Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung 51 điều
Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung 51 điềuAug 24, 2020 09:23 AM278 lượt xem

Thường vụ Quốc hội đã nhất trí với phương án của Chính phủ về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật Xây dựng. Theo đó, Luật Xây dựng sẽ sửa đổi, bổ sung 51 điều và thay thế thuật ngữ tại 14 điều và hủy bỏ 1 điều trên tổng số 168 điều của Luật Xây dựng 2014.

Ngày 18/9/2019, Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và Ban soạn thảo đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Tổng thư ký Quốc hội đã có Thông báo số 3072/TB-TTKQH ngày 25/9/2019 thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 37 (tháng 9/2019). Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí với phương án của Chính phủ trình về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật.

Luật Xây dựng 2014 dựng sẽ sửa đổi, bổ sung 51 điều.

Cụ thể, phạm vi sửa đổi, bổ sung của Luật Xây dựng sẽ tập trung vào 3 nhóm chính sách: Cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng; Bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực xây dựng; Hoàn thiện chính sách, pháp luật về xây dựng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với pháp luật có liên quan.

Luật Xây dựng năm 2014 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 18/6/2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Luật Xây dựng năm 2014 đã xác lập các quy định pháp luật để điều chỉnh các hoạt động đầu tư xây dựng phù hợp với thực tiễn của đất nước. Việc ban hành Luật Xây dựng năm 2014 và kết quả triển khai thi hành Luật đã có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, an ninh của đất nước.

Tuy nhiên, hiện nay đã có một số yêu cầu mới đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung như: Yêu cầu phải thể chế hóa kịp thời một số định hướng, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước; Trong thực tiễn triển khai thực hiện Luật Xây dựng năm 2014 đã xuất hiện một số vướng mắc, hạn chế, bất cập cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số quy định của Luật; Sau khi Luật Xây dựng năm 2014 có hiệu lực, đã có một số Luật mới được ban hành như: Luật Đầu tư công 2019, Luật Quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật liên quan đến quy hoạch… các luật khác đang được sửa đổi, bổ sung như Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đê điều và Luật Phòng chống thiên tai… Vì vậy, cần thiết phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung một số quy định của Luật Xây dựng năm 2014 để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng năm 2014 là tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch, bình đẳng cho người dân và doanh nghiệp; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn công tác đầu tư xây dựng; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; phù hợp với thực tiễn, tập trung sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan đến vấn đề mang tích cấp bách, cần thiết nhất và đã được đánh giá tác động, để tháo gỡ vướng mắc, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý trong quá trình thực hiện; Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm tính tương thích của các chính sách với các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Bảo đảm sự quản lý thống nhất của Trung ương, tăng cường phân cấp hợp lý và nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, bảo đảm công khai minh bạch, phòng chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong hoạt động đầu tư xây dựng.

 

Theo Báo Xây dựng