Vì sao người Inca xây thành Machu Picchu bằng đá không dùng vữa?
Vì sao người Inca xây thành Machu Picchu bằng đá không dùng vữa?Aug 24, 2020 09:29 AM222 lượt xem

Thành cổ Machu Picchu được xem là một trong những kỳ quan của thế giới cổ đại, chứa đựng nhiều bất ngờ đáng kinh ngạc về nền văn minh của người Inca.

Năm 2007, Machu Picchu (Peru) được bình chọn là một trong bảy kỳ quan của thế giới mới. Được biết đến với cái tên “thành phố mất tích”, nơi đây là di tích còn lại của nền văn minh Maya, với nhiều điều đặc biệt trong lịch sử và kiến trúc. Ảnh: Fodors.

Vị trí đặc biệt: Machu Picchu nằm ở độ cao 2.430 m so với mực nước biển, trên thung lũng Urubamba. Từ khi nhà thám hiểm Hiram Bingham tìm ra nơi này vào năm 1911, nhiều nghiên cứu cho thấy địa điểm và hướng của các công trình trọng yếu chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ vị trí của những ngọn núi thiêng gần đó. Ảnh: National Geographic.

Một tảng đá hình mũi tên trên đỉnh Huayna Picchu có vẻ như chỉ về phía Nam, hướng thẳng tới tảng Intihuatana nổi tiếng và núi Salcantay, một trong những đỉnh núi thiêng liêng nhất trong văn hóa Inca. Vào những ngày quan trọng trong lịch của người Inca, Mặt Trời sẽ mọc hoặc lặn sau các đỉnh núi đặc biệt khi nhìn từ Machu Picchu. Ảnh: Killa Expeditions.

Đài quan sát thiên văn: Tìm hiểu sâu hơn về Machu Picchu, du khách sẽ nhận ra sự ảnh hưởng mạnh mẽ của thiên văn tới nền văn minh của người Inca cũng như cách các tòa nhà được xây dựng. Thiên văn học giúp người Inca xác định sự thay đổi của mùa, tìm ra thời gian gieo trồng và thu hoạch phù hợp nhất. Tảng Intihuatana được tìm thấy ở đây có vai trò như một đồng hồ thiên văn và được sử dụng trong các buổi tế lễ. Ảnh: Annees de pelerinage.

Những viên đá xây thành: Người Maya đã vận chuyển từng khối đá lên đỉnh thung lũng hoàn toàn thủ công. Mỗi viên đá tạo nên tòa thành khổng lồ này được cắt gọt chính xác để khớp với nhau mà không cần vữa. Chính việc không dùng vữa này khiến cho thành phố có khả năng chống lại động đất. Khi có động đất, những viên đá trong tòa nhà của người Inca sẽ “nhảy múa”, rung chuyển theo xung động và sau đó trở về vị trí cũ. Nếu không xây theo phương pháp này, nhiều tòa nhà ở Machu Picchu đã sụp đổ, do vùng này của Peru có không ít trận động đất từng diễn ra. Ảnh: Lonely Planet.

Kiến trúc ngầm ấn tượng: Trong khi những bức tường tuyệt đẹp ở thành cổ gây ấn tượng với du khách, sự kỳ vĩ trong kiến trúc của nền văn minh Inca lại nằm ở nơi ít người. Khu vực khách tham quan thấy ngày nay được người Inca kiến tạo bằng cách san bằng vùng đất nằm giữa hai đỉnh núi. Kiến trúc sư Kenneth Wright ước tính 60% việc thi công ở Machu Picchu được thực hiện dưới lòng đất. Đó là những nền móng sâu và phần đá vụn được dùng để thoát nước (vào mùa mưa, nơi này có lượng mưa lớn). Ảnh: National Geographic.

Đế chế Inca hùng mạnh: Inca nghĩa là “nhà vua” hay “hoàng đế”, thể hiện sức mạnh của đế chế từng có lãnh thổ trải rộng khắp Argentina, Bolivia, Chile và Ecuador. Vào thời hoàng kim ở thế kỷ 13-14, đế chế này trị vì tới 20 triệu người dân. Tất cả kết thúc khi Hoàng đế Atahualpa bị thực dân Tây Ban Nha giết chết vào năm 1533. Tuy nhiên, Machu Picchu đã bị bỏ hoang từ trước đó và tới nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể khẳng định chính xác lý do. Ảnh: Best Life.

Tuyến đường thứ hai: Ngoài tuyến đường Inca nổi tiếng, nơi này còn có một tuyến đường ít người biết hơn – Inca Quarry. Theo đó, du khách sẽ xuất phát từ Ollantaytambo, đi qua nơi sinh sống của các cộng đồng địa phương, tham quan những điểm khảo cổ ấn tượng và lên dãy Andes mà không phải chen chúc với quá nhiều người. Việc khám phá thành cổ này không phải một chuyến đi dạo, độ cao có thể ảnh hưởng tới bạn theo nhiều cách khác nhau. Do đó, du khách được khuyến cáo nên cân nhắc điều kiện sức khỏe và hỏi bác sĩ trước khi tới đây. Ảnh: Intepid Travel.

Lạc đà không bướu: Những chú lạc đà không bướu thường xuất hiện trong những bức ảnh tại Machu Picchu. Từ lâu, loài vật này đã được nuôi để lấy lông và phân bón. Người Inca không nuôi những động vật khác như ngựa, cừu hay dê. Ảnh: Richardson/Flickr.

 

Theo National Geographic/Zing.vn