Israel – quốc gia khởi nghiệp: Sáng tạo là tài nguyên quý giá
Israel – quốc gia khởi nghiệp: Sáng tạo là tài nguyên quý giáAug 24, 2020 09:29 AM265 lượt xem

Israel có tổng diện tích hơn 22.000km2, trong đó có ¾ diện tích là sa mạc, ¼ là đồi núi, dân số chỉ khoảng 8,6 triệu người. Đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức nhưng Israel đã vươn lên, trở thành quốc gia đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo thành công bậc nhất thế giới. Người Israel luôn tự hào khẳng định: “Sáng tạo là tài nguyên của chúng tôi” và Israel là “quốc gia khởi nghiệp” hàng đầu thế giới. 

Giá trị dựa trên ý tưởng

Ông Amiram Aplebaum – Chủ tịch Cơ quan Đổi mới Sáng tạo Israel cho biết: Hệ sinh thái khởi nghiệp của Israel đã hình thành cách nay khoảng 100 năm – lâu hơn cả thời gian lập quốc chỉ mới 70 năm. Còn ông Ron Huldai – Thị trưởng Thành phố Tel Aviv thì bày tỏ một cách đầy tự hào: “Mỗi người Israel khi sinh ra đều đã có sự sáng tạo!” Tất nhiên, để có được những thành công như hôm nay, người Do Thái đã trải qua hành trình lịch sử hàng ngàn năm với biết bao bi thương, khổ nạn. Và quan trọng hơn, Israel luôn biết chào đón các ý tưởng mới, dù nó có thể điên rồ.

Ở các xã hội Đông Nam Á, có một số nguyên tắc bất thành văn về thứ bậc và quy định về thẩm quyền có thể cản trở những nhân viên trẻ tuổi nhận được ý kiến phản hồi và trình bày ý tưởng. Tại Israel, không có những quy định rõ ràng như vậy, thậm chí là cả trong quân đội. Bất kỳ ai có ý tưởng mới, sáng tạo đều có thể gặp và trò chuyện với những lãnh đạo cấp cao và trình bày ý tưởng của mình, đưa ra những sáng kiến, và tham gia thảo luận. “Giá trị của bạn dựa vào ý tưởng, chứ không phải thứ bậc”. Đặc điểm văn hóa này mang tính dân chủ và giúp khuyến khích người trẻ đưa ra quan điểm mới. “Bạn mang đến những ý tưởng mới và sẽ luôn được ủng hộ”.

Văn hóa phản biện

Từ xa xưa, người Israel không bao giờ hài lòng với một giải pháp có sẵn, họ không chấp nhận việc chỉ có một ý kiến đúng về một vấn đề nào đó bởi vì cuộc sống luôn vận động và mọi thứ đều có thể thay đổi. Người Israel thích trao đổi, tranh luận với nhau. Văn hóa của họ là phản biện, phản biện tức là tìm thấy điều hay hơn, phản biện để phát triển. Văn hóa phản biện đối với người Israel mang tính truyền thống. Trong nhà trường luôn duy trì nguyên tắc học sinh có quyền hỏi lại thầy cô giáo vì sao và thầy cô sẽ phải giải thích, thuyết phục học sinh chứ không áp đặt. Khi học sinh đề xuất sáng kiến hay, thầy cô giáo sẽ hoan nghênh. Sự tranh luận, phản biện đã thấm vào trẻ em từ khi còn học trong nhà trường đến khi lớn lên, ra trường, đi làm. Điều đó đã giúp cho họ có nhiều sáng tạo, phát minh, đổi mới.

Giáo dục – khi ý tưởng được nuôi dưỡng

Một trong các yếu tố quan trọng nhất đưa Israel trở thành quốc gia khởi nghiệp là giáo dục. Nếu sáng tạo là nguồn tài nguyên quý giá của Israel thì giáo dục có nhiệm vụ giữ nguồn tài nguyên đó luôn dồi dào và ổn định.

