Kiến trúc thế kỷ 20 của Frank Lloyd Wright, Mỹ
Kiến trúc thế kỷ 20 của Frank Lloyd Wright, MỹAug 24, 2020 09:25 AM531 lượt xem

Hoa Kỳ, còn gọi là Mỹ, tên gọi đầy đủ là Hợp chúng quốc Hoa Kỳ (United States of America – USA), gồm có 50 tiểu bang và một đặc khu liên bang. 

Hoa Kỳ nằm gần như hoàn toàn trong Tây bán cầu với 48 tiểu bang lục địa và thủ đô Washington, D.C, tại khu vực Bắc Mỹ. Hoa Kỳ giáp Thái Bình Dương ở phía Tây, Đại Tây Dương ở phía Đông, Canada ở phía Bắc và México ở phía Nam. Cách biệt với nhóm các tiểu bang trên là tiểu bang Alaska nằm trong vùng Tây Bắc của lục địa Bắc Mỹ, giáp với Canada ở phía Đông và tiểu bang Hawaii nằm giữa Thái Bình Dương. Ngoài ra, Hoa Kỳ còn có 14 lãnh thổ hải ngoại nằm rải rác trong vùng biển Caribbean và Thái Bình Dương. Hoa Kỳ có diện tích khoảng 9826630 km2, dân số 325,4 triệu người (năm 2017). Ngôn ngữ chính thức là tiếng Anh. Ngày 4/7/1776, Hoa Kỳ tuyên bố độc lập từ Anh. 

Hoa Kỳ là quốc gia sản sinh ra nhiều tinh hoa của nhân loại, trong nhiều lĩnh vực, trong đó có những nhân vật kiệt suất trong giới kiến trúc. Một trong số đó là Frank Lloyd Wright.

Frank Lloyd Wright (8/6/1867- 9/4/1959) là một KTS người Mỹ, nhà thiết kế nội thất, nhà văn và nhà giáo dục; thiết kế hơn 1000 công trình trong đó 535 công trình được xây dựng. Triết lý thiết kế của ông hướng tới: Kiến trúc – Con người – Tự nhiên là một, và được gọi là Kiến trúc hữu cơ (Organic Architecture). Các công trình do ông thiết kế có quy hoạch mở, không còn ranh giới rõ ràng giữa nội thất và ngoại thất, sử dụng các vật liệu xây dựng mới như thép và bê tông. Mỗi tòa nhà do ông thiết kế, dù là nhà ở, làm việc, giải trí hay tôn giáo đều thấm đẫm các giải pháp sáng tạo.

Tem bưu chính Hoa Kỳ vinh danh Frank Lloyd Wright, năm 1966.

Thông tin chung:

  • Công trình: Kiến trúc thế kỷ 20 của Frank Lloyd Wright (The 20th-Century Architecture of Frank Lloyd Wright)
  • Địa điểm: Mill Run, Pennsylvania; Madison, Wisconsin và New York, Hoa Kỳ (N39 54 20.055 W79 27 59.312)
  • Quy mô: Diện tích khu vực Di sản 25,723 ha; Vùng đệm 710,103 ha
  • Năm thực hiện:
  • Giá trị: Di sản thế giới (2019; hạng mục ii)

8 công trình kiến trúc tiêu biểu trong số hàng trăm công trình kiến trúc do Frank Lloyd Wright thiết kế được vinh danh là Di sản thế giới (2019) với tiêu chí:

Tiêu chí (ii): Các công trình Kiến trúc hữu cơ tiêu biểu của Frank Lloyd Wright: Biệt thự trên thác (Fallingwater tại Mill Run, Pennsylvania), Biệt thự của Herbert và Kinda Jacobs (Herbert và Kinda Jacobs House tại Madison, Wisconsin), Bảo tàng Guggenheim (Solomon R. Guggenheim Museum tại New York)…đã có tác động to lớn đến kiến trúc hiện đại châu Âu; thể hiện sự giao lưu quốc tế quan trọng về các bước phát triển kiến trúc nửa đầu thế kỷ 20.

