Ngày 24/9 tại Hà Nội, Hội thảo giữa trường Đại học Xây dựng Hà Nội (NUCE) và Đại học Saitama Nhật Bản (SU) đã diễn ra với các chủ đề: Công trình dân dụng; Phát triển bền vững và Kỹ thuật môi trường.
Quang cảnh hội thảo.
Tham dự Hội thảo có GS. Phan Quang Minh – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội; GS. Hiroshi Mutsuyoshi – Cố vấn Hội thảo chung và GS. Yasunao Matsumoto – Trưởng phòng kỹ thuật dân dụng và môi trường, Đại học Saitama Nhật Bản. Ngoài ra, Hội thảo còn có sự góp mặt của các giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ, nhà nghiên cứu, chuyên gia cùng đông đảo các thầy cô giáo, sinh viên đến từ Nhật Bản và Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, GS. Phan Quang Minh – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết: “NUCE & SU đã làm việc cùng nhau trong nhiều dự án và đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Thông qua các hoạt động như vậy, các chuyên gia, đối tác trong và ngoài nước sẽ có thêm nhiều thông tin về chuyên môn cũng như văn hóa, ẩm thực và con người Hà Nội. Hy vọng, đây là cầu nối mang tinh túy của Việt Nam cho bạn bè quốc tế”.
Còn theo GS. Hiroshi Mutsuyoshi – cố vấn Hội thảo chung, Đại học Saitama Nhật Bản: “Mối quan hệ hợp tác giữa Đại học Xây dựng và Đại học Saitama nhất định sẽ phát triển rực rỡ. Trong chuyến thăm quan và làm việc tại Đại học Xây dựng hai bên đã nhất trí hợp tác giáo dục giữa hai trường vào năm 2006. Từ đó, nhiều hoạt động trao đổi du học sinh và đào tạo tài năng giữa hai trường đã diễn ra. Hiện nay, mối quan hệ giữa hai trường đã và đang có nhiều tiến triển tích cực. Hội thảo lần này là một minh chứng, góp phần thúc đẩy sự phát triển hợp tác của hai bên trong tương lai”.
Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia đến từ trường Đại học Xây dựng và Đại học Saitama đã trình bày về các nghiên cứu, khảo sát liên quan mật thiết đến kỹ thuật và vật liệu trong công trình xây dựng như: Sử dụng vật liệu tái chế và phế thải để xử lý nước thải, xử lý việc nạo vét bùn và tái sử dụng vật liệu xây dựng; Cải thiện đất mềm sử dụng cọc gỗ Cajeput; Phát triển mô hình mô phỏng số trong kênh bọc thép với sỏi ngăn nước tại hạ lưu, giải pháp toàn diện cho hệ thống giao thông đô thị tại Việt Nam; Nghiên cứu xử lý vết nứt trong bê tông bằng vi sinh vật; Sử dụng gạch và bê tông được tái chế từ chất thải và phế liệu…
Hội thảo là cơ hội tốt trong việc cung cấp nền tảng cho các nhà nghiên cứu, học sinh, trao đổi những ý kiến, thảo luận các kết quả nghiên cứu, những tiến bộ mới trong kỹ thuật dân dụng và môi trường; tăng cường hợp tác trong việc nghiên cứu, giáo dục giữa các trường đại học và các ngành công nghiệp; cung cấp cơ hội trao đổi văn hóa và hiểu biết lẫn nhau giữa các đối tác tham gia.
Một số hình ảnh khác của Hội thảo:
Theo Báo Xây dựng