Đô thị thông minh – Cộng đồng trước, Công nghệ sau
Đô thị thông minh – Cộng đồng trước, Công nghệ sauAug 24, 2020 09:23 AM260 lượt xem

Trên thế giới, hơn nửa dân số sống trong đô thị, nơi tác động sâu sắc đến bền vững toàn cầu. Đô thị phát triển hiệu quả hay Đô thị thông minh đang trở thành chiến lược phát triển của nhiều quốc gia.

Việt Nam là quốc gia đang phát triển. Để rút ngắn khoảng cách tụt hậu trên nhiều phương diện, xã hội Việt Nam phải làm cùng lúc nhiều việc, từ thúc đẩy tự do sáng tạo, niềm tin mạnh mẽ, tiếp thu văn minh nhân loại đến việc tham gia quyền lực của thế giới; từ phát triển Đô thị thông minh đến việc xây dựng Nông thôn mới. 

Đô thị thông minh (Smart City) thu hút được sự chú ý của nhiều người. Song, định nghĩa hay nội hàm chính xác của khái niệm này lại được cho rằng phụ thuộc vào chính những người bàn luận về nó. 

Dưới đây là một số nhận thức có liên quan đến Đô thị thông minh.

Bối cảnh về sự xuất hiện của Đô thị thông minh

Khái niệm Đô thị thông minh có thể bắt nguồn từ những năm 1960 và 1970, khi Cục Phân tích Cộng đồng (Community Analysis Bureau) tại Los Angeles, Hoa Kỳ, sử dụng cơ sở dữ liệu máy tính, phân tích cụm (Cluster Analysis) và chụp ảnh hồng ngoại trên không để thu thập dữ liệu, đưa ra báo cáo và điều phối các lực lượng hỗ trợ đến khu vực xảy ra sự cố nhằm hạn chế các thiệt hại.

Như vậy, khái niệm Đô thị thông minh khởi nguồn từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 3 (CMCN 3.0) vào cuối thể kỷ 20, gắn với việc chuyển Xã hội công nghiệp vào Xã hội thông tin và dịch vụ mà cơ sở của nó là sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin.

Khái niệm Đô thị thông minh được định hình rõ nét trong giai đoạn CMCN 4.0 vào đầu thế kỷ 21, thời kỳ thống trị của hệ thống liên kết thế giới thực và ảo (hệ thống liên kết Internet).

CMCN 4.0 được hình thành nhờ những đột phá về công nghệ mới nổi như mạng Internet, điện thoại thông minh, công nghệ nano, công nghệ sinh học, trí thông minh nhân tạo, robot, in 3D, lưu trữ năng lượng… Trong đó, cơ sở dữ liệu là một trong những hệ thống tài nguyên quan trọng cho cuộc cách mạng này.

CMCN 4.0 xóa nhòa ranh giới giữa lĩnh vực vật lý, sinh học và số hóa…tạo ra 4 tác động chính: i) Gia tăng nhu cầu tiêu dùng; ii) Gia tăng sản xuất; iii) Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; iv) Thay đổi hình thức các tổ chức. CMCN 4.0 đang phát triển với tốc độ ở cấp số nhân, không có một cá nhân, tổ chức hay quốc gia nào có thể đứng ngoài. Bề rộng và chiều sâu của những thay đổi này tạo nên sự biến đổi toàn bộ hệ thống quản trị quốc gia, quản lý sản xuất và dẫn dắt cộng đồng, hình thành “Kinh tế liên kết – Thành phần kinh tế thứ 4“ hay “Kinh tế số” (do công nghệ thông tin và mạng Internet có vai trò chủ đạo). Khu vực Kinh tế thứ 4 này liên kết cả 3 Khu vực kinh tế truyền thống (nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ) và có tác động sâu rộng lên:

– Cộng đồng dân cư: Nhờ công nghệ số hóa, điện thoại thông minh…tạo nên những phương thức tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ hoàn toàn mới, qua đó đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và cơ hội khởi nghiệp tham gia sản xuất tạo ra sản phẩm và dịch vụ mới. Vị trí của người dân và cộng đồng của họ trở thành vị trí chủ đạo trong xã hội.

– Doanh nghiệp: Năng lực đổi mới, sáng tạo, chứ không phải nguồn vốn trở thành nhân tố cốt lõi của sản xuất; Giúp doanh nghiệp tăng cường cơ hội kết nối thị trường, mở thị trường mới và thúc đẩy tăng trưởng.