Vị trí 8 công trình kiến trúc của Frank Lloyd Wright được vinh danh là Di sản thế giới (2019).

Tòa thánh tôn giáo Unitarian Universalist 

Di sản Tòa thánh tôn giáo Unitarian Universalist (Unity Temple) nằm tại Oak Park, tiểu bang Illinois. Khu vực di sản có diện tích 0,167ha, vùng đệm rộng 10,067ha.
Hoàn thành năm 1908, công trình sử dụng vật liệu theo cách mới lạ chưa từng có, bằng bê tông cốt thép, tạo ra một không gian tràn ngập ánh sáng với “màu sắc của thiên nhiên”. Đây được đánh giá là “tòa nhà hiện đại” đầu tiên trên thế giới.

Công trình là một bước nhảy vọt trong thiết kế kiến trúc của Frank Lloyd Wright. Từ công trình này, ông nhận thức rằng: “Trái tim thực sự của một tòa nhà là không gian của nó, chứ không phải là những bức tường”. Triết lý này đã dẫn dắt ông trở thành “Bậc thầy về không gian” và có ảnh hưởng lớn đến các kiến trúc sư hiện đại nổi tiếng như Mies Van Der Rohe (KTS người Mỹ gốc Đức, 27/3/1886 – 17/8/1969, là một trong người tiên phong của Kiến trúc hiện đại), và thậm chí cả những người theo chủ nghĩa Hậu hiện đại, như Frank Gehry (KTS người Mỹ gốc Canada, 18/2/1929, là một trong những kiến trúc sư quan trọng nhất của Kiến trúc Hậu hiện đại).

Để đáp ứng nhu cầu sử dụng, Frank Lloyd Wright chia công trình thành 3 khối: Không gian thờ; Không gian cộng đồng và Không gian sảnh, nằm giữa và kết nối hai không gian trên. Đây được cho là cách sử dụng không gian sáng tạo và hiệu quả, giảm sự ảnh hưởng giữa khu vực thờ và hội họp, trước hết là tiếng ồn và tạo ra hình khối độc đáo của công trình.

Ngoài ra, để giảm tiếng ồn từ phía đường phố, cửa số của công trình được mở hạn chế, bố trí chủ yếu tại sát mái và trên mái. Do bên trong không nhìn ra được tự nhiên bên ngoài, nên các cửa số được trang trí tông màu xanh lá cây nhằm gợi nên màu sắc của tự nhiên.

Để đáp ứng nhu cầu về số lượng chỗ ngồi và đảm bảo cách bục giảng không quá 12m, trong không gian thờ còn bố trí hai tầng ban công.

Nội thất công trình rất đơn giản và mới lạ, được nhấn mạnh từ các khối, mảng kết cấu xây dựng và trang trí bổ sung bằng các thanh ốp gỗ; tạo cảm giác như những vạch màu vàng sẫm, kẻ lên trên mặt các hộp trắng và vàng nhạt.

Sơ độ vị trí Di sản Tòa thánh tôn giáo Unitarian Universalist.

Sơ đồ mặt bằng Di sản Tòa thánh tôn giáo Unitarian Universalist.

Sơ đồ mặt cắt ngang không gian thờ, Di sản Tòa thánh tôn giáo Unitarian Universalist.

Phối cảnh Di sản Tòa thánh tôn giáo Unitarian Universalist.

Nội thất không gian thờ, Di sản Tòa thánh tôn giáo Unitarian Universalist.

Biệt thự Frederick C. Robie

Biệt thự Frederick C. Robie (Frederick C. Robie House) nằm tại thành phố Chicago, tiểu bang Illinois. Khu vực Di sản có diện tích 0,130ha, vùng đệm 1,315 ha.
Công trình được xây dựng vào năm 1909- 1910, theo trường phái kiến trúc có tên gọi là Thảo nguyên (Prairie School). Trường phái Prairie là một phong cách kiến trúc cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 phố biến tại khu vực Trung Tây Hoa Kỳ (American Midwest), là phong cách kiến trúc đầu tiên và duy nhất của người Mỹ.

