Các lý thuyết về phát triển bao trùm “không để ai lại phía sau”, lý thuyết về quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn và về cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế số và thực tiễn đã đặt ra các câu hỏi: Hoạt động kinh tế số là gì? Nó có ảnh hưởng tới không gian như thế nào, tới việc quy hoạch đô thị như thế nào? Liệu có cần lý thuyết mới về nó để xây dựng các cơ chế chính sách chủ động dẫn dắt, kiểm soát hay là lựa chọn giải pháp tình huống, thích ứng với các biến đổi mà ta có thể nhận thấy hay đơn giản là bỏ qua nó? Các câu hỏi này không chỉ dành cho các nhà làm luật, nhà quy hoạch, nhà quản lý thực hiện mà còn dành cho cả cộng đồng, người dân nhằm cùng nhận thức và cùng hành động.
Các hoạt động như: Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ, trí tuệ nhân tạo AI,.. đang từng bước xây dựng nền kinh tế số (nền kinh tế dựa trên các công nghệ kỹ thuật số) đan xen với nền kinh tế truyền thống. Lý thuyết 4 thành phần kinh tế của Colin Clark Grant (1905-1989) đã dự báo: “tỷ lệ lao động trong lĩnh vực Khai thác tài nguyên (khai khoáng, nông nghiệp) giảm xuống còn 10% trong cơ cấu lao động chung của các ngành kinh tế; Sản xuất (công nghiệp, xây dựng) giảm xuống còn 20%; Lao động trong lĩnh vực Dịch vụ và Liên kết số sẽ chiếm 70%, có vai trò chủ đạo trong xã hội”. Hiện hoạt động kinh tế số cũng như các ngành kinh tế truyền thống thường phát triển mạnh trong khu vực đô thị và ảnh hưởng lớn tới việc quy hoạch, phân bố không gian đô thị.
Năm 2016, kinh tế số toàn cầu trị giá 11,5 nghìn tỷ USD, chiếm 15,5% GDP toàn cầu; dự kiến tỷ lệ này sẽ đạt 25% trong chưa đầy 10 năm tới. Theo báo cáo “e-Conomy SEA 2018 — Southeast Asia’s internet economy hits an inflection point” được thực hiện bởi Google Temasek: Nền kinh tế số khu vực Đông Nam Á hiện tại với hơn 350 triệu người dùng internet, là một trong những khu vực có tốc độ kết nối internet tăng nhanh nhất thế giới, với 4 lĩnh vực chính bao gồm Du lịch trực tuyến Online Travel, Thương mại điện tử E-Commerce, Giải trí trực tuyến Online Media, và dịch vụ gọi xe (Ride Hailing), được dự báo sẽ tăng trưởng đạt mốc 240 tỷ USD vào năm 2025.
Xét về quy mô, thị trường kinh tế số Việt Nam ước tính giá trị 9 tỷ USD trong năm 2018, dự kiến tới năm 2025 sẽ chạm ngưỡng 33 tỷ USD. Hoạt động kinh tế số đang là động lực phát triển mới, tạo sự cạnh tranh trong dịch vụ, sản xuất kinh doanh ngày càng cao. Hoạt động kinh tế số sử dụng tri thức nhiều hơn sẽ giúp nền kinh tế quốc gia tăng trưởng nhanh và bền vững. Các nước như Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc,…hiện đã có những chính sách cụ thể quản lý, phát triển các hoạt động kinh tế số.
Singapore đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc phát triển nền kinh tế nhờ cải thiện cơ sở hạ tầng số: phát triển hệ thống cáp quang và mạng 4G, nhờ đó tăng đáng kể tốc độ truyền tải thông tin; các hộ gia đình Singapore chuyển dần nhiều hoạt động vào không gian kỹ thuật số, tỷ lệ dân số sử dụng internet khoảng 80% và năm 2015, chỉ số thanh toán điện tử của nước này ở khoảng 56%-57%.
Hàn Quốc đã tạo ra chính sách điều chỉnh an sinh xã hội và đào tạo nguồn nhân lực: khoảng 84% dân số truy nhập Internet; hỗ trợ giao dịch điện tử; đưa ra một khung hợp tác để kiểm soát các công cụ tìm kiếm xuyên quốc gia để đánh thuế tiền ảo trong game, công nghiệp giải trí online,.. phát động chiến lược i-Korea 4.0 lấy con người làm cốt lõi với hai phương hướng chính là DNA (công nghệ Big Data, nền tảng hệ thống mạng và trí tuệ nhân tạo) và R&D (đầu tư nghiên cứu các dự án khoa học trọng điểm, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để đưa các dự án vào ứng dụng trong thực tiễn).