– Chính quyền: Với mạng Intenet và hệ thống cơ sở dữ liệu, doanh nhân, người dân tiếp cận thuận tiện hơn với giới lãnh đạo để cùng phối hợp hành động. Các cơ quan quản lý nhà nước coi đây là cơ hội để tăng cường khả năng quản trị của mình với xã hội, trước hết trong việc thay đổi quy trình ra quyết định và thực thi các chính sách…

Khái niệm về Đô thị thông minh gắn với CMCN 4.0 trải rộng từ: i) Lát cắt của sự việc (Ngôi nhà thông minh, Khu vực tăng trưởng thông minh…) đến ii) Chính bản thân sự việc (Đô thị thông minh) và iii) Khái quát hóa sự việc thành hệ thống lý luận (Chủ nghĩa Đô thị thông minh).

Khái niệm về Đô thị thông minh 

Khu vực tăng trưởng thông minh 

Khu vực tăng trưởng thông minh (Smart Growth), được đề xuất bởi Edward Glaeser (1/5/1967, nhà kinh tế người Mỹ) cùng một số chuyên gia khác. Đây là một lý thuyết quy hoạch và giao thông đô thị, tập trung tăng trưởng trong các khu vực nhỏ gọn, có thể đi bộ được, tránh mở rộng đô thị một cách tràn lan.

Thuật ngữ này được sử dụng nhiều tại khu vực Bắc Mỹ và tại Anh. Khu vực tăng trưởng thông minh nhấn mạnh về phát triển đất đai (Land Development), gắn với quá trình: Thay đổi điều kiện địa hình từ tự nhiên sang sản xuất, dịch vụ hoặc nhà ở; Chia bất động sản thành nhiều lô để xây công trình; Phát triển bất động sản hoặc thay đổi mục đích sử dụng. Mô hình này được hình thành với quan điểm: Tăng trưởng trong đô thị luôn nối tiếp xảy ra, vì vậy cần tìm các định hướng để sự tăng trưởng đó có chủ đích và hiệu quả.

Mục tiêu cơ bản của Khu vực tăng trưởng thông minh: Vì lợi ích của người dân và cộng đồng gắn với việc tăng thu nhập của hộ gia đình; Cung cấp các tuyến đường đi bộ an toàn đến trường học; Hình thành nơi có thể sống an toàn và lành mạnh gắn với ý thức về cộng đồng và địa điểm (Tinh thần nơi chốn – Sense of place); Kích thích hoạt động kinh tế địa phương và khu vực; Bảo tồn, tái tạo tài nguyên thiên nhiên và văn hóa; Tăng cường sức khỏe cộng đồng (thông qua việc giảm ô nhiễm không khí, cải thiện chất lượng nước, giảm khí thải nhà kính) và làm cho cộng đồng không chỉ mạnh mẽ hơn về kinh tế mà trở nên hấp dẫn hơn, đa dạng hơn về xã hội.

Khu vực tăng trưởng trưởng thông minh được thực hiện thông qua các nội dung sau:

– Tạo ra một loạt các cơ hội việc làm;

– Phân vùng sử dụng đất hỗn hợp;

– Quy mô nhỏ gọn tạo điều kiện cho việc đi bộ và xe đạp;

– Các khu phố kết hợp sinh kế và nhà ở;

– Thúc đẩy phát triển cộng đồng với ý thức mạnh mẽ về tinh thần nơi chốn;

– Bảo tồn không gian mở, đất nông nghiệp, vẻ đẹp tự nhiên và các khu vực môi trường quan trọng; Tôn trọng các ranh giới tăng trưởng đô thị hay vành đai xanh;

– Tái phát triển các cộng đồng hiện có;

– Cung cấp cơ hội lựa chọn giao thông, cơ sở hạ tầng đô thị và xã hội ;

– Chính sách phát triển bền vững với tính minh bạch, công bằng và hiệu quả đầu tư;

– Khuyến khích cộng đồng và các bên liên quan tham gia lập, thực hiện các quy định phát triển.

Khu vực tăng trưởng thông minh chỉ là một phần (một lát cắt) của khái niệm Đô thị thông minh, tương tự như khái niệm về Ngôi nhà thông minh, Quản trị thông minh… 

Đô thị thông minh

Khái niệm về Đô thị thông minh (Smart City) nhấn mạnh đến việc sử dụng thành tựu của cuộc CMCN 4.0 liên quan đến công nghệ thông tin và hệ thống liên kết Internet – IoT (Internet Vạn vật – Internet of Things).

