Xử lý tro xỉ, thạch cao của nhà máy nhiệt điện, phân bón và hóa chất: Bài học về lựa chọn công nghệ
Xử lý tro xỉ, thạch cao của nhà máy nhiệt điện, phân bón và hóa chất: Bài học về lựa chọn công nghệAug 24, 2020 09:32 AM309 lượt xem

Đây là nhận định được các đại biểu nêu tại phiên giải trình về tình hình xử lý tro xỉ, thạch cao của nhà máy nhiệt điện, phân bón và hóa chất do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức tuần qua. Việc tro xỉ, thạch cao chưa được sử dụng nhiều được Bộ Công thương lý giải do chất lượng than nguyên liệu, thị trường tiêu thụ, chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể và vướng mắc từ quy định pháp luật.

Về lý sẽ khó tồn đọng tro xỉ

Trên thực tế, ở nhiều quốc gia trên thế giới, tro xỉ từ nhà máy nhiệt điện than, hóa học, phân bón được coi là nguyên liệu quý để sản xuất vật liệu xây dựng, nhất là từ khi tìm ra công nghệ bê tông đầm lăn để xây dựng các đập nước lớn. Không chỉ trên thế giới, khi xây dựng thủy điện Sơn La, Giáo sư Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam cho biết, đã từng nghĩ đến phương án nhập tro xỉ với giá ngang bằng với xi măng để thi công hạng mục này. Nhưng do nhiệt điện Phả Lại và liên minh Cao Cường đã tìm ra phương án xử lý tro xỉ nhiệt điện trong nước nên không phải nhập khẩu, giúp tiết kiệm chi phí thi công.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Khánh

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Quang cũng cho rằng, khó có thể tồn đọng lượng thạch cao từ nhà máy hóa chất, phân bón như hiện nay. Bởi lẽ, chỉ riêng các nhà máy xi măng trên cả nước đã có khả năng tiêu thụ 4 triệu tấn/năm, do công suất hiện đạt gần 100 triệu tấn/năm. Đối với tro xỉ từ nhà máy nhiệt điện, hóa chất và phân bón, thì theo báo cáo của Bộ Công thương cũng sẽ thiếu so với nhu cầu sản xuất vật liệu xây dựng phổ thông tính đến năm 2030, chưa kể còn một số nhu cầu sử dụng khác (san lấp mặt bằng, bê tông…).

Về lý sẽ khó có thể tồn đọng tro xỉ từ nhà máy nhiệt điện, hóa chất và phân bón, nhưng thực tế tại các tỉnh Bình Thuận, Hà Tĩnh và Trà Vinh lại xảy ra hiện tượng khác. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hải cho biết, hiện mới vận hành 4 nhà máy nhiệt điện thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, song đã tồn đọng đến 4 triệu tấn tro xỉ/năm. “Khi đưa vào vận hành nhà máy nhiệt điện cuối cùng của Trung tâm này, theo tính toán sẽ có thêm 2 triệu tấn tro xỉ/năm. Nếu không tìm được giải pháp hữu hiệu để sử dụng tro xỉ sẽ khó bảo đảm an toàn bãi chứa, gây ảnh hưởng đến môi trường, tạo lo ngại cho người dân” – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận lo ngại.

Giáo sư Trương Duy Nghĩa cho biết, ngoài tro xỉ của nhiệt điện Phả Lại đã bán hết, thì lượng tiêu thụ của các nhà máy nhiệt điện khác thấp, thậm chí có nơi chỉ chiếm một vài phần trăm, để lại bãi chứa tro xỉ lớn. Thực tế, bãi chứa của nhiệt điện Mông Dương 1 chỉ còn thời gian trữ tro xỉ là 0,8 năm, ở nhiệt điện Duyên Hải 1 là 1,4 năm, nhiệt điện Vĩnh Tân còn 2,9 năm. Nếu cứ tiếp tục tích lũy tro xỉ như hiện nay, Giáo sư Trương Duy Nghĩa chỉ rõ, đến năm 2030, trên cả nước sẽ có 422 triệu tấn tro xỉ tồn tại – là một con số khủng khiếp.

