Nghị định 100/2018/NĐ-CP bãi bỏ điều kiện kinh doanh lĩnh vực xây dựng
Nghị định 100/2018/NĐ-CP bãi bỏ điều kiện kinh doanh lĩnh vực xây dựngAug 24, 2020 09:36 AM242 lượt xem

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 100/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng (Nghị định 100). Có hiệu lực từ 15.9, Nghị định này được đánh giá sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp, qua đó người dân, doanh nghiệp có sự nhìn nhận tích cực hơn đối với cơ quan quản lý nhà nước.

Nhiều đột phá

Theo Nghị định 100, đối với 10 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực xây dựng như kinh doanh dịch vụ tư vấn quản lý dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh dịch vụ khảo sát xây dựng, kinh doanh dịch vụ tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình… đã giảm yêu cầu về thời gian kinh nghiệm, số lượng dự án, công trình đã thực hiện để được cấp chứng chỉ hành nghề; tăng thời hạn có hiệu lực của chứng chỉ năng lực từ 5 năm lên 10 năm.

“Nghị định 100 rõ ràng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi làm tăng tính cạnh tranh, qua đó xã hội được hưởng lợi là giá cả dịch vụ sẽ giảm, chất lượng dịch vụ được nâng lên. Song, doanh nghiệp sẽ có thêm những đối thủ mới gia nhập thị trường nên nếu không có sự chuẩn bị tốt sẽ bị đào thải. Do đó, doanh nghiệp cần thực thi một cách tích cực và chủ động. Ngay cả khi nghị định chỉ đặt ra những yêu cầu chuyên môn về nghiệp vụ, về cơ sở vật chất tối thiểu thì doanh nghiệp phải tự xây dựng tiêu chuẩn cao hơn. Chỉ khi đó, doanh nghiệp mới có thể cạnh tranh được và tồn tại”.

Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu

Thêm vào đó, Nghị định đã bãi bỏ điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 5 ngành, nghề không được quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và phục lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư và 2 ngành nghề đang có sự chồng chéo với pháp luật có liên quan, gồm: Lập, thẩm tra dự án đầu tư xây dựng; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về hoạt động xây dựng; quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị; quản lý cây xanh; lập quy hoạch trong lĩnh vực vật liệu xây dựng; kinh doanh vật liệu xây dựng; điều kiện là chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng khu đô thị…

Nhìn nhận những thay đổi của Nghị định 100, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Phan Đức Hiếu bình luận “có rất nhiều đột phá”. Minh chứng là trước đây, trong Nghị định 59/2015 về quản lý dự án đầu tư xây dựng đặt ra nhiều yêu cầu phi thị trường. Chẳng hạn yêu cầu số lượng tối thiểu người có chuyên môn, thậm chí phải tham gia thiết kế 3 dự án, 5 dự án, 10 dự án mới được cấp chứng chỉ hành nghề hoặc tham gia vào đơn vị tư vấn xây dựng. Nay, Nghị định 100 đã xóa bỏ những quy định này. “Cải cách này chắc chắn có tác động rất lớn trong thực tế, khiến việc gia nhập thị trường dễ dàng hơn và phản ánh đúng thực tế của hoạt động kinh doanh”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Nghị định 100 giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể cạnh tranh với doanh nghiệp lớn để tham gia ở những công trình cấp 1. Ảnh: ITN

Thay đổi phương thức quản lý

Giám đốc Công ty CP Tư vấn Xây dựng và Lắp đặt Thiết bị Việt Nam (Vinace) Ôn Mạnh Nghĩa tỏ ra lạc quan về hoạt động của doanh nghiệp khi Nghị định 100 có hiệu lực. Ông chia sẻ, nếu như trước đây, để tham gia vào nhóm công trình lớn từ cấp 1 – cấp 3, doanh nghiệp phải bảo đảm số lượng nhân sự từ 10 – 30 người. Chưa kể, để tham gia được công trình lớn thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ như Vinace phải hợp tác với công ty lớn hơn mới có đủ điều kiện pháp nhân, điều này làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp; còn nếu không, doanh nghiệp sẽ chỉ tiếp cận được với những công trình có quy mô từ 15 tỷ đồng trở xuống (cấp 3). Nay theo Nghị định 100, doanh nghiệp của ông có thể tham gia đấu thầu trực tiếp với doanh nghiệp lớn ở cả công trình cấp 1, qua đó làm tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Mặt khác, doanh nghiệp cũng được chủ động tự hạch toán kinh doanh, vừa nâng cao năng lực vừa giảm những chi phí không cần thiết do phải đi nhờ pháp nhân như trước.

Việc đơn giản hóa, bãi bỏ hàng loạt điều kiện kinh doanh theo Nghị định 100 không chỉ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mà còn mang đến nhiều lợi ích cho chính cơ quan quản lý. Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Xây dựng Tống Thị Hạnh thừa nhận, khi tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp, nhìn nhận của xã hội, người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan quản lý sẽ hết sức tích cực. “Bởi cơ quan quản lý không chỉ đơn thuần là ra các mệnh lệnh hành chính, mà thông qua đó tạo sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Đây mới là hiệu ứng và mang tính thực chất của quản lý nhà nước, tiến tới là Chính phủ phục vụ”, bà Hạnh nhấn mạnh.

Với 89 điều kiện kinh doanh liên quan đến lĩnh vực quản lý của Bộ Xây dựng được bãi bỏ (chiếm 41,3%); đơn giản hóa 94 điều kiện (chiếm 43,7%) trên tổng số 215 điều kiện đầu tư kinh doanh, đưa tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa đạt 85%, vượt 35% so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, rõ ràng đây là nỗ lực, cố gắng rất lớn của Bộ Xây dựng. Chính phủ đánh giá đây là một trong những bộ đi đầu trong nỗ lực giảm điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý. Song, Phó Viện trưởng Phan Đức Hiếu cho rằng “vẫn có thể cắt giảm thêm nữa”.

Mặc dù vậy, theo ông Hiếu đây là công việc không dễ. “Ngay cả khi trong Bộ có 1 đơn vị tham mưu chủ trì thì không phải đề xuất của họ đã là đề xuất duy nhất và được lãnh đạo Bộ chấp nhận. Họ sẽ phải thảo luận với các bên có liên quan để đạt được sự thống nhất nhất định trong việc bãi bỏ các điều kiện kinh doanh. Mặt khác, cải cách không phải chỉ làm một lần mà đó là quá trình liên tục. Trong đó, cần thay đổi cả phương thức quản lý chứ không đơn thuần chỉ là cắt bỏ cơ học các điều kiện”, ông Hiếu nêu ý kiến.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Tống Thị Hạnh bổ sung, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát, đề xuất bãi bỏ 4 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đang được quy định trong các văn bản luật, gồm: Kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản; kinh doanh dịch vụ lập quy hoạch đô thị do tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện; kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư; kinh doanh dịch vụ quản lý vận hành cơ sở hỏa táng. “Việc thay đổi này sẽ theo hướng thay thế các điều kiện có tính chất tiền kiểm sang hậu kiểm, đồng thời áp dụng nguyên tắc quản lý dựa trên rủi ro nhằm mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp“, bà Hạnh cho biết.

 

Theo Báo điện tử Đại biểu Nhân dân