Toàn bộ hoạt động của đô thị được chuyển thành dữ liệu số, thu thập theo thời gian thực (Real – Time Data), lưu trữ và phân phối bởi hệ thống cảm biến và thiết bị IoT. Việc kết nối các thiết bị này và sử dụng dữ liệu sau phân tích tạo điều kiện cho hình thành Đô thị kỹ thuật số (Digital City) bên cạnh Đô thị vật lý.

Từ hệ thống cơ sở dữ liệu, chính quyền, doanh nghiệp, công dân có thể khai thác để tạo ra giải pháp:

– Tối ưu hóa các chức năng của thành phố (liên quan đến quản trị, cơ sở hạ tầng);

– Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững (liên quan đến tài nguyên thiên nhiên, năng lượng, môi trường);

– Cải thiện chất lượng cuộc sống cho công dân (liên quan đến cơ hội nhà ở, việc làm, đi lại, an toàn, sức khỏe, học vấn, cống hiến, bất kể trình độ học vấn, kỹ năng hay mức thu nhập của họ);

– Xây dựng cộng đồng gắn bó hơn (liên quan đến trao đổi kiến thức, kỹ năng và tăng cường sự đổi mới). Từ đây đô thị trở nên đáng sống hơn, có năng lực cạnh tranh hơn và có thể phản ứng nhanh hơn với những thách thức mới.

Để hình thành được một Đô thị thông minh, đòi hỏi phải thực hiện nhiều nội dung. Các nội dung này thống nhất theo các nhóm nội dung hay khung nội dung, gồm:

1) Khung công nghệ (Technology Framework): Đô thị thông minh phụ thuộc vào việc triển khai công nghệ. Các tổ hợp cơ sở hạ tầng công nghệ tương tác với nhau và tương tác với con người. Khung công nghệ gồm:

– Kỹ thuật số (Digital): Là cơ sở hạ tầng dịch vụ để kết nối các cá nhân và thiết bị; kết nối hạ tầng truyền thông băng thông rộng và hạ tầng máy tính theo hướng dịch vụ linh hoạt, mở để đáp ứng các nhu cầu của chính quyền, doanh nghiệp và công dân.

– Thiết bị thông minh (Intelligent): Là thiết bị công nghệ nhận thức như trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence) và máy tự học (Machine learning), có vai trò tiếp nhận dữ liệu từ các thiết bị cảm biến của đô thị, phân tích và ra quyết định trợ giúp con người ứng xử với với môi trường xung quanh.

– Quyền truy cập (Ubiquitous): Là việc bố trí hệ thống các điểm cung cấp dịch vụ truy cập vào hệ thống cơ sở dữ liệu cho cư dân. Từ đây còn hình thành khái niệm Đô thị truy cập (U-city) là một khái niệm mở rộng của khái niệm Đô thị kỹ thuật số, liên quan đến khả năng tiếp cận mọi cơ sở hạ tầng thông tin.

– Mạng có dây (Wired): Là các thành phần vật lý của hệ thống công nghệ thông tin. Cơ sở hạ tầng có dây hỗ trợ mạng lưới Internet (IoT) và công nghệ không dây tăng cường khả năng kết nối.

– Hỗn hợp (Hybrid): Là sự kết hợp của Đô thị vật lý và Đô thị ảo (Đô thị kỹ thuật số), hay sự kết hợp của không gian tương tác ảo trong một không gian vật lý. Không gian hỗn hợp này có thể phục cụ cho việc thực hiện nghiên cứu để triển khai các dự án.

– Đô thị thông tin (Information city): Là sự đa dạng của các thiết bị tương tác tạo ra một lượng lớn dữ liệu, phục vụ cho sự tăng trưởng của thành phố. Mức độ lớn và đa dạng của hệ thống dữ liệu dẫn đến hình thành khái niệm Đô thị dữ liệu hay Đô thị thông tin.

2) Khung con người (Human Framework): Đô thị thông minh có tác động tích cực đối với chất lượng cuộc sống của cư dân và du khách. Khung con người của một Đô thị thông minh liên quan đến:

– Sáng tạo (Creativity): Là sáng tạo nghệ thuật và văn hóa, lĩnh vực trọng tâm trong quy hoạch Đô thị thông minh. Sáng tạo gắn với việc mở mang trí tuệ và đổi mới.

