Nhà cổ 700 triệu đồng ở Hà Nam của lái buôn đầu thế kỷ 20
Nhà cổ 700 triệu đồng ở Hà Nam của lái buôn đầu thế kỷ 20Aug 24, 2020 09:33 AM267 lượt xem

Ngôi nhà cổ có tuổi đời hơn 100 năm, nằm trên diện tích 900 m2 tại xã Hòa Hậu (Lý Nhân, Hà Nam). Trên nóc của ngôi nhà có khắc dòng chữ Nho, ghi lại thời gian xây nhà là năm 1910 của thế kỷ 20.

Ngôi nhà được xây theo kiến trúc đặc trưng của cư dân đồng bằng Bắc Bộ xưa với 3 gian, 2 chái, có khuôn viên sân vườn, trồng cau, chuối… sân lát gạch. Mái nhà lợp ngói âm dương.

Hàng hiên trước nhà đặt lớp liếp bằng gỗ có nhiệm vụ ngăn gió lạnh mùa đông và giảm nóng vào mùa hè làm cho không gian nhà ở luôn giữ được nhiệt độ ổn định.

Trong nhà có 4 hàng cột với tổng cộng 16 cây cột lim, chân cột được kê đá tảng là một loại đá xanh được đẽo gọt công phu.

Khi xây dựng ngôi nhà, người ta trộn mật mía, bồ hóng vào vôi và thêm một số phụ gia khác để làm thành hồ xây nhà. Qua thời gian dài các bức tường vẫn không hề bong tróc.

Theo người cao tuổi trong làng, ngôi nhà này tính đến nay đã qua 7 đời chủ. Người xây dựng ngôi nhà là cụ Cựu Hanh, một lái buôn giàu có nổi tiếng khắp vùng nam đồng bằng Sông Hồng lúc bấy giờ.

Cụ Cựu Hanh đã thuê một tốp thợ mộc hơn 20 người ở phủ Lý Nhân làm ròng rã gần 1 năm mới hoàn thiện.

Khi cụ Cựu Hanh qua đời, người thừa kế ngôi nhà là con trai Trần Duy Xầm. Tiếp đó là ông Cựu Cát – con trai cụ Xầm thừa hưởng. Người này nổi tiếng chơi bời, vay nợ tiền của cụ Trần Duy Bính. Khi túng thiếu, không có khả năng trả nợ, Cựu Cát quyết định bán lại nhà cho cụ Bính.

Cụ Bính mất đi đã để lại gia sản cho con là Trần Duy Tảo hay còn gọi là Binh Tảo. Gia đình gặp biến cố, Binh Tảo mang bán lại cho cụ Cai Hậu (Trần Hữu Hậu) với giá 4.500 đồng (khoảng 20 cây vàng thời bấy giờ).

Cụ Hậu giàu có nhưng không có người nối dõi nên sau này ông Trần Hữu Hòa, cháu cụ Cai Hậu cai quản.

Sinh thời, cố nhà văn Nam Cao từng tiết lộ, ông đã lấy nguyên mẫu các chủ nhân ở đây sáng tạo nên nhân vật Bá Kiến trong tác phẩm Chí Phèo nổi tiếng. Năm 2007, UBND tỉnh Hà Nam mua lại căn nhà với giá 700 triệu đồng từ bà Trần Thị Sâm (vợ ông Trần Văn Hòa) để bảo tồn, gìn giữ như một địa điểm du lịch.

Hệ thống cửa gỗ 8 cánh làm bằng gỗ lim rất chắc chắn, bền vững.

Trải qua thời gian dài, những cánh cửa này chưa có dấu hiệu mối mọt, hỏng hóc.

Các cột chống và hệ thống khung nhà bằng gỗ.

Toàn bộ cột kèo của ngôi nhà được chạm khắc hình rồng, phượng. Người ta thường gọi là “chạm bong” vì nó được chạm thẳng vào thanh gỗ, làm nổi lên từng múi, từng hình khối.

Sân lát gạch đỏ.

Bể nước mưa ngoài vườn.

Gian bếp và công trình phụ bên cạnh nhà chính.

Lớp mái ngói đỏ xếp chồng lên nhau, bên cạnh là họa tiết trang trí. Tất cả đều nhuốm màu cũ kỹ.

Bể cảnh, non bộ đặt trước mặt tiền căn nhà.

Lối đi lát gạch dẫn vào ngôi nhà cổ.

Hình con dơi ngậm đồng tiền mang ý nghĩa “Phúc lộc song toàn” được chạm khắc từ gỗ.

 

Theo Vietnamnet