Trường Đại học Kỹ thuật và Công nghệ (UTEC) là trường đại học tư thục tại thành phố Lima, Peru. Đây là một cơ sở tích hợp một trường đại học và một trung tâm văn hóa. Trường có phòng thí nghiệm và nghiên cứu, lớp học, văn phòng, thư viện, phòng họp và khu vực xã hội bao gồm một nhà hát, rạp chiếu phim, không gian triển lãm, quán cà phê và nhà hàng. Trường được khai trương vào năm 2012.
Thông tin chung:
- Dự án: Tòa nhà thuộc Đại học Kỹ thuật và Công nghệ (UTEC), Lima, Peru
- Địa điểm: Đại học Kỹ thuật và Công nghệ (Universidad de Ingeniería y Tecnología – UTEC), Lima, Peru
- Tư vấn thiết kế: KTS Yvonne Farrell, Shelley McNamara và cộng sự tại Grafton Architects
- Quy mô: Diện tích sàn 35000m2
- Năm hoàn thành: 2015
Tòa nhà thuộc Đại học Kỹ thuật và Công nghệ (UTEC), có các chức năng : lớp học, phòng thí nghiệm, văn phòng, vườn và các không gian phụ trợ khác. Công trình do KTS người Ireland là Yvonne Farrell (1951) và Shelley McNamara (1952) thuộc Grafton Architects thiết kế.
KTS Yvonne Farrell (bên trái ảnh) và KTS Shelley McNamar (bên phải ảnh).
KTS Yvonne Farrell và Shelley McNamara được trao giải thưởng Kiến trúc Pritzker năm 2020. Cả hai KTS giảng dạy tại Đại học Tổng hợp Dublin và là giáo sư thỉnh giảng tại nhiều trường đại học nổi tiếng khác trên thế giới. Năm 1977, KTS Yvonne Farrell và Shelley McNamara thành lập Grafton Architects, studio kiến trúc quốc tế có trụ sở tại Dublin, Ireland.
Ban giám khảo Giải thưởng Pritzker năm 2020 đánh giá cao thành tựu của hai bà trong lĩnh vực kiến trúc: Với tư cách là kiến trúc sư và nhà giáo dục từ những năm 1970, Farrell và McNamara đã tạo lập triết lý và giải pháp thiết kế những không gian vừa kế thừa truyền thống vừa đổi mới sáng tạo; vừa tôn vinh lịch sử vừa thể hiện sự làm chủ môi trường đô thị và công nghệ xây dựng; cân bằng được sự mạnh mẽ và sự tinh tế; duy trì được sự tôn trọng bối cảnh cụ thể của địa điểm gắn với phong tục, tập quán của người dân bản địa, song vẫn mang tính hiện đại, không bắt chước và thể hiện được ngôn ngữ kiến trúc riêng của tác giả. Các công trình do hai KTS thiết kế luôn duy trì mục đích tiện nghi, song khiêm tốn, thể hiện hiểu biết sâu sắc về cách thức kết nối không gian bên trong và bên ngoài thông qua tổ chức chiếu sáng tự nhiên…
Tòa nhà nằm trong khu đất có 3 phía Bắc, Đông và Tây là các tuyến cao tốc và đại lộ, phía Nam là khu vực dân cư. Công trình chạy dài theo hướng Đông – Tây, gồm 2 tầng hầm và 10 tầng nổi cho các phòng thí nghiệm và nghiên cứu, giảng đường, văn phòng và vườn cây.
Tầng hầm để xe ô tô, một phần chìm hoàn toàn trong nền đất. Tại các tầng nổi, các công trình tại tầng gần mặt đất bố trí bộ phận văn phòng, hành chính, không gian triển lãm… ; phòng thí nghiệm và nghiên cứu, phòng học và thư viện được đặt tại các tầng phía trên. Diện tích vườn được bố trí tại các tầng và không gian thông tầng.
Vị trí xây dựng và ý tưởng thiết kế công trình với cấu trúc như một vách núi.
Công trình trong tổng thể không gian chung.
Phối cảnh công trình với hình tượng như vách núi nằm dọc tuyến đường ra biển.
Mặt bằng công trình (hiện mới xây dựng được một phần phía Tây).
Mặt cắt ngang và dọc công trình.
Phối cảnh tổng thể công trình.
Cấu trúc xây dựng công trình gồm hệ thống các vách tường và cột đỡ hệ thống sàn, mái với nhiều nhóm không gian thông tầng: 2 tầng, 3 tầng và suốt cả chiều cao nhà.
Mặt phía Bắc của công trình, tiếp giáp với tuyến đường Malecón Armendáriz nối ra biển, có các tấm vách bê tông nghiêng ra phía đường, gợi đến những vách đá tự nhiên của Lima, giới hạn giữa thành phố và biển.
Mặt phía Nam của công trình là được thiết kế với khối ban công và vườn cây, không gian chuyển tiếp vào khu dân cư tại phía trong. Vườn cây được tổ chức ở nhiều cấp độ khác nhau, tạo ra các không gian lưu thông theo cả chiều ngang và chiều đứng.
Mặt phía Bắc của công trình với các cấu trúc vách tường có hình tượng như vách núi.
Mặt phía Nam của công trình với các cấu trúc ban công và thông tầng có hình tượng như các thung lũng.
Cấu trúc xây dựng của cả hai mặt phía Bắc và phía Nam tạo ra các không gian hết sức đa dạng, độc đáo theo mức độ xâm nhập khác nhau của ánh sáng tự nhiên, qua đó định hình được hình ảnh của công trình trong tâm trí của giảng viên, sinh viên và công chúng ngoài trường.
Tất cả không gian làm việc đều có tầm nhìn vào không gian thông tầng và vườn cây bên trong, qua đó tạo ra các tương tác nhiều chiều giữa yếu tố cấu trúc và chức năng của công trình, cũng như tạo ra bầu không khí giáo dục lôi cuốn bên trong công trình.
Tất cả không gian làm việc đều được tổ chức thông gió xuyên phòng.
Không gian thông tầng.
Không gian thông tầng với tầm nhín rộng mở và ánh sáng tự nhiên chan hòa thúc đẩy sự tương tác văn hóa, kết nối cộng đồng giữa sinh viên, giảng viên, nhân viên nghiên cứu, hành chính.
Không gian giảng đường và thư viện.
Tòa nhà thuộc Đại học Kỹ thuật và Công nghệ (UTEC), Lima, Peru thể hiện rõ nét triết lý thiết kế của hãng Grafton Architects: “Thay vì nghĩ về một không gian và sau đó tìm cấu trúc cho nó, chúng tôi tạo ra một cấu trúc và đến lượt nó tạo ra một không gian” và mục tiêu của không gian này hướng tới bền vững về môi trường và văn hóa.
Theo Bộ môn Kiến trúc Công nghệ, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch
Trường Đại học Xây dựng
Nguồn:
https://en.wikipedia.org/wiki/Pritzker_Architecture_Prize
https://www.archdaily.com/792814/engineering-and-technology-university-utec-grafton-architects-plus-shell-arquitectos
https://www.graftonarchitects.ie/University-Campus-UTEC-Lima
https://www.architectmagazine.com/project-gallery/utec-lima-campus_o
https://www.architectural-review.com/today/utec-in-lima-peru-by-grafton-architects/8681902.article