– Học tập (Learning): Hình thành lực lượng lao động có khả năng đáp ứng nhu cầu của thực tiễn thông qua việc học tập. Năng lực học tập của đô thị bao gồm hệ thống giáo dục, đào tạo, dạy nghề, phát triển và trao đổi văn hóa. – Con người (Humanity): Liên quan đến việc phát triển cơ sở hạ tầng mềm, nâng cao năng lực của các tổ chức tự nguyện, nâng cao vốn xã hội.

– Tri thức (Knowledge): Phát triển nền kinh tế tri thức được coi là trọng tâm của các dự án Đô thị thông minh.

3) Khung thể chế (Institutional Framework): Là hệ thống luật pháp, quy định, thủ tục hành chính chính thức và các quy ước, tập quán, quy phạm không chính thức, hình thành nên hoạt động và hành vi kinh tế xã hội. Khung thể chế tại Đô thị thông minh thể hiện sự hợp tác giữa chính quyền và cộng đồng dân cư, thúc đẩy việc sử dụng công nghệ thông tin để khắc phục các vấn đề xảy ra hàng ngày như tắc nghẽn giao thông, quá tải trường học, ô nhiễm không khí, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống.

4) Khung năng lượng (Energy Framework): Đô thị thông minh được vận hành bởi nhiều hoạt động như: Điều hành giao thông; Chiếu sáng đường phố; Hoạt động của tòa nhà; Phân tích dữ liệu… Trong quá trình vận hành, năng lượng là tối quan trọng. Đây cũng là lý do các công ty điện lực có vai trò quan trọng tại các Đô thị thông minh.

5) Khung quản lý dữ liệu (Data Management Framework): Là hệ thống thu thập, xử lý và lan truyền dữ liệu kết hợp với công nghệ mạng và biện pháp bảo mật dữ liệu.

Chủ nghĩa đô thị thông minh

Vấn đề Đô thị thông minh đã trở nên phổ quát. Nhận thức về nó đã nâng tầm lên ở mức chủ nghĩa.

Chủ nghĩa đô thị thông minh (Principles of Intelligent Urbanism – PIU, là một lý thuyết về quy hoạch đô thị, bao gồm một bộ 10 nguyên tắc, nhằm hướng dẫn quy hoạch và thiết kế đô thị trên cơ sở tích hợp nội dung quản lý và quy hoạch đô thị. Nguyên tắc này được đề xuất bởi Christopher Charles Benninger (giáo sư, kiến ​​trúc sư và nhà quy hoạch người Mỹ gốc Ấn Độ, 23/11/1942). Chủ nghĩa đô thị thông minh coi quy hoạch đô thị, không chỉ là một quy hoạch mang tính vật lý, mà còn là một quy hoạch kinh tế và quy hoạch xã hội. Trong hệ thống lý thuyết này, công nghệ thông tin, truyền thông chỉ là một loại phương tiện như rất nhiều loại công nghệ thích ứng khác được xã hội lựa chọn để sử dụng.

10 nguyên tắc của Chủ nghĩa đô thị thông minh gồm:

1) Cân bằng với tự nhiên (Balance with Nature): Nhấn mạnh cân bằng sinh thái đô thị, gắn với việc sử dụng và khai thác tài nguyên. Cân bằng này tập trung vào các ngưỡng bị vượt qua bởi nạn phá rừng, xói mòn đất, cạn kiệt tầng nước ngầm, phù sa và lũ lụt. Trong đô thị, việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên thường vượt xa khả năng tự phục hồi của hệ sinh thái tự nhiên. Vì vậy, việc đánh giá môi trường để xác định khu vực có hệ sinh thái bị phá vỡ, khu vực có môi trường sống bị đe dọa luôn được đặt lên hàng đầu. Từ đây hình thành các giải pháp về bảo tồn tự nhiên, kiểm soát mật độ xây dựng, chức năng sử dụng đất, hình thành các không gian mở (cây xanh, mặt nước) và thúc đẩy các giải pháp tái tạo tài nguyên (năng lượng tái tạo, tái sử dụng nước, chất thải…).