Tại Israel, các nhà giáo dục luôn thúc đẩy việc đưa tinh thần khởi nghiệp và các kỹ năng liên quan vào chương trình giáo dục. Ngay từ trong trường phổ thông, những ý tưởng kinh doanh và tinh thần doanh nghiệp đã luôn được khuyến khích. Có khá nhiều cuộc thi dành cho học sinh phổ thông hướng các em đến tinh thần doanh nghiệp. Vì thế các em sẽ không quá bỡ ngỡ khi bước vào thế giới doanh nghiệp ở những giai đoạn sau.

Sinh viên ở trường đại học hầu hết không đăng ký vào học từ 18 tuổi ngay sau phổ thông mà thường rơi vào độ tuổi từ 23 – 24 tuổi. Sau phổ thông, họ gia nhập quân ngũ theo nghĩa vụ quân sự (nam 3 năm, nữ 2 năm), và thường sau đó họ chưa đi học ngay, đa phần đi làm hay du lịch nhiều nơi trên thế giới, đến tầm tuổi trên mới nhập học thì đã tích lũy nhiều kiến thức lẫn trải nghiệm thực tế từ môi trường quân ngũ và cuộc sống, cũng như đặt ra nhiều câu hỏi hóc búa cần giải đáp. Đó là lúc tư duy đổi mới sáng tạo nảy mầm và được ươm trồng trong môi trường đại học.

Trong số các trường đại học thì Đại học Hebrew (Do Thái) là cái nôi của đổi mới sáng tạo ở Israel. Mỗi năm trường có 23.000 sinh viên, tầm 2.000 sinh viên quốc tế, với 9.000 sinh viên tiếp tục học tiến sĩ (PhD) và Master. Trình độ học thuật, cấp độ bằng cấp trải rộng hơn 5.000 khóa học, và thành tựu nghiên cứu được thúc đẩy bởi 950 giảng viên, giáo sư giảng dạy, 4.000 cán bộ nhân viên.

Hiệu trưởng, bà Billy Shapira cho biết, nhà trường cung cấp các công cụ cần thiết cho sinh viên và hướng dẫn họ. Trường có một phòng thí nghiệm (labs) rất lớn, nơi tất cả các sinh viên của trường đều có thể sử dụng mà không cần phải đúng chuyên ngành mình đang học. Họ có thể pha trộn những ý tưởng của mình với khoa học công nghệ tại phòng labs để tạo ra những phát kiến mới.

Tiếp sức thêm cho phòng thí nghiệm là một “nông trại máy điện toán” (computing farm) nơi các sinh viên có thể đến khai thác sức mạnh của hệ thống xử lý thông tin điện toán cấp độ rất lớn để tìm ra thông tin phục vụ nghiên cứu của mình.

ĐH Hebrew còn có Trung tâm Sáng tạo Đổi mới, nơi sinh viên có thể cùng ngồi đối chất với người hướng dẫn là các giáo sư để giải quyết những thắc mắc, các vấn đề họ muốn tìm hiểu.

ĐH Hebrew có hẳn một khu vực gọi tên “Con đường sáng tạo” trong khuôn viên trường để vinh danh các nhà khoa học và giáo sư tiến sĩ đã có những thành tựu phát minh cụ thể, để các sinh viên có thể thấy tận mắt về những nghiên cứu đã giúp thay đổi cuộc sống ra sao, tạo động lực nghiên cứu sáng tạo cho bản thân mình.

Đến nay, Đại học Hebrew có 9.826 bằng sáng chế, 2.753 sáng chế (trung bình 150 mỗi năm), 600 sản phẩm đã thương mại hóa, 880 bản quyền phát minh, và 120 công ty nhóm hàng đầu ra đời từ trung tâm nghiên cứu đổi mới sáng tạo, tạo ra doanh thu thường niên 10 triệu USD.

 

Theo Báo điện tử Đại biểu Nhân dân