Khai mạc Hội thảo quốc tế về “Khoa học và công nghệ VLXD vì sự phát triển bền vững” năm 2019
Khai mạc Hội thảo quốc tế về “Khoa học và công nghệ VLXD vì sự phát triển bền vững” năm 2019Aug 24, 2020 09:23 AM270 lượt xem

Sáng 31/10, Viện Vật liệu xây dựng Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc và Viện Hàn lâm khoa học vật liệu xây dựng Trung Quốc, Đại học Công nghệ vùng Lausanne – Liên bang Thụy Sĩ tổ chức Hội thảo quốc tế về “Khoa học và công nghệ vật liệu xây dựng vì sự phát triển bền vững”.

Toàn cảnh Hội thảo.

Được biết, Hội thảo là diễn đàn với nhiều chủ đề trao đổi, thảo luận và tìm hiểu những bài học kinh nghiệm tốt nhất, những giải pháp sáng tạo được phát triển gần đây và sự phát triển trong tương lai của ngành khoa học và công nghệ vật liệu xây dựng nhằm phát triển hơn nữa ngành Công nghiệp xây dựng mang tính bền vững ở Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.

Có thể nói, vật liệu xây dựng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở, tòa nhà và tất cả các loại công trình xây dựng khác. Ngành Công nghiệp sản xuất và thương mại vật liệu xây dựng ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc gia cũng như toàn cầu, môi trường và xã hội.

Tại Hội thảo, Tiến sĩ Lê Trung Thành – Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết: “Việc phát triển vật liệu xây dựng chắc chắn đòi hỏi phải áp dụng khoa học và công nghệ để giảm thiểu sử dụng tài nguyên khoáng sản, tối đa hóa sử dụng phụ phẩm công nghiệp, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và tạo ra các sản phẩm vật liệu xây dựng bền vững hơn. Điều này thậm chí còn rất cần thiết khi Việt Nam là một trong những quốc gia có sản lượng vật liệu xây dựng lớn nhất thế giới”.

Theo thống kế, năm 2018, công suất sản xuất các loại vật liệu xây dựng chính đạt gần 100 triệu tấn xi măng, 706 triệu m2 gạch men, 16 triệu sản phẩm vệ sinh, 260 triệu m2 sản phẩm kính/thủy tinh, 18 tỷ viên gạch đất sét nung, 8 tỷ khối xây xi măng không nung, 200 nghìn tấn sản phẩm chịu lửa, 250 triệu lít sơn…

Trong thời gian qua, ngành Xây dựng sử dụng khoảng một phần ba năng lượng cũng như nguyên liệu trên toàn cầu và phát thải khoảng 35 đến 40% tổng lượng khí nhà kính trên toàn thế giới.

Rõ ràng, những thách thức này đang trở nên rõ nét hơn ở các nước đang phát triển – nơi có mức độ xây dựng dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030. Hơn hết, phần lớn lượng khí thải phát sinh là do sản xuất xi măng và sắt thép, tiếp đó là nhôm, kính/thủy tinh và vật liệu cách nhiệt.

Bà Caitlin Wiesen – Trưởng đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh: “Việc phát triển lĩnh vực xây dựng bền vững là rất quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu và đô thị hóa nhanh chóng”. Vì thế, Chính phủ cần có hành động để tạo ra các khung chính sách cho phép hình thành thị trường để các doanh nghiệp có thể sản xuất các loại vật liệu bền vững cho ngành xây dựng đồng thời khuyến khích việc thiết kế, kích cầu người tiêu dùng trực tiếp sử dụng các sản phẩm bền vững.

Hội thảo sẽ diễn ra từ ngày 31/10 đến 2/11 gồm 1 phiên toàn thể và 7 phiên chủ đề. Các chủ đề bao gồm: Xi măng, bê tông, gốm, kính/thủy tinh, vật liệu chịu lửa, vật liệu chống cháy, vật liệu cách nhiệt, sơn, kiểm soát chất lượng sản phẩm, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và tái chế chất thải để phát triển bền vững vật liệu xây dựng và ngành Xây dựng.

Hội thảo lần này có sự tham gia của 300 nhà nghiên cứu, học giả, chuyên gia và nhà hoạch định chính sách trong nước và quốc tế đến từ khoảng 15 quốc gia trên thế giới. Hội thảo cũng nằm trong khuôn khổ các sự kiện chính thức gắn liền với Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Viện Vật liệu xây dựng Việt Nam.

 

Theo Báo Xây dựng