2) Cân bằng với truyền thống (Balance with Tradition): Là sự cân bằng giữa sự tiếp nhận theo chiều rộng của văn hóa mới (văn hóa công nghiệp, dịch vụ) và sự kết tinh theo chiều sâu của văn hóa truyền thống (văn hóa nông nghiệp). Cân bằng với truyền thống nhấn mạnh việc tích hợp giải pháp quy hoạch với tài sản văn hóa hiện có, tôn trọng di tích lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán và phong cách kiến trúc địa phương. Các yếu tố mới về không gian đô thị và kiến trúc được thực hiện gắn với việc khai thác tối đa các kiến thức bản địa; biểu tượng văn hóa và xã hội; cách thức thich nghi với điều kiện khí hậu, hoàn cảnh xã hội, vật liệu và công nghệ truyền thống; cách thức tiếp thu các phong cách kiến trúc, trang trí và họa tiết truyền đạt các giá trị văn hóa truyền thống. Tại đây, các di tích lịch sử, di sản trở thành các điểm nhấn thị giác.

3) Công nghệ phù hợp (Appropriate Technology): Nhấn mạnh việc sử dụng vật liệu xây dựng, kỹ thuật xây dựng, hệ thống cơ sở hạ tầng và quản lý dự án phù hợp với bối cảnh địa phương. Năng lực của người dân, điều kiện khí hậu, nguồn lực sẵn có và nguồn vốn đầu tư là tiền đề để lựa chọn một công nghệ phù hợp cho việc thực hiện quy hoạch. Nơi nào có nhiều thợ thủ công, phương pháp sử dụng nhiều lao động là thích hợp. Trong thời đại hội nhập, nhiều công nghệ, vật liệu với tiềm năng tạo giá trị gia tăng cao xuất hiện. Để đạt hiệu quả, các công nghệ mới, vật liệu mới cũng phải được tiếp nhận.

4) Tương tác xã hội (Conviviality): Nhấn mạnh việc hình thành các khu vực công cộng với nhiều cấp khác nhau phù hợp với mức tương tác cá nhân, bạn bè, hộ gia đình, cộng đồng và xã hội. Tại đây có nhiều loại không gian công cộng như quảng trường, sân thể thao, địa điểm trình diễn, đường dạo…, là nơi ai cũng có thể tiếp cận tự do bởi không có rào cản về vật thể hay kinh tế và xã hội. Các không gian công cộng này thúc đẩy hoạt động tương tác, gắn kết xã hội và cung cấp cho cư dân đô thị nhiều cơ hội để họ gặp gỡ, giao tiếp với nhau, hình thành nên những cộng đồng với những nhóm người cùng sở thích, chia sẻ các công việc xã hội và hành vi văn hóa. Rộng hơn, tương tác xã hội là cơ hội cho công dân trong đô thị hiểu xã hội và tham gia các quyền lực xã hội, khởi nguồn cho việc hình thành các tầng lớp tinh hoa mới trong xã hội.

5) Hiệu quả (Efficiency): Nhấn mạnh đến việc thúc đẩy sự cân bằng giữa tiêu thụ tài nguyên, sử dụng nhân lực, thời gian, tài chính với các thành tựu đáp ứng nhu cầu cơ bản và nhu cầu cấp cao của con người. Hiệu quả thể hiện cụ thể qua việc: Sử dụng tối ưu đất công cộng, dịch vụ, sản xuất và mạng lưới cơ sở hạ tầng; Giảm chi phí cho mỗi hộ gia đình, đồng thời tăng thu nhập, năng suất lao động, học vấn và năng lực công dân; Tổ chức giao thông vận tải gắn với việc thúc đẩy giao thông công cộng; Hình thành các khu định cư hỗn hợp giữa ở và làm việc, có quy mô phù hợp với đi bộ bên cạnh các khu vực đô thị tập trung quy mô lớn với mật độ dân cư cao…

6) Quy mô của con người (Human Scale): Nhấn mạnh đến việc phát triển đô thị trên mặt đất, có thể đị bộ được và các giải pháp định hướng không gian dựa trên các biện pháp nhân trắc học, gắn với việc tìm hiểu những quy luật phát triển hình thái và thể lực con người. Trong đô thị khuyến khích loại bỏ hàng rào nhân tạo và thúc đẩy tiếp xúc trực tiếp; cung cấp các nơi thân thiện, lối đi dành cho người đi bộ và các khu vực công cộng, nơi mà mọi người có thể gặp gỡ tự do. Các không gian này có thể là công viên, vườn hoa, khu trưng bày, sân trong, quán cà phê, lối đi dạo.

