Đô thị thông minh đang trở thành xu hướng trong tương lai, nhằm giúp chính quyền xử lý các thách thức của quá trình đô thị hóa. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, khi xây dựng đô thị thông minh, công nghệ không phải là giải pháp “toàn diện” mà cần phải có các chuyển đổi tương ứng về quy hoạch, quản trị, khung pháp lý…
Thách thức từ đô thị hóa
Với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, cho tới năm 2050 khoảng 2/3 dân số toàn cầu sẽ sống trong các đô thị, tạo ra thách thức về phát triển bền vững do nguy cơ thiếu việc làm, giao thông quá tải, ô nhiễm môi trường. Trong bối cảnh đó, hiện nay, nhiều đô thị trên thế giới đã sử dụng các mô hình kinh doanh mới như hình thức đối tác công tư (PPP) và triển khai áp dụng công nghệ để quản lý môi trường và cung cấp dịch vụ hiệu quả cho người dân. Ông Michael Greene, Giám đốc Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) Việt Nam khẳng định, đô thị thông minh đang trở thành xu hướng trong tương lai, nhằm giúp chính quyền xử lý các thách thức từ tốc độ đô thị hóa để phát triển một cách bền vững hơn và an toàn hơn.
Tính đến giữa tháng 10.2017, Việt Nam đã có khoảng 10 thành phố định hướng xây dựng thành phố thông minh như Đà Nẵng, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt (Lâm Đồng), Phú Quốc (Kiên Giang), Mỹ Tho (Tiền Giang). Ngoài ra nhiều thành phố khác đang trong quá trình khảo sát như Hà Nội, Hạ Long, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Cà Mau… Dự kiến sắp tới, trên cả nước sẽ có hơn 20 thành phố triển khai xây dựng đô thị thông minh.
Hãng MGI, tổ chức hàng đầu thế giới về kiểm toán độc lập, kế toán và tư vấn đã khảo sát những mô hình thành phố thông minh tiêu biểu trong khu vực Đông Nam Á. Nghiên cứu chỉ rõ, các giải pháp thành phố thông minh có thể loại bỏ khoảng 270.000kg khí thải nhà kính mỗi năm; cứu sống khoảng 5.000 người mỗi năm khỏi các vụ tai nạn giao thông, hỏa hoạn, giết người nhờ các giải pháp kết nối qua di động, phòng chống tội phạm và dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp; tiết kiệm thời gian tham gia giao thông thông qua các giải pháp giao thông và vận chuyển thông minh. Số thời gian này tương đương với giờ lao động của 8 triệu người trong khu vực; tạo tiền đề cho việc triển khai các giải pháp y tế thông minh tại các khu vực đô thị, giúp làm giảm gánh nặng bệnh tật cho người dân, giảm áp lực khám, chữa bệnh cho các cơ sở y tế. Đồng thời cũng gián tiếp giúp nâng cao tuổi thọ, tăng thời gian sống khỏe mạnh của con người. Người dân có thể tiết kiệm được 16 tỷ USD mỗi năm nhờ các giải pháp công nghệ giúp tiết kiệm năng lượng trong sinh hoạt. Đặc biệt, tạo ra 1,5 triệu việc làm thông qua việc tạo ra nhiều hơn môi trường làm việc hiệu quả cho các doanh nghiệp và cơ quan tuyển dụng lao động.
Đô thị thông minh về cơ bản đó là mô hình thành phố ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để quản lý, nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống đô thị, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên. Theo các chuyên gia, nếu so sánh đô thị thông minh như một cơ thể người thì trí tuệ nhân tạo sẽ là bộ não, các hệ thống cảm biến là các giác quan và mạng viễn thông số là hệ dây thần kinh. Nói một cách ngắn gọn, đô thị thông minh là mô hình thành phố áp dụng công nghệ mới nhất để nâng cao chất lượng thành phố về mọi mặt.
Công nghệ không phải giải pháp toàn diện
Khẳng định ưu điểm vượt trội của công nghệ trong việc xây dựng các đô thị thông minh, tuy nhiên, ông Glenn Hughes, Lãnh đạo Dịch vụ tư vấn Đầu tư và cơ sở hạ tầng Công ty PwC Việt Nam cho rằng, công nghệ không phải là giải pháp “toàn diện” cho các vấn đề đô thị, các thành phố cần phải có các chuyển đổi tương ứng về quy hoạch, quản trị và khung pháp lý.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam Denis Brunetti cho rằng, chính sách hỗ trợ việc ứng dụng đô thị thông minh cần được thống nhất từ trung ương đến địa phương. Kết hợp với các nguồn lực tổng hợp từ ngành công nghệ thông tin, giáo dục đến tất cả các ngành công nghiệp khác nhằm hướng tới chuyển đổi kỹ thuật số. “Hợp tác, đơn giản, đổi mới, giáo dục và an ninh là chìa khóa để tạo dựng một đô thị thông minh bền vững tại Việt Nam”, ông Denis Brunetti nhấn mạnh.
Ngoài ra nhiều chuyên gia khẳng định, con người mới là yếu tố then chốt, vì điều cốt yếu là mọi người phải nâng cao kỹ năng đáp ứng cho các công việc yêu cầu công nghệ cao hơn trong tương lai. Trưởng ban Phát triển số Ngân hàng Thế giới Samia Melhem cho rằng, các chính quyền thành phố cần coi đô thị như một “phòng thí nghiệm sống” với sự tham gia, phân tích và phản hồi tích cực từ người dân cũng như cộng đồng quốc tế. Đặc biệt, cũng cần khuyến khích sáng tạo, phát triển mạnh mẽ tư tưởng của mọi người dân, đặc biệt là giới trẻ, cho họ cơ hội phản hồi và nêu ý kiến. “Không có đô thị thông minh nào trên thế giới chỉ dựa vào công nghệ, mà nền tảng con người mới là quan trọng nhất”, Trưởng ban Phát triển số Ngân hàng Thế giới Samia Melhem nói.
Theo daibieunhandan.vn