AkzoNobel vừa ra mắt công nghệ Sublimation Transfer Finish (STF) giúp tạo ra trên bề mặt kim loại một lớp phủ hiệu ứng gỗ, đồng thời vẫn đảm bảo độ bền cho vật liệu.
STF là phương pháp phủ lên vật liệu một bề mặt giống như một loại vật liệu khác. Với công nghệ này, dòng sơn tĩnh điện Interpon D STF có thể tạo ra hiệu ứng gỗ tự nhiên trên bề mặt các công trình kiến trúc sử dụng chất liệu kim loại như mặt tiền tòa nhà, cửa sổ, cửa ra vào, cửa chớp và thậm chí là các vật dụng ngoại thất.
Ông Maximilian Schreder – Giám đốc phụ trách Thương mại Đơn vị Sơn tĩnh điện Khu vực Nam Á của AkzoNobel cho biết: “Ở Việt Nam, gỗ là một loại vật liệu phổ biến nhưng lại có rất nhiều mặt hạn chế như giá thành cao, dễ bị tác động bởi thời tiết, trọng lượng nặng, hạn chế trong khâu thiết kế và cần bảo dưỡng thường xuyên trong quá trình sử dụng.
Công nghệ sơn tĩnh điện bề mặt gỗ trên nhôm có thể khắc phục những hạn chế đó. Nó mang lại không chỉ hiệu quả về chi phí mà còn cả sự linh hoạt trong thiết kế cũng như kéo dài độ bền cho sản phẩm mà hầu như không cần bảo trì. Lớp phủ từ dòng sơn Interpon D STF có khả năng tạo ra bề mặt gỗ chân thực tới mức khó có thể phân biệt với gỗ thật”.
Không chỉ vậy, dùng sơn tĩnh điện với hiệu ứng gỗ trên nhôm có nhiều lợi ích vượt trội hơn hẳn dùng vật liệu gỗ. Tuổi thọ của vật liệu được kéo dài hơn nhờ lớp phủ của dòng sơn STF được cam kết và bảo hành lên đến 15 năm.
Không những thế, sơn tĩnh điện cũng là một giải pháp bền vững vì không chứa các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) và các kim loại độc hại như chì hoặc crôm (VI). Cùng với việc dễ ứng dụng trong thi công, sơn thừa trong quá trình phun có thể được tái chế, giúp giảm thiểu chất thải.
“Ngoài hiệu ứng gỗ, dòng sơn Interpon D STF còn cho ra nhiều họa tiết và bề mặt khác, dành cho cả ứng dụng nội và ngoại thất. Các sản phẩm và thiết kế được phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng dựa trên kết quả của nhiều nghiên cứu mà chúng tôi thực hiện trên toàn cầu. Thương hiệu Interpon hiện cũng là đơn vị có chế độ bảo hành tốt nhất trong ngành”, ông Schreder chia sẻ.
Vào năm 2015, AkzoNobel trở thành nhà cung cấp sơn tĩnh điện toàn cầu đầu tiên được nhận chứng nhận sản phẩm môi trường (Environmental Product Declaration – EPD). Điều này khẳng định hiệu suất về mặt môi trường trong suốt vòng đời của sản phẩm đồng thời nhấn mạnh cam kết của AkzoNobel trong việc liên tục mang đến các sản phẩm bền vững cho khách hàng.
Tất cả các sản phẩm thuộc dòng sơn Interpon D đều đáp ứng các tiêu chuẩn AAMA 2603 và AAMA 2604 được công nhận trên toàn cầu về các yêu cầu chất lượng liên quan đến khả năng giữ độ bóng, đều màu, bền với thời tiết, độ ẩm, va đập và kháng hóa chất. Dòng sơn Interpon D là một sản phẩm dành cho mọi loại khí hậu, công trình và nhu cầu của khách hàng.
Theo Báo Xây dựng