Đây là một trong những nội dung được đề cập tại Hội thảo “BIM và Giải pháp công nghệ mới trong tư vấn xây dựng” do Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam (VECAS) tổ chức, tại Hà Nội, ngày 29/3/2019.
BIM (Building Information Modeling) là mô hình thông tin công trình ứng dụng trong thiết kế, thi công và quản lý vận hành suốt vòng đời của công trình.
Chủ tịch VECAS Nguyễn Thị Duyên mong muốn sẽ có nhiều hơn nữa các chính sách thúc đẩy phát triển BIM tại Việt Nam.
Chủ tịch VECAS Nguyễn Thị Duyên cho biết: “Do những lợi ích thiết thực mà BIM mang lại, hiện BIM được ứng dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, BIM cũng là giải pháp quan trọng để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của ngành Xây dựng”.
Việc ứng dụng BIM từ chỗ chủ yếu được thực hiện tại một số dự án có yếu tố nước ngoài, đến nay nhiều cơ quan, tổ chức trong nước, bao gồm chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu xây lắp… đã bắt đầu quan tâm, xem xét, triển khai BIM trong các dự án.
Bước đầu cho thấy, ứng dụng BIM đã giúp các chủ thể tham gia dự án, gồm chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu rút ngắn tiến độ thi công, tiết kiệm chi phí thông qua việc tối ưu hóa và xử lý trước các khó khăn trong giai đoạn thiết kế, thi công, kiểm soát chặt chẽ khối lượng thực hiện…
Tại Hội thảo, đại diện các đơn vị chia sẻ những kinh nghiệm và hiệu quả của việc ứng dụng BIM trong hoạt động xây dựng, thông qua đó, VECAS mong muốn góp một tiếng nói để các cơ quan quản lý nhà nước thúc đẩy lộ trình phát triển BIM tại Việt Nam, có chính sách khuyến khích cho những đơn vị ứng dụng BIM trong hoạt động xây dựng.
Chủ tịch Nguyễn Thị Duyên mong muốn trong thời gian tới, Chính phủ và Bộ Xây dựng sẽ có nhiều hơn nữa các chính sách thúc đẩy phát triển BIM tại Việt Nam.
Tại hội thảo, nhiều kinh nghiệm trong việc ứng dụng BIM được chia sẻ.
Chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng BIM trong thiết kế cống sông Kiên tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, ông Ngô Quốc Minh – Cty CP Tư vấn Thủy lợi 2 cho biết: “Công trình khá phức tạp với nhiều hạng mục cống, cầu giao thông trên cống, kè dự ứng lực thượng hạ lưu. Trong khi đó, thời gian thiết kế bản vẽ thi công ngắn, chỉ có 2 tháng, với yêu cầu thiết kế đáp ứng tốt công năng sử dụng, có mỹ quan đẹp để công trình được nhận biết từ xa, tạo ấn tượng với người dân và khách du lịch”.
Để giải bài toán này, ngay từ đầu, Cty đã tận dụng tối đa các lợi thế của BIM trong việc thiết kế công trình. Cụ thể, đội ngũ thiết kế phác thảo mô hình 3D cống Sông Kiên trên phần mềm 3D revit (thuộc BIM). Nhờ đó, công tác thiết kế cũng như phê duyệt trong quá trình thiết kế sơ bộ được triển khai một cách nhanh gọn và chính xác. Mỗi một thay đổi trong quá trình thiết kế đều được xử lý thông tin một cách hết sức đồng bộ, kết nối được cùng một lúc tất cả các bộ môn tham gia thiết kế dự án như kiến trúc, kết cấu, cơ khí, dự toán công trình… tránh được những xung đột không cần thiết mà trước đây rất hay xảy ra nếu không thiết kế bằng công nghệ BIM. Việc xử lý thông tin đồng bộ giúp cho các kỹ sư thiết kế có thể chọn ra được những giải pháp tối ưu nhất cho công trình.
Ông Ngô Quốc Minh nhận định: “Việc sử dụng BIM đem lại hiệu quả cao trong công tác thiết kế, giúp giảm sai sót, là công cụ tốt để tối ưu giải pháp kinh tế kỹ thuật, thuyết phục chủ đầu tư”.
Hội thảo thu hút sự của quan tâm của giới chuyên môn.
Đề cập đến lợi ích trực tiếp của việc ứng dụng BIM trong thiết kế cầu Hoàng Văn Thụ tại Hải Phòng, ông Lê Hùng Cường – Tổng Cty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải – TEDI cho biết: “BIM giúp nhà thiết kế có hình ảnh trực quan, chính xác về công trình, góp phần tăng năng suất, chất lượng thiết kế. BIM đồng thời tổng hợp và cập nhật nhanh chóng khối lượng, đẩy nhanh làm việc theo nhóm và đáp ứng xu thế hội nhập”.
Từ kinh nghiệm này, ông Cường đề xuất, cần đẩy mạnh ứng dụng BIM trong đầu tư xây dựng công trình giao thông bởi BIM cho phép mô hình chính xác kết cấu thép phức tạp, giảm thiểu sai sót trong quá trình gia công chế tạo và lắp đặt công trình.
Để ứng dụng BIM hiệu quả cần thiết lập các teamplate bản vẽ và bóc tác khối lượng theo bước thiết kế; xây dựng nguyên tắc và quy trình làm việc trên mô hình tổng hợp; kiểm ra va chạm xung đột và cần thay đổi tư duy, cách tiếp cận dự án của các chủ thể tham gia.
Ông Cường kiến nghị: “Cần có định mức thiết kế phụ hợp với các dự án áp dụng BIM; thay đổi cách tính khối lượng, áp định mức hiện tại để phù hợp với BIM…”.
Toàn cảnh Hội thảo.
Đề cập đến các quy định pháp luật liên quan đến BIM, ông Tạ Ngọc Bình – chuyên gia của Đề án Áp dụng mô hình thông tin công trình trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình (Đề án BIM) cho biết: “Việc ứng dụng BIM trong hoạt động xây dựng đã được đề cập trong Luật Xây dựng, Nghị định 32/2015/NĐ-CP ngày về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, Thông tư 06/2016/TT-BXD về hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Đặc biệt, năm 2016, tại Quyết định 2500/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án BIM, với mục tiêu tiết kiệm, minh bạch, quản lý, kiểm soát chất lượng công trình; Xây dựng hành lang pháp lý, tạo sự đồng thuận trong việc ứng dụng BIM trong hoạt động xây dựng. Đề án giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện Đề án”.
Theo lộ trình, trong giai đoạn 2017– 2019, Đề án tập trung nâng cao nhận thức và khuyến khích xây dựng hành lang pháp lý và các hướng dẫn về BIM; xây dựng chương trình khung và đào tạo về BIM.
Trong giai đoạn 2018 – 2020, Đề án thí điểm áp dụng BIM trong thiết kế, thi công, quản lý dự án cho tối thiểu 20 công trình xây dựng mới; thí điểm trong quản lý vận hành trong quá trình sử dụng cho tối thiểu 10 công trình.
Năm 2021, Đề án sẽ tổng kết, áp dụng rộng rãi BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình.
Cũng theo ông Tạ Ngọc Bình: “Tại quyết định 79/QĐ-BXD ngày 15/02/2017, Bộ Xây dựng cũng đã công bố định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng. Đây là những hành lang pháp lý giúp cho việc ứng dụng BIM thuận lợi và hiệu quả hơn”.
Theo Báo Xây dựng