Phong cách này được đánh dấu bằng các đường ngang, mái hiên ngang rộng nhô ra, cửa số theo các dải ngang…Các yếu tố “ngang” được cho là gợi nên các vùng đất thảo nguyên bằng phẳng, rộng lớn của nước Mỹ.

Trường phái kiến trúc Prairie là một nỗ lực phát triển phong cách kiến trúc bản địa Bắc Mỹ, để hài hòa với lý tưởng và thẩm mỹ của Trào lưu Nghệ thuật và Thủ công (Arts and Crafts movement), được hình thành nhằm chống lại các yếu tố văn hóa nảy sinh từ nhu cầu quá coi trọng sản xuất hàng hóa hàng loạt theo dây chuyền lắp ráp công nghiệp, thiếu nhân tính; cũng như hạn chế bớt các ảnh hưởng của kiến trúc cổ điển châu Âu.

Một trong những người đề xuất nổi tiếng nhất của Trường phái kiến trúc Prairie là Frank Lloyd Wright. Cũng từ đây, ông hình thành ý tưởng về “Kiến trúc hữu cơ”: Kiến trúc – Con người – Tự nhiên là một. Ông cũng cho rằng, tại nước Mỹ, yếu tố hữu cơ trong kiến trúc là yếu tố định hướng theo chiều ngang, thể hiện đặc điểm của một quốc gia mở, không gian phát triển thiên về chiều ngang hơn là chiều cao so với các nước châu Âu với mức đô thị hóa cao.

Biệt thự Frederick C. Robie được thiết kế như một cấu trúc phát triển tự nhiên từ địa điểm, như lời của Wright: “kết hôn với mặt đất”.

Công trình cao 3 tầng với hệ thống các phân vị ngang kéo dài, mái thấp với các hiên nhô ra, không gian bên trong mở ra bên ngoài… Tòa nhà có tới 175 cửa, được ví như là một cấu trúc “trừu tượng hóa các hình dạng hữu cơ”.

Biệt thự Frederick C. Robie là minh chứng tiêu biểu của một cấu trúc hài hòa với tự nhiên, được đánh giá là một kiệt tác của Trường phái kiến trúc Prairie.

Sơ đồ vị trí Di sản Biệt thự Frederick C. Robie.

Sơ đồ mặt bằng Di sản Biệt thự Frederick C. Robie.

Sơ đồ mặt cắt và mặt đứng, Di sản Biệt thự Frederick C. Robie.

Mô hình Di sản Biệt thự Frederick C. Robie.

Phối cảnh Di sản Biệt thự Frederick C. Robie.

Nội thất, Di sản Biệt thự Frederick C. Robie.

Tòa nhà Taliesin

Tòa nhà Taliesin (Taliesin House/Studio) còn gọi là Taliesin East (để phân biệt với Taliesin West) nằm tại thành phố Spring Green, tiểu bang Wisconsin. Khu vực Di sản có diện tích 4,931ha, vùng đệm 200,899 ha.

Tòa nhà Taliesin là nhà ở, xưởng vẽ và trường dạy nghề của Frank Lloyd Wright, được xây dựng vào năm 1911 và chưa bao giờ thực sự kết thúc.

Công trình nằm trên một khu đất rộng lớn, trên đỉnh của một sườn núi, được xây dựng theo triết lý của Kiến trúc hữu cơ, để trở thành một phần của ngọn đồi chứ không phải nằm trên đó. Công trình là trải nghiệm lâu dài nhất của Frank Lloyd Wright về lý thuyết Kiến trúc hữu cơ và Trào lưu Thảo nguyên, bao gồm 3 lần xây dựng:

Ngôi nhà đầu tiên (Taliesin I) được hoàn thành vào năm 1911, theo Trào lưu Thảo nguyên, nhấn mạnh các yếu tố “ngang” như vùng đất đồng bằng và bề mặt đá vôi tự nhiên của tiểu bang Wisconsin.

Ngôi nhà thứ hai (Taliesin II) xây dựng vào năm 1914, sau khi Taliesin I bị đốt cháy. Công trình có quy mô tiết kiệm hơn.

