Đây chính là vấn đề được lãnh đạo TP.HCM cùng các chuyên gia trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm, thảo luận tại Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Giải pháp phát triển nhà ở đáp ứng gia tăng dân số 1 triệu người sau mỗi 5 năm ở TP.HCM giai đoạn 2021-2035”.
Người có thu nhập thấp trong khuôn khổ thảo luận bao gồm cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước, công nhân, lao động, học sinh – sinh viên và người nhập cư, đang chiếm khoảng hơn 50% dân số TP.HCM.
Theo kết quả khảo sát nhu cầu của đối tượng này, hầu hết đều có nhu cầu mua nhà ở thương mại vừa túi tiền (loại căn hộ 1-2 phòng ngủ, giá bán trên dưới 1 tỷ đồng). Đối tượng này cũng có nhu cầu mua nhà ở xã hội trả góp 15 năm hoặc thuê nhà giá rẻ.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, đánh giá dù diện tích nhà ở bình quân đầu người trong giai đoạn 2016 đến tháng 6/2019 đã đạt 88% so với chỉ tiêu đề ra, người có thu nhập thấp vẫn phải sống trong các không gian chật chội, không đảm bảo chất lượng cuộc sống và không có khả năng mua hay thuê nhà ở.
Lãnh đạo TP.HCM cho biết sẽ khuyến khích doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, thương mại vừa túi tiền cung ứng ra thị trường. Ảnh: Quỳnh Danh.
Trước nguy cơ thiếu hụt nguồn cung nhà ở cho người thu nhập thấp, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), đã đề xuất một số mô hình phát triển, trong đó chú trọng xây dựng nhà ở xã hội và chỉnh trang, tái phát triển các khu đô thị cũ.
Đặc biệt, ông cho rằng nhà ở xã hội nên kết hợp với mô hình nhà ở thương mại giá thấp để hình thành các “khu đô thị, khu nhà ở bình dân” hoặc “khu đô thị, khu nhà ở vừa túi tiền”. Những khu vực này có thể trở thành các đô thị vệ tinh của TP.HCM
Theo một số chuyên gia, nhà ở xã hội cũng cần được xây dựng với đa dạng loại hình và phân bố phù hợp sao cho tiện lợi về công việc và thu nhập cho người lao động.
“Người dân thà sống trong khu ổ chuột có nhiều lợi ích kinh tế còn hơn ở trong căn nhà khang trang hơn nhưng khó tạo ra thu nhập”, GS Yap Kioe Sheng đến từ Hàn Quốc nhận định.
Đồng tình với quan điểm này, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, khẳng định: “Xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động thấp không có nghĩa xây dựng nhà ở giá rẻ chất lượng thấp”.
Do đó, tiếp thu tham luận của các chuyên gia, ông Võ Văn Hoan cho biết TP.HCM sẽ chú trọng đầu tư phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp, bởi đây mới là số đông cư dân trong đô thị.
Để làm được điều này, TP.HCM sẽ thực hiện quy hoạch nhà ở trên địa bàn, kêu gọi và khuyến khích khối tư nhân đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Ưu đãi về thuế sử dụng đất và chỉ tiêu quy hoạch xây dựng là một số cơ chế chính sách sẽ được tận dụng.
Đồng thời, TP.HCM cũng chủ động tiến hành thu hồi quỹ đất thuộc sở hữu Nhà nước, quỹ đất dọc tuyến metro nhằm chuyển đổi, kêu gọi đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, theo ông Võ Văn Hoan, quy trình, thủ tục đối với dự án nhà ở xã hội còn nhiêu khê. Do đó, cần nghiên cứu xây dựng lại cơ chế, chính sách riêng biệt cho mô hình này để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp và người thu nhập thấp.
Ngoài ra, cơ chế tài chính cũng cần được quan tâm. Ông kêu gọi doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức trong, ngoài nước hỗ trợ nguồn vốn vay dài hạn cho đối tượng lao động này.