Thái Nguyên đẩy mạnh xây dựng nhà ở cho công nhân
Thái Nguyên đẩy mạnh xây dựng nhà ở cho công nhânAug 24, 2020 09:37 AM203 lượt xem

Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên có hơn 100 nghìn công nhân, trong đó số lượng công nhân các địa phương khác đến làm việc chiếm tỷ lệ cao. Tuy nhiên, việc đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân trên địa bàn còn hạn chế.

Đến năm 2020, Công ty TNG sẽ xây dựng bốn tòa nhà ở xã hội với khoảng 1.000 căn hộ

để bán cho công nhân trong công ty.

Gần ba năm trước đây, hằng ngày, chị Ma Thị Hà phải di chuyển 45 km từ nhà ở huyện Võ Nhai đến TP Thái Nguyên làm việc tại Công ty cổ phần Ðầu tư và Thương mại TNG (Công ty TNG), doanh nghiệp (DN) chuyên về may mặc. Những ngày thời tiết thuận lợi, chị Hà có thể đi lại bằng xe máy, nhưng những hôm trời mưa, mùa đông phải đi bộ gần 1 km ra quốc lộ 1B để bắt xe buýt.

Chị Hà tâm sự, đường xa, đông đúc, ngày nào cũng đi xe máy thì không an toàn, còn đi xe buýt thường bị muộn giờ. May mắn, năm 2016, Công ty TNG đã hoàn thành khu nhà ở công nhân ở ngõ 206 đường Minh Cầu, TP Thái Nguyên; chị đã được xét vào ở với giá ưu đãi. Ngoài việc ổn định cuộc sống, an ninh tốt, tòa nhà còn có trường mầm non, góp phần giúp người lao động an tâm làm việc, có thêm thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động.

Từ năm 2015, Công ty TNG đã dành một phần lãi và huy động thêm vốn để xây dựng, đưa vào sử dụng một tòa nhà bốn tầng, 16 nhà cấp bốn với tổng số 223 phòng, giải quyết chỗ ở cho 400 công nhân. Hiện nay, Công ty TNG có tổng số 13 nghìn cán bộ, công nhân, dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên 20 nghìn người. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty TNG Nguyễn Văn Thời cho biết, nhằm giảm áp lực đi lại và giải quyết việc làm cho người lao động, Công ty TNG đã mở nhiều nhà máy tại hầu hết các huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh. Tuy nhiên, nhu cầu về nhà ở của Công ty TNG vẫn rất lớn. Từ nay đến năm 2020, công ty sẽ đầu tư khoảng 800 tỷ đồng xây dựng bốn tòa nhà với tổng số 1.000 căn hộ, diện tích từ 30 đến 70 m2 để bán với giá ưu đãi cho cán bộ, công nhân, góp phần đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người lao động trong công ty.

Tương tự, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (Công ty Samsung Thái Nguyên) tại Khu công nghiệp Yên Bình có khoảng 60 nghìn công nhân, trong đó công nhân từ các tỉnh lân cận chiếm khoảng 40 nghìn người, cho nên nhu cầu về nhà ở là rất lớn. Công ty Samsung Thái Nguyên đã đưa vào sử dụng 29 khối nhà ký túc xá dành cho công nhân với gần 4.000 phòng, giải quyết chỗ ở cho khoảng 30 nghìn công nhân, chủ yếu là người ở tỉnh xa. Công nhân là người địa phương ở tại gia đình, thuê nhà trọ ở các vùng lân cận, hằng ngày được đưa, đón từ nơi ở đến nơi làm việc.

Ngoài hai đơn vị nêu trên, các DN, nhà đầu tư khác chưa chú trọng đầu tư xây dựng nhà ở công nhân. Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên Hoàng Thu Hằng cho biết, trên địa bàn tỉnh có khoảng 120 nghìn công nhân làm việc trong các khu, cụm công nghiệp, nhà máy, trong đó người địa phương chiếm gần 30%. Do đó, giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân là vấn đề rất đáng quan tâm. Hiện nay, hầu hết công nhân ngoại tỉnh đều phải thuê nhà trọ, trong đó nhiều khu nhà chất lượng thấp hoặc đã xuống cấp, điều kiện vui chơi, giải trí không có, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tệ nạn xã hội.

Ðến nay tỉnh Thái Nguyên đã ký biên bản ghi nhớ, chấp thuận chủ trương đầu tư 20 dự án nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân với tổng số vốn gần 9.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai rất chậm vì các DN chưa thật sự mặn mà. Giám đốc Sở Xây dựng Thái Nguyên Hoàng Ðức Khánh chia sẻ, tỉnh đã phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, ban hành Kế hoạch phát triển nhà ở đến năm 2020, trong đó có nhà ở công nhân, nhà ở cho người thu nhập thấp, đồng thời, trong các dự án đô thị đều dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội và nhà ở công nhân đang gặp nhiều khó khăn. Các DN chỉ chú trọng phát triển sản xuất, ít quan tâm chỗ ở của người lao động. Mặt khác, tỉnh cũng chưa thu hút được các DN lớn có năng lực, kinh nghiệm đầu tư phát triển nhà ở công nhân. Nguyên nhân chủ yếu do tiếp cận nguồn vốn khó khăn, vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn rất dài, còn thiếu quỹ đất sạch.

Để giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty TNG, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Nguyễn Văn Thời kiến nghị, hằng năm, tỉnh cần dành một khoản thu vượt ngân sách để hỗ trợ một phần lãi suất, hoặc cho công nhân vay dài hạn để trả lãi suất vay ngân hàng mua nhà ở. Cách làm này sẽ góp phần giải quyết khó khăn về tài chính, khuyến khích công nhân mua nhà, đồng thời kích cầu đầu tư xây dựng nhà ở công nhân trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, tỉnh cũng cần có chính sách đột phá về đất đai, hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng, tín dụng để thu hút nhà đầu tư có tiềm lực và DN đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, qua đó góp phần phát triển bền vững.

 

Theo Nhân Dân điện tử