Đồng Nai dành 35.000 tỷ đồng phát triển hạ tầng giao thông
Đồng Nai dành 35.000 tỷ đồng phát triển hạ tầng giao thôngAug 24, 2020 09:36 AM271 lượt xem

Giai đoạn 2018-2020, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại tỉnh Đồng Nai là hơn 55.400 tỷ đồng, trong đó, riêng nguồn vốn xây dựng hạ tầng giao thông kết nối là 34.900 tỷ đồng.

Ảnh minh hoạ

Theo đó, hàng loạt công trình giao thông kết nối Đồng Nai với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ được triển khai trong thời gian tới như: Cao tốc Bến Lức – Long Thành, cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, cao tốc Dầu Giây – Đà Lạt, đường vành đai 3 Tân Vạn – Nhơn Trạch.

Tỉnh ủy Đồng Nai cho TTXVN biết, tỉnh đang tiếp tục làm việc với các cơ quan Trung ương để thống nhất chủ trương triển khai xây dựng tuyến cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu và hệ thống metro kết nối từ TP. Biên Hòa đi TPHCM đoạn qua tỉnh.

Đối với các tuyến đường tỉnh quản lý, Đồng Nai ưu tiên đầu tư và hoàn thành xây dựng các tuyến quan trọng như: Đường 25B Nhơn Trạch, đường 768, đường 319 nối dài kết nối với cao tốc Long Thành-Dầu Giây, đường vào cảng Phước An. Chuẩn bị các điều kiện để khởi công nâng cấp đường Nguyễn Tri Phương, TP. Biên Hòa. Đồng thời, nâng cấp mở rộng đường D9T768, nâng cấp cầu Đa Kai…

Ngoài ra, Đồng Nai cũng đầu tư xây dựng hệ thống giao thông hiện đại theo quy hoạch phê duyệt. Trong đó, chú trọng xây dựng hạ tầng giao thông các tuyến kết nối như: Tuyến giao thông kết nối Quốc lộ 51 đến trung tâm huyện Nhơn Trạch, đường liên cảng huyện Nhơn Trạch; đường hương lộ 10 từ trung tâm hành chính huyện Cẩm Mỹ đến Quốc lộ 1A Nhơn Trạch; đường ven sông Cái TP. Biên Hòa kết nối ra cầu An Hảo…

Bên cạnh đầu tư, nâng cấp các tuyến giao thông đường bộ, theo kế hoạch từ nay đến năm 2020, Đồng Nai tập trung xây dựng và phát triển hệ thống cảng như Phước An; mở rộng cảng Gò Dầu và một số cảng ICD, khu logistics; thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chuẩn bị điều kiện cho triển khai xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành…

Theo đánh giá của Tỉnh ủy Đồng Nai, với việc xây dựng và phát triển đồng bộ, hình thành mạng lưới giao thông liên hoàn kết hợp đường bộ, đường thủy, đường sắt và đường hàng không, khi những dự án giao thông trên hoàn thành sẽ tạo bước đột phá phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

 

Theo Báo Chính phủ