Các nhà khảo cổ học của Đại học Newcastle có thể đã giải được một trong những câu hỏi lớn nhất về cách xây dựng Vòng tròn đá Stonehenge.
Các nhà lịch sử chưa bao giờ ngừng tìm hiểu bí mật xây dựng nên Stonehenge. Ảnh: AFP.
Stonehenge là một công trình tượng đài cự thạch thời kỳ đồ đá mới và thời kỳ đồ đồng, được coi là một trong những di chỉ khảo cổ học bí ẩn nhất hành tinh. Bãi đá cổ này là địa danh nổi tiếng bậc nhất của Anh, một trong những biểu tượng văn hóa của nước này.
Stonehenge – một trong những di tích nổi tiếng và bí ẩn nhất nước Anh.
Các nhà khảo cổ học của Trường Đại học New Castle cho rằng các cự thạch của Stonehenge có thể được vận chuyển đến địa điểm xây dựng nhờ “công” của mỡ lợn. Theo một nghiên cứu gần đây, loại mỡ tương tự được tìm thấy trên đồ gốm có rãnh từ Durrington Walls, từ trước đến nay chúng ta thường cho rằng nó chỉ liên quan đến tiêu thụ thực phẩm, nhưng nghiên cứu mới cho rằng mỡ lợn đã được sử dụng để bôi trơn các xe trượt mang những viên đá khổng lồ đến vị trí hiện tại của chúng ở hạt Wiltshire, Anh.
Hình ảnh đồ gốm có rãnh được khai quật từ Durrington Walls. Ảnh: Lisa-Marie Shillito.
Một trong những di tích thời tiền sử nổi tiếng nhất thế giới, Stonehenge, được xây dựng bằng hai loại đá, đá sarsen lớn hơn, nặng trung bình 25 tấn, và các phiến đá nhỏ hơn, có trọng lượng từ 2 đến 5 tấn. Theo nghiên cứu mới đây, do TS. Lisa-Marie Shillito, giảng viên cao cấp về khảo cổ học cảnh quan của Đại học New Castle công bố, những viên đá này có thể được đặt vào vị trí như hiện nay bằng những “xe trượt mỡ”, sử dụng mỡ động vật làm chất bôi trơn, giảm ma sát. Phân tích số lượng mỡ lợn tìm thấy trên đồ gốm có rãnh, các nhà nghiên cứu cho rằng dư lượng lipid có thể không phải dùng để cung cấp thực phẩm cho những công nhân xây dựng công trình, thay vào đó, việc lưu trữ chất béo để tạo mỡ động vật, được sử dụng trong xây dựng.
Các phiến đá làm nên Stonehenge có thể được vận chuyển đến địa điểm xây dựng nhờ “công” của mỡ lợn.
Lisa-Marie Shillito chia sẻ trên Daily Mail: “Tôi quan tâm đến mức độ bảo quản đặc biệt và lượng lipid cao – dư lượng chất béo – chúng tôi phục hồi từ đồ gốm. Xương động vật được khai quật tại địa điểm cho thấy nhiều con lợn đã được nướng chứ không phải băm nhỏ để nấu trong nồi như chúng ta thường nghĩ.
Các nhà khảo cổ cho rằng các cột đá này được dựng lên từ khoảng 2500-2000 trước Công nguyên dù các vòng đất xung quanh được xây dựng sớm hơn, khoảng 3100 năm trước Công nguyên. Khu vực này và khu vực xung quanh đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 1986. Stonehenge vẫn còn rất nhiều bí ẩn đang chờ các nhà khoa học tiếp tục khám phá.
Stonehenge được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới năm 1986.
Nguyễn Minh Hiếu tổng hợp và dịch
Theo designboom, wikipedia, mirror.co.uk