Đây là vấn đề được đề cập tại cuộc họp ngày 20/12, giữa Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà và Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Ousmane Dione về tiến độ triển khai dự án chuẩn bị dự án Cấp nước an toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Cùng dự cuộc họp có Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết Việt Nam sẽ sớm hoàn thiện các thủ tục để khẳng định việc sử dụng nguồn vay 440 triệu USD cho dự án.
Dự án có mục tiêu là rà soát quy hoạch cấp nước ĐBSCL và báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để xác định hệ thống cấp nước tối ưu cho khu vực Tây Nam sông Hậu đến năm 2025. 7 địa phương thuộc dự án gồm: An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.
Giai đoạn 1 của dự án do WB tài trợ với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 440 triệu USD sẽ tập trung xác định phương án đầu tư phù hợp cho hệ thống cấp nước Tây Nam sông Hậu.
Tại cuộc họp, ông Ousmane Dione cho biết: “Đến nay, nhóm chuyên gia của WB và Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) tại dự án đưa ra nhiều phương án cấp nước. Phương án mới nhất là phương án 5. Theo đó, về nguồn nước, đề xuất giải pháp sử dụng nước mặt sông Hậu cho An Giang, Cần Thơ; sử dụng hồ chứa cho Sóc Trăng; Khử nước mặn/lợ cho Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang”.
Giám đốc WB tại Việt Nam Ousmane Dione cam kết hỗ trợ nhiều giải pháp kỹ thuật nhằm triển khai dự án hiệu quả.
Ông Ousmane Dione nhận định: “Dự án kết hợp các hình thức khai thác nói trên để bảo đảm dự án có chi phí tốt, khả thi và bền vững. So sánh với phương án trước đó, phương án 5 có tính khả thi cao hơn và chi phí tốt nhất. Theo đánh giá của nhóm chuyên gia, chi phí đầu tư theo phương án 5 khoảng 1,2 tỷ USD, rẻ hơn so với phương án 1,7 tỷ USD trước đó”.
Ngoài việc tiết kiệm chi phí, phương án 5 còn giải quyết được vấn đề khử mặt, quản lý nước ngầm ở một số địa phương tốt hơn. Phương án 5 hiện nhận được sự đồng thuận của cả 7 địa phương tham gia dự án.
Trên cơ sở phương án 5, dự án giai đoạn 1 sẽ phân bổ chi phí 440 triệu USD cho các tỉnh khác nhau. Theo đó, dự kiến đầu tư cho Cà Mau 3 nhà máy xử lý khử mặn cùng hệ thống đường ống truyền tải và phân phối, chi phí 140 triệu USD. Bạc Liêu 3 nhà máy xử lý khử mặn cùng hệ thống đường ống truyền tải và phân phối, chi phí 72 triệu USD. Kiên Giang 1 nhà máy khử mặn và đường ống truyền tải, phân phối, chi phí 128 triệu USD. Cần Thơ 1 nhà máy xử lý nước mặt cùng đường ống truyền tải và phân phối, chi phí 50 triệu USD. An Giang đầu tư đường ống phân phối, chi phí 20 triệu USD. Sóc Trăng và Hậu Giang, mỗi tỉnh 15 triệu USD cho hệ thống đường ống phân phối nước.
Theo ông Ousmane Dione: “Khử mặn là giải pháp mới ở Việt Nam, nhưng không mới với ngành nước ở nhiều quốc gia. Công nghệ khử mặn có bước đột phá và chi phí càng ngày càng rẻ nên Việt Nam có cơ hội triển khai giải pháp này và thu hút khu vực tư nhân tham gia, nhằm giảm đầu tư công”.
WB huy động nguồn vốn tài trợ không hoàn lại nhằm khảo sát, thăm dò thị trường, sự tham gia của khu vực tư nhân cho dự án. WB cũng hỗ trợ kỹ thuật để thẩm tra, xem xét các giải pháp khử mặn thành công trên thế giới, bảo đảm đề xuất các giải pháp khử mặn tốt nhất cho Việt Nam.
Toàn cảnh cuộc họp chuẩn bị dự án Cấp nước an toàn vùng ĐBSCL giữa Bộ Xây dựng và WB.