Ngôi nhà thứ ba (Taliesin III) được xây dựng vào năm 1925, sau khi Taliesin II bị hỏa hoạn. Đây là ngôi nhà của Frank Lloyd Wright sống trong suốt quãng đời còn lại, văn phòng nơi ông thiết kế những tòa nhà nổi tiếng như Biệt thự trên thác. Công trình cũng là nơi Frank Lloyd Wright sử dụng làm bảo tàng tư nhân. Tòa nhà Taliesin III và khu vườn xung quanh được Frank Lloyd Wright tặng cho Quỹ Frank Lloyd Wright (thành lập năm 1940) sau khi ông qua đời vào năm 1959.

Tòa nhà được xây dựng với nhiều vật liệu tự nhiên của vùng, ví dụ như đá vôi màu vàng, từ một mỏ đá gần đó; Màu vàng của các tấm tường thạnh cao tương tự như màu cát của bờ sông kề liền…

Tòa nhà Taliesin nhận được nhiều đánh giá khen ngợi: Đây không phải là một tòa nhà đơn thuần, mà là một môi trường, trong đó con người, kiến trúc và thiên nhiên tạo thành một tổng thể hài hòa; Công trình thể hiện tính trừu tượng của không gian, có thể so sánh với các tác phẩm của họa sỹ Pablo Picasso (họa sĩ, điêu khắc người Tây Ban Nha, 25/10/1881- 8/4/1973). Về lịch sử kiến trúc Hoa Kỳ, công trình có thể so sánh với Monticello, là biệt thự do tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ Thomas Jefferson (13/4/1743- 4/7/1826) thiết kế, được công nhận Di sản thế giới năm 1987 với tiêu chí là một tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người.

Sơ đồ vị trí Di sản Tòa nhà Taliesin.

Sơ đồ mặt bằng Tòa nhà Taliesin, năm 1911.

Sơ đồ mặt bằng Tòa nhà Taliesin, năm 1925.

Phối cảnh Di sản Tòa nhà Taliesin.

Nội thất, Di sản Tòa nhà Taliesin.

Biệt thự Hollyhock

Biệt thự Hollyhock (Hollyhock House) nằm tại thành phố Los Angeles, tiểu bang California. Khu vực Di sản có diện tích 4,608ha, vùng đệm 13,986ha. Tên của ngôi nhà – Hollyhock là tên một loại thực vật hoang dã có hoa, thường mọc tại bờ suối.

Công trình được xây dựng vào năm 1918- 1921, là công trình đầu tiên của Frank Lloyd Wright tại Los Angeles, là nhà ở của Aline Barnsdall, người kế thừa của một doanh nghiệp dầu khí.

Tòa nhà hiện trở thành trung tâm của Công viên Nghệ thuật Barnsdall, thành phố Los Angeles.

Tương tự như nhiều biêt thự, nhà ở do Frank Lloyd Wright thiết kế, công trình có bề ngoài hướng nội với các cửa số nhỏ, không dễ nhận thấy từ bên ngoài.
Ngôi nhà được bố trí xung quanh một sân trung tâm với một bên mở để tạo thành một sân khấu sân khấu (chưa sử dụng) và một hệ thống phức tạp các bậc thềm, tạo thành các bậc thang và sân thượng.

Công trình có các bức tường nghiêng 85 độ, tương tự như hình dạng kiến trúc của người Maya.

Nội thất công trình nổi bật bởi: Kính cửa sổ là kính màu; Lò sưởi với bức phù điêu trừu tượng lớn; Hoa văn theo hình dáng hoa Hollyhock trở thành các họa tiết chính trang trí bên trong, ngoài công trình.

Trong công trình, góc nhà bằng kính là một ý tưởng của Frank Lloyd Wright, sau này được sử dụng tại Biệt thự trên thác.

Ngôi nhà bị đánh giá là chú ý tới thẩm mỹ hơn là chức năng sử dụng và tính bền vững: Nước mưa từ các trận mưa lớn của Los Angeles chảy qua bãi cỏ và tràn vào phòng khách; Các cấu trúc con sơn bê tông đã sụp đổ trong các trận động đất của khu vực…Song, biệt thự Hollyhock vẫn được đánh giá là một trong những kiến trúc  hàng đầu trong mọi thời đại của thành phố Los Angeles.