Các quốc gia trên thế giới luôn khuyến khích sử dụng tro xỉ, thạch cao từ nhà máy nhiệt điện, hóa học, phân bón trong xây dựng đường sá, làm phụ gia trong sản xuất xi măng, bê tông, vật liệu xây dựng. Như vậy, tro xỉ không phải chất thải mà là nguồn tài nguyên, mà đã là tài nguyên thì phải sử dụng, không thể để lãng phí như hiện nay. 

Phiên giải trình đã làm rõ nguyên nhân của tình trạng tồn dư nhiều tro xỉ, thạch cao từ nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón. Một phần nguyên nhân là do quy định tại Luật Bảo vệ môi trường, song chủ yếu do hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chưa đầy đủ. Bộ Xây dựng báo cáo cơ bản đủ, nhưng báo cáo của Bộ Công thương cho thấy nhiều quy chuẩn thiếu, giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về xử lý thạch cao cũng cho thấy chưa đủ tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chậm được ban hành, chưa đầy đủ, nên địa phương lúng túng xử lý, gây khó khăn cho quá trình đưa vào sử dụng.

– Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển

Nguyên nhân căn cốt ở đâu?

Báo cáo của Bộ Công thương đưa ra bốn nguyên nhân chính gồm: Về mặt kỹ thuật (chủ yếu do chất lượng than nguyên liệu), thị trường tiêu thụ, chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể và vướng mắc từ một số quy định pháp luật. Nhưng từ góc nhìn của địa phương và các chuyên gia, thì có nguyên nhân từ chậm ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sử dụng tro xỉ vào làm vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng… (chủ yếu thuộc trách nhiệm của Bộ Xây dựng). Thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn nên các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân cũng khó sử dụng vì không biết lượng tro xỉ từ các nhà máy này có hợp quy, hợp chuẩn hay không.

Từ thực tế địa phương, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hải Phòng Bùi Thanh Tùng cho biết, các doanh nghiệp đều kêu trời vì không thể đưa tro xỉ ra ngoài tiêu thụ. Ở đây có thể do ngưỡng an toàn chất thải có nguy cơ gây hại được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra quá cao, hoặc văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ, đồng bộ, nên các đơn vị ở dưới khó thực hiện. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần cho biết vướng mắc lớn nhất ở đây là gì, khi mà văn bản hướng dẫn được khẳng định đã ban hành đủ – Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hải Phòng đề nghị.

Nhưng theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, trong thời gian qua, Bộ đã phối hợp với các bộ ngành ban hành 17 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến sử dụng tro xỉ làm vật liệu xây dựng. Với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện nay, chỉ cần là tro xỉ đạt yêu cầu đã có thể tiêu thụ được 10 triệu tấn/năm. Tất nhiên, hiện còn vướng mắc do doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng rất cần nhà máy nhiệt điện, hóa chất và phân bón phân loại tro xỉ, thạch cao ngay từ đầu, làm rõ đâu là chất thải thông thường, đâu là chất thải nguy hại. Như vậy mới dễ đưa vào sử dụng, không cần mất lượng chi phí không nhỏ cho công tác tuyển loại như hiện nay.

Chưa hài lòng với các lý giải của một số bộ, ngành, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà nêu câu hỏi: Vì sao các chủ đầu tư có điều kiện tính toán trước phương án xử lý, mà giờ lại đẩy bài toán cho Nhà nước và người dân? Tro xỉ từ nhà máy nhiệt điện, hóa chất và phân bón được thế giới xác định là chất thải có nguy cơ gây hại cho môi trường (mức nguy hại 1 sao), thì sao lại cho nhập khẩu công nghệ không xử lý triệt để?

Trước đòi hỏi cấp bách của thực tế và lý lẽ thuyết phục được ĐBQH, địa phương, chuyên gia đưa ra, các bộ ngành cũng đã thống nhất sẽ ngồi lại với nhau để tháo gỡ một số vướng mắc, giúp đẩy mạnh sử dụng tro xỉ, thạch cao. Nhưng quan trọng hơn cả, phiên giải trình này đã chỉ ra bài học kinh nghiệm cho lựa chọn công nghệ khi tiếp tục thực hiện Sơ đồ phát triển điện lực VII sửa đổi, cũng như đầu tư nhà máy hóa chất, phân bón trong thời gian tới.

 

Theo Báo điện tử Đại biểu Nhân dân