Đạo Đức Kinh của Lão Tử và Kiến trúc
Đạo Đức Kinh của Lão Tử và Kiến trúcAug 24, 2020 09:31 AM2.175 lượt xem

Đạo giáo (Taoism) của Trung Quốc hay đạo dẫn dắt con người tôn thờ Trời, Đất, Thần, Tổ tiên…không rõ khởi phát từ bao giờ, hình thành qua một quá trình lâu dài, thâu nhập nhiều trào lưu nhận thức về tự nhiên, gắn con người với tự nhiên từ thời Thượng cổ, như luận về Thiên Địa, Ngũ hành, Âm Dương và Kinh Dịch…

Ảnh: Internet

Đạo giáo

Đạo giáo là một trong Tam giáo tồn tại từ thời Trung Quốc Cổ đại, song song với Nho giáo và Phật giáo. Ba tư tưởng nội sinh (Nho-Lão) và ngoại nhập (Phật) này đã ảnh hưởng rất lớn đến nền tảng văn hoá dân tộc Trung Hoa. Mặc dù có rất nhiều quan điểm khác biệt nhưng cả ba giáo lý tôn giáo này đã hoà thành một, bao trùm các lĩnh vực chính trị, kinh tế, triết học, văn chương, hội họa, kiến trúc, môi trường xây dựng, âm nhạc, dưỡng sinh, y khoa, hoá học, địa lý và võ thuật; lan truyền đến các nước lân cận như Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Đạo giáo, còn gọi là Tiên đạo, Lão giáo, Đạo Lão, Đạo gia, trở thành một nhánh triết học và tôn giáo Trung Quốc, bắt đầu vào thời nhà Chu (năm 1040- 256 trước Công nguyên – TCN), vào thế kỷ thứ 4 TCN, khi tác phẩm Đạo Đức Kinh (Tao Te Ching) của Lão Tử (Laozi) xuất hiện.  

Đạo Đức Kinh và Lão Tử

Theo truyền thuyết, Lão Tử sống ở thế kỷ thứ 6 TCN, thời Bách Gia Chư Tử. Đây là thời kỳ được cho là hoàng kim của tư tưởng Trung Quốc Cổ đại, thời kỳ của trăm nhà đua tiếng, nảy sinh nhiều trường phái tư tưởng khác nhau và là sự mở rộng to lớn về văn hóa, trí thức ở Trung Quốc, kéo dài từ năm 771 đến 221 TCN. Thời kỳ này trùng khớp với giai đoạn Xuân Thu (năm 771 đến 476 TCN), tên bắt nguồn từ cuốn Kinh Xuân Thu của Khổng Tử (Confucius) và giai đoạn Chiến Quốc (năm 476- 221) tới khi Trung Quốc thống nhất dưới thời nhà Tần.

Lão Tử là một trong những nhân vật chính yếu nhất trong triết học Trung Quốc, là người cùng thời nhưng lớn tuổi hơn Khổng Tử (28/9/551 TCN – 11/4/479 TCN). Cũng theo truyền thuyết, Lão Tử cưỡi trâu dời Trung Quốc, đi về phía Tây và biến mất vào sa mạc.

Đạo Đức Kinh được viết ra vào khoảng năm 600 TCN, gồm có 81 chương với khoảng 5000 chữ Hán, chia làm 2 phần: Thượng Kinh và Hạ Kinh.
Thượng Kinh gồm 37 chương, bắt đầu bằng câu: “Đạo khả đạo phi thường đạo, Danh khả danh phi thường danh” (Đạo mà nắm bắt được không thật là đạo, Tên mà gọi ra được không thật là tên). Thượng Kinh luận về chữ Đạo nên được gọi là Đạo Kinh.

Hạ Kinh gồm 44 chương, bắt đầu bằng câu: “Thượng đức bất đức, thị dĩ hữu đức; Hạ đức bất thất đức, thị dĩ vô đức ” (Người có đức cao, không có ý cầu đức, cho nên có đức; Người có đức thấp, có ý cầu đức, nên không có đức). Hạ Kinh luận về chữ Đức nên được gọi là Đức Kinh.

Đạo Đức Kinh đề cập nhiều nhận thức, từ việc hình thành Trời Đất, Vũ trụ, Vạn vật gắn với việc nảy sinh, hòa hợp và chuyển hóa của Đạo, Âm, Dương, đến thế giới muôn loài do Trời Đất sinh ra và cùng chung tồn tại.

Đạo theo sự trình bày của Lão Tử là một khái niệm trừu tượng chỉ cái lẽ của tự nhiên, cái có sẵn một cách tự nhiên: “Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo Tự nhiên”. Nó là nguồn gốc của vạn vật. Đức là biểu hiện cụ thể của Đạo trong từng sự vật. Đạo sinh ra vạn vật, nhưng làm cho vật nào hình thành ra vật ấy và tồn tại được trong vũ trụ là do Đức. Nếu Đạo là cái Tĩnh vô hình thì Đức là cái Động hữu hình của Đạo. Nếu Đạo là bản chất của vũ trụ thì Đức là sự cấu tạo và tồn tại của vũ trụ. Sự sinh hóa từ Đạo ra Đức, từ Đức trở về Đạo.
Quan niệm về vũ trụ và nhân sinh của Lão Tử căn cứ trên hai chữ Đạo và Đức. Ông theo đó mà lập thành giáo lý hay hệ thống triết lý, trước hết được dẫn dắt bởi quy luật Âm Dương, vạn vật tồn tại theo lẽ tự nhiên một cách hợp lý, công bằng và chu đáo. Hợp lý, vì theo Lão Tử, lẽ tự nhiên giống như việc giương cung, cao thì ghìm xuống, thấp thì nâng lên. Công bằng, vì nó luôn bớt chỗ thừa mà bù vào chỗ thiếu. Chu đáo, vì nó như cái lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt.