Sơ đồ vị trí Di sản Biệt thự Hollyhock.

Sơ đồ vị trí Di sản Biệt thự Hollyhock.

Mô hình Di sản Biệt thự Hollyhock.

Tiểu cảnh công trình với các chi triết trang trí theo hình hoa Hollyhock trên tường.

Nội thất, Di sản Biệt thự Hollyhock.

Biệt thự trên thác

Biệt thự trên thác (Fallingwater) nằm tại thành phố Mill Run, tiểu bang Pennsylvania. Khu vực Di sản có diện tích 11,212ha, vùng đệm 282,299ha.

Được xây dựng như một ngôi nhà mùa hè năm 1935, Biệt thự trên thác mô phỏng những triết lý kiến ​​trúc hữu cơ của Frank Lloyd Wright.

Ban đầu chủ nhà muốn thiết kế một ngôi nhà dưới chân thác để nhìn ngắm thác. Song Frank Lloyd Wright lại thiết kế ngôi nhà nằm trên thác, với mong muốn con suối phải trở thành một phần ngôi nhà và không thể thiếu trong cuộc sống của gia chủ.

Biệt thự trên thác nổi bật bởi nhiều yếu tố: Tòa nhà như “nổi” trên thác nước của dòng suối. Âm thanh của dòng suối, đặc biệt vào mùa Xuân khi tuyết tan lan vào trong nhà; Các khối sân thượng bằng đá và không gian hình học bằng bê tông cốt thép của tòa nhà như hòa quyện với các vách đá tự nhiên xung quanh; Cửa sổ và ban công rộng mở ra xung quanh.

Màu sắc chủ đạo của công trình gồm 2 màu: Màu nâu nhạt cho bê tông và màu đỏ cho thép.

Để tạo hình dáng phức tạp của ngôi nhà, giải pháp kết cấu con sơn được lựa chọn.

Đá xây dựng công trình được cung cấp tại mỏ đá liền kề.

Năm 2002, kết cấu của tòa nhà được cải tạo lại, tăng cường khả năng chịu lực; vật liệu lát nền, ốp tường hỏng được thay thế.

Công trình Biệt thự trên thác rất nổi tiếng trong văn hóa đại chúng, được sử dụng làm bối cảnh trong nhiều bộ phim, tranh, sách, bộ lego kiến trúc, thậm chí còn là cảm hứng cho bản nhạc. Hàng năm, công trình thu hút hàng trăm ngàn du khách từ khắp nơi trên thế giới đến thăm quan.

Biệt thự trên thác là một trong kiệt tác vĩ đại nhất của Frank Lloyd Wright về sự chuyển dịch và hòa nhập với môi trường tự nhiên, như một minh chứng nổi bật về Kiến trúc hữu cơ; được đánh giá là công trình đẹp nhất mọi thời đại của kiến trúc Mỹ.

Sơ đồ vị trí Di sản Biệt thự trên thác.

Sơ đồ vị trí Di sản Biệt thự trên thác.

Sơ đồ mặt cắt, Di sản Biệt thự trên thác.

Phối cảnh công trình, Di sản Biệt thự trên thác.

Nội thất, Di sản Biệt thự trên thác.

Ngôi nhà Herbert và Kinda Jacobs

Ngôi nhà của Herbert và Kinda Jacobs (Herbert and Katherine Jacobs House) nằm tại thành phố Madison, tiểu bang Wisconsin. Khu vực Di sản có diện tích 0,139ha, vùng đệm 1,286ha.

Công trình được xây dựng vào năm 1937, nảy sinh từ ý tưởng quy hoạch đô thị của Frank Lloyd Wright, liên quan đến cộng đồng nhà ở giá rẻ.
Ngôi nhà được xây dựng trong một khu dân cư phía Tây Nam trung tâm thành phố Madisonm với một ngân sách hạn chế (dưới 5000 USD, tương đương 87141 USD năm 2018).

