Viện Nghiên cứu Hàng hải, Pune, Maharashtra, Ấn Độ – KTS. Christopher Charles Benninger
Viện Nghiên cứu Hàng hải, Pune, Maharashtra, Ấn Độ – KTS. Christopher Charles BenningerAug 24, 2020 09:23 AM304 lượt xem

Viện Nghiên cứu Hàng hải (SIMS) là một trong những trung tâm nghiên cứu về động cơ tàu biển (Marine propulsion) và điều hướng (Navigation). Đây còn là nơi đào tạo nguồn nhân lực biển (pre-sea and post-sea training) tầm quốc tế. Viện được tài trợ bởi Executive Ship Management Private Limited, Singapore. Viện Nghiên cứu Hàng hải có diện tích 28ha, trải dọc theo sông Indrayani, với quy mô đào tạo 400 học viên. 

Thông tin chung: 

  • Dự án: Viện Nghiên cứu Hàng hải (Samundra Institute of Maritime Studies – SIMS)
  • Địa điểm: thành phố Pune, bang Maharashtra, Ấn Độ 
  • Tư vấn thiết kế kiến trúc: Christopher Charles Benninger và cộng sự
  • Quy mô: Diện tích đất: 28ha, diện tích sàn: 21500m2; quy mô đào tạo 400 học viên. 
  • Năm hoàn thành: 2007 

Tổ hợp công trình do Christopher Charles Benninger (giáo sư, kiến ​​trúc sư và nhà quy hoạch người Mỹ gốc Ấn Độ, 23/11/1942) thiết kế. Christopher Charles Benninger là người đề xướng Nguyên tắc của chủ nghĩa đô thị thông minh (Principles of intelligent urbanism – PIU ), là một lý thuyết về quy hoạch đô thị bao gồm một bộ mười nguyên tắc, nhằm hướng dẫn quy hoạch và thiết kế đô thị trên cơ sở tích hợp nội dung quản lý và quy hoạch đô thị. 10 nguyên tắc này gồm: i) Cân bằng với thiên nhiên; ii) Cân bằng với truyền thống; iii) Công nghệ phù hợp; iv) Tương tác xã hội; v) Hiệu quả; vi) Quy mô con người; vii) Hệ thống cơ hội; viii) Hội nhập khu vực; ix) Cân bằng giao thông; x) Thể chế liêm chính.

KTS Christopher Charles Benninger.

Tổ hợp công trình được quy hoạch và thiết kế kiến trúc theo hướng phù hợp với 10 nguyên tắc trên, trước hết là: Cân bằng với thiên nhiên (môi trường), cân bằng với truyền thống thông qua các trang trí nghệ thuật; Hiệu quả và An toàn thông qua công nghệ phù hợp… nhằm tạo ra một không gian đẳng cấp quốc tế, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu và đào tạo. 

Mục tiêu Hiệu quả, Môi trường và An toàn thông qua quy hoạch và thiết kế trong tổ hợp cũng là việc quảng bá cho mục tiêu đào tạo, giám sát và vận hành trên tàu.  

Viện nghiên cứu bao gồm nhiều hạng mục công trình, có hình dáng hết sức đa dạng như tự nhiên, từ các hình hình học cơ bản như chữ nhật, tròn, thoi, elip đến các hình phi hình học, hữu cơ. Các công trình này được kết nối với nhau thông qua hệ thống đường giao thông, sân và không gian cây xanh.

Tổng mặt bằng Viện Nghiên cứu Hàng hải (SIMS).
Ghi chú: Nhà thí nghiệm (Workshop) – A; Bể bơi (Swimming Pool) – B; Trung tâm nghiên cứu (Research Centre) – C; Tòa nhà dịch vụ (Services Building) – D; Mẫu tàu để thực nghiệm (Campus Ship) – E; Khối giảng đường (Academic Block) – F; Nhà hành chính (Administration Building) – G; Ký túc xá sinh viên (Student Hostels) – H và Trung tâm dịch vụ ăn uống tại phía Bắc (Catering center)

Mô hình Viện Nghiên cứu Hàng hải (SIMS).

Tất cả các tòa nhà đều được chiếu sáng tự nhiên, cắt giảm tiêu thụ năng lượng không thể tái tạo.

Hệ thống cửa trong nhà ký túc xá và giảng đường cho phép thông gió và chiếu sáng tự nhiên, song lại có khả năng ngăn ánh nắng gay gắt của khu vực, tạo ra một hệ thống điều hòa không khí thụ động cho phép giảm đến 34% chi phí điều hòa không khí.

Bức tường hệ thống pin năng lượng mặt trời trong công trình nhà thí nghiệm là một trong những bức tường quang điện lớn nhất tại châu Á và sản xuất được 60KW mỗi giờ.

Nước cấp cho tổ hợp từ nước giếng khoan, được bơm lên một tháp lọc trung tâm cao 28m, qua 4 ngăn lọc ngược. Từ trên đỉnh tháp, nước sạch phân phối cho các công trình.

Nước thải được thu gom xử lý tại hai trạm xử lý sinh học, sau khi xử lý được sử dụng để tưới cây.

Một số hạng mục chính trong công trình:

Nhà thí nghiệm hàng hải

Nhà thí nghiệm hàng hải nằm là trung tâm của cụm học tập, nghiên cứu, thí nghiệm. Kề liền phía Bắc của Nhà thí nghiệm là Trung tâm nghiên cứu (Research Centre), có mặt bằng hình tròn; Kề liền phía Nam là Mô hình tàu thủy (Campus Ship); Kề liền phía Đông là Khối giảng đường (Acdemic Block).

Nhà thí nghiệm hàng hải (Workshop) là một tòa nhà công nghiệp 1 tầng, kết cấu thép nhịp lớn, kết cấu bao che nhẹ.

