Thẩm định nhiệm vụ lập điều chỉnh QH chung TP Thanh Hóa
Thẩm định nhiệm vụ lập điều chỉnh QH chung TP Thanh HóaAug 24, 2020 09:36 AM209 lượt xem

Ngày 25/9, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị thẩm định nhiệm vụ lập điều chỉnh quy hoạch chung TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh chủ trì hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị.

Điều chỉnh quy hoạch là cần thiết

Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 84/QĐ-TTg ngày 16/01/2009. Tuy nhiên sau 09 năm thực hiện, quy hoạch chung TP Thanh Hóa đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, đòi hỏi phải điều chỉnh tổng thể quy hoạch.

Cụ thể, tổ chức không gian đô thị có những điểm chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển như: Chưa tận dụng được những ưu thế cảnh quan tự nhiên, văn hóa, lịch sử làm điểm nhấn, vị trí một số khu công nghiệp nay không còn hợp lý ảnh hưởng đến môi trường và giao thông đô thị.

Quy hoạch chung được duyệt chưa gắn kết được các nguồn lực đầu tư, chưa tạo được không gian trọng tâm phát triển, tính kết nối và khai thác các đặc trưng nổi bật để tạo sức cạnh tranh và hình thành thương hiệu đô thị cấp vùng. Bên cạnh đó, hạ tầng đô thị có những điểm bất cập cần điều chỉnh như mật độ và xung đột giao thông trong giờ cao điểm, thoát nước đô thị…

Thực tế đầu tư và thị trường bất động sản tại thành phố cho thấy nhu cầu mới cần thêm nhiều quỹ đất để phát triển các khu chức năng đô thị. Tuy nhiên quỹ đất đã được quy hoạch trong ranh giới thành phố đã hết.

Từ thực tế đó, việc điều chỉnh quy hoạch chung TP Thanh Hóa là cần thiết, nhằm điều chỉnh các vấn đề đã kết luận theo rà soát quy hoạch gồm: Khắc phục những bất cập của đồ án quy hoạch đã được duyệt, cập nhật đồng bộ hóa các dự án, quy hoạch mới trong quá trình lập, phê duyệt, thực hiện trong thực tế khác so với quy hoạch chung được duyệt.

Phạm vi nghiên cứu dự kiến gồm toàn bộ địa giới hành chính TP Thanh Hóa, toàn bộ địa giới hành chính huyện Sơn Đông. Quy mô diện tích khu vực nghiên cứu khoảng 232,64 km2. Ranh giới lập quy hoạch: Phía Đông giáp huyện Hoằng Hóa, TP Sầm Sơn; phía Tây giáp huyện Triệu Sơn, Thiệu Hóa; phía Nam giáp huyện Quảng Xương, Nông Cống; phía Bắc giáp huyện Hoằng Hóa, Thiệu Hóa.

Mục tiêu của lập quy hoạch là nâng cao vai trò vị thế của TP Thanh Hóa trở thành trung tâm kết nối vùng kinh tế Bắc Trung Bộ với các vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Tây Bắc Việt Nam và Đông Bắc nước Lào.

TP Thanh Hóa phát triển với tầm nhìn hướng tới là một đô thị văn minh, hiện đại, thông minh và có bản sắc, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng thương hiệu đô thị với cảm hứng từ lịch sử văn hóa đồng bằng sông Mã – văn hóa Đông Sơn rực rỡ.

Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh phát biểu tại Hội nghị.

Bên cạnh đó, xây dựng TP Thanh Hóa là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Thanh Hóa, trung tâm tổng hợp của tỉnh Thanh Hóa, đáp ứng vai trò đầu tàu kết nối, trung tâm động lực phát triển mọi lĩnh vực kinh tế xã hội, khoa học kỹ thuật, an ninh quốc phòng.

Đồng thời, quy hoạch mở rộng đô thị để thu hút đầu tư, phát triển đa dạng các ngành công nghiệp và dịch vụ đồng hành, phát triển các lĩnh vực thế mạnh của thành phố, mang tính chất trung tâm kết nối trong vùng tỉnh như: Dịch vụ thương mại, du lịch văn hóa – lịch sử – sinh thái với định hướng phát triển đô thị mạnh về dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ kỹ thuật cao, dịch vụ cho con người; phát triển các quỹ đất để giải quyết nhu cầu nhà ở, đất ở và phát triển thị trường bất động sản; hoàn thiện và nâng cao chất lượng công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối, hệ thống hạ tầng xã hội vì chất lượng sống của người dân thành phố.

Về các chỉ tiêu phát triển đô thị: Dân số dự báo đến năm 2030, tổng dân số TP Thanh Hóa khoảng 635 nghìn người, đến năm 2040 sẽ là 720 nghìn người; về đất đai đến năm 2030 quy mô đất xây dựng đô thị khoảng 7900 ha, năm 2040 là 8.300 ha.

