Tính đến tháng 6/2018, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 211 mỏ được cấp phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng (VLXD), với trữ lượng khai thác hơn 150 triệu m3, tổng công suất thiết kế 6,8 triệu m3/năm và là điều kiện thuận lợi để phát triển cát nghiền, nguyên liệu sản xuất gạch không nung.
Thanh Hóa có 211 mỏ đá được cấp phép khai thác làm VLXD.
Những năm qua với việc tăng cường công tác quản lý VLXD nhằm khai thác tối ưu tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, Thanh Hóa đã có nhiều chủ trương, giải pháp để phát triển VLXD mới dần thay thế các loại VLXD truyền thống.
Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, đưa công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường vào sản xuất để nâng cao chất lượng, sản lượng các loại VLXD nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường.
Cùng với đó là việc ban hành quyết định quy hoạch phát triển VLXD trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Quy hoạch phát triển 7 nhóm VLXD là: Vật liệu xây (gạch nung, gạch không nung), vật liệu lợp (nung và không nung), đá xây dựng, cát xây dựng (cát tự nhiên, cát nghiền), bê tông (cấu kiện và thương phẩm), vôi công nghiệp, tấm thạch cao.
Đồng thời, quy hoạch cũng đã định hướng cụ thể để quản lý, kêu gọi đầu tư cho từng loại VLXD nhằm bảo đảm phù hợp với phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, Sở Xây dựng đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh rà soát, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường trên địa bàn tỉnh…
Theo Sở Xây dựng Thanh Hóa, trữ lượng mỏ, công suất thiết kế của các dự án sản xuất, khai thác VLXD, chất lượng và sản lượng các loại vật liệu hiện có đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận.
Tính đến tháng 6/2018, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 211 mỏ được cấp phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng (VLXD), với trữ lượng khai thác hơn 150 triệu m3, tổng công suất thiết kế 6,8 triệu m3/năm (trong đó khai thác đá khối chiếm khoảng hơn 61%).
Ngoài ra, các phụ phẩm từ việc khai thác và chế biến đá cũng là nguồn cung cấp nguyên liệu cho sản xuất cát nghiền và gạch không nung. Chính vì vậy, hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang được đầu tư phát triển hai loại vật liệu mới đó là gạch không nung và cát nghiền.
Với mục tiêu phát triển các loại VLXD mới dần thay thế VLXD truyền thống, Sở Xây dựng Thanh Hóa đề nghị UBND tỉnh hạn chế việc cấp phép khai thác các mỏ cát tự nhiên.
Đối với các mỏ cát tự nhiên đã được cấp phép chỉ sử dụng vào mục đích cho sản xuất bê tông, xây thô, trát; không sử dụng cát cho mục đích san lấp các công trình. Khuyến khích sử dụng cát nghiền từ đá để sản xuất bê tông và vữa xây dựng; sử dụng phế thải tro, xỉ từ các dự án sản xuất công nghiệp để san lấp mặt bằng (nếu bảo đảm chất lượng, kỹ thuật) theo tinh thần Chị thị số 18/CT-UBND ngày 25/10/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả cát, sỏi trong thi công các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Theo Báo Xây dựng