Ngày 09/8, tại Hà Nội, Tập đoàn PHENIKAA tổ chức lễ ra mắt 2 viện nghiên cứu: Viện Nghiên cứu và Công nghệ PHENIKAA (PRATI) và Viện Nghiên cứu Tiên tiến Thành Tây (TIAS), đồng thời tổ chức phiên họp lần thứ nhất Hội đồng Tư vấn Quốc tế của 2 Viện.
Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng; Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy tặng hoa
chúc mừng Hội đồng quốc tế, Hội đồng khoa học 2 Viện PRATI và TIAS.
Tham dự buổi lễ có Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng; Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy.
Tập đoàn PHENIKAA là đơn vị sở hữu thương hiệu đá thạch anh cao cấp VICOSTONE đứng thứ 4 trên thế giới về sản xuất và cung cấp đá thạch anh cao cấp tấm lớn.
Từ lâu, PHENIKAA đã chú trọng đến công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ sản xuất và mục tiêu phát triển bền vững của Tập đoàn. PHENIKAA hiện đang sở hữu 5 dây chuyền sản xuất đá nhân tạo gốc thạch anh theo công nghệ chuyển giao độc quyền từ hãng Breton (Ý), hàng năm cung cấp ra thị trường gần 2,5 triệu m² đá tấm thành phẩm.
Với mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, từ năm 2017, Tập đoàn PHENIKAA quyết định đầu tư vào trường Đại học Thành Tây, cùng với hệ thống trường liên cấp 1, 2, 3. Việc ra mắt 2 Viện nghiên cứu PRATI và TIAS tiếp tục tạo ra thế kiềng vững chắc cho sự phát triển bền vững của Tập đoàn.
Theo đại diện Tập đoàn PHENIKAA, sau khi được thành lập, 2 Viện nghiên cứu PRATI & TIAS sẽ tập trung vào các lĩnh vực nghiên cứu nền tảng, cấp thiết và có tính ứng dụng thực tiễn cao, bao gồm: Các lĩnh vực khoa học cơ bản, ứng dụng; công nghệ vật liệu (polymer, nano, gốm); công nghệ in 3D; tự động hóa, cơ điện tử; điện tử, điện tử hữu cơ; trí tuệ nhân tạo; công nghệ thông tin; khoa học y, sinh, dược; nông nghiệp.
Trong đó, Viện PRATI tiến hành các nghiên cứu ứng dụng, sản xuất thử nghiệm, phát triển và chuyển giao công nghệ và các dịch vụ khoa học và kỹ thuật khác, đồng thời hợp tác chặt chẽ với các đơn vị nghiên cứu về khoa học và công nghệ trong và ngoài nước trong việc tiến hành các nghiên cứu đổi mới phát triển, ứng dụng, chuyển giao và thương mại hóa các công nghệ thích hợp.
Viện TIAS, với sứ mệnh trở thành một đơn vị hạt nhân cho sự phát triển của trường Đại học Thành Tây, sẽ ưu tiên thực hiện các nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học cơ bản, nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng và phát triển các công nghệ nguồn và thực hiện chức năng đào tạo của mình ở trình độ sau đại học.
Mục tiêu của TIAS là trở thành một trung tâm nghiên cứu chuyên sâu trong nhiều lĩnh vực khoa học cơ bản, có vị thế và tầm ảnh hưởng trong cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế, đồng thời là nơi chọn lọc, nuôi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực phục vụ định hướng phát triển bền vững của trường Đại học Thành Tây, Tập đoàn PHENIKAA nói riêng và xã hội nói chung.
Với mô hình “Học tập gắn kết với nghiên cứu khoa học”, trường Đại học Thành Tây sẽ phát triển theo định hướng trở thành một trường đại học mang tầm quốc tế, lấy nghiên cứu khoa học và đào tạo chất lượng cao làm nền tảng phát triển, được xây dựng và kiểm định theo các tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá đại học quốc tế, gắn kết chặt chẽ giữa lý thuyết với thực hành, giảng dạy, đào tạo với nghiên cứu khoa học… nhằm đảm bảo sinh viên sẽ được bồi dưỡng tài năng, tri thức, kỹ năng, tính độc lập, thực tiễn, chuyên nghiệp, đổi mới, sáng tạo đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội và sẵn sàng hội nhập quốc tế. Tập đoàn PHENIKAA cam kết đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu khoa học.
Hiện nay, với sự hội tụ và chung tay của trên 50 nhà khoa học uy tín, giàu kinh nghiệm trong nước và quốc tế, 2 Viện PRATI và TIAS có cơ sở để trở thành địa chỉ thu hút các nhà khoa học trong nước và quốc tế đến làm việc, hợp tác nghiên cứu, nhằm tạo ra các ý tưởng khoa học, sáng tạo công nghệ và sản phẩm mới hướng tới phục vụ tốt nhất sự phát triển của Tập đoàn nói riêng và sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nói chung.
Tập đoàn PHENIKAA, trường Đại học Thành Tây và 2 Viện nghiên cứu PRATI và TIAS
ký kết hợp tác với các đối tác.
Tại buổi lễ, 2 Viện PRATI và TIAS đã ký kết hợp tác với các đối tác trong nước và quốc tế như Đại học Khoa học và công nghệ Hà Nội, Tập đoàn Walker của Đức, Effucell Inc của Hàn Quốc.
Theo Báo Xây dựng