Khai thác tốt tiềm năng lợi thế của thành phố

Những yêu cầu trọng tâm nghiên cứu trong nội dung điều chỉnh quy hoạch chung TP Thanh Hóa bao gồm: Rà soát tổng thể về nội dung quy hoạch chung đã được phê duyệt năm 2009 và tình hình thực tiễn phát triển đô thị TP Thanh Hóa; rà soát định hướng phát triển các khu vực đô thị, quỹ đất phát triển đô thị, quy hoạch sử dụng đất, quy mô các khu vực chức năng, đánh giá tính phù hợp với xu thế và vận hội phát triển thực tế của thành phố.

Đồng thời, bổ sung các nội dung mới về thiết kế đô thị, đánh giá môi trường chiến lược; đảm bảo tính toàn diện, sáng tỏ và gợi mở về bức tranh phát triển để triển khai các công tác tiếp theo về lập quy chế quản lý quy hoạch – kiến trúc đô thị; xây dựng các kế hoạch, chương trình phát triển đô thị, cải tạo, chỉnh trang các khu vực hiện hữu, điều chỉnh quy hoạch phân khu, chi tiết trên địa bàn thành phố; đánh giá các tiêu chuẩn đơn vị hành chính và định hướng lộ trình sáp nhập, nâng cấp các xã trong phạm vi quy hoạch lên phường, hấp dẫn đầu tư, tập trung nguồn lực phát triển vào những mục tiêu ưu tiên.

Nhiệm vụ lập điều chỉnh quy hoạch chung TP Thanh Hóa đến năm 2040 cũng đề ra định hướng phát triển không gian đô thị bao gồm: Cấu trúc và hướng phát triển đô thị; xác định các hệ thống trung tâm, công viên, hành lang cây xanh và không gian mở, quảng trường trung tâm cấp đô thị; định hướng phát triển các khu vực dân cư nông thôn; đề xuất tổ chức không gian, kiến trúc cho các vùng kiến trúc, cảnh quan, các trục không gian chính, quảng trường, cửa ngõ đô thị, điểm nhấn đô thị; xác định mối liên hệ giữa không gian đô thị cũ và mới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị.

Bên cạnh đó, quy hoạch các trục phát triển mới gồm: Trục Đông – Tây (từ Sầm Sơn – trung tâm TP Thanh Hóa – Đông Sơn – Cảng hàng không Thọ Xuân); trục từ khu du lịch Hải Tiến – trung tâm TP Thanh Hóa – khu di tích Am Tiên. Đồng thời, nghiên cứu thêm các trục phát triển Bắc Nam và các trục khác để khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế, tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy kinh tế xã hội TP Thanh Hóa phát triển nhanh, vững chắc.Định hướng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại, văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao, đào tạo; hệ thống cây xanh, quảng trường đô thị.

Việc quy hoạch hạ tầng phát triển kinh tế xã hội của thành phố phải gắn với bảo vệ môi trường và các yếu tố về văn hóa, lịch sử, đồng thời yêu cầu phải thiết kế không gian đô thị chung cho thành phố hướng tới từng khu chức năng, từng khu vực, khu phố, các trục đường lớn phải thiết kế không gian kiến trúc đô thị…

Từ tính chất đô thị của TP Thanh Hóa, hệ thống đô thị phải được quy hoạch đảm bảo phù hợp, đặc biệt là hệ thống giao thông phải kết nối đồng bộ theo hướng hiện đại trong thành phố, kết nối thành phố với các huyện lân cận, tỉnh lân cận, các nước trong khu vực. Nghiên cứu quy hoạch hệ thống cấp thoát nước, cấp điện, đặc biệt là quy hoạch các khu công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, … đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố tương lai.

Các thành viên hội đồng thẩm định cũng đã đóng góp ý kiến vào bản đồ án lập điều chỉnh quy hoạch chung TP Thanh Hóa đến năm 2040 để tư vấn hoàn hiện đảm bảo chất lượng công tác quy hoạch hơn nữa.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh đánh giá, trong 09 năm qua, TP Thanh Hóa đã thay đổi rất nhiều. Với xu hướng phát triển của đô thị bền vững, thông minh thì việc xem xét điều chỉnh quy hoạch thành phố là cần thiết.

Hội đồng thẩm định cơ bản thống nhất với tờ trình về mục tiêu, phạm vi nghiên cứu của đồ án lập điều chỉnh quy hoạch chung TP Thanh Hóa đến năm 2040, cũng như sự cần thiết nghiên cứu mở rộng phạm vi TP Thanh Hóa.

Thứ trưởng đề nghị tư vấn tiếp thu ý kiến của hội đồng thẩm định để bổ sung, hoàn chỉnh đồ án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 

Theo Báo Xây dựng