Từ năm 2015, Trung Quốc dần tạo ra một hệ sinh thái các sản phẩm công nghệ số để vươn lên dẫn đầu thương mại điện tử trên toàn thế giới. Họ không chỉ ban hành chính sách mà còn đóng vai nhà đầu tư, sáng tạo và người tiêu dùng trong nỗ lực để hỗ trợ số hóa; tích hợp Internet, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, IoT với các ngành sản xuất truyền thống và người tiêu dùng triển khai rộng rãi trong nhiều ngành như logistics, an sinh xã hội, và chế biến chế tạo.
Theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF)- trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 thì một số công nghệ đang và sẽ thay đổi nền sản xuất của thế giới như: Trí tuệ nhân tạo (AI); xe tự lái; phân tích dữ liệu lớn và điện toán đám mây; công nghệ in 3D; Internet vạn vật và các thiết bị kết nối; rô-bốt; mạng xã hội,… sẽ được áp dụng ở quy mô công nghiệp, dự kiến sẽ có những thay đổi đột phá về việc làm (cơ cấu thu nhập, không gian làm việc, không gian cư trú). Đồng thời xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học,…tạo ra 4 tác động chính: i) Gia tăng nhu cầu tiêu dùng; ii) Gia tăng sản xuất; iii) Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; iv) Thay đổi các hình thức tổ chức.
Đô thị hiện nay không chỉ là các trung tâm về hành chính, nơi tập trung các hoạt động kinh tế bất động sản phục vụ hoạt động cư trú mà đã trở thành các nút tập trung của các dòng chảy kinh tế: dịch vụ, sản xuất tạo giá trị gia tăng thực sự trong đó có kinh tế số. Có thể nói kinh tế số sẽ làm đô thị thông minh hơn, phát triển sớm hơn (công dân số + không gian thông minh + sinh kế, thu nhập cao) nhưng cũng tạo ra những thay đổi căn bản đáng kể: lao động chất lượng cao phục vụ thị trường không giới hạn bởi ranh giới đô thị; nhà ở có thể trở thành nơi sản xuất, cung cấp dịch vụ kinh tế số; sự biến động dân cư, hạ tầng đô thị sẽ diễn ra nhanh hơn; quy mô, tính chất không gian chức năng thay đổi theo công nghệ; tính cạnh tranh đô thị sẽ không chỉ là chất lượng sống mà sẽ thể hiện ở chất lượng hạ tầng công nghệ, tính phối hợp kết nối thị trường, dịch vụ, tài chính và các hoạt động thúc đẩy sáng tạo, hấp dẫn,….
Đô thị thông minh sẽ là đô thị có nền kinh tế số phát triển mạnh. Tuy nhiên các đô thị thông minh (smartcity) ở Việt Nam còn nhiều thách thức: tính an toàn, an ninh, tính đồng bộ, chiến lược chuyển đổi số, nguồn lực, khung pháp lý, thị trường lao động, cơ sở hạ tầng, năng lượng,…Bởi vậy đô thị thông minh cần phải có thiết kế quy hoạch thông minh, quá trình xây dựng thông minh và quản lý vận hành thông minh nhằm đáp ứng các nhu cầu của công dân số, hoạt động kinh tế số và các yêu cầu khác.
Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, sự phát triển của công nghệ cao thì sự chuyển đổi sang nền kinh tế số là tất yếu, tồn tại đan xen với các hoạt động kinh tế truyền thống và các hoạt động kinh tế số sẽ ảnh hưởng tới sự biến động không gian, tới việc tiếp cận đầu tư xây dựng đô thị, sự phân bố, hình thành, xác định cơ cấu sản phẩm bất động sản đô thị. Bởi vậy cần có sự dẫn dắt của Chính phủ, không nên chờ đến khi hình thành nền kinh tế số hoàn toàn mới có cơ chế chính sách dẫn dắt, điều chỉnh, quản lý vấn đề quy hoạch phát triển đô thị gắn với hoạt động kinh tế số nhằm đem lại nhiều lợi ích và tái đầu tư để tăng tính cạnh tranh, nâng cao đời sống, văn minh đô thị.
Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam đã xác định 734 ngành kinh tế (tăng gần 100 ngành so với năm 2007) và Luật Quy hoạch có hiệu lực từ 01/01/2019, Nghị định 37/2019/NĐ-CP đã làm thay đổi cách quy hoạch đô thị ở Việt Nam, đưa ra 04 tiêu chí đánh giá thực hiện quy hoạch trong đó mục tiêu phát triển kinh tế được coi trọng. Tuy nhiên quy hoạch tích hợp có thể sẽ phải thay đổi để phù hợp, tích hợp với quy hoạch hoạt động kinh tế số, với nền kinh tế số và cần phải hiểu rõ hoạt động kinh tế số mới có thể lập hợp phần quy hoạch hoạt động kinh tế số.
Quy hoạch tích hợp nhiều hợp phần quy hoạch chuyên ngành, địa phương và cùng với nội hàm của chương trình “Make in Việt Nam” đã bước đầu đặt vấn đề, thúc đẩy sự sáng tạo, áp dụng sâu rộng và quyết liệt các công nghệ mới, hoạt động kinh tế số,…tạo ảnh hưởng tích cực trong mọi mặt của nền kinh tế trong đó có sự phát triển của đô thị, nông thôn. Sự tác động tiêu cực, tạo sự cản trở của yếu tố duy lý trong quy hoạch (theo định hướng trên xuống và không hoặc chậm chấp nhận nhiều tư tưởng, giải pháp khác biệt) sẽ dần dần giảm bớt khi sức mạnh của sự phối hợp, liên kết, sáng tạo đa chiều của quy hoạch tích hợp được khẳng định thông qua sự vượt qua các thách thức từ các hợp phần quy hoạch chuyên ngành.
Đặc trưng lớn nhất của kinh tế số là tính kết nối giữa các chủ thể và chu trình kinh tế, giúp tối ưu hóa các nguồn lực để sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng tốt nhất với nhu cầu của thị trường, giúp lược bỏ nhiều khâu trung gian trong dây chuyền cung ứng và tăng cơ hội tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu cho các chủ thể của nền kinh tế.
Quan hệ giữa hoạt động kinh tế số với quy hoạch phát triển đô thị là quan hệ cộng sinh và tất yếu. Bởi hoạt động kinh tế số sẽ thúc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, lao động sáng tạo sẽ ngày càng chiếm vị trí chủ đạo trong lực lượng lao động xã hội và làm thay đổi tính dịch cư, định cư của dân cư, văn minh đô thị. Việc các công ty công nghệ ngày càng đa dạng, len lỏi vào mọi mặt trong cuộc sống đã và sẽ trở thành một nền văn minh mới, quen thuộc với người tiêu dùng, tạo thói quen đặt hàng online, đặt xe công nghệ, nhà ở công nghệ, du lịch trực tuyến,…Nền văn minh mới này sẽ tác động mạnh tới quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị tại Việt Nam.
Hiện nay kinh tế số sinh ra những mô hình kinh doanh mới thay thế hoặc phá hủy mô hình kinh doanh cũ như Uber, Grab đang thách thức taxi, phương thức vận tải truyền thống; fintech (công nghệ tài chính) đang thách thức ngân hàng truyền thống; Airbnb, luxstay, Rakuten chia sẻ phòng đang thách thức ngành khách sạn, du lịch truyền thống,…
Các ngành nghề kinh tế số sẽ tác động mạnh tới không gian đô thị, ví dụ như: hoạt động kinh tế chia sẻ phòng- nhà ở làm thay đổi không gian, quan điểm về sở hữu nhà ở, bất động sản, du lịch khách sạn,..(ai cũng có thể làm du lịch chứ không phải cứ có khách sạn mới làm được du lịch); thương mại điện tử làm thay thế, biến đổi không gian các siêu thị, chợ; xe tự động không người lái làm thay đổi hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật,…; robot thay thế con người trong sản xuất, dịch vụ ở đô thị; Logistics công nghệ cao, thiết bị vận chuyển không người lái – drone làm thay đổi cách tiếp cận, vận chuyển, trao đổi hàng hóa;…(bán hàng không cần kho, không cần không gian trưng bày).
