Khó khăn trong tiếp cận chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp KH&CN
Khó khăn trong tiếp cận chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp KH&CNAug 24, 2020 09:28 AM222 lượt xem

Nhằm hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH và CN), thời gian qua, nhiều chính sách về lĩnh vực này đã được ban hành, sửa đổi. Tuy số lượng doanh nghiệp KH và CN tăng qua các năm, nhưng nhìn chung vẫn còn khiêm tốn; chưa nhiều doanh nghiệp được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Nguyên nhân do việc triển khai các chính sách chưa hiệu quả, một số quy định chưa phù hợp đặc thù doanh nghiệp KH và CN. 


Ðóng gói sản phẩm thực phẩm chức năng tại Công ty cổ phần Sao Thái Dương, Hà Nội. Ảnh: Thu Quỳnh

Là doanh nghiệp có sản phẩm máy cắt đá bằng dây kim cương, máy búa rèn hình thành từ kết quả nghiên cứu KH và CN, tháng 6-2017, Công ty TNHH Cơ khí Nhân Ðộ (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) được Sở KH và CN tỉnh Nghệ An cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH và CN. Theo quy định (tại Nghị định 80/2007/NÐ-CP trước đây và Nghị định 13/2019/NÐ-CP có hiệu lực ngày 20-3-2019), doanh nghiệp KH và CN được hưởng các chính sách ưu đãi về tín dụng đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Quỹ phát triển KH và CN và các quỹ khác theo quy định để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, đến nay, công ty chưa tiếp cận được chính sách ưu đãi về tín dụng dành cho doanh nghiệp KH và CN. Ông Lê Văn Thỏa, Giám đốc công ty cho biết, khi triển khai vay vốn thì không vay được do phải có tài sản thế chấp, trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa như công ty không đủ tài sản. Năm 2017, ông Thỏa tìm đến Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ phát triển KH và CN quốc gia nhưng không vay được vốn. Hiện nay, trước nhu cầu đổi mới thiết bị, mở rộng nhà xưởng của doanh nghiệp, ông đã phải vay vốn không có ưu đãi của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn số tiền bốn tỷ đồng, thời hạn một năm. Tuy nhiên, công ty cần thêm khoảng sáu tỷ đồng để đầu tư máy chuyên dụng, như máy cắt CNC, máy tiện CNC, mua ô-tô tải phục vụ sản xuất, kinh doanh. Mong muốn của ông là tìm được nguồn vốn cho vay ưu đãi để tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm. Tương tự, Công ty TNHH Hồ Hoàn Cầu (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) cũng chưa được hưởng chính sách ưu đãi của doanh nghiệp KH và CN. Ðại diện công ty cho biết, doanh thu từ sản phẩm KH và CN chủ lực của doanh nghiệp là máy ép gạch không nung, đủ để được ưu đãi giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng công ty vẫn chưa được cơ quan chức năng hướng dẫn để làm thủ tục hưởng. Công ty có đơn xin thuê 1 ha đất để mở rộng khu sản xuất máy ép gạch không nung, nhưng chưa được chính quyền quan tâm giải quyết.