Điều đặc biệt là hai mặt tường nghiêng của mặt chính công trình có cấu trúc xây dựng khác nhau.

Mặt tiền phía Nam được bao che bởi các tấm quang điện mặt trời, dài đến hơn 90m, tạo ra 60KW điện mỗi giờ. Các bức tường tế bào quang điện, trở thành “tấm rèm” (jaalis) hiện đại (tấm rèm truyền thống thường được đục lỗ theo dạng hình học biểu tượng của vũ trụ và thư pháp, phố biến trong kiến trúc đền thờ Hindu, Hồi giáo, có vai trò giảm nhiệt độ bức xạ mặt trời chiếu vào bên trong).

Mặt tiền phía Bắc hoàn toàn bằng kính, tăng khả năng chiếu sáng và thông gió tự nhiên cho công trình; tạo tầm nhìn rộng mở vào phía trong khuôn viên trường.

Cụm công trình: Nhà Thí nghiệm (giữa), Trung tâm nghiên cứu (phải) và Mô hình tàu cho thử nghiệm (trái), Viện Nghiên cứu Hàng hải (SIMS).

Mặt bằng, mặt cắt và mặt đứng nhà Thí nghiệm, Viện Nghiên cứu Hàng hải (SIMS).

Bên trong Nhà Thí nghiệm với tường bao che bằng kính và bằng tấm năng lượng mặt trời mỗi bên, Viện Nghiên cứu Hàng hải (SIMS).

Bức tường năng lượng mặt trời của nhà Thí nghiệm, Viện Nghiên cứu Hàng hải (SIMS).

Khối giảng đường

Khối giảng đường (Acdemic Block) nằm tại phía Đông của Nhà thí nghiệm, có mặt bằng như một biểu tượng về vũ trụ. Chính giữa khối nhà là một hành lang cong, theo hướng Bắc – Nam, hai đầu nhọn, hình tượng như một vành trăng mỏng. Hai phía là giảng đường. Phía Đông gồm 3 nhánh cao 2 tầng, tạo thành 6 giảng đường nhỏ. Phía Nam gồm 4 nhánh, cao 1 tầng, tạo thành 4 giảng đường lớn.

Mặt bằng, mặt cắt và mặt đứng khối Giảng đường, Viện Nghiên cứu Hàng hải (SIMS).

Phối cảnh khối Giảng đường, Viện Nghiên cứu Hàng hải (SIMS).

Tòa nhà Hành chính

Tòa nhà Hành chính (Administration Building) nằm tại phía Đông của trường, kề liền tuyến giao thông bên ngoài. 

Công trình có mặt bằng ấn tượng như hình dáng của một nửa nụ cười. Tường phía Bắc là tường cong đều, gắn với hồ nước. Bề mặt tường kết hợp với các tấm tế bào quang điện tạo ra 30KW điện mỗi giờ. 

Tường phía Bắc là tường cong lượn sóng, bằng kính hai lớp, tạo tầm nhìn rộng mở ra tuyến đường giao thông đô thị chạy dọc ranh giới phía Bắc trường.

Mặt bằng và mặt đứng nhà Hành chính, Viện Nghiên cứu Hàng hải (SIMS).

Mặt tường đặc gắn với tấm năng lượng mặt trời, nhà Hành chính, Viện Nghiên cứu Hàng hải (SIMS).

Mặt tường lượn sóng, bằng kính, nhà Hành chính, Viện Nghiên cứu Hàng hải (SIMS).

Nội thất nhà Hành chính, Viện Nghiên cứu Hàng hải (SIMS).

Ký túc xá sinh viên

Ký túc xá sinh viên (Student Hostels) là một tòa nhà kéo dài gần như suốt chiều ngang khuôn viên trường, chếch theo hướng Bắc – Nam, phân chia giữa khu học tập và hành chính. 

Công trình cao 3 tầng. Tầng dưới để trống. Mỗi block nhà gồm 12 phòng ký túc xá bố trí hai bên hành lang với một cầu thang hình tròn tách ra khỏi khối nhà. Tường nhà hai lớp: Lớp trong là tường và cửa sổ; Lớp ngoài là rèm che nắng. 

Hai đầu của ký túc xá là nhà ăn với hình dáng rất độc đáo và khán đài biểu diễn ngoài trời.

Mặt bằng một block Ký túc xá, Viện Nghiên cứu Hàng hải (SIMS).

Phối cảnh một block Ký túc xá, Viện Nghiên cứu Hàng hải (SIMS).

Mặt bằng, mặt cắt Nhà ăn, một đầu của Ký túc xá, Viện Nghiên cứu Hàng hải (SIMS).

Phối cảnh Nhà ăn, một đầu của Ký túc xá, Viện Nghiên cứu Hàng hải (SIMS).

Nội thất phòng ăn với các trang trí động vật thủy sinh trên tường, Viện Nghiên cứu Hàng hải (SIMS).

Sân khấu ngoài trời, một đầu của Ký túc xá, Viện Nghiên cứu Hàng hải (SIMS).

Viện Samundra Nghiên cứu Hàng hải (SIMS) tại thành phố Pune, bang Maharashtra, Ấn Độđược đánh giá là một trong những công trình tiêu biểu nhất của KTS Christopher Charles Benninger.  

 

Theo Bộ môn Kiến trúc Công nghệ, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng

https://www.archdaily.com/322944/samundra-institute-of-maritime-studies-christopher-charles-benninger-architects

https://en.wikipedia.org/wiki/Christopher_Charles_Benninger

https://www.zingyhomes.com/project-detail/christopher-benninger_7066/samundra-institute-of-maritime-studies-lonavala/