Dịch vụ chia sẻ không gian, phòng Airbnb. Ảnh: Internet
Thiết bị bay không người lái-Drone. Ảnh: Internet
Xu hướng số hoá hay công cuộc chuyển đổi số đang xuất hiện ở mọi lĩnh vực từ thương mại, tài chính-ngân hàng cho đến văn hóa, y tế, giáo dục, môi trường, du lịch, vận chuyển,…sẽ làm thay đổi lối sống, sinh hoạt, mua sắm, lựa chọn chỗ ở, chỗ làm việc của người dân; tổ chức của doanh nghiệp và cả cách điều hành quản lý của chính quyền (chính phủ điện tử, kết hợp tương tác vật lý và tương tác số-ảo; thay đổi môi trường sống, vui chơi giải trí; thay đổi không gian làm việc, dân chủ hóa sản xuất; vấn đề di cư, định cư; cơ cấu lao động và các vấn đề xã hội khác như: môi trường, chi phí xã hội, tệ nạn, tội phạm, an sinh an toàn,..).
Hoạt động kinh tế số đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành, chuyển đổi số các cơ sở dữ liệu đô thị (đất đai, dân số, việc làm, nghề nghiệp, hạ tầng, môi trường,…), lưu trữ, khai thác, bổ sung, điều chỉnh các vấn đề liên quan tới quá trình quy hoạch (bản đồ số,..), thực hiện, vận hành quản lý các đô thị (cả cũ và mới).
Việc văn hóa kỹ thuật số sẽ được phát triển 1 cách linh hoạt, không những kết nối giữa tất cả bộ phận chức năng trong một công ty, một tổ chức, các tổ chức của một nhà nước với nhau mà còn là nhà nước với nhân dân, công ty với khách hàng và đối tác; giữa người với người và với vạn vật; kết nối con người nhau và với đô thị; kết nối đô thị với đô thị; đô thị với nông thôn trong và ngoài quốc gia;…kết hợp cả nhà sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng cùng sử dụng “Kinh tế chia sẻ” để huy động tài chính, công cụ lao động, dữ liệu của xã hội tham gia vào chuỗi sản xuất và phân phối hàng hóa,…sẽ làm thay đổi nguyên tắc, cách đặt vấn đề, cách tạo thị, quy hoạch kết nối đô thị và nông thôn.
Hình ảnh về kinh tế chia sẻ. Ảnh: Internet
Như vậy các tác động của hoạt động kinh tế số đã chỉ ra quá trình dân chủ hóa, cá nhân hóa sản xuất sử dụng công nghệ cao, số hóa là không thể bỏ qua hoặc đứng ngoài. Chỗ ở, nơi sinh hoạt và nơi sản xuất trong kinh tế số (sản xuất phần mềm, sản xuất không gây ô nhiễm,…) có thể biến động, hòa trộn thành một và nguyên tắc quy hoạch xây dựng đô thị theo chức năng có thể sẽ bị xóa nhòa ranh giới với tốc độ, mật độ tỷ lệ thuận với sự phát triển của công nghệ, của hoạt động kinh tế số.
Thực tế, sự tích hợp hoạt động kinh tế trong quy hoạch đô thị không chỉ xuất hiện trong quy mô lớn như đô thị, khu đô thị mới, khu kinh tế,…mà đã xuất hiện, được tích hợp trong một số công trình đơn lẻ sử dụng công nghệ cao. Ví dụ như công trình Jewel tại sân bay Changi của Singapore là một tích hợp chức năng giữa công trình dịch vụ phục vụ sân bay và công viên, nhằm thu hút cả du khách và người dân địa phương, thúc đẩy sự tương tác giữa người dân Singapre và hành khách qua sân bay. Ngoài ra, các không gian mua sắm, giải trí kết hợp với các không gian cảnh quan tự nhiên trong công trình góp phần nâng cao và làm mới các trải nghiệm của du khách; được phát triển với triết lý: một “Thành phố trong vườn” và một “Khu vườn trong thành phố”; có thể trở thành 1 trong những biểu tượng của Singapore.
Công trình Jewel tại sân bay Changi, Singapore. Ảnh: Internet
Sự khó khăn của quy hoạch tích hợp chính là tham vọng dồn “tất cả trong một” trong khi mọi hợp phần quy hoạch chuyên ngành thì lại biến đổi rất nhanh, đặc biệt trong nền kinh tế số thì các biến đổi gây tác động rõ rệt có thể mang tính tức thời. Các vấn đề cập nhật thực tiễn, lập quy hoạch, hiện thực quy hoạch, khai thác, điều chỉnh,…sẽ chỉ được giải quyết khi tích hợp hoạt động kinh tế số phù hợp với khung kiến trúc Chính phủ điện tử, gắn với sự tham gia, cách quyết định, hành vi, hợp tác của nhiều thành phần, chủ thể và làm được theo các nội hàm của chương trình “Make in Việt Nam”: Sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam và sinh sống tại Việt Nam. Đô thị Việt Nam nên là nơi hấp dẫn, thu hút công dân số toàn cầu tới sinh sống, làm việc và thụ hưởng.
