Nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia
Nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc giaAug 24, 2020 09:23 AM290 lượt xem

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ảnh minh họa.

Mục tiêu tổng quát lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng nhằm huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho phát triển năng lượng để đảm bảo cân đối cung cầu năng lượng với mục tiêu tối ưu chi phí phục vụ phát triển bền vững kinh tế – xã hội của đất nước; sử dụng đa dạng và hợp lý các nguồn năng lượng sơ cấp trong và ngoài nước; đẩy mạnh các hoạt động sử dụng hiệu quả năng lượng và khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo nhằm góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu,…

Về phạm vi ranh giới quy hoạch, quy hoạch phát triển toàn bộ hệ thống kết cấu hạ tầng năng lượng toàn quốc, có xem xét đến yếu tố xuất nhập khẩu năng lượng từ các quốc gia khác. Để có thể đánh giá được phương án quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng năng lượng cho từng phân ngành, nhu cầu năng lượng được tính toán và dự báo cho toàn bộ các ngành sử dụng năng lượng của nền kinh tế, bao gồm nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dân dụng và giao thông vận tải.

Về nguyên tắc lập quy hoạch, Quy hoạch ngành quốc gia phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Do đó, nội dung Quy hoạch tổng thể về năng lượng phải đảm bảo tích hợp một cách đồng bộ, đầy đủ và phù hợp trên cơ sở kế thừa các nội dung có liên quan trong Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Ngoài ra, Quy hoạch tổng thể về năng lượng cũng cần được đặt trong mối liên quan với các quy hoạch khác phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch.

Nội dung Quy hoạch tổng thể về năng lượng gồm 3 tập: Tập I (Thuyết minh chính); Tập II (Các phụ lục); Tập III (Các bản vẽ).

Trong đó, tập I thuyết minh chính, gồm 4 Phần với 14 Chương. Phần I: Hiện trạng năng lượng quốc gia và kết quả thực hiện quy hoạch; Phần II: Tình hình và dự báo phát triển kinh tế xã hội và định hướng phát triển các phân ngành năng lượng; Phần III: Phương án phát triển kết cấu hạ tầng năng lượng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Phần IV: Cơ chế, giải pháp và tổ chức thực hiện quy hoạch tổng thể về năng lượng.

Thời hạn lập quy hoạch thực hiện trong thời gian 12 tháng kể từ khi Nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể về năng lượng được phê duyệt và lựa chọn xong đơn vị tư vấn lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng.

Bộ Công Thương là cơ quan tổ chức lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng, có trách nhiệm đảm bảo việc triển khai thực hiện các bước theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật khác có liên quan.

Các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương trong quá trình lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng theo đúng quy định của pháp luật.

 

Theo Báo Điện tử Chính phủ