7) Ma trận cơ hội (Opportunity Matrix): Thành phố là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế. Đây là nơi kết tụ và thu hút con người đến để tăng cường kiến thức, kỹ năng và mức tự chủ của họ một cách hiệu quả. Thành phố là phương tiện cho cá nhân, xã hội phát triển, thông qua việc tiếp cận các tổ chức, dịch vụ, cơ sở hạ tầng và cung cấp nhiều cơ hội lập nghiệp, giáo dục và giải trí. Ma trận cơ hội nhấn mạnh đền việc thúc đẩy khả năng tiếp cận nơi ở, chăm sóc sức khỏe, tăng điều kiện an toàn và vệ sinh và phát triển nguồn nhân lực. Ma trận cơ hội cũng khác biệt với nhiều tầng lớp người: Người lao động giản đơn, người lao động có tay nghề cao, các chuyên gia, tầng lớp trung lưu và doanh nhân giàu có. Gắn với đó là nhu cầu về mức thu nhập, nhà ở, cống hiến…

8) Hội nhập khu vực (Regional Integration): Đô thị luôn là một phần hữu cơ của một hệ thống địa lý, kinh tế xã hội và văn hóa địa lý lớn hơn, cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của nó. Trong quá trình đô thị hóa, hội nhập nhấn mạnh đến sự liên kết bên trong đô thị và với bên ngoài đô thị. Hội nhập các khu chức năng bên trong đô thị để tạo thành một thực thể thống nhất, thông qua kết nối về các điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội và điều kiện vật lý hay môi trường sinh thái, tự nhiên, như hành lang xanh, lưu vực tiêu nước, cao độ địa hình, tuyến phòng thủ an ninh, khoảng cách cách ly giữa các cơ sở gây ô nhiễm như sản xuất công nghiệp, logistics, xử lý chất thải…Hội nhập đô thị với bên ngoài để tạo thành một mạng lưới đô thị, trong đó mỗi đô thị đều là một điểm nút của các dòng chảy kinh tế (Hàng hóa và nhân lực; Công nghệ và tài chính; Văn hóa và tri thức), thông qua các kết nối của các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ.

9) Đồng bộ kết cấu hạ tầng, trước hết là cân bằng giao thông (Balanced Movement): Trong quá trình đô thị hóa, ngoài việc đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng (hạ tầng kinh tế, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội), cân bằng giao thông nhấn mạnh đến việc hình thành hệ thống giao thông tích hợp và cân bằng giữa phương thức đi bộ, xe đạp, xe máy, ô tô, xe bus, tàu điện; cân bằng thông qua việc phân chia các tuyến hàng lang vận chuyển hàng hóa và các tuyến không có xe cơ giới tiếp cận các cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội đô thị.

10) Chính thể (Institutional Integrity): Nhấn mạnh đến việc quy hoạch và quản trị đô thị gắn với trách nhiệm, minh bạch, khả năng giải trình và có sự tham gia của xã hội. Quy hoạch và quản trị đô thị được hình thành trên hệ thống cơ sở dữ liệu, quyền lợi chính đáng, trách nhiệm và nghĩa vụ công dân. Quản trị đô thị hoạt động hiệu quả khi có một khung thể chế (Institutional Framework), được vận hành dựa trên bản quy chế hay quy định kiểm soát phát triển (Development Control Regulations). Bản quy chế này như một công cụ pháp lý để hướng dẫn sự tăng trưởng, phát triển và nâng cao vị thế đô thị, ví dụ như hướng dẫn làm thể nào để đất đai được khai thác và tiếp cận; cung cấp cho chủ sở hữu, nhà đầu tư thông tin để họ hình thành các kịch bản trong tương lai. Nhà đầu tư và các bên liên quan phải được tuyên truyền để thực sự hiểu bản quy chế và cùng tham gia thực hiện. Quy chế phát triển đô thị cũng giúp cho cơ quan quản lý địa phương chuyên nghiệp hơn trong việc quản lý, phục vụ và tạo điện kiện cho phát triển đô thị. Ngoài ra, trong quá trình đô thị hóa, phải hình thành được hệ thống tham gia của các bên liên quan, thông qua các cuộc họp công khai, các phiên điều trần và các quy trình minh bạch để giải quyết các bất đồng. Trong thời hiện đại, quy hoạch và quản trị đô thị là một trong những biểu hiện nổi bật nhất của văn minh.

Một số vấn đề về Đô thị thông minh

Đặc điểm của một Đô thị thông minh

1) Sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong một số lĩnh vực chủ đạo: Quản lý giao thông; Bảo tồn năng lượng; Biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí; Quản lý vệ sinh môi trường và chất thải; An toàn công cộng từ giám sát tội phạm đến cảnh báo sớm hạn hán, lũ lụt, sạt lở đất; Xây dựng và vận hành nhà, cơ sở hạ tầng; Sản xuất và dịch vụ đô thị …

2) Tích hợp được các chiều trí tuệ: Trí tuệ con người, trí tuệ tập thể và trí tuệ nhân tạo trong đô thị.