WB đề nghị Bộ Xây dựng thành lập ban chỉ đạo (BCĐ) dự án và sớm họp BCĐ để thông qua phương án; thảo luận khả năng vay và hình thức vay của các địa phương; thảo luận cơ chế phối hợp triển khai dự án của các tỉnh… Sau khi thẩm tra phương án, Ban quản lý dự án, Cục Hạ tầng kỹ thuật sẽ tiến hành nghiên cứu khả thi dự án.
WB đồng thời đề nghị Bộ Xây dựng sớm cập nhật Quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL; triển khai một số thủ tục liên quan để đảm bảo có thể trình lãnh đạo WB phê duyệt dự án vào tháng 3/2020.
Ông Ousmane Dione cam kết: “WB sẵn sàng hộ trợ kỹ thuật cho dự án này, bao gồm các lĩnh vực: Thẩm tra kỹ thuật phương án để xác định thứ tự ưu tiên; mời các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực chuyên môn liên quan để thực hiện công tác thẩm tra dự án; thực hiện các đánh giá ban đầu về khả năng vay – trả nợ của các tỉnh và Cty cấp nước tham gia dự án; thực hiện các đánh giá thăm dò mức độ quan tâm, tiềm năng của khu vực tư nhân có thể tham gia dự án…”
Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cảm ơn WB về ý tưởng thực hiện dự án. Bộ trưởng nhận định: “Đây hành động cần thiết mà Việt Nam phải thực hiện để ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo cấp nước an toàn, ổn định cho nhân dân vùng ĐBSCL. Việt Nam sẽ sớm hoàn thiện các thủ tục để khẳng định việc sử dụng nguồn vay 440 triệu USD cho dự án”.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, thời gian qua, Bộ Xây dựng và WB đã phối hợp triển khai được một số việc có kết quả nhất định liên quan đến dự án. Tuy nhiên, đến nay cũng còn một số điểm cần phải làm rõ, xử lý tốt để đảm bảo hiệu quả của dự án.
Theo đó, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đề nghị WB tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu, làm rõ, nâng cao tính chính xác của các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng để từ đó lựa chọn các giải pháp kỹ thuật phù hợp; hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ khử mặn và chia sẻ kinh nghiệm xử lý nước mặn đã áp dụng thành công trên thế giới…
Đồng thời, WB hỗ trợ đánh giá khả năng vay và trả nợ của 7 địa phương; hỗ trợ khảo sát khả năng tham gia đầu tư của khu vực tư nhân; tính toán các yếu tố công nghệ, thể chế để đảm bảo giá nước phù hợp với khả năng chi trả của người sử dụng… Bộ trưởng nhận định: “Các hỗ trợ kỹ thuật nói trên có tác động lớn đến quyết định của Chính phủ Việt Nam về dự án”. Bộ trưởng cũng đề nghị WB hỗ trợ giới thiệu cơ quan phản biện quốc tế độc lập đối với dự án. Vì dự án khử mặn quy mô lớn chưa có ở Việt Nam nên vai trò của phản biện độc lập quốc tế rất quan trọng.
Về các đề xuất của WB tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định một số việc có thể triển khai ngay như thành lập Ban chỉ đạo; Tiến hành điều chỉnh quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL; Xử lý một số công việc để tạo thuận lợi cho việc chuẩn bị và xúc tiến dự án cấp nước vùng ĐBSCL.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đề nghị WB tiếp tục hỗ trợ Bộ Xây dựng trong quá trình tham mưu cho Chính phủ về việc triển khai thực hiện dự án. Nếu thành công, dự án sẽ mang lại sự đột phá về đảm bảo cấp nước an toàn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân vùng ĐBSCL.
Bộ trưởng và Giám đốc WB tại Việt Nam thống nhất 3 tháng/1 lần họp lãnh đạo 2 bên nhằm rà soát tiến độ triển khai công việc. Cuộc họp Ban chỉ đạo đầu tiên dự kiến sẽ tổ chức vào trung tuần tháng 1/2019. Bộ trưởng cam kết sẽ thực hiện đúng tiến độ là hoàn thiện hồ sơ trình WB phê duyệt dự án vào tháng 3/2020.
Theo Báo Xây dựng