Công trình là một cấu trúc một tầng, mái bằng khiêm tốn. Bên ngoài được hoàn thiện bởi gạch, ván gỗ ốp ngang và cửa kính. Nhà có mặt bằng rộng 140m2, gồm hai phòng ngủ. Nhiệt sưởi cho ngôi nhà được cung cấp từ một lò hơi đặt tại tầng hầm dưới không gian bếp.

Sau này, vào năm 1940, Frank Lloyd Wright xây dựng cho gia đình một ngôi nhà thứ hai (Jacobs II) và chuyển đến đó sống. Công trình hiện được sử dụng cho mục đích du lịch.

Sơ đồ vị trí Di sản Ngôi nhà Herbert và Kinda Jacobs.

Sơ đồ mặt bằng, Di sản Ngôi nhà Herbert và Kinda Jacobs.

Phối cảnh, Di sản Ngôi nhà Herbert và Kinda Jacobs.

Nội thất, Di sản Ngôi nhà Herbert và Kinda Jacobs.

Tòa nhà Taliesin West

Taliesin West nằm tại tại chân dãy núi McDowell, thành phố Scottsdale, tiểu bang Arizona. Khu vực Di sản có diện tích 4,285ha, vùng đệm 198,087ha.

Công trình được xây dựng vào năm 1937, là ngôi nhà mùa Đông, xưởng vẽ và trung tâm nghiên cứu kiến trúc của Frank Lloyd Wright.

Tòa nhà làm bằng gỗ, đá có nguồn gốc địa phương và bê tông; gồm các không gian trong và ngoài nhà xen kẽ, một khu vườn hình tam giác với các loài thực vật bản địa và hồ bơi hình tam giác.

Các bức tường được làm bằng đá sa mạc địa phương, được xếp chồng lên nhau trong một khuôn gỗ, sau đó đổ bê tông liên kết.

Tại công trình, ánh sáng tự nhiên cũng đóng góp một phần quan trọng trong thiết kế với giải pháp lấy ánh sáng từ trên mái. Tại vị trí phòng ăn hướng về phía Nam, sử dụng các tấm chắn để ngăn ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp, song vẫn cho ánh sáng tản xạ vào phòng.

Công trình được cải tiến, bổ sung thay đổi liên tục trong nhiều năm, ví dụ như: mở rộng phòng ăn, thêm một câu lạc bộ đêm (Cabaret) và nhiều phòng khác.
Tất cả đồ nội thất đều do Frank Lloyd Wright thiết kế và được thực hiện bởi các học viên.

Nhiều tòa nhà nổi tiếng do Frank Lloyd Wright thiết kế được thực hiện tại Taliesin West, như Bảo tàng Guggenheim ở thành phố New York. Ngày nay, Taliesin West là trụ sở của Quỹ Frank Lloyd Wright và là ngôi nhà mùa Đông cho Trường Kiến trúc tại Taliesin.

Sơ đồ vị trí Di sản tòa nhà Taliesin West.

Sơ đồ mặt bằng, Di sản tòa nhà Taliesin West.

Phối cảnh tổng thể, Di sản tòa nhà Taliesin West.

Tiểu cảnh câu lạc bộ đêm (Cabaret), Di sản tòa nhà Taliesin West.

Tiểu cảnh đài phun nước và sân thượng với khu vực ăn uống và ký túc xá (phía sau).

Nội thất câu lạc bộ đêm (Cabaret), Di sản tòa nhà Taliesin West.

Nội thất với cột và mảng tường đá.

Bảo tàng Solomon R. Guggenheim

Bảo tàng Solomon R. Guggenheim (Solomon R. Guggenheim Museum) nằm tại thành phố New York. Khu vực Di sản có diện tích 0,251ha, vùng đệm 2,164ha.

Công trình được xây dựng vào năm 1959, tại góc đường Street East 89, khu phố Upper East Side, quận Manhattan, thành phố New York.