Theo số liệu báo cáo của các sở KH và CN, thời gian qua, việc tiếp cận các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp KH và CN phần lớn còn khó khăn. Trong số 386 doanh nghiệp KH và CN trong cả nước, mới có 53 doanh nghiệp được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, 13 doanh nghiệp được miễn, giảm tiền thuê đất, chín doanh nghiệp được vay vốn tín dụng ưu đãi. Nguyên nhân do chính sách đối với doanh nghiệp KH và CN trước đây còn bất cập và nhiều doanh nghiệp thiếu thông tin về chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Một trong những chính sách quan trọng mới được sửa đổi tại Nghị định 13/2019/NÐ-CP là ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp KH và CN, nhưng cơ quan quản lý và doanh nghiệp vẫn có nhiều băn khoăn về tính khả thi. Theo đó, doanh nghiệp KH và CN phải có doanh thu của sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu KH và CN đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu của doanh nghiệp mới được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Một số sở KH và CN cho rằng, dù mức tỷ lệ này đã giảm so với trước đây, nhưng nhiều doanh nghiệp KH và CN vẫn khó có thể đạt để được hưởng ưu đãi. Chưa kể, thực tế các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nhiều sản phẩm, dịch vụ, nhưng sản phẩm đáp ứng điều kiện để cấp Giấy chứng nhận sản phẩm KH và CN lại không nhiều. Giám đốc Sở KH và CN Hà Tĩnh Ðỗ Khoa Văn cho biết, toàn bộ năm doanh nghiệp KH và CN của tỉnh chỉ có tám sản phẩm KH và CN, doanh thu của các sản phẩm KH và CN rất ít nên không đáp ứng được mức 30% doanh thu để vay vốn ưu đãi như quy định. Năm 2018, Công ty cổ phần Dược Hà Tĩnh là doanh nghiệp KH và CN tiêu biểu của tỉnh trong hoạt động nghiên cứu triển khai KH và CN, nhưng trong tổng số hơn 100 sản phẩm của doanh nghiệp chỉ có ba sản phẩm KH và CN, tỷ lệ doanh thu của các sản phẩm KH và CN chiếm khoảng 6,5% doanh thu công ty (tương đương 24 tỷ đồng trong tổng số 370 tỷ đồng); Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vật tư Viết Hải có tỷ lệ doanh thu sản phẩm KH và CN khoảng 0,1% (tương đương hai tỷ đồng trong tổng số 1.971 tỷ đồng); Công ty cổ phần Giống cây trồng Hà Tĩnh tỷ lệ doanh thu sản phẩm KH và CN khoảng 0,9% (tương đương 0,3 tỷ đồng trong tổng số 35 tỷ đồng)…

Ngoài ra, một số sở KH và CN kiến nghị, Bộ KH và CN cần có văn bản hướng dẫn thực hiện đối với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp KH và CN đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ưu tiên xác lập quyền sở hữu trí tuệ, sử dụng miễn phí máy móc, trang thiết bị tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ… Nếu quy định chung chung như tại Nghị định 13/2019/NÐ-CP, không có mức hỗ trợ bao nhiêu, thủ tục thực hiện, quy trình, hồ sơ như thế nào thì địa phương không thể triển khai được. Một số chính sách khác hấp dẫn doanh nghiệp hơn cũng khiến doanh nghiệp không mặn mà trở thành doanh nghiệp KH và CN (như chính sách hỗ trợ về thuế, đất đai theo Nghị định 210/2013/NÐ-CP về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn… ).

Doanh nghiệp KH và CN có đặc thù là đầu tư lớn, rủi ro cao, sản phẩm mới không dễ được thị trường đón nhận, trong khi tiềm lực tài chính còn hạn chế. Do đó, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cần sớm được các cơ quan chức năng hướng dẫn, thực hiện thống nhất giữa cơ quan thuế, các sở: KH và CN, Tài nguyên và Môi trường để doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi. Trước các băn khoăn từ phía địa phương và doanh nghiệp, đại diện Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH và CN (Bộ KH và CN) cho rằng, các sở KH và CN địa phương cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn về các chính sách ưu đãi phát triển doanh nghiệp KH và CN cho doanh nghiệp thực hiện các quyền lợi theo quy định. Trình tự, thủ tục các ưu đãi về miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, đất đai thực hiện theo luật chuyên ngành. Các khó khăn, vướng mắc cần được phản ánh về Bộ KH và CN, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH và CN để có hướng tháo gỡ kịp thời. Thời gian tới, Cục sẽ tiến hành tập huấn cho các địa phương về những quy định mới của Nghị định 13/2019/NÐ-CP, các vướng mắc sẽ được tiếp nhận, giải đáp.

 

Theo Nhandan.com.vn