Lập quy hoạch đô thị là khó (tích hợp nhiều ngành nghề) nhưng thực hiện theo quy hoạch cũng lại là một vấn đề không dễ (điều chỉnh một ngành sẽ ảnh hưởng tới ngành khác). Hiện việc phải điều chỉnh quy hoạch dù chủ quan hay khách quan đã thể hiện việc thực hiện theo quy hoạch là rất phức tạp và ảnh hưởng tới việc đánh giá khách quan hiệu quả phát triển đô thị. Trong nền kinh tế số, kinh tế chia sẻ ngày càng phát triển thì tính liên ngành, hỗn hợp chức năng là xu thế không thể bỏ qua, phù hợp với thị trường, đảm bảo tính hiệu quả sử dụng và đầu tư.
Viễn cảnh đô thị gắn với hoạt động kinh tế số sẽ thể hiện nhận thức, thái độ, hành động của doanh nghiệp, người dân nhiều hơn là chính sách phát triển đô thị của chính quyền địa phương (bởi chính sách thường chậm hơn thực tiễn và do thị trường, công nghệ phát triển rất nhanh, rất cạnh tranh). Bởi vậy quy hoạch đô thị nên chú trọng tới nền tảng hạ tầng khung kiến tạo phát triển (nhà nước làm, quản lý cái ít biến động) hơn là phân định theo chức năng cứng, cố định (thị trường, người dân làm, quản lý cái biến động) thì mới đáp ứng, thúc đẩy phát triển đô thị nhanh và bền vững. Chuẩn mực đô thị bao gồm chuẩn về hạ tầng, công nghệ, môi trường, sinh kế,…sẽ quyết định mức tham gia, trách nhiệm của các chủ thể phát triển đô thị và đánh giá mức độ thông minh, đẳng cấp, tính cạnh tranh của đô thị (hiện nay 1 số doanh nghiệp đang làm tốt hơn và vai trò dẫn dắt của nhà nước thì bị mờ nhạt, chậm).
Việt Nam có thể nghiên cứu, áp dụng lý thuyết “Kinh tế học hành vi” của GS. Richard Thaler (đạt giải Nobel năm 2017) để xây dựng, nâng cao hiệu lực hiệu quả của cơ chế chính sách trong việc quản lý, thực hiện quy hoạch phát triển đô thị gắn với hoạt động kinh tế số: “vừa đảm bảo sự tham gia, quyền lựa chọn của người dân và vừa lồng ghép kiến thức về hành vi”. Ví dụ bổ sung thêm chính sách thúc đẩy, công khai mức độ đóng góp, phối hợp của các thành phần, chủ thể liên quan tham gia trong quá trình lập quy hoạch và thực hiện quy hoạch đô thị.
Xây dựng phát triển đô thị gắn với hoạt động kinh tế số phải đảm bảo hiệu quả kinh tế, xã hội, tài nguyên môi trường và an ninh an toàn,…tạo không gian đáp ứng, thúc đẩy sự tiến bộ nền kinh tế số, hoạt động kinh tế số,…đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Cần nhận diện và có quan điểm, nguyên tắc, quy trình, xây dựng các mô hình quy hoạch đô thị gắn với hoạt động kinh tế số và tạo cơ chế chính sách thúc đẩy, kiến tạo, quản lý sự phát triển cho phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Hoạt động kinh tế số là vấn đề mới, khó và việc gắn kết với quy hoạch phát triển đô thị lại càng phức tạp, đa dạng trong giai đoạn hiện nay. Tác giả hy vọng với bài báo mang tính đặt vấn đề, gợi mở, cầu thị sẽ được lãnh đạo, các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và những người quan tâm nghiên cứu, chia sẻ nhằm thúc đẩy cùng nhận thức, xây dựng phát triển đô thị ngày càng bền vững hơn.
Tác giả: TS.KTS. Lê Xuân Trường
Tài liệu tham khảo: chinhphu.vn; wikipedia.org; tiasang.com.vn, bmktcn.com.vn; trang thông tin của Bộ Xây dựng; Bộ TT&TT; Bộ KH&CN và một số văn bản pháp luật hiện hành có liên quan.