Bê tông phủ được định nghĩa là một lớp bê tông cường độ cao được phủ lên trên bề mặt bê tông cũ giúp bề mặt dày hơn, chống mài mòn, tăng độ sâu của kết cấu và cường độ của bê tông nền.
Bê tông phủ đem lại nhiều lợi ích trong xây dựng. Ảnh: Internet.
Trước khi áp dụng bê tông phủ cần kiểm tra kết cấu bê tông cũ có đủ độ cứng và mạnh, đảm bảo không có vết nứt. Nếu lớp bê tông cơ sở yếu và dễ vỡ thì không đảm bảo được độ bám dính giữa bê tông cũ và bê tông mới.
Đổ một lượng nước nhỏ lên bê tông nền để kiểm tra tốc độ hấp thụ. Nếu bê tông hấp thụ nước trong vài phút thì phải giữ ẩm cho bê tông nền trong 4 giờ trước khi đổ lớp phủ và nước phải được loại bỏ hoàn toàn trước khi đổ.
Hỗn hợp bê tông phủ phải bao gồm cốt liệu, cát và xi măng, được trải, nén, quét và trát nổi như đối với sàn bê tông.
Bê tông phủ được chia làm hai loại dựa trên loại liên kết hình thành giữa bê tông cũ và mới. Loại thứ nhất là bê tông phủ liên kết hoàn toàn với độ dày được khuyến nghị từ 25 – 50mm được đổ lên trên bê tông nền sạch, không có vết nứt, chất lượng tốt. Bê tông phủ loại thứ nhất thường yêu cầu cốt liệu nhỏ có kích thước từ 10mm trở xuống và hàm lượng cát cao.
Do loại bê tông phủ này cần lượng nước cao nên các lớp phủ mỏng được khuyến nghị để giảm nguy cơ nứt và mất liên kết. Hầu hết các lớp phủ liên kết mỏng thường được sử dụng với mục đích khôi phục bề mặt đã mòn của bê tông nền và không thêm độ mạnh cho bê tông cũ.
Loại bê tông phủ thứ hai là bê tông phủ liên kết một phần với độ dày tối thiểu 100mm thường dùng để phủ khi bê tông nền có vết nứt. Bê tông phủ loại này thường dày hơn bê tông phủ liên kết hoàn toàn.
Sử dụng bê tông phủ giúp tăng độ dày của lớp nền; làm sạch bề mặt bê tông và che đi các vết nứt gãy, lỗ hổng trong cấu trúc bê tông ban đầu; tăng cường độ, độ bền và giảm hao mòn cho bê tông; giảm chi phí sửa chữa cho công trình khi đã hoàn thành.
Theo Báo Xây dựng