3) Tích hợp được các quyền lực thông minh: i) Trí thông minh phối hợp: Giữa các tổ chức chính quyền và cộng đồng; ii) Trao quyền thông minh: Thành phố cung cấp kết cấu hạ tầng thông minh cho từng khu vực chủ động hình thành các Khu vực đô thị thông minh; iii) Thiết bị thông minh: Thu thập dữ liệu thời gian thực (Real-time data, là thông tin được phân phối ngay sau khi thu thập), phân tích và đưa ra các kết quả dự đoán (Predictive modelling). Thiết bị này bố trí khắp trong phạm vi thành phố.

4) Hình thành được các cộng đồng với công dân thông minh: Tầng lớp lãnh đạo đô thị phải là những công dân thông minh trước hết. Họ không chỉ nâng cao nhận thức về lợi ích của các công nghệ thông minh đang được triển khai mà còn thúc đẩy việc sử dụng dữ liệu mở, dân chủ hóa cho các tầng lớp công dân khác. Nếu mọi công dân biết những gì họ đang tham gia và những lợi ích mà Đô thị thông minh mang lại, họ sẽ tham gia tích cực hơn.

5) Một số lĩnh vực chính kích hoạt Đô thị thông minh:

– Đổi mới kinh tế: Trước hết trong ngành công nghiệp, dịch vụ;

– Đào tạo lực lượng lao động; Hình thành các công ty tri thức;

– Đổi mới hạ tầng đô thị: Giao thông; Năng lượng; Bảo vệ môi trường; An toàn;

– Quản trị: Dịch vụ hành chính công; Dịch vụ cho công dân, liên quan đến chất lượng cuộc sống.

Các thế hệ Đô thị thông minh 

Sau khoảng 50 năm phát triển, hiện thế giới đã có rất nhiều Đô thị thông minh và dự án Đô thị thông minh. Đến nay có thể tổng hợp được 3 thế hệ Đô thị thông minh.

– Thế hệ thứ nhất, Đô thị thông minh 1.0: Là đô thị được dẫn dắt bởi các nhà cung cấp công nghệ. Thế hệ này tập trung vào việc triển khai công nghệ tại các đô thị, mặc dù đô thị không có khả năng hiểu được đầy đủ ý nghĩa có thể có của công nghệ hoặc những tác động của nó đối với cuộc sống hàng ngày.

– Thế hệ thứ hai, Đô thị thông minh 2.0: Là đô thị được dẫn dắt bởi chính quyền thành phố. Ở thế hệ này, các nhà lãnh đạo có tư duy tiến bộ đã hình dung một tương lai dài hạn cho thành phố. Từ đây, họ tìm các phương thức đổi mới và công nghệ thông minh phù hợp để dẫn dắt xã hội tạo ra tương lai này.

– Thế hệ thứ ba, Đô thị thông minh 3.0: Trong thế hệ này, cả các nhà cung ứng công nghệ, lẫn các nhà lãnh đạo đều không nắm quyền kiểm soát, thay vào đó là mô hình đồng sáng tạo của cộng đồng cư dân trong đô thị. Đây là xu hướng gắn với vấn đề tạo ra một cộng đồng xã hội công bằng và thông minh, kết nối với nhau và với bên ngoài.

Thành phố Vienna, Áo là một trong thành phố đầu tiên áp dụng mô hình Đô thị thông minh 3.0. Tại đây cho phép các công dân trở thành nhà đầu tư vào các nhà máy năng lượng mặt trời tại địa phương, cũng như các vấn đề về nhà ở giá rẻ. Thành phố Vancouver, Canada cũng đã áp dụng mô hình Thành phố thông minh 3.0 thông qua việc thu hút hơn 30 ngàn công dân của mình trong việc đồng sáng tạo Kế hoạch hành động vì Thành phố Vancouver xanh nhất 2020  (Vancouver Greenest City 2020) với mục tiêu sử dụng xe đạp, xe lửa cũng như thiết lập các tiêu chuẩn mới cho việc tiết kiệm năng lượng.

Thành phố Thông minh thế hệ 3.0 do cộng đồng sáng tạo tại Vancouver, Canada.