Bởi vậy, giáo lý Đạo Đức mầu nhiệm tới mức không cần tranh mà chiến thắng, không cần nói mà ứng nghiệm. Mọi sự bất cập hay thái quá đều trái với lẽ Tự nhiên, và do vậy sẽ phải tự điều chỉnh theo luật Âm Dương: “Vật hễ bớt thì nó thêm, thêm thì nó bớt”.

Lời lẽ trong Đạo Đức Kinh rất khúc chiết, ý nghĩa rất uyên thâm, không chỉ luận về hai chữ Đạo Đức, mà còn cả những cách thức tu luyện thành bậc Tiên, Thánh.

Cuốn Đạo Đức Kinh được viết bằng ngôn ngữ Cổ điển Trung Quốc, trên các thanh tre, là tập hợp bởi những câu với nội dung huyền bí, không rõ nghĩa, nên đọc không hiểu rõ hết nội dung, phải tự lý giải một cách chủ quan. Các thế hệ sau đọc và diễn giải thành hàng trăm phiên bản, từ triết học Đạo giáo đến tín ngưỡng Đạo giáo, và hình thành các tông phái Đạo giáo.

Đạo Đức Kinh có một ảnh hưởng rất rộng lớn và Lão Tử trở thành nhân vật trung tâm trong văn hóa Trung Quốc, được công nhận là tổ của Đạo giáo. Vào thời nhà Đường, Lão Tử còn được coi là tổ tiên của Hoàng gia, được truy phong làm Hoàng đế. Trong dân gian, Lão Tử trở thành Tiên với tên gọi Thái Thượng Lão Quân.


Hình vẽ về Lão Tử cưỡi trâu rời Trung Hoa. Nguồn: nhantu.net 
 

Bản thảo Đạo Đức Kinh trên lụa, thế kỷ 2TCN, Bảo tàng tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Nguồn: Internet  

Đạo Đức Kinh và Kiến trúc

Đạo Đức Kinh là một trong những tác phẩm được dịch nhiều nhất trong văn học thế giới, có vai trò quan trọng trong việc tự học, tự nâng cao nhận thức về tự nhiên.

Triết lý của Đạo Đức Kinh hay Đạo giáo ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, lớn như chính trị, thể chế, nhỏ như quy hoạch, kiến trúc, ví dụ như tại hai quần thể kiến trúc nổi tiếng tại Trung Quốc dưới đây:

Quần thể kiến trúc cổ núi Võ Đang, thành phố Thập Yến, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, là một trong 4 ngọn núi linh thiêng của Đạo giáo và cái nôi của võ thuật Đạo giáo. Công trình được tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1994), là một tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người, đại diện cho các tiêu chuẩn cao nhất về nghệ thuật và kiến ​​trúc Trung Quốc trong khoảng thời gian gần một nghìn năm; Đây là trung tâm của Đạo giáo, một trong những tôn giáo lớn ở phương Đông và đóng một vai trò sâu sắc trong việc lan truyền niềm tin và triết học trong khu vực.

Quần thể kiến trúc cổ núi Võ Đang, thành phố Thập Yến, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc; Di sản thế giới. Nguồn: Internet

Thiên Đàn- nơi tế lễ Hoàng gia tại Bắc Kinh, Trung Quốc, được tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1998), là một tuyệt tác trong thiết kế kiến trúc và cảnh quan, minh họa khái quát cho một hệ thống triết lý về tự nhiên có tầm quan trọng to lớn đối với sự phát triển của một trong những nền văn minh vĩ đại trên thế giới; Bố cục và thiết kế mang tính biểu tượng của Thiên Đàn có ảnh hưởng sâu sắc đến kiến ​​trúc và quy hoạch tại các quốc gia phương Đông trong nhiều thế kỷ.

Thiên Đàn – nơi tế lễ Hoàng gia tại Bắc Kinh, Trung Quốc, Di sản thế giới. Nguồn: Internet.

Nhiều nghệ sĩ phương Đông, bao gồm các nhà thơ, họa sĩ , thư pháp, kiến trúc sư cảnh quan và công trình…tìm thấy trong Đạo Đức Kinh niềm tin và nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận.

Lời kết

Từ Triết lý của Đạo Đức Kinh hình thành được nhận thức:

Việt Nam, với cái lẽ của tự nhiên hay Đạo, là một dân tộc yêu hòa bình; có ý chí độc lập và tinh thần đoàn kết; Cái Đức là từ một quốc gia nông nghiệp trở thành quốc gia biển.

Kiến trúc của Việt Nam, về cái Đạo, là một nền kiến trúc thanh bình; Về cái Đức, là không gian tạo ra các cơ hội để không có người dân nào bị bỏ lại phía sau.

 

Theo Bộ môn Kiến trúc Công nghệ, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch

Trường Đại học Xây dựng