Cấp, thoát nước không theo kịp tốc độ đô thị hóa

Hà Nội luôn xác định công tác phát triển hạ tầng kỹ thuật, trong đó có xây dựng hệ thống cấp, thoát nước, thu gom xử lý nước thải, vệ sinh môi trường là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên. Đến nay, 100% người dân khu vực thành thị được sử dụng nước sạch, tuy nhiên tỷ lệ này mới đạt 55,5% ở khu vực nông thôn. Đối với việc tiêu thoát nước khu vực đô thị, hiện nay, hệ thống thoát nước Hà Nội mới có lưu vực sông Tô Lịch với diện tích khoảng 77,5km2 (bao gồm toàn bộ khu vực trung tâm các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai và một phần các quận Tây Hồ, Thanh Xuân) là được cải tạo đồng bộ, do đó vào mùa mưa thường xảy ra úng ngập. Cùng với đó, tỷ lệ xử lý nước thải thấp, đến nay, tổng công suất các trạm xử lý nước thải mới xử lý được hơn 30% lượng nước thải sinh hoạt tại khu vực nội đô, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng nguồn nước.

Vận hành hệ thống bể lọc nước của Nhà máy nước mặt sông Đuống (Gia Lâm) giai đoạn 1. Ảnh: Nguyên Vũ

Theo Chủ tịch Hội Cấp, thoát nước Việt Nam Cao Lại Quang: Hiện ngành nước tại Hà Nội nói riêng và các thành phố lớn nói chung còn nhiều hạn chế, hệ thống cấp, thoát nước chưa đồng bộ, phạm vi phục vụ thấp, tỷ lệ tiêu hao cao và còn lãng phí, tỷ lệ nước thải chưa qua xử lý lớn, gây ô nhiễm môi trường… Theo đó, nhu cầu đổi mới công nghệ, nghiên cứu đổi mới cơ chế chính sách, thu hút đầu tư… là tất yếu để việc quản lý và xử lý các nguồn nước hiệu quả. Trong đó, phải đặc biệt coi trọng hợp tác với các quốc gia, tổ chức có công nghệ hiện đại, sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam, đầu tư các gói giải pháp lớn, đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật của đô thị.

Cam kết hỗ trợ các nhà đầu tư trong ngành nước

Nhận diện rõ những bất cập về hệ thống cấp, thoát nước hiện nay, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, nhu cầu nước sạch của Thủ đô là rất lớn, dự kiến đến năm 2020 khoảng hai triệu mét khối/ngày đêm; đến năm 2030 khoảng 3 triệu mét khối/ngày đêm. Mục tiêu của thành phố đến năm 2020 phấn đấu 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch. Tuy nhiên, hiện một số nhà máy nước ngầm, mạng lưới cấp nước do được đầu tư xây dựng đã nhiều năm nên công nghệ lạc hậu, cần được nâng cấp, thay thế bằng công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng nước cấp, tiến tới uống tại vòi. Do đó, TP Hà Nội mong muốn tìm kiếm các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực cấp, thoát nước, xử lý môi trường; đặc biệt là hướng tới áp dụng công nghệ hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu. “TP Hà Nội cam kết tạo mọi điều kiện tốt nhất cho những nhà đầu tư tham gia triển khai các dự án cấp thoát nước trên địa bàn thành phố”, ông Nguyễn Thế Hùng nhấn mạnh.

Theo Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng, hiện nay, trên địa bàn thành phố có một số dự án đầu tư phát triển nước sạch, xử lý nước thải, môi trường áp dụng công nghệ của Cộng hòa liên bang Đức, như: Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống (Gia Lâm), Trạm cấp nước Dương Nội (Hà Đông), Trạm cấp nước tại các xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ (Sóc Sơn); Công nghệ xử lý chất lượng nước hồ bằng chế phẩm Redoxy-3C… Đại sứ Cộng hòa liên bang Đức tại Việt Nam Christian Berger cho biết, trước đây, Đức cũng có nhiều dòng sông bị ô nhiễm, người dân ít được tiếp cận nguồn nước sạch. Nhờ chú trọng giải quyết các vấn đề của ngành nước, đến nay, nước thải sinh hoạt gần như được xử lý triệt để, nguồn nước sử dụng được xử lý bảo đảm chất lượng, có thể uống trực tiếp tại vòi, tỷ lệ nước thất thoát chỉ 6,8%, có thể nói là thấp nhất thế giới. Để làm được điều này, công nghệ đóng vai trò rất quan trọng. “Đức sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ công nghệ cùng các nước trong việc xử lý những vấn đề cấp, thoát nước”, ông Christian Berger chia sẻ.