Xây dựng nhà ở cho công nhân là nhiệm vụ quan trọng
Xây dựng nhà ở cho công nhân là nhiệm vụ quan trọngAug 24, 2020 09:38 AM298 lượt xem

Là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mới đây. Thủ tướng yêu cầu các ngành, các cấp phải coi việc xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH) cho công nhân là nhiệm vụ quan trọng. Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT bố trí nguồn vốn để Chính phủ trình Thường vụ Quốc hội quyết định số vốn cho việc xây dựng nhà ở công nhân trong 2 năm tới. Các địa phương tạo điều kiện về đất đai cho các dự án NƠXH cho công nhân…

Đây là một trong những bằng chứng cho thấy Chính phủ vẫn luôn quyết liệt trong phát triển NƠXH cho công nhân.

Mới đáp ứng được 28% nhu cầu nhà ở của công nhân

Theo Bộ Xây dựng đến nay, cả nước đã hoàn thành 100 dự án NƠXH dành cho công nhân KCN, tổng quy mô khoảng 41 nghìn căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 330 nghìn người. Bên cạnh đó, 72 dự án khác cũng đang tiếp tục triển khai, quy mô xây dựng khoảng 88 nghìn căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 704 nghìn lao động.

Tuy nhiên, theo báo cáo của 46/63 tỉnh, TP, tính đến cuối năm 2017, số lượng công nhân có nhu cầu về chỗ ở là khoảng 1,2 triệu người, dự kiến đến năm 2020 số lượng sẽ là khoảng 3 triệu người. Ước tính, các dự án NƠXH mới đáp ứng chỗ ở cho khoảng 28% số công nhân hiện nay.

Ông Vũ Văn Phấn – Phó cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS cho biết: Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế trong nước, nước ngoài khi tham gia đầu tư phát triển NƠXH, trong đó có nhà ở cho công nhân các KCN. Đó là Luật Nhà ở (năm 2014), Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về phát triển và quản lý NƠXH và Thông tư số 20/2016/TT-BXD hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP.

Tiếp đó, ngày 25/01/2017, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển NƠXH. Gần đây nhất, ngày 12/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các KCN, KCX. Đề án nêu rõ mục tiêu là đến năm 2030, phấn đấu tất cả KCN, KCX đều có thiết chế của công đoàn, bao gồm cả nhà ở…

Vẫn còn những khó khăn

Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi như vậy nhưng vì sao trên thực tế, việc phát triển NƠXH cho công nhân vẫn đạt ở mức kiêm tốn? Lý giải về vấn đề này, ông Vũ Văn Phấn cho rằng việc triển khai các dự án NƠXH, bao gồm nhà ở cho công nhân đang còn gặp một số khó khăn.

Về nguồn vốn hỗ trợ, sau khi gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng đã giải ngân hết từ tháng 6/2016, đến nay ngân sách Nhà nước mới bố trí được cho Ngân hàng Chính sách Xã hội khoảng gần 1.300 tỷ đồng cho cả giai đoạn 2018 – 2020, chỉ bằng 13% so với yêu cầu của Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Các địa phương chưa tích cực hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào các dự án NƠXH từ nguồn ngân sách. Thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng tuy đã được cải thiện, rút ngắn nhưng vẫn còn rườm rà. Thời gian chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án vẫn còn kéo dài…

Trong công tác quy hoạch, một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển nhà ở, đặc biệt là kế hoạch phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân; chưa đưa chỉ tiêu phát triển NƠXH vào kế hoạch phát triển KT-XH hàng năm theo quy định của pháp luật.

Trong quy hoạch đô thị, KCN, các địa phương chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển NƠXH, chưa thực hiện nghiêm quy định giành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển NƠXH hoặc có bố trí nhưng ở tại các vị trí không thuận lợi, hoặc chưa giải phóng xong mặt bằng…, dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai các dự án NƠXH.

Một nguyên nhân nữa là mức thu nhập của người dân nói chung, đặc biệt là công nhân lao động tại các KCN, gia đình trẻ khu vực đô thị so với giá mua NƠXH vẫn còn thấp nên khó khăn trong việc mua nhà ở, mặc dù giá mua NƠXH đã được hỗ trợ rất nhiều.

Bộ Xây dựng đề xuất nhiều giải pháp

Đề cập các giải pháp thúc đẩy phát triển NƠXH (bao gồm cả nhà ở cho công nhân KCN) trong thời gian tới, ông Vũ Văn Phấn cho biết: Về nguồn vốn, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ KH&ĐT báo cáo cơ quan có thẩm quyền bố trí ngân sách Nhà nước bổ sung vốn cho việc đầu tư xây dựng NƠXH theo nhu cầu thực tế mà Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội đã đề xuất với Chính phủ, Bộ KH&ĐT.

Đối với các địa phương, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương phải coi chỉ tiêu phát triển NƠXH (bao gồm cả nhà ở cho công nhân KCN) là một chỉ tiêu quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội hàng năm và 5 năm. Các địa phương phải rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch KCN, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở, đặc biệt là NƠXH.

Khi quy hoạch các KĐTM, KCN mới, mạng lưới các cơ sở đào tạo nhất thiết phải kèm theo quy hoạch NƠXH, nhà ở công nhân, có các khu chức năng dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao… Phải bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu như trường học, nhà trẻ, cơ sở khám chữa bệnh, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, thể dục, thể thao trong và ngoài các dự án, nhất là tại các khu vực có đông công nhân và người lao động.

Đặc biệt, các Bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi về quỹ đất, cơ sở hạ tầng, nguồn vốn… để các DN tích cực tham gia phát triển NƠXH; đảm bảo công khai, minh bạch trong các thủ tục về đầu tư xây dựng nhà ở nói chung và NƠXH nói riêng.

Với sự quyết liệt và nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương, hy vọng thời gian tới, công tác phát triển NƠXH cho công nhân sẽ tăng tốc, đạt mục tiêu đề ra.

 

Theo Báo Xây dựng