Dự án Thành phố thông minh thế hệ 1.0, do các nhà cung ứng công nghệ dẫn dắt tại Đông Anh, Hà Nội có tổng mức đầu tư 4,138 tỷ USD, khởi công năm 2019.

Thách thức trong quá trình xây dựng Đô thị thông minh

Xây dựng Đô thị thông minh không hề đơn giản, đặc biệt tại quốc gia đang phát triển. Tại đây thường bắt đầu bằng việc triển khai thế hệ Đô thị thông minh 1.0 và 2.0. Những thách thức hay gặp là:

1) Đối với Đô thị thông minh nhấn mạnh vào việc sử dụng công nghệ thông tin và hệ thống liên kết Internet – IoT:

– Phải đối mặt là vấn đề kết nối của hàng ngàn, hàng vạn thiết bị trong hệ thống IoT nằm rải rác trong thành phố. Nếu không đảm bảo sự kết nối chắc chắn thành phố thông minh sẽ đổ sụp. Hệ thống IoT này phải liên tục được bảo trì và kiểm tra để đảm bảo hoạt động bình thường. Hơn nữa, hệ thống giao thông, quản lý nước và chất thải, cung cấp điện, an toàn công cộng …có thể xuống cấp. Trong trường hợp này, thiết bị thông minh giám sát cũng không còn ý nghĩa thiết thực nữa.

– Mức độ cao của việc thu nhập và phân tích dữ liệu lớn đặt ra các vấn đề liên quan đến giám sát, đặc biệt liên quan đến chính sách bảo mật riêng tư, tự do cá nhân.

– Thành phố thu hút người dân nhờ văn hóa. Đây là thứ không thể lập trình hoặc điều khiển bằng cảm biến. Các Đô thị thông minh có thể thất bại nếu không tạo được tinh thần nơi chốn hay văn hóa của địa điểm.

2) Một sự thiên vị trong tầm nhìn chiến lược thiên về phát triển dựa vào công nghệ thông minh có thể dẫn đến loại bỏ các con đường phát triển khác như phát triển dựa vào tự nhiên, truyền thống và con người.

3) Một Đô thị thông minh thường hướng về một đô thị được quy hoạch theo khuôn mẫu, làm mất đi sự tự do sáng tạo.

4) Chủ yếu tập trung giải quyết các vấn đề bên trong đô thị, ít quan tâm đến hội nhập với bên ngoài, tạo thành các Đô thị thông minh biệt lập.

5) Việc tập trung quá mức nguồn lực vào Đô thị thông minh có thể làm gia tăng khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, giữa đô thị và nông thôn.

Đô thị thông minh tại Việt Nam

Trong quá trình hội nhập, Việt Nam đang tiếp nhận và triển khai mô hình Đô thị thông minh.

Đô thị thông minh khác với đô thị sử dụng công nghệ hay thiết bị thông minh.

Một con người thiếu văn hóa, cho dù đang sử dụng thiết bị thông minh, cũng không được thiên hạ gọi đó là người thông minh. Một đô thị mà đa số người dân của nó còn đang hàng ngày vật lộn với nhu cầu sinh tồn và an toàn, cho dù có sử dụng các thiết bị thông minh (chủ yếu nhập ngoại) cũng không được thiên hạ gọi đó là Đô thị thông minh.

Giá trị của một Đô thị thông minh dựa trên những gì được chọn để phục vụ cộng đồng với sự trợ giúp của công nghệ chứ không phải là đang trình diễn với bao nhiêu loại công nghệ thông minh.

Hãy bắt đầu bằng việc lựa chọn những việc cần phải làm để tối ưu hóa các chức năng của thành phố, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân, xây dựng cộng đồng gắn bó, rồi mới lựa chọn các công nghệ.

Vì thế mới nói: Phát triển Đô thị thông minh – Cộng đồng trước, Công nghệ sau.

 

TS. Phạm Đình Tuyển, Bộ môn Kiến trúc Công nghệ, Trường Đại học Xây dựng

Nguồn:

https://en.wikipedia.org/wiki/Principles_of_intelligent_urbanism

https://en.wikipedia.org/wiki/Smart_growth

https://en.wikipedia.org/wiki/Smart_city

https://internetofthingsagenda.techtarget.com/definition/smart-city

https://en.wikipedia.org/wiki/Sense_of_place

https://en.wikipedia.org/wiki/Intelligent_Community_Forum

https://en.wikipedia.org/wiki/Building_automation