Bảo tàng mang tên Solomon R. Guggenheim, một thương gia giàu có, đã thu thập tác phẩm của các bậc thầy nghệ thuật từ những năm 1890 cho bảo tàng. Bảo tàng là nơi lưu giữ và trưng bày bộ sưu tập nghệ thuật của Trường phái Ấn tượng, Hiện đại và Hậu hiện đại trong hơn 8 thập kỷ, dựa trên các bộ sưu tập tư nhân quan trọng, bắt đầu từ bộ sưu tập gốc của Solomon R. Guggenheim. Đây là nơi tổ chức các triển lãm nổi tiến nhất ở thành phố New York. Hàng năm, hàng triệu du khách đã đến thăm Bảo tàng.

Frank Lloyd Wright phải mất 15 năm, 700 bản phác thảo để tạo ra Bảo tàng với mong muốn thử nghiệm phong cách Kiến trúc hữu cơ trong một khung cảnh đô thị; như một “Ngôi đền về tinh thần”, có tính biểu cảm cao và mạnh mẽ, một chất xúc tác cho sự thay đổi.

Tổ hợp công trình gồm 2 khối chính: Khối trưng bày và Khối nhà nhỏ làm văn phòng và không gian lưu trữ. Cả hai tòa nhà đều có mặt bằng hình tròn.

Khối trưng bày có dạng hình trụ, rộng hơn ở phía trên. Các không gian trưng bày được đặt dọc theo đường dốc, kéo dài từ mặt đất, liên tục dọc theo các cạnh bên của tòa nhà, kết thúc ngay dưới giếng trời của nhà.

Khách thăm bảo tàng đi lên đỉnh tòa nhà bằng thang máy và đi bộ xuống dọc theo con đường dốc thoải liên tục chạy vòng quanh một sân trong hình tròn.

Bên trong khối nhà trưng bày không có cột; các tấm sàn dốc theo tầng được liên kết vào các vách (kết hợp với phân chia không gian trưng bày); Phía trên của giếng trời là một mái vòm bằng kính; Bề mặt của tòa nhà bằng bê tông để giảm chi phí so với lớp hoàn thiện bằng đá.

Dạng hữu cơ của 2 khối tròn mềm mại tương phản với các khối hình hộp của các tòa nhà xung quanh, tạo cho công trình một điểm nhấn rất ấn tượng. Bảo tàng Solomon R. Guggenheim là một công trình phát triển theo chiều cao chứ không theo chiều ngang như phần lớn các công trình khác do Frank Lloyd Wright thiết kế tại nông thôn.

Ban đầu, công trình cũng gây ra nhiều tranh cãi, trước hết là việc đặt các bức tranh trong các không gian nghiêng (sàn và tường nghiêng). Song, có quan điểm lại cho rằng, việc đặt một vật thể thẳng đứng trong một không gian nghiêng có thể kết hợp với nhau để tạo ra ảo ảnh quang học…

Năm 1992, Bảo tàng mở rộng thêm một tòa tháp chữ nhật kề liền, cao 10 tầng, vượt  hơn khối nhà tròn xoắn ốc ban đầu, gồm 4 phòng triển lãm với sàn phẳng, tường phẳng để bổ sung cho việc trưng bày.

Năm 2005 – 2008, tòa nhà được tôn tạo lại.

Bảo tàng Solomon R. Guggenheim được đánh giá là một trong những mốc đánh giá bước ngoặt của kiến trúc thế kỷ 20.

Sơ đồ vị trí Di sản Bảo tàng Solomon R. Guggenheim.

Sơ đồ mặt bằng, Di sản Bảo tàng Solomon R. Guggenheim.

Sơ đồ mặt cắt, Di sản Bảo tàng Solomon R. Guggenheim.

Phối cảnh Di sản Bảo tàng Solomon R. Guggenheim.

Nội thất, Di sản Bảo tàng Solomon R. Guggenheim.

Các bài học về triết lý trong thiết kế kiến trúc của KTS. Frank Lloyd Wright tiếp tục được tiếp thu và lan truyền trong giới kiến trúc trên thế giới.

 

Theo Bộ môn Kiến trúc Công nghệ

Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng