điểm cốt lõi của thiết kế này là “thung lũng rừng”, cảnh quan trong nhà dạng bậc thang với những con đường mòn đi bộ và khu vực chỗ ngồi yên tĩnh nằm giữa hơn 200 loài thực vật. Trung tâm của nó là “Rain Vortex” – thác nước trong nhà cao nhất thế giới, giống như một cơn mưa rào rơi từ tầng 7 xuống dưới, bắt đầu từ một giếng trời mở ở giữa mái vòm. Khí hậu Singapore thường có mưa giông khá mạnh, nước mưa tự nhiên sẽ chảy với tốc độ hơn 10.000 gallon mỗi phút, giúp làm mát và tạo luồng không khí lưu thông cho môi trường cảnh quan, phần lớn nước mưa sẽ được thu thập và tái sử dụng cho các hoạt động của công trình.
Việc phát triển này sẽ mở rộng chức năng của sân bay như một trung tâm trung chuyển, tạo ra một tổ hợp và trung tâm hoạt động dân sinh sầm uất. Ảnh: Jaron Lubin
Để hiện thực hóa dự án, các kiến trúc sư của Safdie đã tập hợp và đứng đầu một nhóm cộng tác toàn cầu gồm những nhân sự tài năng trong lĩnh vực kỹ thuật xây dựng, kiến trúc cảnh quan, thiết kế các công trình liên quan đến nước, thiết kế nội thất và nghệ thuật. BuroHappold thiết kế kết cấu thép và mặt tiền phức tạp của toàn nhà, Artelier Ten chịu trách nhiệm hệ thống kiểm soát khí hậu, ánh sáng ban ngày và môi trường. Công ty RSP có trụ sở tại Singapore đóng vai trò kiến trúc sư điều hành dự án, cộng tác chặt chẽ với các văn phòng ở Boston và Singapore của Safdie.
Hình ảnh giai đoạn đầu xây dựng công trình. Ảnh: Darren Soh
Đơn vị chịu trách nhiệm kiến trúc cảnh quan, PWP, đã phối hợp với nhóm làm việc để định hình và phát triển cảnh quan thung lũng rừng xanh tươi, thiết kế các khu vườn. Để tạo ra khu rừng trong nhà được kiểm soát khí hậu đầu tiên trên thế giới, PWP đã lựa chọn cẩn thận các loài thực vật phù hợp với điều kiện trong nhà và tạo ra một khu vườn mà không làm cạn kiệt tài nguyên. PWP đã hợp tác với ICN có trụ sở tại Singapore phát triển và cung cấp thiết kế cảnh quan. WET chịu trách nhiệm thiết kế “Rain Vortex” ở trung tâm của khu vườn thung lũng rừng. Công ty cũng phát triển hệ thống âm thanh tích hợp với các hình chiếu 360 độ xung quanh thác nước, tạo ra các màn trình diễn ánh sáng ảo diệu hàng đêm trên thác nước.
Mái nhà của công trình nhìn từ trên cao. Ảnh: Charu Kokate
Benoy hợp tác với nhóm thiết kế khu bán lẻ cho dự án này, cũng như “hội trường giao lưu gặp gỡ” – điểm nhấn kết nối với Nhà ga 1. Trong khi đó, Pentagram, hợp tác với Entro, thiết kế một chương trình toàn diện về biển báo và hướng dẫn di chuyển. Các biển báo được tích hợp với kiến trúc để tạo ra một hệ thống chỉ dẫn đường đi đến các công trình xung quanh và kết hợp cùng nhau để hướng dẫn thuận tiện cho khách du lịch. Dự án sẽ khai trương giai đoạn đầu vào tháng 4/2019.
Phối cảnh tổng thể công trình khi hoàn thiện. Ảnh: Safdie Architects
Thác nước đổ xuống từ giữa trung tâm mái. Ảnh: Safdie Architects
Việc mở rộng này sẽ chuyển đổi sân bay từ một công trình hàng không do nhà nước điều hành thành không gian tụ họp công cộng. Ảnh: Safdie Architects
Công trình 134,000m2 được hình thành như một điểm đến theo đúng nghĩa của nó. Ảnh: Safdie Architects
Bản vẽ minh họa tổng thể. Ảnh: Safdie Architects
Mặt cắt công trình. Ảnh: Safdie Architects
Nguyễn Minh Hiếu lược dịch
Theo designboom